một quy cách sinh
hoạt có ý thức. Chỉ riêng công phu giữ mình theo năm học giới này cũng là phần
đóng góp quan trọng cho khả năng chánh niệm thường nhật. Nghi thức thọ trì ngũ
giới rất đơn giản: có thể là sự phát nguyện trước một ông thầy hay chỉ riêng
một mình tự lập tâm cũng được .
Theo nghi thức truyền
thống thì người muốn chấp trì ngũ giới phải đọc bằng miệng từng câu thệ nguyện
cho mỗi điều. Chẳng hạn như ở điều thứ nhất: "Tôi xin thọ trì học giới bất
sát". Các học giới còn lại cũng thế. Chúng ta hãy học cách sinh hoạt theo
tinh thần của ngũ giới. Vi phạm học giới nào ta cũng tự biết là mình đã bị lấm
nhơ học giới đó rồi phát thệ trở lại. Mỗi học giới là một
lời khuyên răn cho ta không xúc phạm tới chúng sanh khác và nhắc nhở ta một
thái độ sống mẫn cảm, độ lượng hơn. Sức mạnh của năm học giới rất lớn. Nếu toàn
thể nhân loại giữ được giới bất sát và giới không vọng ngữ thì chắc chắn một
phần lớn tình hình toàn cầu sẽ được sửa đổi tốt đẹp nhơn nhiều.
Hãy sống theo tinh thần
ngũ giới. Chính điều này là một chuẩn bị hết sức quan trọng cho đời sống tâm
linh. Vi phạm các học giới cũng có nghĩa là ta đã tự gây trở ngại cho việc tu
tập thiền định của mình. Vì vi phạm học giới nào cũng là một sự xúc phạm đối
với tha nhân, mà đã như vậy thì làm sao ta có thể sống với một tâm hồn thanh thản,
bình yên. Có giữ được ngũ giới một cách sống trong sạch ta mới có được sự giao
hòa nhất định với thế giới xung quanh. Cứ mỗi học giới bị vi phạm là một ánh
đèn tín hiệu báo cho ta biết về tình trạng nội tâm của mình. Nếu tự biết xét
mình một cách nghiêm cẩn, ta sẽ biết được mình đã bị cái gì tác động xấu và
cũng biết cả cách tự sửa một cách chính xác. Nói gọn lại, hãy trân quý ngũ giới
như một phương tiện tuyệt hảo để sửa đổi bản thân và hoán chuyển thế giới.
Chúng ta thường có
khuynh hướng thích rao giảng hay trao đổi sở tri của mình với người khàc. Ðiều
đó dĩ nhiên rất tốt nếu đề tài có nội dung quan hệ giáo lý nhưng vấn đề còn đòi
hỏi ta phải biết chú ý lưu tâm đến hoàn cảnh thực tế nữa. Không phải ở đâu ta
cũng có thể đàm đạo tùy thích. Thật ra chúng ta nào cần thiết phải khuyến dụ
hay kêu gọi đức tin của người khác. Thay vào đó, ta chỉ nên thích nghi với điều
kiện chung quanh và như vậy là ta đã tạo được cơ hội cho người khác chấp nhận
mình. Nói vậy có nghĩa là chỉ nên nói với ai thật trong lòng muốn lắng nghe ta
nói. Ta hãy là một "Ðức Phật", không nên dừng lại ở vai trò một
"người Phật giáo". Hãy để thái độ sống của mình nói lên Phật pháp tốt
hơn là nói bằng ngôn ngữ chữ nghĩa. Bởi nên nhớ rằng con người ta không chỉ
quan hệ với nhau qua ngôn ngữ mà còn qua sự cảm nhận lặng lẽ từ tâm hồn nữa.
Thiên hạ sẽ học hỏi ở chúng ta những gì chúng ta sống chớ không phải qua những
gì chúng ta nói.
Một hôm có vài thiền
sinh đến hỏi một vị đại sư người Tây Tạng lừng danh rằng họ phải làm sao để có
thể hướng dẫn con cái mình có được một đời sống tâm linh sâu sắc. Vị Lạt Ma này
đã trả lời rằngmỗi người có một duyên nghiệp riêng, các bậc cha mẹ không thể
cưỡng cầu trong việc bắt buộc con mình phải đi theo một hướng sống nào đó một
cách hoàn toàn như ý được. Tuy nhiên tấm gương sống tình thương và trong sáng
của cha mẹ sẽ ít nhiều tác động đến đời sống tinh thần của con cái.
Chúng ta có
thể bảo ban lũ trẻ phải biết thương người nhưng trong khi đó chúng ta lại không
làm đúng được những gì mình vẫn nói thì những lời khuyên răn kia không thể có
hiệu quả. Nói chung, hãy học cách đưa hết tâm tư, ngôn ngữ và hành động của
mình vào thành một, rồi cứ thế phát triển các đức tánh như tình thương và sự
tỉnh thức cho tới khi tất cả những thứ đó trở thành một nếp sống căn bản thì mọi
chuyện trên đời sẽ là những cơ hội tốt cho ta tu tập: từ tiếng khóc của trẻ con
đến những cơn đau nhức trong giờ tọa thiền hoặc thậm chí đến việc sinh ly tử
biệt cũng thế.
Thật là ý nghĩa nếu
trong mọi quan hệ đối giao ta đều có được thái độ bao dung trước tất cả vạn
loài. Hãy biết nghĩ về người bằng trọn vẹn trái tim độ lượng của mình và thật
lòng mong mỏi cho tất cả luôn bình an, chẳng hạn một sự tự do.
Sự cô đơn luôn làm cho
cuộc tu của chúng ta trở nên vất vả hơn, nó sẽ là những hành trang quan trọng
cho cuộc hành trình đó. Ta có thể sống qua các thiền khóa dưới sự hướng dẫn của
những thiền sư nhưng rồi ở đoạn cuối của hành trình này ta vẫn chỉ còn lại một
mình để ta làm thầy cho chính ta và từ giai đoạn tự tu này ta mới có thể khám
phá được cái Phật pháp giải thoát ở chính bản thân mình.
Một vị sư người phương
Tây trước khi trở về Mỹ, đã đến nói chuyện với một vị đại đức già người Anh, vị
này vốn là một người đã từng có nhiều chuyến đi qua lại giữa Châu Âu và Châu Á.
Nhà sư trẻ kia muốn xin được đôi lời nhắc nhở để chuẩn bị cho ngày tháng tu
hành ở phương Tây sau này của mình. Vị đại đức người Anh chỉ nói mấy câu ngắn
gọn:
- Tôi chỉ có thể khuyên
sư một điều thôi: Khi đang có mặt tại một trạm xe buýt, hãy thấy rằng chiếc xe
buýt không hề có dính líu tới mình. Dù có là người đứng đợi xe, sư cũng đừng để
mình phải bận tâm, cực lòng vì nó. Lúc nào cũng có một chuyến xe buýt cho sư
mà!
Không có gì để cho ta
phải học tốc, cấp tập, vội vã. Ta phải biết sống trọn vẹn với từng giây phút
thực tại để khám phá chính mình. Qua nếp sống này, đời sống của ta sẽ được hoán
chuyển tốt đẹp hơn. Và để thực hiện được như vậy, ta phải tự có cái khả năng
đối diện cấp thời mà điều này xem ra không đơn giản tí nào.
Tỉnh thức, mẫn cảm, can
đảm và sáng suốt là những giá trị tinh thần tự chứng, không thể có được từ một
sức mạnh ngoại tại nào cả. Chúng được thành tựu từ bên trong nội tâm mỗi người,
thông qua từng vận động của bản thân từ ngữ ngôn đến hoạt động. Những pháp tánh
đó là nguồn năng lực chuyển hóa nội dung chúng ta, là những nguồn năng lực
không gì có thể thay đổi được, bởi chúng lúc này đã là bản chất thật sự của
chúng ta rồi.
J. K.