Chánh niệm là trọng tâm của thiền minh sát tuệ
và là chìa khóa của toàn bộ tiến trình thiền tập. Nó vừa là mục đích của thiền
minh sát tuệ vừa là phương tiện để đạt được mục đích ấy. Bạn đạt được chánh
niệm nhờ liên tục tăng dần chánh niệm. Một từ Pali khác cũng được dùng như
chánh niệm là appamada, mang nghĩa không lơ đễnh, không đãng trí, Người nào
liên tục chú ý những gì đang thật sự xảy ra trong tâm mình thì người ấy sẽ đạt
được trạng thái tỉnh giác cao tột.
Chữ Sati trong Pali còn có nghĩa rộng là sự
nhớ. Nó không phải ký ức về các tư tưởng, hình ảnh trong quá khứ, mà nó là sự
nhận biết rõ ràng, trực tiếp, không bằng lời về cái gì có, cái gì không có; cái
gì đúng, cái gì không đúng; cái gì chúng ta đang làm và chúng ta sẽ tiến hành và
chúng ta sẽ tiến hành như thế nào.
Chánh niệm nhắc hành giả nhớ chú ý vào đúng
đối tượng, đúng thời điểm và nỗ lực đúng mức để thực hiện công việc. Khi nỗ lực
đúng mức, hành giả sẽ duy trì được trạng thái an bình và tỉnh táo, lúc ấy các
trạng thái của tâm mà ta gọi là triền cái, chướng ngại không thể sanh khởi,
không có tham, sân, lười mỏi… Vậy mà hầu hết chúng ta không biết và cứ sai lầm
hoài. Dù thật cố gắng, hành giả vẫn sơ suất chánh niệm, và thấy mình thỉnh
thoảng lại sa vào trạng thái tâm nhiễm ô, vốn thường tình của con người.
Chánh niệm nhận ra sự thay đổi đó, và nhắc
hành giả tinh tấn đúng mức để vượt qua. Sự sơ suất này cứ lặp đi lặp lại, tuy
nhiên nếu hành giả thực hành chánh niệm thì tần số ấy sẽ giảm. Một khi sự chánh
niệm đẩy các ô nhiễm của tâm sang một bên thì càng nhiều tâm thiện sẽ xuất
hiện. Sân giận sẽ nhường chỗ cho lòng từ ái, ái nhiễm sẽ bị thay thế bởi ly
tham. Chánh niệm giúp tuệ giác và tâm bi tăng trưởng. Không có chánh niệm, tuệ
giác và tâm bi không thể phát triển tròn đầy.
Ẩn sâu trong tâm thức có một khuynh hướng chấp
nhận những trải nghiệm vui đẹp và chối bỏ những chuyện đau buồn không hay.
Khuynh hướng này tạo ra tham lam, ái nhiễm, sân hận, ghen tỵ… những trạng thái
mà ta đang tập đoạn trừ. Chúng ta tránh những chướng ngại này không phải vì
chúng ta xấu xa theo nghĩ đen của từ ấy, mà bởi vì chúng ép buộc, chế ngự tâm,
dành trọn sự chú ý, bởi vì chúng cứ luôn quẩn quanh trong những vòng suy nghĩ
nhỏ hẹp, chúng ngăn che không cho chúng ta thấy được thực tại đang sống động.
Khi chánh niệm có mặt thì những chướng ngại
này không thể nào phát sinh. Chánh niệm là sự chú ý vào thực tại hiện tiền, và
vì vậy nó đối nghịch với trạng thái mê mờ của tâm do chướng ngại tạo ra. Chỉ
khi nào thiền sinh để chánh niệm vuột mất thì khi ấy khuynh hướng ẩn sâu trong
tâm ấy mới tiếp tục – nắm bắt, chấp thủ và chối từ. Rồi sự chống đối trổi làm
lu mờ tâm thức. Chúng ta không nhận thấy sự thay đổi này đang diễn ra do chúng
ta cứ mãi miên man nghĩ đến trả thù, tham muốn và bất cứ điều gì có thể.
Một người chưa thiền tập nhất định sẽ tiếp tục
tình trạng này không biết đến bao giờ, nhưng một người có thiền tập sẽ sớm nhận
biết những gì đang diễn ra. Chính chánh niệm thấy được sự thay đổi này. Chính
chánh niệm nhớ cách thực hành và tập trung chú ý làm cho trạng thái mù mờ rối
rắm kia tan dần đi. Và cũng chính chánh niệm cố gắng duy trì chính nó sao cho
sự chống đối kia không thể khởi sinh lại. Như vậy chánh niệm là phương thuốc
đặc trị. Nó là cách thức vừa điều trị vừa phòng ngừa.
Khi được phát triển đầy đủ chánh niệm trở
thành trạng thái hoàn toàn không dính mắc, không chấp thủ đối với bất cứ thứ gì
trên thế gian. Nếu chúng ta giữ được trạng thái này thì chúng ta không cần một
phương tiện gì hoặc một phương sách gì để mong tránh khỏi các chướng ngại , để
đạt được giải thoát.
Chánh niệm không phải là sự tỉnh thức hời hợt.
Nó thấy tận sâu thẳm bên trong các sự vật, vượt qua tầm khái niệm và ý tưởng.
Việc quan sát thâm sâu này sẽ dẫn đến sự chắc thực hoàn toàn, một trạng thái
không còn mơ hồ nữa. Chánh niệm chủ yếu thành tựu như một sự chú tâm liên tục,
vững vàng, không bao giờ sút giảm và bỏ cuộc.
Sự tỉnh giác đơn thuần, không ô nhiễm, mang
tính khám phá sự thật này không chỉ ngăn cản các lậu hoặc mà còn làm giảm tác
dụng và đoạn trừ chúng. Chánh niệm vô hiệu quá các ô nhiễm trong tâm. Kết quả
là tâm sẽ duy trì được trạng thái trong sạch, an lành, tuyệt đối không bị ảnh
hưởng bởi những thăng trầm trong cuộc sống.
H.T
Henepola Gunaratana – Liên thủy lược dịch