Tuesday, June 14, 2016

Tất cả thực ra chỉ được khai sinh từ một đầu mối ngã chấp.

 Chúng là một chuỗi dài liên lụy với nhau và chỉ cần giải quyết được một mắt xích thì coi như ta đã có thể giải quyết hoàn tất những câu hỏi còn lại. Ðể rồi từ đây chúng ta mới học được một vấn đề quan trọng là tình thương song hành với ngã chấp chỉ là một thứ tình thương có giới hạn. Còn một tình thương thật sự vô hạn thì chỉ được bắt nguồn từ một tâm hồn tỉnh thức liên tục về định lý Vô Ngã.

Về những khái niệm Nhân Ngã Bỉ Thử trong Thiền Ðịnh như vừa nêu trên đây, ta có thể hiểu rõ ràng hơn qua giai thoại truyền kỳ sau đây của Phật giáo Bắc Tông. Người ta kể lại rằng ngày xưa bên Trung Hoa có một vị lão tăng tu hành tinh tấn và nếp sống thanh tịnh như một ông Thánh, nhưng dù có cố gắng đến mấy, trong suốt nhiều năm trời, ông vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thực sự chính chắn về cái "mình". Do đó, dĩ nhiên xem như ông vẫn chưa đạt được cùng đích của sự yên tĩnh tâm hồn. Thế rồi ông vào gặp vị thầy và xin phép được ra đi sống đời hành cước để may ra có thể tìm được câu trả lời cho công án Thiền định đó của mình. Vị thầy biết học trò mình đã đến lúc có thể giác ngộ nên liền đồng ý.

Với chiếc bình bát và một ít vật dụng cần thiết, vị lão tăng đã rời khỏi thiền viện, một mình đang lang thang từ thành phố này sang thành phố khác. Mục đích của ông là tìm lên một ngọn núi và ngay tại ngôi sơn thôn cuối cùng có đường dẫn lên núi, vị lão Tăng đã gặp một cụ già đang quảy chiếc bị lớn sau lưng. Cụ già đó thật ra chính là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hiện đến để tiếp độ vị lão Tăng nhưng dĩ nhiên vị này không hề biết được điều đó. Cụ già hỏi vị lão Tăng đang muốn đi đâu. Vị lão Tăng đã kể lại hết chuyện mình cho ông nghe.
Vừa nghe xong mục đích cầu pháp của vị lão Tăng, cụ già chẳng nói gì và thật lạ lùng, ông ném chiếc bị của mình xuống đất. Tương truyền rằng ngay lúc đó vị lão Tăng lập tức liễu ngộ.

Câu chuyện trên đây quả là một gợi ý lớn cho chúng ta. Bổn phận và lý tưởng tu tập của chúng ta chính là sự vất bỏ mọi thứ: Chẳng hồi ức, không hoài vọng, buông bỏ tất cả sự chấp thủ âu lo, thành kiến, ý niệm, nói chung là toàn bộ những gì được khai sinh từ cái Tôi, của Tôi.

Câu chuyện trên đây còn tiếp theo rằng vị lão Tăng ngay sau khi liễu ngộ được công án mà mình đã dốc sức cực lòng suốt mấy mươi năm qua, ông nhìn sững vào cụ già trước mặt mình rồi nói: "Kẻ hạ Tăng này phải đối xử ra sao với Ngài?". Cụ già mĩm cười rồi cúi xuống nhặt lấy chiếc đãy, tiếp tục con đường đi vào một thị trấn gần đó.

Trong cuộc tu của mình, chúng ta phải tự biết giải quyết những gì vẫn giới hạn bản thân. Trước hết, đó là sự hiểu biết về tất cả những gì mà mình vẫn cưu mang: Chúng ta phải nhìn thấy những đau khổ buồn phiền, những ước mơ của bản thân, thấy được mối quan hệ của mình với từng thứ và xem chuyện sống chết như là một trò đùa của vạn hữu. Nếu chúng ta không dám đối mặt với tất cả khổ lụy, còn sợ chết, sợ mất mát một thứ gì đó và đặc biệt là không muốn nhìn thấy những gì bất toại, thì xem như tất cả khổ lụy vẫn mãi mãi là những món nợ mà chúng ta không bao giờ trả nổi. Chúng ta vẫn luôn sống đối lập với chính mình: chạy trốn đau khổ rồi lại tiếp tục đi tìm kiếm mang nó về. Chỉ khi nào chúng ta có được một cái nhìn thấu thị về bản chất của đời sống thì chúng ta coi như đã đặt xuống những khổ lụy. 

Cũng như mỗi lần chúng ta giàn xếp được một khổ lụy thì với trí tuệ và tình thương, chúng ta lại tiếp tục làm thăng hoa chúng thêm lần nữa. Nhưng hãy nhớ đấy, thái độ sống từ bỏ tất cả không phải là dễ dàng, cho dù chúng ta có thực hiện một cách máy móc thậm chí có dốc toàn lực bởi cái gì trên đời này cũng phải có cái giá trị để trả cả.

Mấy năm trước đây, chúng tôi có dịp làm việc với Mad Bear, một người y sỹ nổi tiếng. Lần đó, trong một buổi nói chuyện, ông đã mời tất cả chúng tôi cùng ông đi ra ngoài một khỏang đất trống thật rộng rồi ông yêu cầu tất cả hãy đứng im lặng trong một vòng tròn. Mọi người làm theo lời ông, và chung quanh chúng tôi lúc đó là cả một bầu không khí thật im lặng, phía trên kia là một bầu trời thật đẹp và chung quanh chỗ chúng tôi đứng là một đồng cỏ bát ngát kéo dài đến tận chân trời. Lúc bấy giờ, Mad Bear đã bắt đầu cuộc nói chuyện mà trước hết là những lời nói có vẻ giống như những câu cầu nguyện. 

Ông hồn nhiên nói về mọi sự một cách tự nhiên mà cũng hết sức lạ lùng. Ông tỏ lời cảm ơn những con giun đất mà chất bài tiết của chúng đã nuôi lớn cây cối. Ông cảm ơn từng ngọn cỏ trên mặt đất đã thu giữ lại những bụi bặm cho không khí được trong lành hơn, cho từng bước chân trần của ta được sạch sẽ và đôi mắt của chúng ta có được một thảm xanh tuyệt vời để nhìn ngắm. Ông cảm ơn những cơn gió đã mang mưa về làm trong lành bầu không khí của trái đất, những cơn gió đã mang lại cho muôn loài từng hơi thở sinh tồn... Ông nói nhiều lắm, vẫn là những lời cảm tạ thế giới tự nhiên, trong gần cả một giờ đồng hồ và chúng tôi đã lắng nghe ông nói, từng câu từng chử với tất cả ý thức trọn vẹn nhất. Chúng tôi đã cảm nhận được từng luồng gió thổi qua khuôn mặt mình, cảm nhận được mặt đất đang nâng đỡ bàn chân chúng tôi, chúng tôi đã nhìn ngắm cỏ cây và mây trờibằng tất cả cảm xúc giao hòa, biết ơn và yêu thương.

Ðó chính là bài học cho cuộc tu của tất cả chúng ta: yêu thương mà không ái luyến, liên tục tỉnh thức để phơi mở tâm hồn và đón nhận chân lý trong mỗi mỗi phút giây. Còn tinh thần lợi tha ở đây, trong định nghĩa ngắn gọn nhất, chính là cảm giác thân thuộc, giao lưu với vạn vật, một thái độ sống đáp ứng hợp lý và cần thiết đối với cuộc đời. Ở bất cứ không gian, thời gian nào chúng ta cũng đều có thể biểu hiện lòng vị tha của mình: từ trong cuộc sống gia đình, hay nếp sống ở tự viện, cũng như trong bất cứ tư thế nào mà mình đang có. Cuộc tu ở đây không lấy năm, tháng, ngày, giờ làm đơn vị thời gian, mà là trong từng phút giây, từng hơi thở.

J. K.