Chúng tôi có thể thực
tập chánh niệm bằng cách đơn giản là theo dõi hơi thở. Thở vào, chúng ta biết
rằng đang thở vào, thở ra, chúng ta biết là đang thở ra. Tuy đơn giản là
thế nhưng không dễ đâu. Chỉ sau vài hơi thở là chúng ta đã nhảy lên trên những chuyến tàu liên tưởng, trí óc ta ngược xuôi, cùng
với bao nhiêu là kế hoạch, hoài niệm, phê phán, và tưởng tượng. Đôi khi
chúng ta như đang ở trong một rạp chiếu phim khi người ta thay phim quá nhanh,
ấy thế nhưng trong phòng chiếu cả riêng mình thì chúng ta cư xử ra sao?
Thói quen lang thang của
đầu óc ta rất mạnh, thậm chí cả khi những mơ tưởng này không mấy dễ chịu, và có
lẽ không thực tế chút nào. Như Mark Twain đã từng nói, “Những điều tồi tệ nhất
trong cuộc đời chưa bao giờ xảy ra với tôi”. Chúng ta cần rèn luyện tâm trí
mình, quay lại với hơi thở, và đi lại từ đầu.
Khi tâm trí ta từ từ
lắng dịu, chúng ta bắt đầu thể nghiệm một sự yên tĩnh, thư thái. Từ trạng thái
yên tĩnh sâu xa, chúng ta mới cảm nhận về thân của mình rõ hơn, và cởi mở hơn
với những cảm giác phát sinh. Thoạt đầu ta thường chống lại các cảm giác
khó chịu, nhưng thường chúng không tồn tại lâu. Chúng xuất hiện một lúc và ta
ghi nhận đó là các cảm thọ khó chịu – rồi chúng biến đi để nhường cho một cảm
thọ khác. Và thậm chí cho dù chúng có trở đi trở lại, chúng ta cũng đã bắt đầu
cảm nhận được tính chất vô thường và trống rỗng của chúng và càng lúc càng ít
lo sợ hơn khi thấy chúng.
Chúng ta cần thực tập
thêm để ngày càng ý thức về các ý nghĩ và xúc cảm của mình, những
hoạt động tinh thần chi phối đầu óc, thân thể và cả cuộc sống của mình.
Bạn có bao giờ ngừng lại để tự hỏi ý nghĩ là gì chưa? – không phải là xem xét
nội dung của ý nghĩa mà là bản chất của chúng? Ít người thực sự suy xét “Ý nghĩ
là gì? Hiện tượng này là gì mà xuất hiện lắm lần trong ngày đến thế, và chúng
ta lại ít chú ý đến thế?”.
Việc không ý thức được
ý nghĩ là gì lẫn bản chất của chúng ra sao đã cho phép ý nghĩ chi phối cuộc
sống của chúng ta. Chúng bảo ta làm việc này việc nọ, các ý nghĩ điều khiển
chúng ta như thể chúng ta là đầy tớ của chúng.
Có lần khi tôi đang
giảng dạy ở Bouver, Colorado, tôi đang ngồi một cách thoải mái trong phòng. Các
ý tưởng xuất hiện rồi biến đi, chợt một ý nảy sinh trong đầu óc tôi và phán
rằng: “Bây giờ mà ăn pizza là thú vị lắm đây”. Thật ra tôi không đói, nhưng ý
nghĩ này nhấc tôi ra khỏi ghế, đẩy tôi ra khỏi cửa, bước xuống cầu thang, nhảy
vào xe, lái đến chỗ bán pizza, trở lại vào xe, lên cầu thang, trở về phòng và
cuối cùng ngồi xuống ăn. Cái gì thúc đẩy một hoạt động như thế? Chỉ bắt đầu là
một ý nghĩ.
Dĩ nhiên cũng chẳng có
gì sai trái trong việc chạy đi mua bánh pizza, thế nhưng điều đáng để ý là
cuộc sống của chúng ta bị các ý nghĩ điều khiền đến mức độ nào. Vì mình
không để ý nên nó có quyền lực rất lớn. Nhưng khi chúng ta chú ý, chúng ta quan
sát chúng từ lúc chúng phát sinh rồi tan biến, chúng ta bắt đầu thấy rõ bản
chất trống rỗng của chúng. Chúng nổi lên như những bong bóng năng lượng trong
đầu óc hơn là sự hiển lộ cụ thể của một bản ngã.
Không giống như lão
phù thủy đầy quyến phép núp sau bức màn trong truyện Lão Phù thủy xứ Oz, sức
mạnh mà các ý nghĩ đó do chúng ta trao cho, tất cả ý nghĩ đến rồi đi. Chúng ta
có thể tập chánh niệm về chúng mà không bị lôi cuốn theo sự lang thang của tâm
trí. Với chánh niệm chúng ta có thể thực hiện được sự chọn lựa khôn
ngoan: “Ừ, mình sẽ hành động theo ý nghĩ này: không, buông bỏ ý nghĩ đó đi”.