cho dù nó có ngắn ngủi đến mấy đi nữa; và bằng vào trí
tuệ của bản thân, ta phải hiểu được một cách sâu sắc sức tác động của từng sinh
hoạt và ngôn ngữ của mình đối với vạn loài. Trong vũ trụ này, thực ra, không có
một thứ gì là vô nghĩa hay vô nghiệm cả, cho nên trong mọi hướng hành động,
chúng ta phải luôn nghiêm cẩn đồng thời trân trọng nhân cách hóa tất cả những
gì mà xưa nay hầu như ai cũng xem thường hoặc lãng quên... Ðiều đó đi ra từ một
nguyên do rất dễ hiểu là không mấy người biết quan tâm đến một sự thật hết sức
hiển nhiên: Bất cứ cái gì tồn tại đều luôn có một sức sống, mà mọi sức sống đều
cần phải được trân quý.
Chúng ta có thể hình
dung ra vấn đề này rõ ràng hơn qua hình ảnh một hành giả ẩn cư trong một sơn
động xa khuất nào đó. Dầu đã cách ngăn với cuộc đời tục lụy nhưng giữa vị hành
giả với sơn động kia vẫn có một mối giao hòa nhất định. Ðại khái con người nói
riêng và vạn vật nói chung tuyệt đối không thể hoàn toàn cách ly và phủ nhận
nhau được.
Một vấn đề hết sức quan
trọng ở đây là làm thế nào đó để chúng ta cùng lúc kết hợp nhuần nhuyễn một tâm
hồn biết yêu thương với trí tuệ Thiền Ðịnh về bản chất phù du, vô ngã của đời
sống. Nếu chỉ có được một trong hai thì xem như ta đã rơi vào một cực đoan.
Mà
điều ác nghiệt là một chọn lựa vào trong hai lý tưởng này cũng đều có vẻ hợp lý
và đầy tính thuyết phục cả. Ðể giải quyết vấn đề nan giải đó, ta hãy tìm đến
một nhãn trường khách quan và từ một góc độ thích hợp để có thể rõ toàn bộ cục
diện của vấn đề: Có phải thế giới hôm nay có thể được giàn xếp ổn thỏa một cách
đơn giản bằng những thuốc men, máy móc, nhà ở và thực phẩm hay không? Dĩ nhiên
là không. Bởi vì mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng một biện pháp tối ưu nào
đó mà thôi: Thực phẩm chỉ giải quyết được nạn đói, thuốc men chỉ giải quyết
được vấn đề bệnh tật... mà cội nguồn thật sự cho tất cả khổ lụy trên thế giới,
vốn không chỉ bị khai sinh từ các tác động vật chất. Bất cứ khi nào nhân loại
còn bị ám ảnh bởi những tâm lý xuẩn động, thành kiến và sợ hãi vớ vẫn thì tất
cả các khổ lụy vẫn tiếp tục có mặt.
Từ những tình cảm thiên
lệch và mê muội, chúng ta chỉ sống với mỗi một lý tưởng thấp kém là đầu tư tất
cả phương tiện vật chất. Bằng vào ảo tượng về khái niệm biên giới quốc gia, con
người đã liên tục gây nên những cuộc chiến tranh đẫm máu, để rồi xem nhau như
những kẻ thù xa lạ ngay trên chính một địa cầu mà tất cả đang sinh sống với
nhau. Mặc dầu việc cải thiện những cơ chế chính trị và kinh tế là một vấn đề
quan trọng nhưng nếu chỉ riêng chừng đó thì những nỗ lực, kể cả bằng thiện chí,
vẫn chưa đủ là những biện pháp tối ưu bởi vì cội nguồn thật sự của tất cả những
vấn đề rắc rối trên thế giới như chiến tranh hay đói kém còn có một phần căn
cội cơ bản nằm ngay trong chính tâm hồn của mỗi người. Ta có thể nói rằng trên
thế giới hôm nay nhu cầu về dầu hỏa xem ra vẫn không nghiêm trọng, mà ngược lại
nhân loại đang cần đến rất nhiều giá trị tâm linh mang tính sinh tồn.
Ðó là một
trái tim biết yêu thương, một tâm hồn hào sảng một khả năng hy sinh và trên
hết, chính là những hiểu biết đúng đắn. Từ đó, công việc tối trọng của chúng ta
là những nỗ lực tự tu và tiếp dẫn người khác vượt thoát được tầm tác động của
những ham muốn và sợ hãi. Việc này ngoài ý nghĩa tự độ, còn nhắm vào ý nghĩa
dàn xếp, cứu chuộc nhân loại một cách hữu hiệu. Nhưng nếu chúng ta không thực
hiện được điều đó thì ta có thể mong đợi được người khác hay không? Sự
tu dưỡng và hoán chuyển nội tâm mình là bổn phận quan trọng nhất trong đời sống
chúng ta. Từ cách nhìn này, rõ ràng là đời sống hướng đến sự thăng hoa tâm
linh không hề dành riêng cho bất cứ ai hết. Nó chính là phản ứng tất yếu và cần
thiết cho đời sống của mỗi người.
Như đã nói, tình thương
lợi tha và trí tuệ Vô Ngã nếu không được kết hợp một cách đúng mức thì ta sẽ dễ
dàng đưa đến một cực đoan. Chúng ta phải có một lần nào đó tận mắt chứng kiến
những thảm cảnh ở Campuchia, những cuộc bạo động ở Trung Mỹ, những cuộc đói kém
ở Trung Phi, mới có dịp thấy rằng hầu hết những đau khổ đó đều nảy sinh ra từ
những đầu óc mù quáng, mê muội. Chỉ riêng tại Ấn Ðộ, đã có đến 360 triệu người
thường xuyên thiếu ăn, mỗi ngày chỉ làm việc vừa đủ để để kiếm được một bữa ăn.
Tại Calcutta, tôi đã từng gặp một ông lão 64 tuổi chyên sống bằng nghề kéo xe
và đó là nghề nghiệp duy nhất của ông trong suốt 40 năm trời để nuôi mười miệng
ăn trong nhà. Có lần ông bị ngã bịnh phải nằm nhà mười hôm và chỉ trong một
tuần lễ sau, cả gia đình không còn lấy một đồng và phải nhịn đói. Chúng ta có
thể làm được gì trước những bi kịch này của xã hội, trong khi mỗi ngày ta ta
vẫn không ngừng đổ tiền vào những đầu đạn hạt nhân? Thật là phi lý khi mỗi ngày
trên thế giới cứ mỗi phút có đến 40 em bé tắt thở vì thiếu ăn, thì cùng lúc đó,
cứ mỗi phút, người ta lại bỏ ra khoảng 15 triệu đô la để chế tạo vũ khí. Khi
các bạn đang đọc những dòng này thì tình trạng đau xót trên đây vẫn đang tiếp
diễn!
Tính cho đến hôm nay,
trên thế giới đã có hàng trăm triệu người đang bị chết đói và suy dinh dưỡng.
Ðó là những gì vẫn xảy ra hằng bữa cho một số đông đồng loại của chúng ta. Họ
có khác gì chúng ta đâu: Vẫn là những hình hài với mắt, tai, mũi, họng và lục
phủ ngũ tạng. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm triệu người khác nghèo khổ đến mức
áo quần tả tơi, thiếu thốn cùng cực, suốt đời chẳng hề biết đến những thứ có
thể che mưa đỡ nắng. Rồi cũng có đến hàng trăm triệu người ngày đêm lăn lộn
quằn quại vì bịnh hoạn mà chẳng biết tìm đâu ra một viên thuốc khả dĩ giúp họ
tạm thời qua cơn. Hôm nay, và tại đây, ngay trên chính hành tinh bé nhỏ này,
những nỗi đau xé lòng đó đã tìm được chỗ để đọa đày nhân loại chúng ta. Rõ ràng
là chúng ta phải có một phản ứng cần thiết nào đó thôi. Chúng ta không có quyền
xoay lưng ngoảnh mặt làm ngơ trước mọi sự.
Vì chúng ta là một con người.
Có thể nói, việc chọn
lựa một lý tưởng sống quả là một điều nan giải. Chúng ta có chắc gì đời sống
Thiền định thuần chuyên lại là một con đường tối ưu cho chính mình? Phương thức
chọn lựa hướng đi cho mình ở đây tốt nhất là đòi hỏi ở chúng ta một lần tự vấn
để lắng nghe câu trả lời chín chắn nhất của bản thân mình. Quá trình tự vấn đó
nhắm đến hai câu hỏi: Trước hết là thái độ tâm lý của chúng ta đối với lý tưởng
chọn lựa và vấn đề thứ hai chính là khả năng bản thân của chúng ta. Chúng ta có
được khả năng gì và khả năng đó có thể giúp được gì cho chính mình hoặc tha
nhân?
Ta hãy tự biết nhìn
thẳng vào thực tế, không thông qua một lề thói hay lập trường tín ngưỡng nào
cả. Vấn đề ở đây là đòi hỏi chúng ta một cái nhìn sâu sắc về tất cả đau khổ vẫn
đang tồn tại trên thế giới, về mối quan hệ của cá nhân mình đối với cuộc đời
chung quanh để hiểu biết và cảm thông tất cả thay vì trốn chạy một cách thiếu
trách nhiệm. Nhưng đó chỉ mới là lý thuyết. Những cuộc chiến tranh hạt nhân,
những xáo trộn về môi trường sinh thái, những thảm cảnh cửa nát nhà tan cũng
như có biết bao em bé vẫn đang sống bất hạnh, lạc loài trên trái đất này... Tất
cả đều xảy ra trước mắt ta hàng ngày, ít nhất cũng là qua các phương tiện thông
tin đại chúng, nhưng chúng ta vẫn cứ cố làm như mắt mù tai điếc. Hầu hết chúng
ta đều khép chặt lại trái tim mình để khỏi phải biết gì về những điều đó!
Hãy tự biết phơi mở tất
cả cảm nghiệm về thực tại, vì đó là một yêu cầu hết sức quan trọng nếu chúng ta
còn muốn làm thăng hoa nội tâm mình, và tự chuyển hóa bản thân ra một con người
khác, không phải thứ người mù lòa và thiếu trách nhiệm mà xưa nay mình vẫn thế.
Ðiều này có nghĩa là chúng ta phải biết nhìn vào thế giới này một cách trực
tiếp, cẩn trọng rồi nhìn lại chính mình để hiểu thêm rằng tất cả khổ lụy không
chỉ dành riêng cho những đối tượng mà chúng ta vẫn đang vô tâm nhìn ngắm, mà
chúng còn luôn sẵn sàng có mặt ở ngay trong chính chúng ta nữa. Như đã nói ở
trước và như chúng ta đã biết, cội nguồn của các đau khổ, nếu xét đến kỳ cùng
thì chính là những âu lo, toan tính, thành kiến, thương và ghét... mà trong tâm
hồn của chúng ta, tất cả những cái đó đều có đủ, cũng chính là tất cả khổ lụy
mà ta phải gánh chịu. Chúng ta phải luôn biết bình tĩnh đối diện và đừng bao
giờ lo sợ để phải trốn chạy. Có phơi mở được bộ mặt thật của tất cả khổ lụy,
chúng ta mới may ra khám phá được khả năng giao hòa và lắng nghe chính mình tự
đáy lòng sâu thẳm nhất.
Những điều vừa nói nãy
giờ đã chỉ ra cho ta cội nguồn khai sinh ra tình thương, đồng thời cũng giúp ta
chọn lựa một hướng sống, một lý tưởng hoạt động khả dĩ chấp nhận được. Việc xác
định được hướng đời cho mình chính là chặng đường thứ hai của cuộc tu, mặc dù
xem ra nó đòi hỏi ở chúng ta không ít thời gian. Chúng ta phải tự biết tận dụng
thời gian của mình một cách hữu hiệu để mỗi thời điểm trở thành một quá trình
sống: Từng phút giây đối đầu với những khổ lụy và từng phút giây lắng nghe
chính tự lòng mình, một sự lắng nghe với sự can dự của tình thương và trí tuệ.
Một trong những khó khăn cho lý tưởng sống này của chúng ta là với nhịp sống
văn minh hiện đại, chúng ta có quá ít thời gian để làm những việc đó. Chúng ta
cứ triền miên bị quấy nhiễu với biết bao vấn đề mà cuộc sống thực tế buộc mình
phải động não, phải lo toan. Nội tâm của chúng ta thường xuyên bị lấp đầy bởi
những phức loạn, chúng ta tự đánh mất mình ngay từ trong tâm tưởng và điều đó
cũng có nghĩa là chúng ta đã không giữ lại được mối giao hòa đối với nội tâm và
bản chất thật sự của mình.