Có lẽ do không có hoa tươi nên các bà đã mua các nhánh hoa
bằng nhựa. Tất cả đều được đem cắm lên bàn Phật ngay trước mặt đoàn người hành
hương, nhưng rồi sau khi phái đoàn vừa rời khỏi thiền viện thì các thiền sinh
Mỹ đã đem vất hết mấy cành hoa bằng nhựa đó. Vị thiền sư viện chủ thấy thế đã
bảo họ nhặt chúng lên và đem vào chưng lại ngay ngắn trên bàn Phật. Ngài nói
với các thiền sinh người Mỹ rằng thật ra mấy nhánh hoa kia không phải bằng nhựa
mà chính nội tâm của họ bằng nhựa thì đúng hơn. Bởi theo Ngài thì các thiền
sinh chỉ biết nghĩ tới cái đẹp thông thường mà quên đi tấm lòng tín thành trong
sạch đã được gửi gắm trên các cành hoa bằng nhựa ấy.
Chúng ta ai cũng có thể
dễ dàng bị vướng kẹt trong những toan tính, đề án, phương hướng này nọ của
chính mình để từ đó, tầm nhìn của mỗi người về thực tại càng chật hẹp, tù túng
hơn. Chúng ta không thể nào có được cái nhìn bao quát và trọn vẹn cái toàn cảnh
của một bức tranh khi chỉ biết dán mắt vào một chi tiết nhỏ trên đó.
Chuyện xưa kể rằng có
một con chồn rất khôn ngoan kia đã tự biết đào những chiếc hố để bẫy mồi. Nó
thích thú với mấy cái hố đó lắm, vì chúng là công trình sáng kiến của nó. Thế
rồi một hôm tình cờ có người thợ săn vào rừng làm hố bẫy thú và anh ta đã gài
bẫy ngay trên một cái hố của chú chồn kia. Như thường lệ, chồn vẫn tới thăm bẫy
của mình và lần này thì nó lâm nạn ở chính cái bẩy mà mình đã đào. Nó đau đớn
giãy giụa và đúng ra có thể phá tung cái bẫy tai ác kia nhưng vì cứ nghĩ tiếc
công trình của mình nên phút cuối nó đã bị người thợ săn tóm lấy. Chúng ta
thường khi cũng giống con chồn tinh khôn này vậy: luôn dễ dàng trở thành nạn
nhân cho chính cái thông minh của mình!
Quả là vô ích và buồn
cười nếu chúng ta chỉ biết nhắm mắt tuân theo những lề thói, định kiến đã tự
sẳn trong đời sống để rồi buông xuôi, phó thác tất cả tâm tư, tình cảm của mình
theo khuôn thước đó như một cái máy. Ta phải học được cách thấu suốt và từ bỏ
chúng, một nếp đời tẻ nhạt và chết cứng, bởi mục tiêu của đời sống phải luôn là
một cái nhìn quán triệt và sinh động, tươi tắn, bén nhạy.
Chúng ta rất cần tới khả
năng bén nhạy bởi vì có những lúc chính nó giúp ta quan sát tường tận mọi chi
tiết trong từng cảm nghiệm về thực tại; rồi cũng chính nó đem lại cho ta cái
nhìn phơi mở và tỉnh thức mọi sự. Có lần đó, một đàn thiên nga bay ngang qua
thiền thất của đại sư Suzuki. Nhìn chúng, đại sư nhắc nhở các môn đệ:
- Người ta thường đánh
bắt các loài chim trời để về nuôi trong nhà mình. Mấy con thiên nga này đẹp quá
nên ai cũng thích bắt nuôi chúng. Các ngươi phải tu tập thế nào để thấy được
mình với đàn thiên nga kia là một, bởi trong đời sống, chỉ nhìn thôi vẫn chưa
đủ,ta còn phải biết cảm nhận nữa. Hãy lặng nhìn các loài chim bay đi rồi lắng
nghe tiếng hót, tiếng kêu của chúng bằng một tâm hồn vô phân biệt. Có thấy
chúng với mình chỉ là một thì chúng ta sẽ thấy không cần thiết để bắt giữ chúng
lại, bởi chính mỗi người đã là vạn vật, là toàn bộ thế giới rồi...
Có buông tay xả bỏ những
gì mình vẫn ôm ấp thì chúng ta mới có thể nhìn thấy các pháp đúng với các bản
chất của chúng. Thật ra trong tự bản chất, không có cái gì là đơn giản hay phức
tạp cả mà vấn đề chỉ nằm ở cách nhìn của chúng ta, trong khi chúng ta lại
thường xuyên thiếu tỉnh thức và chánh niệm. Cái đẹp nhất trên đời này vốn nằm
trong chính nội tâm mỗi người và nó là cái gì đó thật đơn giản. Chúng ta không
thể tìm thấy cái đẹp với một thái độ cưỡng cầu, gán ép, áp đặt hoặc đi xông xáo
lùng sục một cách nông nổi. Trong khi đó, với môt tâm hồn thật sự bình lặng thì
cái gì quanh ta cũng đều là những thứ tuyệt vời cả, thậm chí đó chỉ là những sự
vật thông thường nhất: một bóng nắng xiên khoai trong chiều tà, một nụ cười
nồng ấm, một phong thái mời trà của ai đó.
Ta sẽ bổng nhiên thấy
được nét đẹp tinh khôi và sung mãn của đời sống, cái gì cũng mới lạ và độc đáo,
mỗi khoảnh khắc là một cuộc đời. Rồi từ đấy ta cũng thấy luôn mỗi mỗi phút giây
biến hoại của vạn hữu. Tất cả khía cạnh sinh diệt của chúng đối với ta lúc này
chỉ là một vòng tuần hoàn hết sức tự nhiên không cần minh chứng nữa.
Trình độ cảm nghiệm thực
tại luôn phản ảnh chính xác khả năng tỉnh thức của chúng ta. Càng bị đa đoan và
thiếu độ lượng thì khả năng cảm nhận của ta càng hạn chế. Rất nhiều học thuật
của Á Châu đã đặt nền tảng trên quan điểm này. Chẳng hạn đối với các nhà danh
họa chuyên vẽ tranh sơn thủy của Trung Hoa. Ðể có được một bức tranh ra hồn thì
họ trước hết phải bỏ ra một thời gian dài tĩnh mặc để chuẩn bị tư tưởng. Một
khi tâm trí các vị đã thật sự hòa nhập được với đề tài của bức tranh mình muốn
vẽ rồi, thì đây chính là lúc họ bắt tay vào mài mực, cầm cọ và phóng bút với
tất cả tâm hồn.
Ðem được tinh thần trên
đây vào đời sống thường nhật quả là tuyệt vời nhưng ta dĩ nhiên phải thực hiện
sao cho hợp lý và thực tế. Ðể làm được điều đó, ta có thể tạm thời vận dụng một
vài phương pháp tương đối quan trọng sau đây mà ý nghĩa đặc biệt của chúng là
nhắm tới sự tỉnh thức thường trực.
Phương pháp đầu tiên là
cố tập luyện tư thế tọa thiền tức khả năng ngồi lâu, ngồi yên và vững chãi. Ðây
là một trong những công phu quan trọng nhất mà ta có thể thực hiện mỗi ngày.
Khả năng này không chỉ là một thao tác trui rèn nghị lực thiền định mà còn là
một phần nhân cách tối yếu cho người hành giả. Nó cho ta cái thời gian để im
lặng, lắng nghe chính mình và nối kết các giá trị tâm linh khác của bản thân.
Thế giới này, theo một cách nói đặc biệt, chẳng cần phải thêm cái gì nữa. Cái
nó cần chính là sự cắt giảm, sự bớt đi: sự bớt đi những tham đắm, sự bớt đi
những âu lo, hiềm khích, kiêu ngạo. Từng phút giây tọa thiền là từng thời gian
để hành giả gội rửa nội tâm khỏi khỏi các niềm thống hối trong sự tĩnh lặng,
phơi mở chính lòng mình ra để hiểu biết, đón nhận và tìm thấy sự bằng an cho
tâm hồn. Với một sự khổ luyện đúng mức, tư thế tọa thiền sẽ giúp ta dễ dàng
kiểm soát các hoạt động của mình trong đời sống thường nhật. Và hãy ngồi với
một tinh thần sống vô ngã, chúng ta có thể giao hòa với tất cả thực tại đi qua
lòng mình và như vậy công phu tọa thiền của chúng ta sẽ là một tặng phẩm cho
tất cả tha nhân có ý nghĩa chân thành nhất.
Hãy cố gắng tọa thiền
mỗi ngày hai lần.
Quy định này sẽ là một thời khóa rất tốt để ta sống trọn vẹn
với mọi thời gian. Buổi tọa thiền ban sáng sẽ đem lại cho ta một nhịp dộ sinh
hoạt thăng bằng cũng như khả năng tỉnh thức thường trực trong suốt một ngày.
Còn buổi tọa thiền ban chiều sẽ giúp ta buông thả hết tất cả những gì nặng nề
còn bị tồn đọng sau một ngày cực lòng đối diện với đời sống, đồng thời cũng
giúp ta ổn định được thân tâm cho trở nên yên tỉnh, thư thái hơn. Nếu khả năng cho
phép, hành giả hãy thử ngồi thiền hai giờ đồng hồ trong một ngày. Còn như không
được vậy, thử bắt đầu thực hiện mỗi buổi tọa thiền khoảng nửa giờ cũng được.
Nói chung, cuộc sống thiền định luôn đòi hỏi chúng ta phải tự biết đưa ra cho
mình một nền nếp căn bản để sống và nương theo đó như một cẩm nang để cuộc tu
khỏi phải rơi vào tình trạng nửa vời!
Chính vì việc tọa thiền
là một công phu mang tính trường kỳ và thực dụng nên ta không thể có một quan
niệm cứng nhắc và máy móc về nó, chẳng hạn một quy định vô lối nào đó. Ta cũng
hiểu rằng ai cũng luôn dễ dàng mắc phải một hay nhiều trở lực trong từng ngày
của đời sống thiền định: một cơn buồn ngủ hay tình trạng bù đầu bởi quá nhiều
bận rộn vẫn luôn đợi sẳn phía trước. Ðầu ngày hay cuối ngày bất luận, ta dễ dàng
bị tình trạng rối tung đầu óc và căng thẳng sinh lý cho những lo toan vướng
vít. Trong tình trạng đó, nếu chỉ xem việc tọa thiền là một thao tác của thời
khóa biểu thì ta sẽ không tài nào xử lý, giàn xếp nổi nội tâm của mình - đặc
biệt là trong một thời gian dài và phải đối đầu với quá nhiều phức tạp. Công
phu tọa thiền không phải là cái hình thức ép buộc trong từng thiền khóa ngắn
hạn. Nó là cái thời gian để ta thư giản sinh lý và quân bình, ổn định tâm lý.
Bất cứ khi nào cần tới sự tập trung để giàn xếp nội tâm thì thiền định luôn là
liệu pháp cần thiết, và nếu với một tình trạng sinh lý bất ổn hay một nội tâm
rối bời thì dù có vận dụng một tư thế tọa thiền nào cũng đều là vô hiệu cả.
Ngược lại, trong tình trạng tâm sinh lý bình ổn, chỉ với sự lắng nghe hơi thở
và đón bắt từng cảm nhận của sinh lý ta có thể khám phá thực tại và tìm thấy
mối tương quan thật sự của mọi vận động thân tâm.
Việc tọa thiền lạ lùng
lắm. Có lúc ta thấy nó thật dễ dàng nhưng cũng có khi lại gây cho ta không ít
khó chịu, phiền phức. Chẳng hạn mới bắt chân vào để ngồi thì dường như bao
nhiêu chuyện trên đời cứ đổ xô về như thác lũ. Trong trường hợp đó, hãy giàn
xếp nội tâm mình đã, đừng nản lòng hay tỏ ra bất lực rồi phí mất một ngày. Nếu
tình trạng này xảy ra vào lúc ta sắp đi ngủ thì cũng vẫn cố gắng giải quyết nó
bằng cách ngồi ngay xuống bên chân giường hoặc một chỗ thích hợp nào đó trong
tối thiểu năm phút. Ðừng bao giờ tự cho phép mình an lòng, thỏa mãn đã ngồi đủ
thời gian tọa thiền trong thời khóa của một ngày. Ðôi khi ta chỉ cần một hai
phút là đã quá đủ rồi, miễn sao thân tâm được ổn định là được. Ðiều vừa nhắc
tới trên đây là một nhắc nhở quan trọng cho tất cả hành giả.
Ðể việc tọa thiền được
thực hiện thuận lợi, việc cần thiết là ta phải có được một không gian riêng tư
thật thích hợp mà ở đây có thể là một căn phòng hay một góc giường ngủ. Tốt
nhất nên có một tọa cụ hay một chiếc ghế thoải mái để ngồi. Và nếu cảm thấy cần
thiết, ta cũng nên an vị trước mặt mình một pho tượng hoặc bức ảnh Phật hoặc
bất cứ môt thứ trang trí nào đó khả dĩ khơi gợi cho mình những tư tưởng tích
cực. Bên cạnh đó, việc có thêm đôi ba quyển kinh tâm đắc nhất để đọc lúc cần
thiết cũng là một điều hay, chẳng hạn như giúp ta ôn tập kiến thức Phật pháp và
tiếp sức cho tinh thần thiền định.
Bên cạnh tư thế thiền
tọa, tư thế kinh hành cũng thường trực của hành giả. Trước giờ tọa thiền nên
dành ra chút thời gian để đi kinh hành để ổn định tâm sinh lý, đó là chưa kể
đến những giờ kinh hành đặc biệt trong một ngày. Chúng ta thường mất nhiều thì
giờ cho những vọng tâm ảo tưởng. Có thể nói 90% những ý nghĩ thường nhật của
mỗi người là vô ích, phí phạm, và như vậy ta chỉ còn lại rất ít những tư tưởng
có ý nghĩa. Người hành giả phải tự biết đình chỉ những gì không thật sự cần
thiết. Trong lúc kinh hành, ta chỉ cần biết "Ði là Ði", cảm nhận nó
một cách hết mình. Thiền định trong tư thế kinh hành rất dễ thực hiện, ở bất cứ
nơi đâu-lúc nào-làm gì, ta cũng có thể tu tập.
Ta đã thiền định trong
tư thế ngồi và đi thì cũng có nghĩa là trong từng bữa ăn, ta vẫn có thể thiền
định. Ta ăn uống trong sự tỉnh thức qua từng thao tác lớn nhỏ trên bàn ăn, tỉnh
thức khi ngồi trước những món ăn quen miệng. Hãy cố gắng ăn uống trong im lặng,
một cách thong thả chậm rãi và chánh niệm. Và nói thật gọi là hãy ăn từng trái
táo với một sự cẩn trọng, chuyên chú mà ta vẫn vận dụng như ta đang đối diện
với toàn bộ đời sống.