Friday, September 12, 2014

Về dục tham triền cái



(1)  Về dục tham triền cái: Nếu quý vị có nhiều tham dục trong lúc hành thiền, định của quý vị sẽ giảm. Tham dục thuộc về nhóm tham. Thời Đức Phật có một vị Tỳ kheo tên là Upananda. Ông là một người bà con của Đức Phật và rất thiện xảo trong việc dạy Pháp. Nhưng ông rất tham đối với bốn món vật dụng.[1] Do lòng tham này, ông cố hết sức để có được bốn món vật dụng bằng những cách phi pháp. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện của vị Trưởng lão này được ghi lại trong chú giải Pháp Cú (Dhammapāda).
Một lần khi mùa mưa sắp đến gần, trưởng lão Upananda đi vào thị trấn. Ông dừng lại tại một ngôi chùa nọ để dạy Pháp, các vị sa di và tân Tỳ kheo ở đó thích cách nói chuyện của ông đến nỗi họ liền thỉnh ông, ‘Bạch ngài, xin hãy an cư mùa mưa (nhập hạ) ở đây với chúng con.’  ‘Người nhập hạ ở chùa này được phân phát cho cái gì?’ vị trưởng lão hỏi. Mọi người trả lời: ‘Một lá y’. Vị trưởng lão để lại đôi giày của mình ở đó và đi đến ngôi chùa kế. Khi đến ngôi chùa thứ hai, ông cũng hỏi câu hỏi như vậy, ‘Ở đây được chia cái gì?’ ‘Hai lá y,’ là câu trả lời. Tại đây ông để lại cây gậy chống của mình. Rồi ông tiếp tục đi đến ngôi chùa thứ ba và hỏi câu hỏi như trước, ‘Được chia cái gì ở đây?’ ‘Ba lá y,’ là câu trả lời. Tại đó ông để lại bình nước của mình.
Ông tiếp tục đi đến ngôi chùa thứ tư và cũng hỏi như thế, ‘Ở đây được chia cái gì?’ ‘Bốn lá y,’ ‘Rất tốt,’ trưởng lão nói, ‘Ta sẽ an cư ở đây.’ Và ông nhập hạ tại ngôi chùa ấy. Ông đã dạy Pháp cho các thiện tín và chư tăng cư trú ở đó hay đến mức họ dâng cúng cho ông rất nhiều y áo. Khi hết mùa an cư, ông nhắn tin đến các ngôi chùa khác rằng ‘Khi ra đi tôi có để lại những đồ dùng của tôi tại đó, và vì thế tôi cũng phải có những gì người nhập hạ nhận được; xin hãy gởi những thứ đó đến cho tôi.’ Khi ông đã gôm hết tất cả những tài sản của ông lại, ông chất chúng lên một chiếc xe bò và tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Lúc bấy giờ ở một ngôi chùa nọ, hai vị Tỳ kheo trẻ nhận được hai lá y và một chiếc mền, cảm thấy khó có thể chia sao để thoả mãn được cả hai người, và do không giải quyết được nên bắt đầu cãi nhau bên vệ đường, một người nói, ‘Ông hãy lấy hai lá y, còn cái mền thuộc về tôi.’ Ngay khi ấy họ thấy vị Trưởng lão đi đến, họ bèn nhờ, ‘Bạch ngài, ngài hãy chia cho công bằng và cho chúng con những gì ngài nghĩ là hợp lẽ.’ ‘Liệu các ông có theo đúng quyết định của tôi không?’ ‘Có bạch ngài, chúng con sẽ theo đúng quyết định của ngài.’ ‘Vậy thì tốt lắm.’ Thế là vị trưởng lão chia hai lá y cho hai vị Tỳ kheo; rồi ông nói, ‘Chiếc mền này chỉ có ta, người dạy Pháp, mới nên đắp.’ Nói như vậy xong, ông vắt chiếc mền đắt giá lên vai và bỏ đi.
Tức tối và thất vọng, hai vị Tỳ kheo trẻ đi đến Đức Phật và trình bày toàn bộ sự việc xảy ra cho ngài hay. Đức Phật nói, ‘Đây không phải lần đầu ông ta lấy những gì thuộc về các con, khiến cho các con tức tối thất vọng đâu; trong một tiền kiếp trước ông ta cũng đã làm như vậy rồi.’ Và ngài liên hệ lại câu chuyện sau:
Thuở xưa, lâu lắm rồi, có hai con rái cá, một con tên Anutīracārī còn con kia tên tên Gambhīracārī, bắt được một con cá hồng rất lớn và sinh sự với nhau về việc chia con cá ấy, một con nói, ‘Khúc đầu phần tôi; còn bạn hãy lấy khúc đuôi.’ Đang lúc không thể thực hiện được một sự phân chia thoả mãn cho cả hai, thì chúng thấy một con dã can đi đến, chúng liền khẩn khoản yêu cầu con này chia giùm, chúng nói, ‘Thưa chú, chú hãy chia con cá này theo chú nghĩ là thích hợp và nhận lấy một phần thưởng.’ Con dã can nói, ‘Tao được đức Vua chỉ định làm thẩm phán, và mỗi ngày buộc phải ngồi hàng giờ trong công đường; tao đi ra ngoài này chỉ là để duỗi chân duỗi tay cho đỡ mỏi thôi; có thì giờ đâu cho công việc như thế này.’ ‘Chớ có nói vậy, thưa chú, chú cứ chia đi và nhận lấy một phần thưởng.’ ‘Liệu chúng mày có theo đúng phán quyết của tao không? ‘Có, thưa chú, chúng cháu sẽ theo đúng phán quyết của chú mà.’ ‘Vậy thì tốt,’ dã can nói. Rồi nó cắt khúc đầu để qua một bên, và cắt khúc đuôi để qua một bên. Xong xuôi, nó nói với hai con rái cá, ‘Này các bạn, trong hai đứa, đứa nào chạy dọc bờ sông sẽ lấy khúc đuôi, đứa nào lặn xuống nước sẽ lấy khúc đầu; còn về phần giữa này, vì tao là thẩm phán, nên nó sẽ là của tao.’ Và để làm cho hai con rái cá thấy được vấn đề trong ánh sáng rõ ràng hơn, nó công bố bài kệ sau:

Anutīracārī khúc đuôi,
Và Gambhīracārī khúc đầu;
Còn lại phần giữa này,
Sẽ thuộc về phán quan (người xử kiện).

Sau khi công bố bài kệ này, dã can cầm lấy khúc giữa của con cá và bỏ đi. Về phần hai con rái cá, với tâm tràn đầy tức tối và thất vọng, chúng đứng nhìn con dã can khi nó bỏ đi.
Sau khi Đức Phật chấm dứt câu chuyện quá khứ, Ngài nói, ‘Sự tình là vậy, trong thời quá khứ Trưởng lão này cũng đã từng làm cho các con tức tối và thất vọng rồi.’
Chúng ta thấy, trưởng lão Upananda trong quá khứ là một người rất tham. Do thói quen xấu này, ông không thể hành thiền tiến bộ. Mặc dù ông được nghe rất nhiều pháp nơi Đức Phật, nhưng ông không thể đắc được một bậc thiền nào hay chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna).
Trong khi quý vị đang hành thiền, sự tri túc (biết đủ) rất quan trọng. ‘Santuṭṭhī paramaṁ dhanaṁ’ - ‘Tri túc là giàu sang bậc nhất.’ Nếu quý vị không biết tri túc, mà lúc nào cũng chỉ nghĩ, ‘Ôi, món ăn ngày hôm nay không ngon. Tôi không thích món ăn ấy.’ Nếu quý vị trông đợi một món ăn khác mình thích, đó là một chướng ngại. Sự tập trung của quý vị sẽ giảm đi. Và quý vị sẽ là một Upananda thứ hai. Vì thế, quý vị không nên phàn nàn về bất cứ điều gì. Nếu chân quý vị mang một đôi giày da, dù quý vị có đi chỗ nào, thế gian này nhìn cũng như thể được lót bằng da.  Cũng vậy, nếu quý vị biết tri túc, mọi vật đều thích hợp với quý vị. Sẽ không có gì để phàn nàn cả. Chỉ lúc đó quý vị mới có thể hành thiền tốt được.
Nằm dưới nhóm tham này còn có một triền cái khác, kiêu mạn, vốn cũng là một chướng ngại cho sự đạt đến định cao hơn và chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna). Thời Đức Phật, có năm trăm vị bà-la-môn rất thông minh. Họ đã nghiên cứu hết ba tập Vệ-đà (Vedas), nhưng không tìm được chút tinh yếu nào trong đó. Do điều này, họ gia nhập Giáo Pháp của Đức Phật và được thọ giới làm Tỳ kheo. Bởi vì họ là những người rất thông minh nên họ có thể nghiên cứu và tụng đọc làu làu Tam Tạng Kinh Điển (Piṭakas). Chính vì thế, họ tự nghĩ: ‘Phật Pháp đối với chúng ta quá dễ. Những gì Đức Phật dạy chúng ta có thể học thuộc lòng một cách dễ dàng. Phật Pháp chẳng có gì khó cả.’ Vì thế họ trở nên tự phụ và thậm chí còn không đảnh lễ Đức Phật.
Một hôm Đức Phật thấy rằng mặc dù những vị Tỳ kheo này có đủ ba la mật (paramī) để trở thành các bậc A-la-hán trong kiếp đó, nhưng nếu họ không loại trừ được tâm kiêu mạn họ sẽ thất bại. Vì sao? Bởi vì một cái tâm kiêu mạn rất kiên cứng, và như vậy không thể nào đi vào định sâu và đạt đến các tuệ minh sát (vipassanā) được. Do đó Đức Phật đã giúp họ loại trừ tâm kiêu mạn này.
Đức Phật đã loại trừ sự kiêu mạn của họ như thế nào? Ngài dạy cho họ bài Kinh Mūḷapariyāya (Pháp Môn Căn Bản Kinh). Trong bài Kinh đó, Đức Phật giải thích chi tiết bốn loại người. Loại người thứ nhất là một phàm nhân vốn thấy mỗi đại trong tứ đại như ‘cái này là tôi’, ‘cái này là của tôi’ và ‘cái này là tự ngã của tôi’. Chẳng hạn, một số hành giả ở đây có thể nói: ‘Thưa Sayadaw, lưng con rất cứng.’Vào lúc ấy, họ đã thấy tính chất cứng như ‘cái (cứng) này là của tôi’. Có phải như vậy không? Theo cách này một kẻ phàm phu thấy với tham ái (taṇhā) địa đại này như ‘cái này là của tôi.’ Một số có thể nghĩ: ‘Tôi là một người rất cứng.’ Vậy là họ đã thấy với kiêu mạn (māna) địa đại này như là ‘Tôi’. Hoặc một số có thể có quan niệm rằng tính chất cứng này thuộc về một tự ngã; đây là thấy với tà kiến (diṭṭhi) địa đại kể như ‘cái này là tự ngã của tôi’. Như vậy một kẻ vô văn phàm phu thấy tứ đại theo cách của tham ái, ngã mạn và tà kiến.
Sau đó Đức Phật dạy cho họ biết về cái thấy của một bậc nhập lưu (sotāpanna), một bậc nhất lai (sakadāgāmī) và một bậc bất lai (anāgāmī). Ba loại thánh nhân này cũng thấy tứ đại, song các ngài không thấy chúng như ‘cái này là của tôi, cái này là tôi, hay cái này là tự ngã của tôi.’ Mặc dù các ngài vẫn chưa loại trừ hoàn toàn được sự tham chấp vào tứ đại và những danh sắc khác, nhưng các ngài không quán chúng như ‘cái này là của tôi, cái này là tôi, hay cái này là tự ngã của tôi.’ Tại sao?  Bởi vì các ngài là những bậc thánh hữu học (sekha). Các ngài đã thực hành thiền chỉ và thiền quán một cách hệ thống. Các ngài đã thấy và phân tích được các kalāpas. Các ngài đã phân biệt được danh và sắc tối hậu (chân đế) và các nhân của chúng, và còn phân biệt thêm chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ những năng lực này mà các ngài có rất ít sự dính mắc đối với danh và sắc. Các ngài không còn những tà kiến, như xem ‘cái này là sắc của tôi’ hay ‘cái này là danh của tôi’. Tuy nhiên, chỉ khi các ngài đang hành thiền các ngài mới thấy danh và sắc là vô thường, khổ và vô ngã. Còn khi các ngài không thiền, các ngài vẫn thấy những khái niệm về đàn ông, đàn bà, cha, mẹ v.v…như thường. Vì thế các ngài chỉ đoạn trừ phiền não một phần nào đó mà thôi.
Kế tiếp, Đức Phật dạy chánh kiến của các bậc A-la-hán. Các vị A-la-hán  luôn luôn thấy danh và sắc là vô thường, khổ và vô ngã. Chỉ khi các ngài quán những khái niệm, như con người, kasiṇa đất và kasiṇa nước, các ngài mới biết khái niệm ấy như ‘đây là Ānada,’ ‘đây là Xá-lợi-phất (Sāriputta),’ …
Kế tiếp Đức Phật giải thích chánh kiến của các bậc Toàn Giác hay Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhas). Chư Phật Chánh Đẳng Giác cũng luôn luôn thấy danh và sắc là vô thường, khổ và vô ngã. Nhưng chánh kiến của các vị A-la-hán và chánh kiến của chư Phật không giống nhau. Các vị A-la-hán  chỉ thấy tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh và sắc phần nào đó, trong khi chư Phật thấy chúng một cách toàn diện. Trong thân của chúng ta, có vô số các kalāpas. Các vị A-la-hán  không thể phân tích từng mỗi kalāpa ấy. Các vị chỉ có thể phân tích một số nào trong đó mà thôi. Khi các vị phân biệt các kalāpa bên ngoài cũng vậy. Nhưng chư Phật Chánh Đẳng Giác có thể phân tích tất cả các kalāpas trong một tỷ thế gian không ngoại trừ.
Trong khi Đức Phật đang giảng giải Pháp này, năm trăm vị Tỳ kheo không làm sao thấu hiểu được.Vì sao? Vì kiến thức của các vị chỉ là kiến thức kinh điển, không phải kiến thức do tu tập hay thực hành. Lúc ấy ngã mạn của các vị từ từ giảm xuống. Khi tâm ngã mạn của các vị đã hạ bớt, Đức Phật cho mỗi vị một đề tài thiền.  Sau đó các vị  thực hành và đắc được các bậc thiền (jhānas). Dựa trên thiền này, các vị phân biệt danh sắc và các nhân của chúng. Và rồi các vị quán danh sắc cùng với các nhân của chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Khi Minh-sát (Vipassanā) trí của các vị đã đủ để đạt đến A-la-hán  thánh quả, Đức Phật dạy cho các vị một bài Kinh ngắn gọi là Abhiññā Sutta, tại cāpālacetiya thuộc xứ Vesālī. Sau khi nghe xong bài Kinh ấy, tất cả các vị đều đạt đến A-la-hán Thánh quả. Tôi sẽ dẫn một vài câu từ bài Kinh đó cho các vị biết: ‘Này các Tỳ kheo, ta dạy Pháp chỉ sau khi đã biết (pháp ấy) với thắng trí của ta. Ta không bao giờ dạy Pháp mà ta không biết. Ta dạy Pháp có các Nhân của nó. Ta không bao giờ dạy Pháp không có các nhân.’ Đây là lí do vì sao quý vị nên kính trọng giáo Pháp của Đức Phật, bởi vì chỉ sau khi biết với thắng trí của mình ngài mới đem dạy nó. Như vậy, bao lâu các vị Tỳ kheo ấy chưa loại bỏ được tâm ngã mạn của mình, họ không thể chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Và sau khi đã loại trừ được ngã mạn, các vị hành thiền với lòng tôn kính và chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế quý vị cũng nên noi theo tấm gương của họ, từ bỏ ngã mạn và hành thiền với lòng kính trọng pháp.
(2)  Sân triền cái: Bao lâu quý vị chưa bỏ được sân hận hay ác ý, quý vị sẽ không thể nào tu tập định. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là: Dạ-xoa Āḷāvaka, người có tâm sân hận mãnh liệt đối với Đức Phật.
Một tối nọ trong khi Dạ-xoa Āḷāvaka đang tham dự một cuộc họp của các Dạ-xoa trong vùng Himavanta Đức Phật đã đi đến và ngồi trong toà lâu đài của ông ta ở Āḷavī. Khi Dạ-xoa Āḷāvaka được người giữ cổng và hai Dạ-xoa bạn thông báo rằng Đức Phật đang ngồi trong toà lâu đài của ông ta, ông đã nổi cơn thịnh nộ. Ông liền quay về toà lâu đài của mình và tấn công Đức Phật bằng chín loại vũ khí, nhưng vô ích. Tiếp đó ông dẫn một đội quân gồm bốn binh chủng cùng với các loại binh ma và vũ khí khác nhau, chiến đấu suốt nửa đêm để cố làm cho Đức Phật hoảng sợ, nhưng cũng không thành công. Sau khi thất bại không làm cho Đức Phật hoảng sợ được như vậy, ông nghĩ: ‘Nếu như ta ném chiếc thiên y trắng, thứ vũ khí được xem là bất khả chiến thắng này (vào Đức Phật) thì chắc là hay đấy!’ Người ta nói rằng nếu Dạ-xoa Āḷāvaka nổi giận và ném chiếc thiên y trắng của mình lên trời thì sẽ có một trận hạn hán trong mười hai năm; nếu nó được ném trên đất thì tất cả cây cối và những thứ khác sẽ khô héo, và mặt đất sẽ không có cây cỏ trong mười hai năm; nếu nó được ném xuống biển thì tất cả nước trong biển sẽ khô cạn giống như những giọt nước trong một chiếc bình nóng đỏ; và nếu nó được ném vào một quả núi lớn như Núi Tu di, núi ấy sẽ sụp xuống và bể tan thành từng mảnh.
Nghĩ thế xong Dạ xoa Āḷāvaka vươn người lên cao hơn và chạy vòng  quanh Đức Phật rồi ném chiếc thiên y trắng về phía ngài. Chiếc thiên y tạo ra một âm thanh khủng khiếp trên bầu trời giống như vũ khí của thần sấm, khói toả mù mịt và bốc cháy với những ngọn lửa dữ dội, tấm y choàng bay thẳng đến Đức Phật nhưng khi đến gần ngài thì nó biến thành một tấm giẻ chùi chân và rơi xuống dưới chân ngài.
Chứng kiến sự việc này Dạ xoa Āḷāvaka trở nên bất lực; ông cảm thấy sự kiêu mạn của mình đã hoàn toàn biến đâu hết giống như con bò bị gãy mất cặp sừng hay như con rắn hổ mang đã bị bẻ hết răng. Ông suy xét: ‘Tại sao vũ khí ấy lại thất bại?’ Rồi ông phỏng đoán: ‘Sa môn Cồ-đàm (Gotama) an trú trong tâm từ. Đây chắc hẳn là lý do. Bây giờ ta sẽ làm cho ông ta mất đi tâm từ ấy bằng một lời nói gây tức giận..’ Vì thế Dạ xoa  nói: ‘Này Sa môn (samaṇa), hãy đi ra!’ Đức Phật lúc đó chấp hành mệnh lệnh của ông ta và bước ra khỏi toà lâu đài, đồng thời còn đưa ra một câu trả lời nhã nhặn: ‘Được thôi, hiền giả Āḷavaka.’ Thấy vậy Dạ xoa Āḷāvaka nghĩ: ‘Sa môn Cồ Đàm quả thực biết vâng lời. Ta chỉ ra lệnh có một lần Ông đã đi ra. Không có duyên cớ gì mà ta phải chiến đấu với ông ta suốt cả đêm như vậy.’ Nghĩ như thế lòng Āḷavaka bắt đầu trở nên mềm lại. Để thử Đức Phật thêm nữa ông đã yêu cầu Đức Phật: ‘Này Sa môn, hãy đi vào!’ Đức Phật lại nhã nhặn nói, ‘Được thôi, hiền giả Āḷavaka,’ và bước vào toà lâu đài.
Ba lần Āḷavaka yêu cầu Đức Phật đi ra và đi vào lâu đài của mình, Đức Phật đã làm theo đúng như vậy. Lúc đó ông nghĩ: ‘Ta sẽ làm cho Sa môn Cồ-đàm (Gotama) mệt nhoài suốt đêm nay. Sau đó ta sẽ nắm hai chân ông ta ném qua bên kia sông Hằng.’ Vì thế ông đã yêu cầu Đức Phật lần thứ tư, ‘Này Sa môn, hãy đi ra!’ Biết được dự định của Āḷavaka Đức Phật trả lời: ‘Như-lai đã biết ý đồ xấu xa trong tâm ngươi. Do đó Như-lai sẽ không đi ra đâu. Ngươi thích làm gì thì cứ làm.’
Khi ấy Dạ-xoa nghĩ: ‘Bây giờ ta sẽ hỏi Sa môn Cồ-đàm một vài câu hỏi. Nếu ông ta không đưa ra được những câu trả lời thoả mãn cho ta, ta sẽ làm cho ông ta điên loạn, làm cho ông ta vỡ tim và cầm hai chân ông ta ném qua bên kia sông Hằng.’ Nghĩ xong, Āḷavaka liền nói với Đức Phật: ‘Ta sẽ hỏi ông một vài câu hỏi, này Sa môn. Nếu ông không trả lời được, ta sẽ làm cho ông điên loạn, hay làm cho ông vỡ tim, hay túm lấy chân ông ném qua bên kia sông Hằng.’ ‘Này hiền giả Āḷavaka, Như Lai không thấy một ai trong thế gian này, kể cả chư thiên, Ma-vương, phạm thiên, và trong số các chúng sinh bao gồm các hàng Sa môn, Bà-la-môn, chư thiên và con người, có thể làm cho Như-lai điên loạn, hay vỡ tim, hay túm lấy chân Như Lai ném qua bên kia sông Hằng được. Tuy thế, hãy hỏi những gì ngươi muốn hỏi.’ Nghe vậy, Dạ xoa Āḷavaka bèn hỏi Đức Phật bốn câu hỏi này dưới hình thức những vần kệ:
‘Gì là của quý nhất đời?
Pháp gì hành khéo an vui lâu dài?
Hương gì thơm ngát thế gian?
Sống sao bậc trí gọi là đáng khen?
Đức Phật trả lời:
‘Đức tin của quý nhất đời,
Chánh hạnh hành khéo an vui lâu dài,
Chân thật thơm ngát thế gian.
Sống theo trí tuệ mọi người ngợi khen.

Dạ-xoa Āḷāvaka lại hỏi tiếp:

‘Thế nào vượt khỏi bộc lưu?
Thế nào vượt thoát đại dương luân hồi?
Thế nào để thoát khổ đau?
Thế nào để được tịnh thanh tâm mình?

Đức Phật trả lời:

Đức tin vượt khỏi bộc lưu.
Thận trọng là pháp vượt qua luân hồi.
Tinh tấn vượt thoát khổ đau.
Trí tuệ là pháp tịnh thanh tâm mình.’
Sau khi nghe xong những câu trả lời, Āḷavaka được an lập trong thánh quả nhập lưu.
Như vậy, mặc dù Āḷavaka có đủ ba la mật (paramī) (pāramīs) để đạt đến thánh đạo và thánh quả chỉ do nghe một thời Pháp, song ông không thể đắc được đạo quả ấy bao lâu tâm sân hận của ông vẫn còn. Đó là lí do vì sao Đức Phật đã phải khéo léo làm cho tâm của ông mềm dịu lại trước đã. Sau khi loại trừ được tâm sân đối với Đức Phật và trong khi lắng nghe Pháp với lòng kính trọng, ông đã trở thành một bậc nhập lưu.

(1) Hôn trầm và thuỵ miên triền cái: Trong lúc ngồi thiền nếu quý vị uể oải, buồn ngủ, quý vị có thể tập trung tốt được không? Không. Đây là một chướng ngại lớn. Vì thế quý vị nên cố gắng loại trừ cơn buồn ngủ bằng cách nhìn vào ánh sáng, hay bằng cách chà xát cơ thể, xoa tai, xoa mắt, xoa mũi v.v…
(2) Trạo cử và hối quá triền cái: Đây cũng là một chướng ngại lớn đối với việc hành thiền. Trong lúc hành niệm hơi thở (ānāpānasati), nếu tâm quý vị bất an (trạo cử) quý vị nên dùng phương pháp đếm hơi thở để loại trừ trạng thái bất an ấy. Ngoài hơi thở ra, quý vị không nên chú ý đến bất kỳ đối tượng nào khác. Quý vị nên ngưng lại mọi sự suy nghĩ, nói chuyện và tranh cãi.
(3) Hoài nghi triền cái: Trong lúc hành thiền, quý vị phải có đủ niềm tin nơi Tam-bảo – Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng (nhất là đối với các bậc đã đạt đến A-la-hán thánh quả). Nếu quý vị có đủ niềm tin hoài nghi sẽ biến mất. Ngoài ra trong lúc hành niệm hơi thở (ānāpānasati), quý vị cũng phải có sự tin tưởng rằng thực hành pháp môn này quý vị có thể đắc các bậc thiền (jhānas). Quý vị không nên hoài nghi về nó, chẳng hạn như có ý nghĩ, ‘Ôi, không có gì bảo đảm để ta đắc thiền (jhānas).’ Loại hoài nghi này sẽ là một chướng ngại lớn cho việc thực hành thiền định của quý vị.
Mọi người chúng ta ai cũng có đủ ba la mật (paramī) để đắc thiền, bởi vì mọi người chúng ta đều đã từng nhiều lần được tái sanh trong các cõi phạm thiên (brahma), nhất là lúc thế gian sắp sửa bị tiêu hoại bởi lửa, nước và gió (trong các kiếp hoại). Vào lúc đó, tất cả chúng ta, những chúng sinh trong thế gian này, đều được tái sanh trong các cõi phạm thiên, điều này có nghĩa là chúng ta đã đắc các bậc thiền sắc giới và vô sắc giới tương ứng. Sau khi tái sanh trong các cõi phạm thiên, chúng ta còn tiếp tục hành thiền ở đó. Như vậy tất cả chúng ta đều có đủ ba la mật để đắc jhānas (thiền). Vì thế quý vị phải có đủ niềm tin nơi việc hành thiền và nơi chính bản thân mình.
(4) Vô minh triền cái: Nếu quý vị thấy danh sắc chân đế, và các nhân của chúng, minh sát trí của quý vị lúc đó sẽ loại trừ được vô minh triền cái một cách tạm thời. Nếu quý vị đạt đến A-la-hán thánh quả, vô minh triền cái sẽ vĩnh viễn biến mất.
Trong Đại Niệm Xứ Kinh (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) Đức Phật nhấn mạnh đến việc đoạn trừ tham và ưu. Sự thoả mãn bám rễ trong trạng thái an lạc của thân, thích thú trong thân, và sự rơi vào ý niệm sai lầm vốn nhận cái thường, lạc, ngã, tịnh không thực của thân cho là thực được đoạn trừ cùng với tham. Sự không hài lòng bám rễ trong trạng thái khổ của thân, không thích thú trong sự tu tập quán thân, và ước muốn xoay lưng (tránh) đối diện với thực trạng vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh của thân được đoạn trừ cùng với ưu.
Sức mạnh thiền và thiện xảo thiền được thể hiện qua việc hướng dẫn cách vượt qua tham và ưu. Nếu một vị Tỳ kheo quán ba mươi hai thân phần một cách rõ ràng và quán danh sắc tối hậu (chân đế) là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh, thì việc thực hành này sẽ dẫn đến chỗ giải thoát khỏi tình trạng thoả mãn với trạng thái an lạc của thân và bất mãn với trạng thái khổ của thân, tránh được sự thích thú trong thân và giữ được sự thích thú trong tiến trình quán thân. Tâm người ấy sẽ không bị hấp dẫn bởi cái không thực (thường, lạc, ngã và tịnh), cũng không chạy trốn khỏi cái chân thực (vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh), bởi vì người ấy đã thấy thực chất của mọi hiện tượng (các pháp) một cách rõ ràng với minh sát trí của mình. Như vậy, việc thực hành này tạo ra sức mạnh thiền. Và thiện xảo thiền là sự khéo léo trong việc hiến mình cho thiền.
Một cách khác để giải thích đoạn: ‘(Vị Tỳ kheo) sống quán thân là thân với nhiệt tâm, chánh niệm và tỉnh giác…’ ‘Quán’ ám chỉ đến đề tài thiền. ‘Sống hay trú’ muốn nói đến việc bảo vệ đề tài thiền, mà ở đây là thân.
Trong đoạn bắt đầu với ‘nhiệt tâm,’ chánh cần (sammappadhāna) đã được nhắc tới bằng nghị lực. Giữ vững đề tài thiền dưới mọi hoàn cảnh hay những phương tiện để bảo vệ đề tài thiền được nói đến bằng từ chánh niệm và tỉnh giác. Sự tập trung hay định có được qua việc quán thân được tuyên bố bằng chánh niệm. Tuệ (minh-sát) có được bằng sự tỉnh giác. Và quả của sự tu tập nội tâm đạt được qua việc vượt qua tham và ưu.
Phụ chú giải giải thích như sau: Đề tài thiền  hữu ích trong mọi trường hợp được tuyên bố bằng áp dụng chánh niệm và tỉnh giác. Bởi vì nhờ sức mạnh của hai phẩm chất này mà có sự bảo vệ đề tài thiền và nhờ sức mạnh thích hợp của sự chú tâm mà việc thực hành không bị gián đoạn.
Chẳng hạn, trong khi đang thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati) quý vị phải luôn luôn nhớ đến hơi thở với chánh niệm mạnh mẽ và đầy năng lực, đồng thời biết rõ hơi thở với trí tuệ tỉnh giác. Nếu quý vị thực hành một cách liên tục như thế  trong mọi oai nghi, quý vị sẽ bảo vệ được đề tài thiền cũng như tâm của quý vị.
Thêm nữa, liên quan đến chánh niệm và tỉnh giác, Mūḷatīkā, chú gải cho bộ Aṭṭhasālinī, nói ‘Đối với tất cả những ai đã hiến mình cho việc thực hành bất cứ đề tài thiền nào, hai pháp (chánh niệm và tỉnh giác) này giúp ích cho việc loại trừ những chướng ngại (triền cái) và gia tăng sự tu tập nội tâm.’
Tu tập nội tâm là gì? Đó là sự loại trừ tất cả mọi phiền não. ‘Citaṁ dantaṁ sukhavahaṁ.’ ‘Nếu tâm được thuần hoá, hành giả có được mọi sự an lạc.’ Tâm thoát khỏi mọi phiền não có thể đưa ta đến Niết-bàn (Nibbāna).
Chú giải tiếp tục giải thích đoạn kinh, ‘Vị ấy sống quán thọ chỉ là các thọ…tâm chỉ là các tâm…pháp chỉ là các pháp.’ Ở đây sự lập lại của các từ ‘thọ’, ‘tâm’, và ‘pháp’ cần được hiểu theo những lý do đã được đưa ra cho sự lập lại của từ ‘thân’ trong quán thân.
Có ba loại thọ: lạc, khổ và bất khổ bất lạc thọ. Một số người có thể hỏi: ‘Các thọ phải được quán như thế nào?’ Những thọ lạc phải được quán như là khổ bởi vì chúng thực sự là khổ. Những thọ khổ phải được quán như một cây gai bởi vì chúng tạo ra phiền não.Và những cảm thọ bất lạc bất khổ phải được quán như vô thường bởi vì tính chất vô-chủ hay tuỳ thuộc, v.v… của nó.
Do đó, Đức Phật nói:

Vị Tỳ kheo thấy thọ lạc là khổ,
Thấy thọ khổ như một cây gai,
Sự bình yên (trung tính) không lạc khổ như vô thường,
Sẽ hiểu đúng và ra đi an tịnh.

Phụ chú giải giải thích: ‘Ai thấy lạc là khổ,’ có nghĩa là ai với con mắt trí tuệ (tuệ nhãn) thấy được các thọ lạc là khổ bởi vì sự thay đổi của chúng, tức là ngay khi chúng sanh lên chúng liền diệt. ‘Ai thấy khổ như một cây gai,’ có nghĩa là ai thấy các cảm thọ đau đớn như đang gây tổn thương, đang xuyên thấu, và như một cái gì đó khó rút ra. ‘Sự bình yên trung tính’ hàm ý rằng thọ trung tính (xả) là an tịnh, bởi vì nó không thô như thọ khổ và thọ lạc, và bởi vì bản chất của nó là yên tĩnh.
Tất cả ba loại thọ kể trên đều vô thường bởi vì chúng diệt liền sau khi sinh. Chúng chỉ (xuất hiện) nhất thời và trong trạng thái phủ định bất biến.  Thấy được các cảm thọ theo cách này là thấy sự bình yên trung tính của bất khổ bất lạc thọ cũng chỉ thoáng qua. Và vị Tỳ kheo thấy được như thế sẽ thực sự hiểu một cách đúng đắn và ra đi an tịnh.
Thêm nữa, tất cả các thọ đơn giản phải được quán là khổ. Vì điều này đã được Đức Thế Tôn nói: ‘Phàm cái gì được cảm thọ đều là khổ.’ Vì sao? Chính vì các thọ bị bức bách bởi sự sanh và diệt không ngừng vậy.
Điều này cũng phải được hiểu theo những gì Tỳ kheo ni Dhammadinnnā, một bậc A-la-hán, đã giải thích cho Visākha, người chồng cũ của bà, trong Tiểu Kinh Phương Quảng (Cūla Vedalla Sutta) của Trung Bộ Kinh: ‘Này Hiền giả Visākha, lạc thọ là vừa ý khi nó tiếp tục và không vừa ý khi nó biến đổi. Khổ thọ là không vừa ý khi nó tiếp tục và vừa ý khi nó biến đổi. Bất khổ bất lạc thọ là vừa ý khi biết được sự hiện hữu của nó và không vừa ý khi không biết được sự hiện hữu của nó.’
Các cảm thọ cũng cần phải được thấy theo bảy cách quán tôi đã đề cập trước đây, bắt đầu với cách quán về vô thường:
1.  Aniccānupassanā (Quán Vô Thường): Hành giả phải quán các cảm thọ là vô thường, bởi vì ngay khi sanh lên chúng liền diệt.
2.  Dukkhānupassanā (Quán Khổ): Hành giả phải quán các cảm thọ là khổ, bởi vì chúng bị bức bách bởi sự sanh và diệt không ngừng.
3.  Anattānupassanā (Quán Vô Ngã): Hành giả phải quán các cảm thọ là vô ngã, bởi vì không có thực chất nào trong các cảm thọ.
4.  Nibbidānupassanā (Quán Yểm Ly): Nếu hành giả phân biệt được tam tướng - vô thường, khổ, và vô ngã, thời quán yển ly (nibbidānupassanā), quán ly tham (virāgānupassanā), quán diệt (nirodhānupassanā), và quán giải thoát (paṭinissaggānupassanā) sẽ nảy sanh như hệ quả tất yếu.  Như vậy, nếu hành giả quán các cảm thọ như vô thường, khổ, và vô ngã, và khi minh sát trí của hành giả thành thục, sự yểm ly sẽ xuất hiện. Đây gọi là quán yểm ly (nibbidānupassanā-nhàm chán).
5.  Virāgānupassanā (Quán Ly tham): Nếu hành giả quán các cảm thọ là vô thường, khổ, và vô ngã, sự dính mắc vào các cảm thọ sẽ biến mất một cách tạm thời.
6.  Nirodhānupassanā (Quán Diệt): Nếu hành giả phân biệt được tam tướng của các cảm thọ, những phiền não sẽ diệt một cách tạm thời.
7.  Paṭinissaggānupassanā (Quán Giải thoát): Sự quán này sẽ cho hành giả khả năng thẳng tiến Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế nó được gọi là quán giải thoát (paṭinissaggānupassanā).

Còn về tâm và các pháp, chúng cũng phải được quán theo tính đa dạng của đối tượng (ārammana), theo sự tăng thịnh (adhipati), theo pháp đồng sanh hay câu sanh (sahājāta), theo cảnh giới (bhūmi), theo nghiệp (kamma), theo quả (vipāka), theo tính duy tác (kiriyā),  và v.v… (ādi), bắt đầu với vô thường, và theo trạng thái tâm, như tâm có tham, tâm không có tham…xuống đến hết những đoạn sau của bài kinh.
Tâm và phần lớn các pháp (dhamma-objects) xuất hiện nhờ bắt cùng một đối tượng, chẳng hạn như màu (sắc). Như vậy hành giả cũng có thể quán chúng theo các đối tượng. Ví dụ như, nếu hành giả muốn quán tiến trình tâm nhãn môn (cakkhudvāra-vīthi, eye-door thought-process), trước tiên hành giả phải phân biệt nhãn căn, và ý môn hay tâm hữu phần (bhavaṅga). Rồi sau đó quý vị phân biệt màu của một nhóm các kalāpas (tổng hợp sắc). Khi màu tác động trên cả hai môn (nhãn môn và ý môn) cùng một lúc, tiến trình nhãn môn sẽ xảy ra. Hành giả lúc đó có thể phân biệt danh của tiến trình nhãn môn là vô thường, khổ và vô ngã. Trong tiến trình nhãn môn, thức là tâm, các hành là các pháp. Như vậy cả hai pháp quán — quán tâm (cittānupassanā) và quán pháp dhammānupassanā), có thể được nghiên cứu cùng với nhau theo cách này. Hành giả có thể thấy chúng rõ ràng khi hành giả thực hành sự phân biệt danh. Chúng ta sẽ thảo luận phần này chi tiết hơn khi chúng ta đến những phần quán tâm và quán pháp.
Các pháp phải được quán theo đặc tính (salakkhaṇa) của chúng như xúc (phassa) và v.v…; theo tướng chung (sāmaññā lakkhaṇa) như vô thường, khổ, v.v… của chúng; theo tánh không (suññata dhamma) của chúng, đó là không có một tự ngã nào trong đó. Các pháp cũng phải được quán theo bảy cách quán về vô thường và v.v… , và theo cách phân chia những gì có mặt và những gì không có mặt v.v… như đã đề cập trong kinh này.
Nếu trong thân, gọi là thế gian, của hành giả tham và ưu được đoạn trừ, hay trong thế gian của những cảm thọ, của tâm v.v… cũng vậy, tham ưu được đoạn trừ. Điều này muốn nói tới sự đoạn trừ của những phiền não bằng siêu thế đạo (the supramundane path).
Sự đoạn trừ của những phiền não đã được giải thích theo các loại người khác nhau và theo các đề mục niệm xứ khác nhau. Hay nó có thể được hiểu như vầy: Sở dĩ nó được giải thích theo cách này là để chỉ ra rằng sự đoạn trừ của những phiền não trong một đối tượng hàm ý sự đoạn trừ của những phiền não trong các đối tượng còn lại.
Phụ chú giải giải thích: Do đó, sẽ là không hợp để nói thêm một lần nữa về sự đoạn trừ của những phiền não này. Vì khi những phiền não được đoạn trừ, chúng không phải đoạn trừ tách riêng ra trong từng đối tượng (nghĩa là đoạn trừ ở đối tượng này xong rồi đến đoạn trừ ở đối tượng khác). Chẳng hạn, không phải những phiền não thuộc về thân đoạn trừ trước và những phiền não thuộc về thọ, về tâm v.v… đoạn trừ nối tiếp theo. Mà những phiền não thuộc mọi đối tượng đều được đoạn trừ khi chúng đã được đoạn trừ trong một đối tượng. Đây là sức mạnh của siêu thế đạo.
Đó là do sự kiện rằng chỉ những phiền não mà nếu không (đoạn trừ) sẽ khởi lên trong tương lai được đoạn trừ do sự khô héo của các nhân bởi sự chứng đắc siêu thế đạo. Những phiền não được đoạn trừ như vậy là những phiền não tuỳ miên (anusaya- khuynh hướng ngủ ngầm). Người ta có thể bảo chúng là những phiền não tương lai, nhưng thực sự không phải vậy. Vì nếu chúng là những phiền não tương lai chắc chắn chúng sẽ khởi lên trong tương lai. Nhưng chúng không thể khởi lên trong tương lai được. Chỉ khi siêu thế đạo không sanh chúng mới có thể khởi lên trong tương lai mà thôi.
Phiền não cũng có thể được đoạn trừ một cách tạm thời do giữ giới và do tu tập định, vốn sẽ khiến cho các nhân (của phiền não) tạm thời bất lực. Trong trường hợp này, mặc dù chúng không khởi lên trong hiện tại, chúng vẫn ngủ ngầm trong tiến trình danh-sắc. Một khi những điều kiện thích hợp có mặt, chúng sẽ khởi lên trở lại.
Tôi muốn giải thích điểm này với một ví dụ. Giả sử hiện nay có một cây xoài không có trái. Nhưng một ngày nào đó trong tương lai nó có thể ra trái. Vì thế chúng ta có thể nói rằng trong cây xoài đã có tiềm năng để tạo ra trái trong tương lai. Tương tự, khuynh hướng ngủ ngầm là tiềm lực trong tiến trình danh-sắc của quý vị. Mặc dù những phiền não ngủ ngầm (tuỳ miên) hiện giờ không khởi lên, nhưng nếu chúng không được đoạn trừ bằng siêu thế đạo chúng vẫn có khả năng để tái xuất hiện trong tương lai do tác ý không như lý (ayonisomanasikāra) tới các đối tượng khác.
Còn về những phiền não quá khứ và những phiền não đang khởi trong hiện tại?  Những phiền não này nằm ngoài phạm vi đoạn trừ.
Như vậy, sự đoạn trừ phiền não của một đối tượng trong sát-na tâm đạo thực sự là sự đoạn trừ phiền não của tất cả các đối tượng. Chính xác phải nói rằng những phiền não được đoạn trừ bằng Thánh Đạo (ariyamagga).
Tôi muốn giải thích thêm một chút nữa. Nếu quý vị đã phân biệt được danh-sắc tối hậu, và các nhân của chúng, thì trong lúc quý vị đang quán danh hoặc sắc như vô thường, khổ hoặc vô ngã, quý vị có thể chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Nếu quý vị chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna) trong lúc đang quán sắc là vô ngã, đạo tuệ của quý vị sẽ đoạn trừ những phiền não mà nếu không (đoạn trừ) sẽ khởi lên dựa vào sắc cũng như danh. Theo cách tương tự, nếu quý vị chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna) trong lúc đang quán các cảm thọ là vô thường, khổ hay vô ngã, đạo tuệ của quý vị không những sẽ huỷ diệt những phiền não mà nếu không sẽ khởi lên dựa vào các cảm thọ mà còn huỷ diệt cả những phiền não mà nếu không (được huỷ diệt) sẽ khởi lên dựa vào sắc, tâm và pháp. Khi quý vị chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna) trong lúc đang quán tâm và pháp như vô thường, khổ hay vô ngã cũng tương tự như vậy.
Cách đoạn trừ phiền não đối với người này không nhất thiết giống như cách đoạn trừ phiền não của người khác.  Về điều này hãy tham khảo phần nói về các loại người khác nhau để biết rõ hơn.
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền



[1] Bốn món vật dụng (tứ vật dụng): là những nhu cầu thiết yếu của người tu — thực phẩm, y áo, thuốc men, và chỗ trú ngụ.

Xin vào web www.songthien.org

Hình ảnh... sugioitinh http://goo.gl/rqVn2 http://goo.gl/VFNNo
Google blogger  sugioitinh http://goo.gl/QiEqR
facebook Songthien http://goo.gl/1q26A
facebook sugioitinh http://goo.gl/rqVn2