lợi sinh chính là
sự phát triển và trưởng dưỡng hai giá trị Thiền Ðịnh: Chánh Niệm, Tỉnh giác.
Cái giá trị quan trọng của chúng ta là giúp ta một khả năng nội quán khách quan
và trực tiếp về vấn đề sinh tử trong vòng quay bất tận của đời sống. Từ kiến
giải này, chúng ta có thể tìm ra ngay trong chính bản thân mình một điểm tựa
náu nương, vượt khỏi mọi sợ hãi bằng một tinh thần vô úy an nhiên.
Một cách đại khái trên
thế giới này có hai thứ sức mạnh. Sức mạnh thứ nhất là cái thú tính khát máu
mãnh liệt của hạng người sát nhân không biết gớm tay. Bằng mọi thủ đoạn tàn bạo
về chính trị, kinh tế, quân sự, họ không hề biết ngần ngại trong việc sát phạt
tất cả các đối phương. Ðối với họ, sự nằm xuống của người khác là một biểu hiện
thú vị cho sức mạnh của chính mình. Nguồn sức mạnh thứ hai là khả năng tâm linh
của những người không biết sợ chết. Bằng một cái nhìn đối diện với cội nguồn
Hiện Hữu của mình, thấu suốt sâu sắc về cái chết và luôn sẵn sàng đón nhận nó,
họ được xem như đã đứng bên kia bên bờ của một cái Tôi ảo vọng, họ mang đến cho
cuộc đời khả năng vô úy, một đức tính hiếu sinh bằng tất cả tình thương và sự
thiết tha với chân lý. Sức mạnh thứ hai này, dĩ nhiên được hiển hiện và song
hành với nguồn sức mạnh thứ nhất.
Tinh thần vô úy, gọi
theo dụng ngữ riêng của Thánh Gandhi là "satyagraha", nguồn năng lực
hay sức mạnh của chân lý, một đạo sống mà chính ông đã thể hiện một cách sinh
động trong suốt cả đời sống của mình. Vào năm 1947, khi Ấn Ðộ bị chia đôi đất
nước (Ấn và Hồi quốc), hàng triệu người đã vì lý do tín ngưỡng mà phải bỏ xứ ra
đi. Một cuộc di cư đầy nước mắt. Có đến mấy chục ngàn binh sĩ đã được gởi đến
Tây Hồi để giàn xếp các cuộc bạo động, thì trong khi đó Gandhi đã một thân một
mình tới tận Ðông Hồi giải quyết những rắc rối tương tự mà lực lượng quân đội
kia đang dốc sức với biết bao xương máu tại Tây Hồi. Thánh Gandhi đã đi bộ từ
làng này sang làng khác kêu gọi mọi người hãy chấm dứt những cuộc đổ máu vô
ích. Ông đã làm tất cả những gì mà mình có thể làm được, kể cả việc tuyệt thực
để lời thuyết phục của mình có hiệu quả hơn. Ông tuyên bố sẵn sàng nhịn ăn cho
đến khi nào những cuộc bạo động, xung đột giữa mọi người được chấm dứt, dầu có
chết đi ông vẫn cam lòng.
Dần dần rồi những cuộc bạo động đó cũng được chấm dứt
và ta có thể khẳng định rằng kết quả êm đẹp này đã được thành tựu từ sức mạnh
của tình thương, tình thương của Thánh Gandhi và của cả những người biết nghe
ông. Gandhi đã tự có một giá trị còn quan trọng hơn cả chính hình hài bằng
xương bằng thịt của ông nữa: Ðó là cái giá trị của tấm lòng lợi tha mà ông đã
bỏ ra trọn cả đời mình để nuôi lớn nó. Tình thương của Gandhi rõ ràng đã gắn
liền với tinh thần vô úy và khám phá ra được giá trị tinh thần này chính là một
bước tiến cho cuộc tu hành của mỗi chúng ta. Một cuộc sống dung hợp được với
chân lý là cả một vấn đề quan trọng, quan trọng hơn tất cả những vấn đề sinh tử
khác. Sự hiểu biết tinh tường và thể hiện trọn vẹn được quy luật đó, ta mới có
thể biết sống yêu thương và hành động lợi tha.
Một trong những niềm thú
vị nhất của một người du lịch sang Ấn Ðộ là đến được thành phố Benares bên bờ
sông Hằng, một thành phố được xem là linh thiêng và có nhiều huyền thoại nhất
dọc theo bờ sông có rất nhiều những bậc tam cấp cùng các đền thờ mà từ hàng
ngàn năm nay, người dân Ấn Ðộ vẫn luôn tranh thủ thời gian, dẫu chỉ một lần
trong đời, để đến đây tắm rửa, Họ gọi đó là nghi thức thánh tẩy mong rửa sạch
các tội lỗi mà mình đã tạo. Và ở ngay các bậc tam cấp dọc theo bờ sông người ta
thường dựng đài hỏa táng để thiêu xác người chết. Vì tin rằng Benares là một
thành phố của thần thánh nên hầu hết những người theo Ấn giáo đều muốn được
chết tại đây.
Cảnh tượng thiêu người cùng những tiếng kêu khóc quanh hỏa đài dĩ
nhiên rất dễ khiến người chứng kiến có những xúc cảm khó tả; vừa rùng rợn cũng
vừa buồn thảm. Nhưng khi những tro than cùng xương người chết được thả xuống
dòng sông trên một chiếc thuyền nhỏ thì cảnh quan ở đây lại tiếp tục hoang vắng
và đìu hiu với một không khí huyền hoặc như từ mấy nghìn năm nay. Cũng có đôi
ba trường hợp mà trong cuộc tang lễ các thân nhân của người chết lặng thinh
không kêu khóc. Từ lúc bắt đầu cho đến hoàn tất cuộc hỏa táng, nghĩa là lúc hài
cốt của người thân họ đã được thả trôi theo dòng sông, tất cả đứng nhìn bằng
một thái độ gần như vô cảm. Có lẽ rất hiếm có nơi nào trên thế giới lại có
những tang lễ kỳ lạ như vậy: Vĩnh biệt người thân bằng thái độ của người đứng
nhìn chiếc lá rơi.
Cứ khoảng đôi ba muơi
phút thì bên bờ sông Hằng lại có một đám tang và khi ngọn lửa hỏa táng vừa được
bốc lên, tất cả những người tham dự đều đồng thanh đọc lên một lời cầu nguyện:
"Ramanama satya hai -- Chỉ có hồng danh của Thượng đế chí tôn mới là chân
lý, ngoài ra đều là ảo ảnh". Câu chuyện về những người Ấn Ðộ trên đây đã
dạy cho chúng ta một bài học rằng chỉ cần biết cảm nghiệm tất cả thực tại một
cách chín chắn thì không có gì là đáng sợ cả, kể cả chuyện sống chết sinh tử
chỉ là những giai đoạn đắp đổi cho nhau một cách hết sức tự nhiên.
Chúng ta chắc chắn sẽ có
được một niềm tịnh lạc khi tự biết vất bỏ những khái niệm bi quan về đời sống
và thay vào đó là sự phơi mở nội tâm một cách trọn vẹn để có thể đón nhận tất
cả những bộ mặt thật của đời sống bằng từng cảm nghiệm sâu sắc nhất; sống và
chết, hạnh phúc và đau khổ, bóng tối và ánh sáng. Thậm chí đối với ngay cả
những thảm họa kinh hoàng nhất của chúng ta nếu mỗi người biết sống đối diện
một cách trung thực trước tất cả thực tại khách quan; ngồi yên lại nhìn ngắm
một cách bình tĩnh từng khía cạnh chát chua nhất của đời sống, không đối kháng
với khổ đau mà cũng không có ý muốn tầm cầu những hạnh phúc.
Có thể nói công
phu tu hành của chúng ta luôn được bắt đầu bằng những can đảm của bản thân đối
với từng khổ lụy như buồn chán, âu lo, toan tính,... nói chung là những gì có
thể che khuất cái nhìn như thật của chúng ta về vạn hữu, về tình thương đối với
tha nhân. Chính trên căn bản này, chúng ta mới có thể thấu suốt rõ ràng tất cả
cội nguồn đau khổ của bản thân và cả thế giới. Ðó chính là những thương, ghét,
vô minh mà từ bấy lâu nay đã gây tạo ở chúng ta những ngộ nhận như những chiếc
rào cản giữa trí tuệ với chân lý. Ðể rồi từ đó chúng ta có thể trực tiếp quan
sát từng nếp sinh hoạt của mình để thấy rõ mình đã hiện hữu ra sao: Chúng ta đã
như thế nào trong cái thế giới "của Tôi"? Tôi đã nỗ lực để hướng đến
cái gì? Tôi đã có những khái niệm ra sao về những vấn đề quốc gia, ý thức hệ,
tôn giáo, kể cả khái niệm về đời sống sinh lý và thần tượng tín ngưỡng của Tôi
là ai?... Nhiều và nhiều lắm những câu hỏi xoay quanh những cái Tôi, của Tôi,
các anh, bọn họ.