Thursday, June 2, 2016

Nỗ lực (Tấn)

Sau khi đã có tạm đủ một niềm tin chín chắn khả dĩ làm thành sức mạnh cho cuộc tu hành, mà như trên đây vừa tạm dùng tới hình ảnh của một chuyến thám hiểm, nhân tố đạo lực thứ hai mà chúng ta nhất thiết phải cần đến đó chính là công phu đào luyện khả năng tinh tấn để góp phần vào trí tuệ nội quán của mình. Nỗ lực hay ý thức can đảm dấn thân sở dĩ được xem là một trong những nguồn đạo lực tối yếu là bởi vì nó luôn đóng vai trò cội nguồn, nền tảng cho tất cả mọi thành quả mà chúng ta hướng đến, từ trong cuộc tu cho đến những hoạt động mang tính sự nghiệp đời thường.

 Tuy nhiên, nếu bị đặt sai hướng, thì nỗ lực sẽ rơi vào tình trạng phản tác dụng: Chính nó sẽ gây nên những phấn khích quá đáng cùng các hướng hoạt động cực đoan nguy hiểm. Do đó điều cần thiết là chúng ta phải kiểm tra từng ý hướng nỗ lực của mình, hãy xem nó như là môt phương tiện hoạt động mà mình làm chủ, chứ không thể để nó điều hành ta thông qua một ý hướng sai lầm nào đó. Nếu chúng ta tự nỗ lực ứng dụng nếp sống của mình vào một khuôn mẫu nào đó mà bản thân cho phép nhưng thiếu đi một sự chọn lựa đúng đắn thì cuộc tu của chúng ta sẽ chỉ còn là một chiến trận mang tính đối kháng vô nghĩa. Một điều mà chúng ta có thể thực hiện đồng thời cũng hết sức cần thiết đó là sự biết nuôi dưỡng một ý hướng năng động và bản lãnh nghị lực ở tự thân để từ đó có được một sức mạnh tiềm lực cho công phu khám phá thực tại.

Có một điều tối trọng mà ta không thể nào tự cho phép mình lãng quên, đó là khả năng nỗ lực tu hành của mỗi người luôn rất dễ dàng bị chi phối bởi những điều kiện sống thuận tiện, những hình thức sinh hoạt mà bản thân vẫn cứ cho là cần thiết: Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, những quan hệ giao tiếp, những công việc và sinh hoạt thực ra không mấy cần thiết. Tất cả chỉ vì chúng ta vẫn cứ tự giam hãm mình bằng những sự dối lòng kín đáo và luôn cố tìm cho bằng được những cơ hội "an dưỡng" mà từ lâu đã thành ra những thói quen. Ðể có thể vượt qua những chướng ngại tinh thần đó, ta bắt buộc phải có một trữ lượng nỗ lực thật mạnh mẽ và linh hoạt ngay trong đời sống nội tâm của mình. 

Có những sự quay lại hết sức kỳ diệu của cảm nghiệm mà chúng ta đã có lần đi qua nhưng cũng chính chúng ta lại đánh mất chúng là bởi vì chúng ta đã dại dột nỗ lực trở về với những quá khứ ngọt ngào của thiền định. Những khi quá mệt mỏi bởi các ám ảnh về thời gian, ta hãy nghĩ đến bản chất tuôn chảy không ngừng của nó để tự tạo cho mình một nguồn tâm lực cần thiết, cũng như để tự tìm thấy một bài học về sự tu dưỡng khả năng tinh tấn. Bời vì ta hãy nhớ rằng sự tinh tấn hay nỗ lực chỉ có được khi ta biết dốc lòng đầu tư nó. Chúng ta có thể dùng đến bất cứ phương thức thử nghiệm nào để tìm ra những con đường trưởng dưỡng khả năng tinh tấn và đừng bao giờ để mình phải bận tâm hay bị cuốn hút vào những giới hạn tâm lý hoặc một vài thử thách nào đó.

Sự nỗ lực ở đây có thể gồm đến ba hình thái: Trước hết, là thái độ dấn thân và sẵn sàng bước vào hành trình khám phá tất cả những gì là sự thật. Hình thái thứ hai là một khả năng nỗ lực mang tính tự tại, vô ngại trước tất cả mọi tình huống thử thách và hình thái nỗ lực thứ ba hay cũng còn gọi là sự nỗ lực ở trình độ thăng hoa mà tự trong bản chất luôn được ổn định kiên cố, liên tục lớn mạnh và khả dĩ đưa ta đến cảnh giới giải thoát thật sự ở nội tâm.


Nỗ lực hay tinh tấn là một phương tánh có thể được thành tựu từ những suy tưởng thiền định vốn được xem là phổ cập trong tất cả trường phái Phật Giáo. Chẳng hạn như những giây phút trầm tư về quy luật sinh tử hay bản chất vô thường, bất toàn của đời sống... Chúng ta thật ra cũng chẳng cần biết đến những gì sẽ xảy đến mà ngay từ bây giờ hãy nhìn ngắm tinh tường cái giả tướng phù du trong chính đời sống của mình qua biết bao áp lực khắc nghiệt từ thế giới chung quanh cũng như vô vàn những cội nguồn căn cội cho sự đổ nát, băng hoại mà thế giới cùng tất cả nhân loại đang gánh chịu. 

Bản chất phù du, bất định của cuộc đời chúng ta đã làm nên cái vẫn được gọi là "vạn hữu, sự thật về cuộc đời", đó chính là một tặng phẩm tuy hết sức giản đơn nhưng cũng vô cùng quý giá mà chúng ta tuyệt đối không được quyền lãng phí nó. Bởi có ai trong chúng ta biết được rằng một cơ hội tu hành đã trót bị lãng phí sẽ quay lại với mình vào phút giây nào. Trong khi đó thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi, dòng đời của mỗi người từng ngày vẫn trôi chảy mà từng người trong chúng ta thì vẫn cứ mãi mù lòa trong đám sương mù tối mịt của thử thách và cám dỗ.