Friday, June 17, 2016

Ðến một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy được những dư thừa trong hình thức Thiền Ðịnh của mình,

 và chúng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong cả lúc ta chấm dứt Thiền tọa. Chẳng hạn như những khi mới vừa thức dậy, chúng ta có thấy được mình vẫn thường có những thói quen nào là không thật sự cần thiết hay không? Hầu hết Thiền sinh sau các Thiền khóa đều nhận ra rằng mình đã không còn tiếp tục giữ lại được một nội tâm tĩnh lặng mà trước đó đã phải vất vả thật nhiều để có được một cách chật vật. Ðối với những giá trị tinh thần thì chúng ta, chua chát thay, lại rất dễ dàng đánh rơi tất cả. Chẳng hạn khi phải có mặt trong dòng đời tất bật, từ sự định tâm cho đến phong thái tĩnh lặng, kể cả khả năng chánh niệm của chúng ta thường có khuynh hướng bị thất thoát. Những khi đó, tất cả công phu Thiền Ðịnh, chỉ còn là một mớ ký ức. Bởi thế, đối với những thiền sinh Tây phương, những người vốn đã từng lăn lộn với nhịp sống máy móc, khi họ đến trình pháp thì các vị Thiền sư Châu Á thường chỉ khuyên họ một câu thật đơn giản: "Tốt nhất hãy bỏ đi mọi thứ!".

Trí tuệ Thiền Dịnh không hề võ trang cho chúng ta một kiến thức tư biện hay một sức mạnh tâm linh huyền hoặc nào đó. Bởi điều rõ ràng là khi có một sự cố, một thực tại hiển hiện, nó có thể bỏ mặc chúng ta tự đối diện bằng những cảm nghiệm. Càng va chạm, tiếp xúc với đời sống thực tế, chúng ta sẽ càng có nhiều dịp để nhận ra điều này. Ðặc biệt đối với những Thiền sinh sau khi đã trải qua một thời gian dài của các Thiền khóa gắt gao, nghiêm khắc thì họ càng thấm thía hơn, để rồi sau đó thường thì người ta bỏ cuộc.

Hành trình đối đầu thực tại với tất cả những chát chua của Trí tuệ Thiền Ðịnh như vậy luôn đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều nghị lực: Kiên gan bền chí liên tục cho đến khi nào Trí tuệ Thiền Ðịnh đem lại cho ta những Thiền Lạc và sự tĩnh lặng của nội tâm thay vì những vật vã nặng nề. Bởi vì thực ra cái cay đắng không hề là thuộc tính duy nhất và sau cùng của Trí Tuệ Thiền Ðịnh. Nó còn đưa ta vào một cảnh giới khác sâu xa hơn, trong sáng và ổn định. Cho đến khi nào sự phơi mở tâm hồn và đối đầu với thực tại còn là những đắng chát cho chúng ta, thì như vậy cũng có nghĩa là trong tự đáy lòng chúng ta vẫn còn có những cái Tôi, của Tôi, những sợ hãi và tổn thương tâm lý. Mà tất cả những cái này đều được khai sinh từ những hình thái hết sức sâu kín và tế vi của tham dục. Mặc dù để chấm dứt chúng, dĩ nhiên không phải là việc dễ dàng, nhưng trong những nỗ lực Thiền Ðịnh của bản thân, chúng ta hy vọng sẽ có đủ khả năng tỉnh thức để nhận diện chúng, bắt đầu cho mình những trình độ thấu thị trong sáng hơn, một khả năng nhìn ngắm mọi sự vô thường một cách dễ dàng hơn.

Thường thì những khái niệm bi quan về đời sống vẫn cứ hiển hiện ngay trong giờ phút Thiền Ðịnh của chúng ta bởi chúng ta càng tỉnh thức nhìn ngắm thì chúng càng trở nên hiển hiện rõ ràng hơn. Và đó chỉ mới nói riêng về những nổi khổ đau ngoại tại của tha nhân. Còn đối với riêng bản thân chúng ta thì chúng lại càng cụ thể hơn nhiều. Chẳng hạn như ngay trong những giây phút quan sát đầu tiên thông qua Trí tuệ Thiền Ðịnh, những tập tính (những hình thái ý thức mang tính tập quán) sẽ tự hiển lộ cho chúng ta ngắm nhìn chúng một cách trọn vẹn. Chúng là những âu lo, ham muốn cùng biết bao khía cạnh tâm lý phức tạp khác mà chúng ta đã cố tình chối bỏ, vẫn cứ luôn chực chờ để trở lại với chúng ta khi có cơ hội. Ðại khái, chúng cứ như là những chiếc áo cũ mà mình vẫn thích mặc. Chúng ta phải nhìn nhận rằng việc chấm dứt các tập tính không cần thiết để tiếp thu những trình độ tâm linh khác cao cấp hơn, quả là một điều vô cùng khó khăn.


Tuy nhiên, ta cũng phải hiểu thêm rằng đây chính là cơ hội, thậm chí một lợi khí để chúng ta ứng dụng pháp môn Thiền Ðịnh. Cuộc tu của chúng ta rất cần đến những hiểu biết và cảm thông thay vì là những thành kiến, để chúng ta có thể nhìn ngắm vạn sự với một tình thuơng và khả năng tỉnh thức. Bởi yêu cầu cao nhất của lý tưởng Phật giáo chính là một sự giải thoát, một sự chính xác cần được khám phá và thể hiện mà chúng ta phải luôn học cách thực hiện bằng tất cả chính mình. Nhưng hãy nhớ rằng con đường đó không chỉ đơn giản được thăng hoa qua số lượng thời gian của các Thiền khóa hoặc một hình thức Thiền Ðịnh thiếu nội dung. Nó phải là một cuộc dấn thân và đối diện với tất cả những tập tính vớ vẩn, những âu lo ngu ngơ, những nghi hoặc nông nổi mà chúng ta cần phải biế vận dụng Chánh niệm một cách đúng mức để loại trừ tất cả trong đời sống Thiền Ðịnh của mình.