Sunday, June 5, 2016

Trí tuệ (Tuệ)

 Trí Tuệ ở đây tuy có từ nguyên Pàli là Pannà nhưng trong trường hợp này tạm thời được xem như đồng nghĩa với Vipassanà mà ta vẫn hiểu là Trí Tuệ Nội Quán, Như Thật Tri Kiến, tức khả năng nhìn thấy được bản chất như nhiên của tất cả các pháp. Dầu được ám chỉ bằng từ ngữ nào thì thuật ngữ "Trí tuệ" ở đây cũng vẫn có nghĩa là khả năng thấu thị tinh tường bản chất của các cảm nghiệm về thực tại. Khi Ðịnh Tâm và Chánh Niệm được phát triển đúng mức thì Trí Tuệ Nội Quán cũng sẽ tự hình thành. Ðó là một thứ Trí Tuệ trực giác, không thông qua lăng kính lý tính để có thể hướng đến một đạo lộ như thật. Trong Phật Giáo, Trí Tuệ được phân tích ra ba hình thái:

Hình thái trí tuệ thứ nhất là một cái nhìn thấu suốt về bản chất vô thường của vạn hữu, tức thế giới hiện tượng. Bản chất vô thường của vạn vật nói chung có thể được nhìn thấy ở nhiều cấp độ khác nhau tùy theo sức mạnh của Ðịnh Tâm. Nhưng dầu có nhìn nó từ một trình độ nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn thấy mọi thứ trên đời sinh hóa và chuyển dịch một cách thường trực: từ đất đai, thời tiết, khí hậu, các cơ chế xã hội cùng tất cả nền văn minh... kể cả những quan hệ đối giao, tấm thân sinh lý cùng mọi vận động ý thức của chúng ta đều thế cả. 

Một khi nội tâm chúng ta tập trung cao độ thì khả năng tỉnh thức về quy luật vô thường cũng càng trở nên tinh tế hơn. Khi Ðịnh Tâm và Chánh Niệm đã được tu dưỡng đến một mức độ năng lực đúng mức, có nghĩa là khả năng thiền định của hành giả đã đạt đến một trình độ lơn mạnh thì kiến giải vế bản chất vô thường của các vận động tâm sinh lý lúc này cũng càng trở nên chín chắn hơn và đồng thời nó cũng thành ra môt thứ cảm nghiệm được tác động liên tục bởi các nguồn đạo lực khác để hành giả có thể nhìn ngắm rõ rằng từng đơn vị cấu tố chính cảm nghiệm đó luôn sinh diệt. Và từ đây, người hành giả mới có thể thấy rằng thực ra trên đời này không có một thứ gì mà mình ôm ấp, bám víu cả.

Hình thái trí tuệ thứ hai chính là sự nhận ra bản chất đau khổ của tất cả Hiện Hữu. Chỉ cần một phút giây nào đó, chúng ta ngồi lại để lắng tâm rồi nhìn ngắm vào từng cảm nghiệm tâm sinh ký của mình, chúng ta sẽ có dịp để có thể thấy rằng toàn bộ thế giới tâm lý và vật lý này chỉ là một không gian tồn tại cho tất cả những gì luôn vô thường và bất toàn. Một hình ảnh tâm vật lý nào đó xuất hiện trong lòng hay trước mắt ta, tất cả chỉ là những bọt nước phù du. Ðừng quá bận tâm để níu giữ nó lại mà hãy biết hồn nhiên để mặc nó đi qua. Tất cả Hiện Hữu chỉ có mặt bằng một quy trình lắp ghép và tồn tại ngắn hạn. 

Chúng ta hãy khách quan và vô tư nhìn ngắm mọi thứ mà không hề lệ thuộc vào chúng. Tất cả tự đến rồi tự đi, bởi trong thế giới hiện tượng khói sương này hoàn toàn không có một thứ gì được đảm bảo an toàn cả, thậm chí đó là đời sống và hạnh phúc của một bậc Ðế Vương. Tất cả những gì mà chúng ta vẫn thường ôm ấp, chấp thủ vẫn chỉ là những ảo ảnh hoang đường. Thi hào người Ðức Rilke đã gọi thứ hạnh phúc ảo tưởng đó là "Một kiểu thu hoạch vội vã của một vụ mùa thất bại".

Ðức Phật dạy rằng hành trình tìm đến sự giác ngộ chẳng khác gì một cuộc bơi nước ngược dòng, bởi con đường đó gần gần như đối lập lại với tất cả quan niệm sống đời thường. Nếu chúng ta thật sự muốn hiểu mình là cái gì trong thế giới này thì vấn đề cơ bản là chúng ta phải tự biết khám phá ra cái gọi là cội nguồn và bản chất của tất cả đau khổ: Nó có mặt ra sao và chúng ta đã có phản ứng gì đối với nó. Giáo lý Ðức Phật đã dạy ta một điều hết sức quan trọng rằng lòng ham muốn trong những gì luôn vô thường, thay đổi chính là cội nguồn cho tất cả khổ lụy trong cuộc sống của mình. Nhưng bằng cách nào để ta có thể chấm dứt tất cả ham muốn và khổ lụy đó? Vấn đề ở đây chính là một sự ý thức chín chắn: Có biết được mình đang nắm trong tay một hòn than cháy đỏ thì chúng ta mới có thể nghĩ đến việc quăng bỏ nó đi. Có hiểu được bản chất của những gì mà mình đang đối diện thì chúng ta mới có thể nghĩ đến việc giải quyết, xử lý chúng một cách thích đáng.

Còn tự khép kín khả năng ý thức của mình để cam tâm gánh chịu tất cả khổ lụy thì xem như chúng ta vẫn cứ tiếp tục dại khờ nắm chặt trong lòng tay mình một hòn than nóng bằng não trạng của người bất tỉnh hay một kẻ mất trí. Với sự chi phối của nền văn minh hiện đại hôm nay trên thế giới, việc quan tâm đến những bề trái mang tính bi kịch của đời sống luôn bị xem là một thái độ bi quan, một nhân sinh quan tiêu cực. Mặc dù có đôi lúc chúng ta vẫn có những phút giây bận lòng, xúc động trước những hình ảnh bệnh hoạn, già cả và chết chóc, nhưng hầu như ta vẫn cứ có những cảm giác tự an lòng và nhìn về mọi sự bằng một ánh mắt của kẻ bàng quan, cứ như là mình sẽ chẳng bao giờ phải đi qua những giai đoạn buồn thảm đó. Chúng ta thường có khuynh hướng thơ mộng hóa chuyện đời mình mà quên đi những bất trắc đen tối luôn có thể xảy ra cho chính mình. Chẳng hạn những cơn trọng bệnh hoặc những ngày tháng cô đơn, tẻ nhạt của tuổi già... Chính thái độ tâm lý này đã khép chặt đôi mắt của chúng ta đối với bản chất thật sự của đời sống.

Nói cho cùng, chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian cho mục đích đáp ứng những nhu cầu sống không cần thiết và ý nghĩa. Trong khi đối với những ảo tưởng đời sống như mộng, như huyễn đó chúng ta vẫn có thể tìm được những khám phá hết sức sâu sắc. Chúng ta cứ mãi lãng quên mình trong cái "tuồng ảo hóa" chất đầy biết bao là những bôn ba, bươn chải với vô vàn sinh hoạt thường nhật và xem đó là toàn bộ cuộc Hiện Hữu của mình: Mỗi ngày thức dậy, lo chuyện vệ sinh cá nhân, uống ăn, làm việc, giao tiếp rồi cùng là những thú tiêu khiển khác. Chúng ta cứ triền miên xoay vần cái vòng sinh hoạt bất tận đó, tự trói mình vào những ảo tưởng hạnh phúc xem ra có vẻ an toàn với nhịp đời chung quanh để rồi chẳng màng gì đến dòng chảy vô thường và bất trắc của đời sống. 

Thái độ sống dung dị và tri túc có thể được xem là bí quyết để phát triển trí tuệ và tình thương, sự giao hòa và cảm thông đối với cuộc đời quanh mình. Sự tỉnh thức đối với tất cả đau khổ là ngọn lửa mà mỗi người chúng ta cần thiết phải tự thắp lên trong chính tâm hồn mình, đó là một ngọn lửa có tác dụng đánh thức mọi nguồn đạo lực, thiêu hủy mọi trở lực. Càng mở rộng nhãn quan để nhìn ngắm tất cả đau khổ thì chúng ta càng được an lành, một nguồn tịnh lạc thật sự trọn vẹn ngay trong chính đời sống của bản thân.

Từ cơ sở trí tuệ về quy luật vô thường và khổ não, một hình thái trí tuệ thứ ba sẽ được hình thành: Ðó là trí tuệ về bản chất vô ngã của vạn pháp. Chỉ cần một cái nhìn sâu sắc đúng mức vào bản chất của từng chuỗi vận động tâm sinh lý, một chân lý kỳ diệu sẽ hiển hiện cho chúng ta rằng tuyệt đối không có một cái gì khả dĩ là một cái Tôi. Mỗi người chúng ta chỉ là một quy trình biến dịch, sinh diễn trong mỗi giây phút mà thôi. Ngoài ra chẳng còn là "Một cái gì" nữa.

Có một vấn đề mà ta cần phải lưu tâm là cho dầu có cảm nghiệm được quy trình vận động vô thường của vạn hữu nhưng nếu đó chỉ là một thứ trí tuệ lý tính thì coi như những cảm nghiệm đó của chúng ta cũng chỉ là những khái niệm máy móc. Bản chất của tâm sinh lý chúng ta là một dòng chảy liên tục và những từ ngữ mà chúng ta vẫn sử dụng để diễn đạt nó, cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi. Chúng ta có thể rơi vào tình trạng ngộ nhận thảm hại là "Trông gà hóa cuốc" bằng những khái niệm sai lầm thông qua những dụng ngữ diễn dịch và thậm chí còn bị chúng dẫn dắt, hướng cái nhìn của chúng ta về thế giới, về một khái niệm ngã chấp: Những chủ thể lý tưởng cho một cái Tôi.

Ngay bây giờ, ta hãy làm một thử nghiệm đơn giản và thú vị: Vỗ hai bàn tay vào nhau rồi lắng nghe. Ngoài sự va chạm và cảm giác ấm lạnh ra, có còn cái gì khả dĩ để gọi là "bàn tay" hay không? Bằng vào sự cảm nghiệm trực tiếp đó, ta sẽ thấy rằng cái gọi là "bàn tay" ở đây chỉ là một khái niệm, một sự huân tập của các cảm giác ảo tưởng. Cái mà chúng ta vẫn gọi là "Tôi" cũng chỉ là một khái niệm giả lập được định danh từ sự hiện hữu phù du của các hiện tượng tâm sinh lý luôn sinh diễn không ngừng.

Hay vào một buổi đêm tối trời nào đó, chúng ta hãy một mình im lặng nhìn lên các chòm tinh tú trên vòm trời. Tinh tú nào là sao Hôm, sao Mai hay sao Sâm, sao Thương? Trong không gian vô tận của vũ trụ có biết bao là những thiên thể, chúng ta căn cứ vào từng quần thể của chúng mà gọi tên thành từng chòm sao, rồi trong mỗi chòm sao này, ta lại tiếp tục định danh từng ngôi sao theo hình dáng của nó hoặc theo một ý nghĩa lịch sử nào đó. Mà thực ra có tinh tú nào là sao Hôm, sao Mai, Ðại Ngư, Tiểu Hùng, Sâm, Thương... nào đâu! Chúng chỉ là những đóm ánh sáng phản xạ từ mặt trời vào các thiên thể mà thôi.

Trong giáo lý thiền quán cũng thế, cái gọi là "Tôi, của Tôi" chỉ là phản quang từ sự tồn tại, hiện hữu của các ảo tượng tâm vật lý bao gồm những hình ảnh, âm thanh mùi vị, cảm xúc cùng các vận động ý thức, những hiện tượng luôn vô thường, thay đổi.
Ảo giác về các hiện tượng là cội nguồn cho tất cả ngã chấp, những khái niệm mang tính tập quán. Hiểu được điều này, coi như ta đi qua một đoạn đường vô cùng quan trọng trong Thiền quán.

Ðể thấy được sao Hôm, sao Mai không phải là sao Hôm, sao Mai thì quả là một việc vô cùng khó khăn, Bởi từ trong sâu thẳm, chúng ta đã "là chúng ta" với một khái niệm chai cứng về cái Tôi. Có bỏ được ngộ nhận sao Hôm, sao Mai thì chúng ta mới vất nổi ý niệm về cái Tôi. Mà ý niệm ngộ nhận đó, từ lâu nay đã là cốt tủy cho mọi vận động ý thức của chúng ta rồi. Chúng ta bị nó đồng hóa, chiếm hữu và tệ hại nhất là đã bằng mọi giá bảo vệ nó. Thế giới ngoại tại cùng mọi sinh hoạt tâm sinh lý của chúng ta đã bị đánh giá qua lăng kính của cái Tôi đó.

Chúng ta đã đến lúc phải tự biết quay lại thôi: Trong từng phút giây thu xếp lại khả năng cảm nghiệm của mình về cái thất bại của khái niệm ngã chấp, một cái Tôi ảo tưởng và bắt đầu phá hủy tất cả những thành lủy của nó, những rào cản cảnh vệ khốc liệt cho một cái Tôi giả lập.

Trình độ trí tuệ của chúng ta ở đây sẽ được nuôi lớn bằng một niềm tin chín chắn và đúng mức bởi chính chúng ta đã tự thấu thị bản chất như thật của đời sống bản thân thông qua những vận động sinh hóa của tâm lý nội tại. Vì xét cho cùng, con đưỡng tu tập nội quán chính là một cuộc hành trình của từng khía cạnh cảm nghiệm. Ðó là một cuộc đi có thể được khởi hành từ bất cứ nơi đâu và lúc nào. Chẳng hạn ngay tại đây và bây giờ!

Hãy nhớ rằng đây chỉ là một cuộc đi chứ không phải là một trận chiến. Do đó, trong công phu nội quán, ta tuyệt đối không hề cần tới một phản ứng mang tính đối đầu hay xung đột nào đối với tất cả thực tại sở tri xảy đến cho mình. Bởi chỉ với một khả năng chú niệm tinh xác, một thái độ cảm nghiệm thật sự phơi mở, trong từng chớp mắt, bộ mặt của thực tại sẽ tự khắc lộ diện để cùng lúc đó trí tuệ thiền định cũng sẽ tự hiển hiện như tuân theo một quy luật cố nhiên là muôn hoa cứ chờ xuân về để nẩy trổ.

Năm nguồn đạo lực vừa trình bày trên đây đều là những nhân tố thiết yếu mang giá trị đồng vị cho hành trình giác ngộ. Nhưng một điều hết sức quan trọng là chúng phải luôn cùng có mặt trong một sự kết hợp đồng nhất. Ðạo lực này tương trợ cho đạo lực kia một cách thích ứng và hợp lý. Chỉ cần sự thiếu mất sự cho nhau, một trong năm đạo lực chắc chắn sẽ vô hiệu, thậm chí rơi vào tình trạng phản tác dụng. Do đó Trí tuệ phải cần tới niềm tin để không trở thành thứ trí tuệ duy lý, niềm tin thiếu trí tuệ sẽ trở nên mù quáng; Tinh tấn cần thiết cho định tâm để nguồn đạo lực này được ổn định... Cứ thế, các nguồn đạo lực hổ tương cho nhau và trên hết, Chánh niệm là nhân tố tối cần cho tất cả các nguồn đạo lực.

Ngoài ra còn có những con đường khác để phát huy và ổn định năm nguồn đạo lực trên đây nữa. Trước hết là sự phản ảnh, suy tưởng trong từng phút giây -- tất cả những gì đang xảy đến và sẵn sàng biến diệt đi. Chỉ cần ghi nhận được bản tướng luân lưu tương tục này của các thực tại thì chúng ta sẽ có được từng phút giây cảm nghiệm thật sự trọn vẹn, thấu đáo và an nhiên, tự tại.

Con đường thứ hai để trưởng dưỡng các nguồn đạo lực là thái độ nghiêm cẩn và sống trọn vẹn, hết mình với lý tưởng thiền định. Giáo lý của Ðức Phật là một là một đường hướng sinh phong kỳ diệu khả dĩ mang lại cho chúng ta một nguồn an lành không gì sánh được. Chính nhờ đặt mình vào một phép sống đúng mức, chúng ta sẽ cùng lúc tự hàm dưỡng cho mình những giá trị đạo hạnh khác để cuộc mình trở nên hữu ích và ý nghĩa hơn.


Những dòng sau cùng mà cũng là đôi lời nhắn gởi của người viết bài này cho một số hành giả là đừng bao giờ tự thỏa mãn quá sớm trong cuộc tu của mình bằng những ngộ nhận về một khả năng tâm linh, một trình độ trí tuệ nào đó cả. Vì hấu hết chúng ta đều có khuynh hướng sống khẩn trương nếu không muốn nói là vội vã một cách cẩu thả. Chúng ta cứ muốn dốc sức tranh thủ để "sớm được giác ngộ" trước khi chết mà thường thì rất hiếm người chịu khó trang bị sẵn cho mình một chút hành lý nào khả dĩ dúng mức.

 Vậy thì từ trong cả cuộc tu lẫn đời sống thường nhật, từng người chúng ta nên tự làm thăng hoa và nuôi lớn năm nguồn đạo lực như là tất cả những gì cần thiết nhất mà mình phải thực hiện để sống và vượt.