Một trong những vấn đề
quan trọng nhất trên con đường tu tập của chúng ta đó chính là làm thế nào để
có được những hành động đóng góp hữu hiệu và thích đáng đối với thế giới chung
quanh bằng một lý tưởng sống đặt cơ sở trên trí tuệ thiền định: vô cầu, vô chấp
cùng với một trí tuệ thấu suốt bản chất rỗng tuếch của vạn hữu. Ở đây chúng ta
cần phải có một câu hỏi rằng có sự khác biệt nào giữa những tâm hồn vẫn dấn
thân cô độc trên con đường giải thoát.
Ðể trả lời câu hỏi này,
trước hết, chúng ta cần phải biết qua bài học về Bốn Pháp Phạm Trú (tức bốn
pháp Tứ vô lượng tâm): Từ, Bi, Hỷ, Xả, cùng những hình thái đối lập chúng, mà
gọi theo từ chuyên môn trong Kinh điển thì là "Những kẻ thù gián
tiếp". Những hình thái ý thức mang tính đối lập này xem ra có vẽ gần gũi
với các pháp Phạm trú tương ứng và có thể nói rằng giữa cả hai có một giới
tuyến rất khó khu biệt. Ngay bây giờ chúng ta hãy bắt đầu đi thẳng vào từng vấn
đề một.
Kẻ thù gián tiếp lòng Từ
là sự ái luyến. Về hình thức, sự ái luyến rất dễ khiến ta nhầm lẫn nó với Từ
tâm. Khi ta nói: "Tôi sẽ yêu em nếu em yêu lại tôi", thì đó chính là
lòng ái luyến, hoặc nếu là lòng Từ thì đó cũng chỉ là thứ lòng Từ mang tính đổi
chác, bán buôn. Hay đại loại những suy nghĩ: "Tôi sẽ thương hắn cho đến
khi nào hắn vẫn như bây giờ; tôi sẽ thương cô ta nếu như cô ta có được những
cái tôi thích;... " Tất cả những suy nghĩ như vậy hoàn toàn không hề là Từ
tâm, mà chỉ là lòng ái luyến. Thực ra giữa Từ tâm với lòng ái luyến có một sự
khác biệt rất lớn: một bên là bao gồm tính vị tha, tôn trọng và hiểu biết, còn
một bên là sự chấp thủ, đòi hỏi và vụ lợi, hay ít nhất cũng là một ý đồ toan
tính nào đó. Một khi chúng ta bị nhầm lẩn Từ tâm với sự ái luyến thì mối quan
hệ giữa chúng ta với mọi người chung quanh tự nhiên sẽ có một khoảng cách, bởi
vì cái gọi là tình thương của chúng ta đối với tha nhân lúc này rất có thể bất
đồng mang ý nghĩa vụ lợi. Và cái gọi là lòng Từ đó bây giờ tuyệt đối còn không
đáng được gọi là Từ Vô Lượng tâm nữa rồi bởi đối tượng của nó chỉ dành riêng
cho một số người mà thôi.
Một lòng Từ thật sự phải
là thứ tình thương bao la, không phân biệt với một khả năng giao hòa ở khắp mọi
đối tượng, không bị lệ thuộc và giới hạn bất cứ một điều kiện gì. Trong tinh
thần Từ tâm đó chúng ta có thể bao dung cho tất cả những người mà trước đây
mình chưa hề có thiện cảm. Chúng ta có thể không song hành, cộng tác hay chung
sống với họ nhưng hãy tự học hỏi cách tha thứ cho họ. Một lòng Từ thực sự và
đúng mức có thể trở thành một điều kiện tối ưu để ta hoán chuyển mọi tình
huống. Từ tâm không hề mang ý nghĩa một sự đồng tình mang tính thụ động. Nó
phải là một sức mạnh năng động và trong cuộc tu của mỗi người nó là một sự cãm
nghiệm hướng đạo. Trong Thánh kinh Tân ước và cả Meher Baba cũng đều nói rằng
một tình thương thật sự không bao giờ bị chiến bại và khuất phục. Ðại ý của câu
nói đó có ý nghĩa rằng một tình thương có đủ những chi tiết như vừa nói trên
thì không một trở lực có thể làm rào cản ảnh hưởng đến nó đuợc. Thậm chí một
tình thương thật sự luôn đủ là câu trả lời cho mọi vấn đề. Ðó là một quy luật
quan trọng và cũng là một bài học tâm linh mà mỗi người chúng ta phải thuộc nằm
lòng. Chính Ðức Phật cũng đã dạy: "Thù hận không thể được chấm dứt bằng
thù hận mà chỉ có thể bằng tình thương thôi".
Kẻ thù gián tiếp của Bi
Tâm chính là lòng thương hại tiêu cực, một kiểu bi lụy hay xúc động nữ tính.
Thay vì là một thái độ trắc ẩn, xót thương của một tấm lòng phơi mở, người có
thói quen mềm lòng bi lụy lại còn có thêm những phản ứng yếu đuối dưới một hình
thức biểu hiện nào đó. Mà thái độ bi lụy kiểu này thì quả thật không cần thiết
trước những đau khổ của tha nhân. Nó chỉ làm khoảng cách giữa ta với người mỗi
lúc một lớn rộng thêm thôi. Có nghĩa rằng chúng ta vẫn chỉ là một khán giả xa
lạ trước nỗi đau của người khác. Ở đây, với một định nghĩa chín chắn hơn, Bi
tâm là sự cảm thông trọn vẹn và đầy hiểu biết trước một hình ảnh thương tâm.
Chúng ta bình tĩnh san sẻ nỗi đau khổ của người với một sớt chia nhiều ý nghĩa:
Ta rất hiểu nỗi đau đó bởi nó cũng là cái giá phải trả cho một kiếp người và
chính ta, trong cuộc đời mình, dĩ nhiên cũng luôn sẵn sàng nếm trải nó!
Như vậy Bi tâm là một
lòng bất nhẫn hết sức đặc biệt bởi đối tượng và tác động của nó không chỉ dành
riêng cho ai hết. Mà nét đặc biệt hơn nữa là Bi tâm hoàn toàn sẵn sàng phơi mở
trước mọi đối tượng cùng tình huống đã đành, Bi tâm ở đây còn là một thái độ
sẵn sàng dung chứa, độ lượng, thậm chí chào đón tất cả khổ lụy trần gian vào
trái tim mình để nuôi lớn trí tuệ cảm thông!
Pháp Phạm Trú thứ ba còn
được gọi là Hỷ tâm, nhưng để rõ nghĩa hơn, ta có thể gọi là Tùy Hỷ. Ðó là một
tâm trạng luôn sẵn sàng chung vui một cách chân thành trước những hạnh phúc của
người khác. Tâm thái có nguy cơ phương hại cho Pháp Phạm trú này là tâm lý đố
kỵ, so đo. Nó buộc ta có những tự ti hay tự tôn khi nhìn về người khác. Và dĩ
nhiên trong môt tâm lý sống như vậy, coi như mối tương quan giữa chúng ta với
tha nhân đã có vấn đề, và điều có nghĩa là ta cũng đã tự cô lập mình với cuộc
đời chung quanh rồi.
Bởi chính bản chất của tâm trạng so mình với người về
những thành đạt hạnh phúc, một tâm nặng tính bản năng, đã là cội nguồn cho biết
bao nổi khổ tâm, cực lòng của chúng ta. Thay vì một tấm lòng Tùy Hỷ thiệt thà,
chúng ta có thể tìm được vô vàn niềm vui có được từ sự san sẻ và giao hòa với
hạnh phúc của tất cả chúng sanh vì ta đã học được cách lấy niềm vui của người
làm niềm vui cho mình, giao cảm với muôn loài và niềm hạnh phúc của bất cứ ai
cũng có thể mang lại cho ta nụ cười thật sự.
Cuối cùng chúng ta lại
nói về Pháp Phạm trú thứ tư, tức Xả Phạm trú, một tâm thái an nhiên và điềm
tĩnh không bị tác động với một thứ tình cảm sôi động nào. Kẻ thù dấu mặt, tức
tâm trạng đối lập tinh vi đối với Pháp Phạm trú này chính là thái độ vô tâm,
thiếu trách nhiệm. Chúng ta thường thấy ở nhiều người hoặc thậm chí ngay ở bản
thân mình vẫn luôn có thái độ tâm lý này, từ chính đời sống cá nhân cho đến các
mối quan hệ khác: gia đình, công việc và xã hội. Thái độ thiếu trách nhiệm đó
cứ liên tục gây tạo ở chúng ta những nếp sống, nếp nghĩ, thì ở với mọi sự, coi
như tất cả chẳng dính dáng gì đến mình.
Suy cho cùng, đó là một thái độ sống
trốn chạy, tiêu cực và lười nhác. Trong khi một đời sống nội tâm có ý nghĩa
đích thực luôn đòi hỏi chúng ta một xung phong năng động, tích cực và bản lĩnh
dấn thân. Chúng ta thường mắc phải một sai lầm khi cứ nghĩ rằng lối sống vô tâm
và thiếu trách nhiệm đó có thể mang lại cho mình một cảm giác thanh thản, an
bình cụ thể. Nhưng chúng ta có biết đâu rằng một nếp sống bỏ ngỏ như vậy luôn
có phương hại và làm cách ly cảm nghiệm của chúng ta về thực tại, đồng thời nó
cũng làm vô hiệu hóa sức sống bản thân.
Một tâm Xả phạm trú chín
chắn không hề là môt thái độ trốn chạy, mà ngược lại, là một khả năng phơi mở
toàn bộ nhân sinh quan của chúng ta. Xả phạm trú luôn có tác dụng giàn xếp cuộc
sống của chúng ta bằng một nguồn tâm lực luôn được quân bình, cộng thêm một cái
nhìn sáng suốt về bản chất của tất cả vạn hữu. Dầu cho vạn vật trên đời chỉ là
những hình sương bóng khói nhưng ít ra, chúng ta cũng phải cần đến một sinh
phong hợp lý với tất cả sự trân trọng. Ðạo Nguyên, là một thiền sư trứ danh của
Nhật Bản đã từng có câu nói hết sức thâm thúy: "Các đóa hoa dù có rụng
xuống thì đời vẫn thương chúng, còn cỏ dại dù có xanh tốt đến mấy cũng chẳng có
ai thương".
Ðó là thói đời, khi biết đem áp dụng Xả phạm trú vào chính đời
sống của mình, thì chúng ta có thể nhận hiểu được một vấn đề sâu sắc rằng cái
gọi là Thế Giới chẳng qua chỉ là một tập hợp của những hiện tượng rỗng tuếch và
vẫn với trình độ trí tuệ đó, chúng ta sẽ sống hết mình với thực tại bằng chính
sự giao cảm trọn vẹn với nó. Xả phạm trú là vòng tay bao dung có thể ôm trọn
vạn hữu một cách bình đẳng: thương và ghét chỉ là một, ở đây không có gì là để
ta đồng tình hay chống đối một cách nông nỗi, trẻ con - hạnh phúc và đau
khổ,... tất cả đều được xem là đồng trị.