Sunday, June 12, 2016

Ðối với người Tây phương pháp môn Thiền Quán thường được bắt đầu với lý tưởng hướng nội

và nhắm vào mục đích chuyển hóa bản thân. Nếu xét ra nếp sống thiền định đó dĩ nhiên có phần chật hẹp bởi vì giáo lý của Ðức Phật vẫn luôn mở ra một con đường rộng lớn hơn nhiều, một con đường tự tu và giao hòa với tất cả. Pháp môn Thiền Quán luôn đòi hỏi những hướng dẫn mang tính tiêu chuẩn để bắt đầu cho cuộc tu, đó chính là sự nghiêm trì Ngũ giới và nuôi lớn một tâm hồn hào sảng vị tha. Bởi những nguồn Ðạo lực đó là yếu tố cơ bản cho tất cả mọi đời sống tâm linh. Mà đối với người phương Tây thì những tiêu chuẩn tiên khởi này xem ra không mấy dễ dàng. 

Trong khi đó bên này, từ Phật giáo cho đến các truyền thống Ðạo học cổ truyền của Á Châu đều luôn được xây dựng trên tinh thần lợi tha và đạo đức bản thân. Ðối với một số người, việc phụng sự tha nhân chỉ đơn giản có ý nghĩa như một trợ lực cho một đời sống thiền định hướng nội. Nhưng thật ra ý nghĩa của lý tưởng sống lợi tha còn xa rộng hơn nhiều: Ðó là một biểu hiện sinh động và hùng hồn cho trình độ trí tuệ trong đời sống nội tâm. Khả năng và trình độ của lý tưởng lợi tha hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ sâu cạn của trí tuệ.

Ðối với nhiều người, nếp sống vị tha và trái tim hào sảng là một động lực quan trọng cho sự phơi mở tâm hồn, đồng thời còn là một pháp môn tu tập. Một người giàu lòng cảm thông luôn dễ dàng hiểu rằng từng hoạt động lớn nhỏ của mình đều có thể là những phụng sự cho tha nhân. Thậm chí nếu nói một cách không quá đáng, thì tinh thần lợi tha có thể giúp ta có cơ hội đối diện với bộ mặt Vô ngã của đời sống. 

Ðồng thời cũng đem lại cho ta sự gần gũi đối với thế giới chung quanh như là một công phu Thiền Ðịnh hướng nội. Tinh thần lợi tha ở trình độ cao nhất, thực ra cũng chỉ nằm ở lý tưởng đó thôi: Một nghệ thuật sống tuyệt vời, biết cho ra mà không cần nhận lại bất cứ cái gì. Ðó là một thái dộ hoàn toàn mang tính vô ngã, chẳng màng gì đến những tôn xưng, vinh dự hoặc kể cả một thiện báo tương lai. Một tâm hồn vị tha đạt đến trình độ như vậy sẽ cùng lúc mang lại cho chúng ta một tâm hồn biết yêu thương và một trí tuệ vừa đủ để buông bỏ tất cả. Ðời sống lợi tha là một đời sống đưa ta đến một trạng thái hiện hữu hoàn hảo và đầy hiểu biết.

Tinh thần lợi tha thật sự không hề được khai sinh từ khái niệm về một cái Tôi nào cả. Nó cũng không là một con đường mà theo một số người vẫn luôn cố nuôi ảo tưởng lấy nó để xây dựng nên một thế giới hoàn hảo. Nó càng không phải là một hình thức ngụy trang của bất cứ tham vọng, ham muốn nào hết. Ðại khái trong tinh thần lợi tha hoàn toàn vắng mặt tất cả mọi hình thái ý thức bất thiện mà chúng ta thường không mấy người có được, sự khu biệt rõ ràng trong sự xuất hiện của lòng vị tha thật sự với những hình thái ý thức xem ra có vẻ tương tự, mặc dù giữa đôi bên thật ra có cả một giới tuyến, thậm chí tính cách đối lập nhau nữa. Có dấn thân vào con đường lợi tha bằng tất cả sự lắng nghe của trí tuệ, chúng ta may ra có thể thấy rõ được khả năng ngộ nhận về sự pha trộn này. Lý tưởng lợi tha còn đòi hỏi ở chúng ta một thế giới nội tâm sâu sắc, một tâm thái vô cầu trước những đối tượng mà thật ra chẳng hề có một giao lưu nào với tình thương của chúng ta. Ðó là một tấm lòng thật sự độc lập chẳng màng gì đến khái niệm thù tạc.

Lòng vị tha và trí tuệ vô ngã đều cùng có thể được tu tập song hành như là những yếu tố tương quan cho nhau trên hành trình giải thoát. Chỉ riêng lòng vị tha cũng đã đòi hỏi chúng ta việc phát triển những giá trị đồng vị như Chánh Niệm Tỉnh Giác, như là một nguồn động lực nội tại để chúng ta có thể hướng về thế giới bên ngoài một cách vô hạn và an toàn. Bởi nhờ có Chánh niệm, lòng vị tha mới thật sự là tình thương, một thứ tình thương trong sạch. Chánh niệm luôn có mặt bên cạnh tình thương để làm tròn chức năng của mình. Dầu chúng ta có biết đến hay không thì trong mỗi giây khắc hiện hữu của tình thương vị tha, Chánh niệm vẫn luôn có mặt. Và dù chúng ta có biết đến hay không, thế giới này vẫn luôn tồn tại nhờ vào rất nhiều điều kiện, trong đó có cả tình thương của loài người.

 Ðiều này cũng giống như những mối quan hệ và tác động của các nhân tố thiên nhiên đối với thế giới: Trong từng giây phút một, những đại dương bát ngát,... đều luôn có một ảnh hưởng quan trọng đối với môi trường sinh thái toàn cầu. Thế giới, nhất là các sinh vật, chỉ là những vật thể luôn sống còn bằng vào sự nhờ cậy lẫn nhau. Chúng ta có mấy người ngờ được rằng chỉ cần trên hành tinh này trong một phút giây nào đó đột nhiên biến mất hoàn toàn một số loài côn trùng thì môi trường của địa cầu lập tức sẽ bị ít nhiều ảnh hưởng. Việc phát triển tình thương vị tha đối với chúng ta, tức toàn thể nhân loại, chỉ đơn giản là một thao tác ý thức hóa tất cả mối quan hệ đó mà thôi, thay vì cỏ cây và các loài động vật khác tương trợ nhau tồn tại theo một quy luật mang tính vô thức. Ðồng thời, một điều tưởng khỏi phải nói thêm ở đây rằng chính sự có mặt của Chánh niệm còn giúp ta điều động từng sinh hoạt lớn nhỏ của mình nữa. Mà đó lại là ý nghĩa cốt lõi của Chánh Niệm.


Chúng ta có thể nói rằng một trong những sức mạnh duy trì sự tồn tại của Phật Giáo trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua chính là những hiểu biết đúng đắn của các Phật Giáo đồ về lòng vị tha. Chính từ tinh thần đó, biết bao tự viện, học viện Phật Giáo, thiền viện và những hoạt động của Phật Giáo cộng với sự có mặt của vô số Tăng tín đồ đã được thực hiện. Tất cả chỉ nhờ vào tấm lòng của những Phật giáo đồ biết nghĩ đến tha nhân. Và con đường phát triển tâm hồn vị tha không chỉ dừng lại ở đó, ở một vài công trình hay đôi ba hoạt động. 

Từ những giây phút lái xe cho đến lúc chúng ta bỏ tiền ra để xài vào một việc gì hoặc bất cứ một động tác, cử chỉ lớn nhỏ nào đó trong đời sống thường nhật đều phải luôn được thực hiện, giải quyết, dàn trải trong một tâm hồn lợi tha. Vào bất cứ giây phút nào còn có mặt trên cuộc đời này, dầu có là một y sỹ, một người nuôi ong, môt người giữ thư viện,... chúng ta đều luôn có cơ hội để tiếp thu bài học tỉnh thức và lợi tha. Nói chung, chúng ta có thể đưa hết mọi sinh hoạt của mình vào một nếp sống nghiêm cẩn và hữu ích. Suốt đời mình, chúng ta hãy luôn luôn là người biết nghĩ tới tha nhân: phụng sự và hoàn tất bổn phận. Chỉ chừng đó thôi đã là tất cả tinh thần căn bản của lý tưởng lợi tha.