Saturday, June 18, 2016

Lần đó, có một vị sư mới tu mà cũng là một tân Thiền sinh tìm đến gặp Ngài Thiền sư Achaan Chaa

 (một Thiền sư người Thái trứ danh) rồi thưa với Ngài đủ thứ chuyện, từ đời sống bản thân cho đến các bè bạn đồng tu trong tự viện, mà đáng kể nhất là vị này đã có một nhận xét trực tiếp về Ngài:

- Con thấy hình như Ngài chẳng giúp được gì cho con cả. Con chẳng biết phải làm sao với những lời hướng dẫn của Ngài. Bữa nay, Ngài nói thế này, hôm sau Ngài lại nói thế khác. Con nghĩ rằng một người như Ngài, vẫn được xem là một Thiền sư sở hữu được một trí tuệ khác người, mà tại sao lúc nào cũng tự mâu thuẫn với mình như vậy?

Ngài Achaan Chaa bật cười rồi giải thích:
- Những hướng dẫn Thiền định của tôi chỉ luôn có một ý nghĩa là giúp người khác ổn định tâm hồn của mình. Tôi vẫn xem các Thiền sinh ở đây là những người khách bộ hành đang từng bước dò bước trên những con đường đầy những sương mù mà tôi là một hướng dẫn viên có chút ít kinh nghiệm về con đường đó. Tôi thấy ai trong đoàn sắp lạc bước qua bên phải hoặc bên trái một cách nguy hiểm thì tôi lập tức lên tiếng cảnh báo. Tất cả chỉ có vậy thôi.

Vấn đề cơ bản của thiền Ðịnh là ổn định hóa thân tâm. Một khi nhận ra được rằng mình đang ở vào một trường hợp thiếu ổn định nào đó do sự tác động của các phiền não, đặt biệt là một ham muốn, thì lập tức buông bỏ nó đi để quay lại chính mình, nhìn ngắm mmọi thực tại đang diễn ra bằng tất cả sự ổn định nhất. Hãy để mọi sự trôi qua một cách đơn giản, có gì là rắc rối đâu! Một thái độ tỉnh thức trong mỗi tình huống đều có thể là một cơ hội để nuôi dưỡng sự quân bình của nội tâm. Tâm thái quân bình hay ổn định này chính là trọng điểm của giáo lý Ðức Phật. Trình độ tâm linh này sẽ dể hiểu hơn nếu ở đây ta gọi nó bằng một cụm hợp từ mà xưa nay vẫn không xa lạ gì đối với Phật giáo đồ, đó chính là "con đường Trung Ðạo".

Có một vấn đề hết sức quan trọng là chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến việc rủ rê hay đồng hóa bất cứ ai đó đi theo con đường của mình một cách nông nổi bởi điều đó đôi khi bị phản tác dụng: Thay vì tiếp dẫn được người nhưng rồi chúng ta lại bị chính họ níu kéo. Không ít những Phật tử đã rơi vào tình trạng đó để rồi đánh mất chính mình. Ðiều này xem ra giống như việc chúng ta đội trên đầu mình chiếc bè gỗ thay vì sử dụng nó như một phương tiện đi lại. Mục đích của Thiền Ðịnh không hề có lý tưởng rủ rê, đồng hóa hay hứa hẹn một điều gì đó với ai mà chính nếp sống Thiền Ðịnh, bản thân nó đã là những lời thuyết giáo. Nói gọn lại, tu tập Thiền Ðịnh là dứt bỏ mọi thứ.

Một nữ Thiền sinh sau khi trở về với gia đình từ tự viện Naropa, đã có những rắc rối với người thân trong nhà về vấn đề tư tưởng. Bởi vì gia đình cô ấy vốn là những con chiên Gia Tô giáo chính thống nên họ đã xem cô ngoài tình máu mủ, là một người xa lạ. Sau một thời gian đấu tranh với gia đình và tự giải quyết bản thân, cô đã tự chọn ra một hướng giải quyết thật tuyệt vời để có thể dung hòa với mọi người trong gia đình, đồng thời giàn xếp mọi tình huống có liên quan đến vấn đề tư tưởng mà bấy lâu nay đôi bên vẩn khổ tâm, với tư cách của một người thầy mà chỉ có mỗi một mình cô biết. 

Cô đã viết những dòng chữ sau đây như là những lời nhắn gởi cho tất cả mọi người: "Gia đình chằng ưa gì tôi khi tôi là một Phật tử, nhưng họ lại vô cùng yêu mến tôi khi tôi là một vị Phật." Ðúng ra thì chúng ta cũng chẳng cần gì đến cái danh xưng Phật tử cả, bởi vấn đề duy nhất quan trọng là chúng ta tự biết khám phá ra một nếp sống hết mình cho tình thương, hiểu biết và sự thanh thản trong tâm hồn mình, thì điều đó cũng có nghĩa là một vị Phật đang hiển hiện trong chính tâm hồn chúng ta rồi đó.

Có dịp được đọc trực tiếp các kinh điển nguyên thủy, chúng ta mới thấy rằng Ðức Phật ngoài những trường hợp hết sức cần thiết, Ngài thường trình bày giáo lý của mình đơn giản và ngắn gọn mà nội dung tất yếu dĩ nhiên phải là cô đọng. Lần đó có một vị du sĩ tìm đến yết kiến Ðức Phật nhưng ông lại gặp Ngài ngay trên đường khất thực. Vị du sĩ thưa rõ với Ðức Phật mục đích tầm đạo giải thoát của mình, người mà theo ông, vẫn thường được nghe tôn xưng là một bậc A-La-Hán Ðạo sư của các vị La Hán khác. Vì đang trong giờ khất thực (cùng nhiều lý do khác không thể nói hết ở đây), nên Ðức Phật từ chối cuộc nói chuyện và hẹn ông một dịp khác. Do một tiền duyên quá khứ, vị du sĩ một mực cầu thỉnh Ðức Phật hãy nói cho ông một lời thuyết giáo nào đó thật ngắn gọn cũng được. Sau ba lần năn nỉ của ông, Ðức Phật vẫn với bình bát trên tay, nói với ông một bài kệ thật ngắn gọn:
"Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ngửi chỉ là ngửi, nếm chỉ là nếm, đụng chỉ là đụng và suy nghĩ chỉ là suy nghĩ."

Vừa dứt lời, Ðức Phật lặng lẽ tiếp tục con đường khất thực của mình. Tương truyền rằng, sau khi Ðức Phật đã ra đi không bao lâu, vị du sĩ nọ đã tìm vào một gốc cây gần đó để trầm tư về những câu nói ngắn gọn của Ngài khi nảy. Trong thoáng chốc, ông đã trở thành một bậc A-La-Hán.

Nội dung của Phật giáo là như vậy đó, như thật và đơn giản, khởi điểm và đích đến nếu cần, chỉ trong một câu nói!


Chân lý vốn luôn đơn giản nhưng chúng ta thường có thói quen làm rắc rối mọi sự. Tất cả cảm nghiệm của đời sống thực ra chỉ là từng phút giây tung hứng các ngoại cảnh thực tại mà thôi. Ðó là những sắc, thinh, khí, vị xúc và tư tưởng. Chỉ đơn giản có vậy. Trong toàn bộ các cảm nghiệm cùng những đối tượng của chúng hoàn toàn không có một cái Tôi, cái người nào cả - để chúng ta có thể chán ghét hoặc chấp thủ. Có thấy được như vậy, nội tâm chúng ta mới được tự do. Hãy tu tập Thiền Ðịnh bằng một tinh thần đơn giản hóa vạn sự để chúng ta có thể cắt đứt tất cả những ảo giác chằng chịt phức loạn và nhìn thấy các pháp một cách rõ ràng và trực tiếp.