Tiếp theo sau sự nỗ lực,
chánh niệm là nguồn đạo lực thứ ba cho công phu tu tập nói chung và thiền định
nói riêng. Chánh Niệm, còn được gọi là sự tỉnh thức của nội tâm, có thể được
định nghĩa là "sự kiện toàn trọn vẹn của ý thức". Sự kiện toàn ý thức
ở đây hoàn toàn không có nghĩa là một rào cản hay một sự cô lập tiêu cực nào
cả, mà lại là một sự dung chứa, thu nhiếp từng khía cạnh trong mỗi cảm nghiệm
về thực tại. Một Chánh Niệm đúng mức không hề bỏ sót một khía cạnh thực tại nào
trong đối tượng sở tri. Và nói như vậy có nghĩa là cho dù chúng ta đang ở bất
cứ nơi đâu hay đang làm gì, Chánh Niệm luôn có thể có mặt.
Trong bài kinh Tứ Niệm
Xứ (ở cả Trung Bộ lẫn Trường Bộ), Ðức Phật đã nêu ra bốn cơ sở căn bản mang ý
nghĩa công án tu tập mà nội dung đặt biệt nhắm đến công phu trưởng dưỡng Chánh
Niệm một cách toàn triệt như là một đạo lộ duy nhất hàm chứa tất cả nội dung
giáo lý đồng thời dẫn đến giải thoát.
Cơ sở tu dưỡng Chánh
Niệm hay gọi gọn là Thân Quán Niệm Xứ. Nội dung của Niệm Xứ này là
một nội tâm tỉnh thức trong từng tư thế, cử động lớn nhỏ của hành giả (cùng
nhiều đề mục khác cũng đều nhắm về về mục đích phát triển trí tuệ và Chánh Niệm
đối với tấm thân sinh lý này, nhưng ở đây không tiện kể ra đầy đủ). Ở trình độ
tu tập sâu sắc đúng mức về Thân Quán Niệm Xứ, cho dầu có còn là một phàm phu,
ta coi như đã vượt qua được những ngộ nhận, ngã chấp về tấm thân của mình. Lúc
này, nó không còn được xem là "thân xác của tôi" nữa, mà nó chỉ đơn
giản được coi là điểm hội tụ của những cảm giác sinh lý: nặng nề, nhẹ nhàng, động
đậy, bức xúc, căng thẳng... cứ thế, khối xương thịt tâm lý này lúc bấy giờ
không còn được đánh giá trân trọng như là một thực thể đơn thuần khả dĩ đại
diện cho một cái Tôi nào hết. Bằng vào lý tưởng đó, vị hành giả liên tục sống
trong sự tỉnh thức về xác thân của mình và của người, đồng thời phát triển một
khả năng thấu thị tinh tường và vô ngại về quy luật sinh hóa của vạn hữu.
Niệm xứ đầu tiên này đặc
biệt nhắm đến một trí tuệ tương ứng cho sự phát triển khả năng chú niệm sâu
sắc, vững vàng về từng hoạt động trong đời sống thường nhật của ta. Tấm thân
chúng ta cùng những vận động của nó luôn là một đối tượng cụ thể cho sự tỉnh
thức đó. Chẳng hạn như đang bước đi trên đường, ta có thể nghiêm cẩn ghi nhận
từng cảm giác của mỗi bước đi, hoặc đê một tâm mình phóng tán qua những hồi ức
quá khứ hoặc toan tính trong tương lai. Mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta cả:
Mở cửa, đánh răng, uống một tách trà... Những động tác đơn giản này đều là
những cơ hội để chúng ta tu tập Thân Quán Niệm Xứ.
Niệm Xứ thứ hai là Thọ
Quán Niệm Xứ, sự tỉnh thức nhắm vào các cảm giác của tâm sinh lý nói chung.
Không phải chỉ trong những sinh hoạt, vận động mang tính "vật lộn"
như trong những thời điểm lao tâm, lao lực, thông thường, tâm sinh lý của chúng
ta mới có những cảm giác, mà ngay trong chính những phút giây thiền định an hòa
nhất chúng vẫn luôn có mặt, ngay trong từng phút giây cảm nghiệm. Có thể nói
Thọ Quán Niệm Xứ là nhắm vào thứ cảm thọ tế vi này như là một công án chính
thức.
Chánh Niệm trong những cảm thọ tế vi đó vô cùng quan trọng bởi chúng
chính là môi trường cho các phiền não tham chấp, ác cảm và ngộ nhận. Mà nội tâm
của chúng ta thì luôn có khuynh hướng tiêu cực: Ôm ấp cái hạnh phúc, bất mãn
cái buồn khổ, còn nếu cả hạnh phúc lẫn đau khổ tạm thời vắng mặt, tức chúng ta
đang sống trong Xả Thọ thì nội tâm tự nhiên khuếch tán, vọng ngoại để tìm đến
những đề tài vô ích. Nếu Niệm Xứ thứ hai này được tu tập một cách đúng mức thì
xem như chúng ta khả dĩ có được cái khả năng tự tại trước mọi buồn vui trong
từng cảm nghiệm tâm sinh lý. Ðó là cả một sức mạnh tâm linh đáng kể mà người
hành giả cần phải sở đắc để tự làm thăng hoa nội tâm của mình bằng khả năng
quân bình và tự chủ chính nó.
Con đường Niệm Xứ này
còn là chiếc chìa khóa để phơi mở một nội tâm luôn sẵn sàng đối kháng, xung
đột. Mà ngược lại, một nội tâm bị cuốn hút vô thức vào những ảo ảnh ngọt ngào
thì coi như sự chú niệm của chúng ta đã bị cám dỗ. Ðể vượt thoát tình trạng đó,
đồng thời ghi nhận mọi cảm giác sinh lý cùng các ảo tưởng đang hiện hữu, nếu ta
tự biết ghi nhận chúng một cách rõ ràng và chính xác thì ta sẽ thấy rõ được
rằng tất cả chỉ là những ảo tượng luôn sẵn sàng đầu tư cho sự chấp thủ. Ðiều
quan trọng là hãy ghi nhận tinh tường cái gọi là Dễ Chịu, Hạnh Phúc, ghi nhận
cả tâm thái "ngoại vật" của mình, chối bỏ mọi chấp thủ và đồng thời
luôn biết tỉnh thức trước mọi cảm giác thoải mái, xem chúng là cái để nhìn ngắm
chứ không phải để nắm bắt. Khi ta hiểu được rằng tham ái vốn được hình thành
thừ thái độ cảm giác, thì ta cũng sẽ thấy được căn cội của tất cả ước muốn,
khát vọng chính là sự phân biệt, chọn lựa và định trị. Có thấy được đâu mà mình
cứ triền miên bị tác động một cách thảm hại bởi những bám víu và bất mãn, thì
coi như ta đã đi qua gần trọn con đường Thọ Quán Niệm Xứ mà lúc này nó đã thành
ra một phương tiện nội quán dẫn đến giải thoát.
Niệm xứ tiếp theo là Tâm
Quán Niệm Xứ, sự tỉnh thức trong từng hình thái vận động và tồn tại của ý
thức chính nội tâm. Ðó là một sự ý thức trọn vẹn về một nội tâm luôn phức loạn
và tạp nhiễm với biết bao thứ tình cảm thương ghét, vui buồn... Lấy nội tâm
mình làm đề mục thiền định là để ta có thể đối diện với tất cả rắc rối của nó
bằng một sự phơi mở, thư thái và quan trọng nhất là chúng ta không bị quên mình
để đắm chìm trong chúng. Tất cả những biến tướng tâm lý, cũng như những khía cạnh
khác trong từng cảm nghiệm của chúng ta, hoàn toàn không hề là một cái Tôi nào
cả, chúng chỉ là từng cuộc sinh thành và biến diệt của thế giới hiện tượng này
thôi.
Một thực tại tâm lý càng
hiển hiện rõ nét bao nhiêu thì nó càng giúp ta có cơ hội nhận diện dễ dàng về
nó hơn. Bởi không chỉ nhìn ngắm có riêng nó, mà lúc này ta còn có dịp triển
khai nó qua hai đối tượng nhìn ngắm khác: Những cảm giác sinh lý trực thuộc với
nó và luôn cả những cảm giác tâm lý song hành. Lối xử lý kiện toàn này giúp ta
tiếp tục tỉnh thức và có thể an nhiên phơi mở trọn vẹn nội tâm thực tại của
mình lúc đó mà không hề tự đánh mất mình trong cài thiên kiến chủ quan. Từ
chiều hướng thăng hoa đó của Thiền định, chúng ta sẽ càng lúc tìm thấy nhiều
niềm vui kỳ thú trong cuộc khám phá mang tính tự chứng và thể nghiệm về bản
chất của tất cả hình thái tâm lý như các dạng thức tình cảm chẳng hạn. Con
đường khám phá này thú vị và kỳ diệu hơn bất cứ một phương pháp nghiên cứu nào
đó mang tính duy lý. Bởi bằng chính con đường này, chúng tá mới có thể có được
những hiểu biết sâu thẳm về bản chất của nội tâm một cách khách quan nhất.
Niệm Xứ thứ tư là Pháp
Quán Niệm Xứ, sự tỉnh thức đối với tất cả hình thái tâm lý sai biệt thông
qua khía cạnh chức năng của mỗi mỗi thứ. Ðại khái, Niệm Xứ này đề cập và giải
quyết trở trở lại tất cả nội dung của ba Niệm Xứ trước trên ý nghĩa tác dụng và
những khía cạnh mà ba Niệm Xứ trước coi như chưa hoàn tất. Chẳng hạn Tâm Quán
Niệm Xứ chỉ đề nghị ta ghi nhận lòng ham muốn là lòng ham muốn, niềm tin là
niềm tin... Còn ở Pháp Quán Niệm Xứ, vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có một cái
nhìn mang ý nghĩa giải quyết: Hành giả phải hiểu thêm rằng lòng ham muốn là một
pháp Triền Cái (chướng ngại tinh thần), niềm tin là một nhân tố đạo lực...
Với
sự tu tập về Pháp Quán Niệm Xứ, chúng ta còn có thể biết gặp và học hỏi các
pháp môn và giáo lý quan trọng tương thuộc lẫn nhau. Ðó là Tứ Diệu Ðế, Bát
Thánh Ðạo cùng sự tương quan hiện hữu của Lục Căn, Lục Cảnh.... Nói chung,
thông qua Niệm Xứ thứ tư này, chúng ta chắc chắn sẽ thu nhặt được rất nhiều bài
học. Với từng phút tỉnh thức, Chánh Niệm, dầu với Niệm Xứ nào, trí tuệ của ta
về cuộc đời sẽ ngày một lớn mạnh, đồng thời niềm tin Phật pháp của chúng ta sẽ
là một thứ niềm tin chính chắn với sự có mặt của trí tuệ.
Ðặc tính của Chánh Niệm
là sự thẩm tấn tinh tường và sâu sắc. Ở đây chúng ta có một ví dụ cho vấn đề
này: Một chiếc nút bần bị ném vào dòng nước thì nó vẫn nổi phiêu, ngược lại,
một hòn đá bị ném xuống nước sẽ lập tức chìm ngay. Chú niệm vào một đối tượng
sở tri thì coi như toàn bộ ý thức của chúng ta đã được gởi gấm trọn vẹn vào đó:
Còn giữ được Chánh Niệm thì đối tượng sở tri vẫn còn nằm trong nhãn trường của
chúng ta, có nghĩa là khả năng chú niệm của chúng ta vẫn tiếp tục có hậu quả,
nội tâm của chúng ta vẫn tiếp tục đối diện với thực tại sở tri một cách trực
tiếp, chính xác và sâu thẳm...
Chánh Niệm còn là một
bức vệ thành có tác dụng che chắn cho chúng ta đối với những phiền não tập quán
như cấp thủ, bất mãn, quên mình - những nhân tố gây tạo ra đau khổ và ngộ nhận
trong cuộc sống chúng ta.