TÍN NỮ CHÍ THÀNH ĐẮC ĐẠO
Chuyện kể, một vị Tỳ-kheo tuổi đời cao tuổi đạo thấp, lại
chưa am hiểu giáo lý. Khi nhận người cung kính cúng dường và hỏi pháp thì lòng
lo sợ, hồi hộp, khổ sở nên cất lên tiếng than. Người thí chủ nhân nghe lời than
ấy, suy ngẫm thấu đáo mà được đắc thánh quả.
Kệ rằng:
Tuổi già, chậm hiểu đi xuất gia
Nhận người cung dưỡng, sao khổ tâm!
Tự than:” Vô tri sanh khổ não”
Người nghe suy ngẫm, rõ lẽ huyền.
Ngoài thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà thuộc miền Trung Ấn
Độ, có ngôi chùa Tùng rất nổi tiếng, bình thường có hơn một trăm vị Tăng chúng ở
đó. Chùa Tùng cách làng nọ không xa, trong làng có một vị tín nữ tu học Phật
pháp rất thành tín.
Vị tín nữ này thông minh. Cô nghĩ:” Giáo lý hay kinh điển
mà đức Phật đã dạy là đường lối cho người học Phật tu hành. Nếu hành giả học hỏi,
thực hành thống suốt thì có thể thành tựu được đạo quả. Ngược lại, nếu người tu
hành không học thì hiểu lời Phật dạy để ứng dụng công phu thì chỉ là tù mù”.
Tín nữ xin phép vị trụ trì sắp xếp cho cô mỗi ngày được
cúng dường một vị Tỳ-kheo. Do đó, chúng tăng trong chùa theo thứ tự mỗi ngày có
một thầy đến nhà cô cư sĩ thọ trai.
Mỗi khi cúng dường xong, cô liền thỉnh vị Tăng được cúng
dường hôm ấy, thăng toà thuyết pháp hoặc cô xin thưa hỏi đạo lý.
Một hôm, đến phiên của vị Tỳ-kheo lớn tuổi còn tối dạ nhận
lời thọ trai trưa nay. Tuy tuổi đời cao, nhưng thầy xuất gia chưa được bao lâu,
đối với Phật pháp, thầy chưa am tường, thống suốt.
Biết mình chưa thâm nhập giáo lý, nên thầy Tỳ-kheo này rất
hồi hộp, vì thầy thường nghe chư tăng trong chùa kể:” Vị nữ cư sĩ này là người
hiếm có, không những có tâm chân thành cúng dường Tam Bảo, mà lại có trình độ
Phật pháp uyên thâm”.
Thầy Tỳ-kheo này tiến thoái lưỡng nan, không thể nào mở lời
từ chối được, phải đi đến nhà nữ cư sĩ mà trong lòng không vui. Nỗi hồi hộp hiện
lên sắc mặt, đầy lo sợ, bước đi thật chậm nhưng cuối cùng rồi cũng đến nhà nữ
thí chủ.
Khi nữ cư sĩ từ xa thấy oai nghi của thầy Tỳ-kheo lớn tuổi
này đang từng bước đến nhà mình, liền tỏ ra hân hoan rất mực. Lòng nghĩ:” Vị
trưởng lão này đúng là bậc đạo cao đức trọng, bước đi từ tốn không giống như những
vị thầy khác. Có lẽ thầy đã chứng được thánh quả, nếu thế thì lời nói của vị
này nhất định là pháp vi diệu quý báu, ta hãy đặc biệt chú tâm lắng nghe, không
nên để mất đi một cơ hội tốt cầu pháp nào cả”.
Khi ấy, nữ cư sĩ cúng dường thầy Tỳ-kheo thật đặc biệt.
Sau khi thầy Tỳ-kheo thọ trai xong, cô liền trải toà ngồi, năm vóc gieo sát đất,
cung kính thỉnh thầy Tỳ-kheo lên pháp toà nói pháp.
Thầy Tỳ-kheo ngu tối thăng toà mà lòng bối rối, hổ thẹn.
Nhìn thấy nữ cư sĩ đang cung kính quỳ phía trước, bất giác thầy cất tiếng than
khe khẽ:” Người ngu vô tri, thật là khổ não”.
Riêng nữ thí chủ do chú ý lắng nghe được câu nói này, liền
cho là vô thượng quý báu, nên nhất tâm lắng nghe suy nghiệm, khiến thân tâm cô
như đang nhập định, không hay biết cảnh bên ngoài. Thầy Tỳ-kheo thấy gia chủ lặng
lẽ quỳ thời gian lâu mà không hỏi gì hết, nên đứng dậy, nhẹ nhàng nhanh bước trở
về chùa.
Lúc này, vị nữ thí chủ vẫn ngồi yên lặng chú tâm quán xét
nghĩa lý của câu nói ấy. Cô nghĩ” Ngu si vô tri”, ngu si chính là vô minh. Vô
minh là pháp căn bản của mười hai nhân duyên. Từ cội gốc vô minh này khiến cho
sinh tử tiếp nối không ngừng, do đó chúng sinh phải chịu khổ não, nên nói “ Thật
là khổ não”. Nhân quán xét nghĩa lý ấy, mà tâm nữ thí chủ được thanh tịnh, phát
sinh chánh kiến và chứng được quả Tu-đà-hoàn, là quả thánh thứ nhất trong bốn
quả thánh.
Sau đó, nữ cư sĩ vì nghĩ đến ân khai đạo của thầy Tỳ-kheo,
nên muốn đến kho báu lấy y quí để cúng dường, cảm tạ thâm ân của thầy. Nhưng
khi nhìn lên thì không thấy vị Tỳ-kheo đâu cả. Cô tìm trong ngoài đều không thấy,
thêm nữa cũng không thấy thầy từ giã trở về. Bất giác cô lại nghĩ có lẽ thầy đã
dùng thần thông bay về chùa rồi.
Vị nữ cư sĩ liền cầm y báu đến chùa để tìm thầy Tỳ-kheo đảnh
lễ, cảm tạ công ơn khai đạo và cúng dường. Song thầy Tỳ-kheo kia tuy trở về
chùa mà trong lòng vẫn còn hồi hộp không thôi, lo là thí chủ sẽ đuổi theo nên về
phòng đóng chặt cửa lại, lánh mặt không gặp ai cả.
Sư phụ của thầy Tỳ-kheo
ngu tối đã chứng quả A-la-hán. Khi nhìn thấy nữ cư sĩ đang vội vã đến
chùa khác với mọi ngày, nên nghĩ không biết Tỳ-kheo này có làm phiền lòng thí
chủ không, mà sao cô lại tìm đến chùa trông dáng thật vội. Ngài liền nhập định
để tìm hiểu nguyên nhân. Khi biết được vì do tín tâm thuần nhất mà nữ cư
sĩ đã đắc quả Tu-đà-hoàn, nên liền họp
chúng tăng, kể lại nguyên nhân sự việc về thầy Tỳ-kheo tối dạ nhận người cúng
dường, nhân đó cũng nói rõ thầy Tỳ-kheo và nữ thí chủ đã gieo trồng pháp duyên
từ đời trước đến nay được thành tựu.
Thầy Tỳ-kheo tối dạ ấy, khi nghe sư phụ nói rõ nhân duyên
như thế, ngay đó liền chứng được quả Tu-đà-hoàn.
Kệ rằng:
Thật lòng buông bỏ niệm phàm phu
Tâm ý thanh lương thành bậc Hiền
Nghe pháp diệt trừ điên đảo tưởng
Niệm lự ngưng rồi đạo tự thành
Dốc chí hành trì điều cần thiết
Dự lưu thánh quả sẽ được vào.
NGÔ TRỌNG ĐỨC
TỪ NHÂN dịch.