Saturday, June 4, 2016

Ðịnh tâm (Ðịnh)

Là nguồn đạo lực thứ tư có tác dụng mang lại sức mạnh tu tập cho một hành giả. Có rất nhiều phương pháp để nuôi dưỡng Ðịnh Tâm. Trong trường hợp pháp môn thiền quán thì Ðịnh Tâm chính là khả năng ổn định hóa một sự tập trung sự chú ý của chúng ta vào đối tượng sở tri một cách kịp thời, kể cả đối với những thực tại sở tri luôn thay đổi liên tục. Chẳng hạn như khi chúng ta chú niệm vào hơi thở, nhờ sự can thiệp và trợ lực của Ðịnh Tâm, chúng ta có thể cảm nhận từng biến tướng vô thường của hơi thở ra vào cũng như các thực tại khác có liên quan. Nhân tố cần cho Ðịnh Tâm là sự linh hoạt của Chánh Niệm. Chúng ta có thể hình dung ra mối tương thuộc của hai nguồn đạo lực này bằng hình ảnh hai thanh gỗ cọ xát vào nhau để tạo ra lửa. 

Việc tạo lửa bằng phương thức này tuy là một thao tác xem ra có vẻ dễ dàng và đơn giản nhưng thật ra chỉ cần hai thanh gỗ đó không được cọ xát một cách nhuần nhuyễn thì dầu có bỏ ra bao nhiêu thời gian, ta vẫn hoài công. Quan hệ giữa Chánh Niệm và Ðịnh Tâm cũng giống như vậy: Chỉ vài phút thiếu Chánh Niệm, tất cả tâm lực của chúng ta coi như bị đình chỉ. Trong khi đó, với một nguồn Chánh Niệm bất đoạn, Ðịnh Tâm lập tức được củng cố. Nói gọn lại, sức mạnh của Ðịnh Tâm hoàn toàn tùy thuộc vào Chánh Niệm. Mà toàn bộ con đường giải thoát của chúng ta thì tuyệt đối phải cần đến một Ðịnh Tâm sâu sắc. Ðịnh Tâm ngoài giá trị là một nguồn đạo lực thiết yếu cho trí tuệ giác ngộ, còn mang lại cho hành giả những an lạc kỳ diệu mà không một khoái lạc thế tục nào có thể so sánh được.

Trong cuộc tu của mỗi người chúng ta thường có vô số thử thách lớn nhỏ, mà trong số đó không thể không nhắc đến những phút giây mà chúng ta cảm thấy lười biếng và bị động. Có thể gọi đó là những lúc chúng ta tự mâu thuẩn với lòng mình bằng chính sự thiếu vắng khả năng kiên định của nội tâm. Những khi đó chúng ta luôn tự dối lòng với những đòi hỏi kín đáo: "Phải chi ... Chứ phải... Ước gì... Nếu như... thì mình sẽ có thể tiếp tục nỗ lực". Thay vì trong những trường hợp tâm trạng đó, ta vẫn tiếp tục bỏ mặc những suy nghĩ không cần thiết này để chú tâm phơi mở tất cả mọi cảm giác sinh lý thực tại. Trong mọi thời điểm, hành giả hãy tự biến những cảm nghiệm tiêu cực, thối bộ thành ra đối tượng tri nhận của sự tỉnh thức và trí tuệ tra vấn. Một nỗ lực năng động cho Chánh Niệm vào những tình huống nội tại này sẽ làm tăng lực cho nội tâm và giúp cho khả năng tác niệm mỗi lúc một kiên cố hơn. Nếu chúng ta không tự gò ép cuộc tu của mình bằng một ước vọng chật hẹp nào đó, mà luôn tự tại tu tập với môt tinh thần thoải mái, vô cầu, vô chấp thì ở bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng vẫn có thể vô ngại.


Cũng như đối với các giá trị đạo lực khác, Ðịnh Tâm không phải là một "chiến lợi phẩm" hay một "món quà phương xa". Nó luôn tự nhiên hiện hữu trong bất cứ phút giây nào chúng ta biết sống trọn vẹn với tất cả ý thức của mình. Nói một cách rõ ràng hơn, ngay tại đây và bây giờ chúng ta vẫn có thể tu tập Ðịnh Tâm.