Sunday, September 21, 2014

Nhập lưu thánh quả






Sau khi đắc nhập lưu thánh quả, suốt bốn mươi bốn năm tiếp theo, bất cứ khi nào có cơ hội ngài cũng đã thực hành thiền chỉ và minh sát cho đến mức có thể, những vẫn không đắc được những đạo quả cao hơn. Sau ngày Bát Niết Bàn (Mahā Parinibbāna) của Đức Phật, ngay cái đêm trước khi khai mạc hội nghị kết tập lần thứ nhất, ngài đã thực hành kāyagatāsati kammaṭṭhāna (thiền thân hành niệm). Ở đây, ānāpānasati (niệm hơi thở), thiền tứ oai nghi, thiền tỉnh giác, thiền tứ đại, thiền quán ba mươi hai thể trược, và thiền quán chín loại bất tịnh của tử thi, được kể trong kāyagatāsati kammaṭṭhāna này. Vì lẽ các thần thông hiệp thế là kết quả của kāyagatāsati kammaṭṭhāna, nên mười kasiṇas và tám thiền chứng cũng được gồm trong kāyagatāsati kammaṭṭhāna.

Trong một số bài kinh, quán ba mươi hai thể trược được gọi là thân hành niệm (kāyagatāsati kammaṭṭhāna). Trên đề mục ba mươi hai thể trược này có hai loại thiền: thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā). Nếu quý vị phân biệt ba mươi hai thể trược, hoặc theo từng bộ phận một, hoặc theo cách tổng quát như bất tịnh, quý vị có thể đắc sơ thiền. Đây là thiền chỉ. Còn để dùng nó như một đề tài thiền minh sát, quý vị phải phân biệt tứ đại trong mỗi phần của ba mươi hai thân phần ấy một cách hệ thống để thấy các kalāpas, và rồi phân tích chúng để thấy sắc tối hậu. Sau đó quý vị còn phải tiếp tục phân biệt danh, các nhân của danh-sắc và rồi quán tất cả là vô thường, khổ và vô ngã.

Vào cái đêm trước khi khai mạc cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, Tôn giả Ānanda đã hành thiền đi (kinh hành) rất chăm chỉ. Trong lúc đi quý vị hành thiền như thế nào? Quý vị phải phân biệt (1) sắc mang đi, (2) sắc bị mang đi, và (3) tâm tạo ra thân biểu tri. Tâm là bốn danh uẩn. Hai loại sắc là sắc uẩn. Có tổng cộng năm thủ uẩn. Khi đang đi quý vị phải phân biệt năm thủ uẩn và các nhân của chúng. Kế tiếp quý vị phải quán chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Tôn giả Ānanda đã hành suốt cả đêm theo cách này. Ngài quán cả danh lẫn sắc tối hậu theo tam tướng một cách hệ thống.

Tôn giả Ānanda muốn đạt đến A-la-hán thánh quả trước khi cuộc kết tập bắt đầu, vì thế ngài đã tích cực hành suốt đêm đó. Do tinh tấn thái quá ngài không thể đắc được một đạo quả cao hơn nào. Mệt mỏi, ngài thư giãn tâm và cố gắng nằm xuống giường để nghỉ. Ngay cả lúc buông mình nằm xuống ngài cũng vẫn quán các hành là vô thường, khổ và vô ngã. Khi ngài buông lỏng tinh tấn, thì tấn căn và định căn của ngài trở nên quân bình. Ngay lúc đó ngài đắc A-la-hán thánh quả.

Sau khi một hành giả đã phân biệt thấu đáo được mười một loại của năm thủ uẩn là vô thường, khổ và vô ngã, ở giai đoạn hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa), vị ấy có thể phân biệt bất cứ hành nào, chẳng hạn, các pháp (dhammas) sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền v.v…là vô thường, khổ hay vô ngã để đạt đến đạo quả. Tại sao? Bởi vì vị ấy đã phân biệt được mười một loại của năm thủ uẩn trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tháng, hay nhiều năm là vô thường, khổ và vô ngã rồi. Tôn giả Ānanda cũng đã làm như thế cho đến mức có thể bất cứ khi nào ngài có cơ hội trong suốt bốn mươi bốn năm.

Tôi muốn đưa ra cho quý vị thấy một thí dụ rõ ràng hơn. Một hôm Tôn giả Ānanda đang ngồi trong một khu rừng nọ với Đức Phật. Lúc bấy giờ Tôn giả Ānanda đang quán duyên khởi theo chiều thuận và chiều nghịch. Ngài có thể thấy rõ mối tương quan nhân quả giữa các nhân và quả. Ngài quán các pháp của duyên khởi là vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ làm được điều này mà chiều hôm đó ngài đến gặp Đức Phật và nói : ‘Bạch Đức Thế Tôn, mặc dù pháp duyên khởi thật là thâm sâu, nhưng đối với minh sát trí của con nó không đến nỗi thâm sâu như vậy, con thấy nó cũng dễ.’

Nghe thế Đức Phật nói : ‘Chớ có nói vậy, này Ānanda. Nếu người nào không tuệ tri duyên khởi với ba loại đạt tri (pariññā). Người ấy không thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi đâu.’ Liên quan đến Kinh Mahānidāna, các nhà chú giải đã giải thích rằng: ‘Không người nào có thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi mà không tuệ tri duyên khởi với minh sát trí của mình.’ Đây là một điểm rất quan trọng. Do đó, nếu quý vị thực sự muốn thoát khỏi luân hồi quý vị phải thực hành để thấy rõ duyên khởi với minh sát trí của mình. Quý vị thực hành như thế nào? Trước tiên quý vị phải tu tập định. Kế đến quý vị phải phân biệt danh sắc bên trong và bên ngoài. Chỉ khi đó quý vị mới có thể phân biệt được duyên khởi.

Trưởng lão Mahātissa là một thí dụ điển hình. Một hôm Trưởng lão đi ra ngoài khất thực. Trên đường đi ngài gặp một phụ nữ. Người phụ nữ này sau khi cãi nhau với chồng cũng đang trên đường trở về nhà. Nhìn thấy Trưởng lão người phụ nữ cố ý cười lớn để quyến rũ ngài. Nghe tiếng cười Trưởng lão ngước lên nhìn và thấy hàm răng của cô ta. Ngay lập tức ngài hành thiền quán bộ xương và chỉ thấy bộ xương của người phụ nữ ấy. Rồi ngài chuyển sang tập trung vào bộ xương kể như bất tịnh và đắc sơ thiền.
Dựa trên thiền này ngài quán các hành, đặc biệt là các pháp sơ thiền, là vô thường, khổ và vô ngã. Hành theo cách này, trong khi đang đi trên đường ngài trở thành một bậc A-la-hán. Ngài đã làm điều đó như thế nào? Thực sự ngài không phải là người mới bắt đầu hành thiền quán bộ xương mà ngài đã hành đề mục này trong một thời gian lâu rồi. Đây là đề mục thiền căn bản của ngài, và ngài rất thiện xảo trong việc đắc sơ thiền trên đề mục ấy. Ngài cũng đã quán danh-sắc và các nhân của chúng là vô thường, khổ và vô ngã trong một thời gian lâu dài và đắc hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa) nhiều lần. Do đó, trong khi đi trên đường, phân biệt bất kỳ hành nào cũng đủ để ngài đắc thánh quả. Tất nhiên khi ấy không nhất thiết ngài phải quán danh-sắc và các nhân của chúng theo chi tiết nữa.

Như vậy nếu quý vị muốn nghiên cứu đề tài thiền tứ oai nghi này quý vị phải học từ những tấm gương trên.
C.       Tỉnh Giác
‘Lại nữa, này các Tỳ kheo, Khi đi tới hay đi lui, vị Tỳ kheo đi trong tỉnh giác. Khi nhìn tới trước hay nhìn hai bên, vị ấy nhìn trong tỉnh giác. Khi co duỗi chân tay, vị ấy co duỗi trong tỉnh giác. Khi mặc y trong, khi mang y ngoài, và khi mang bình bát, vị ấy làm trong tỉnh giác. Khi ăn, uống, nhai, nếm, vị ấy làm trong tỉnh giác. Khi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy làm trong tỉnh giác. Khi đi, đứng, ngồi, khi ngủ, khi thức dậy, khi nói năng hay giữ im lặng, vị ấy làm trong tỉnh giác.’

1.       Tỉnh Giác khi Đi Tới và Đi Lui.
Trong phần này Đức Phật dạy bảy nhóm tỉnh giác. Nhóm thứ nhất là tỉnh giác trong việc đi tới và đi lui. ‘Trong khi đi tới hoặc đi lui, vị Tỳ kheo đi trong tỉnh giác.’ Đi tới gọi là đi. Đi lui gọi là quay lại. Hai động tác này có thể được thấy trong cả bốn oai nghi.
Trước tiên, trong việc đi, mang thân tới một vị trí ở phía trước - mang thân đi tới gọi là đi tới. Quay lại - từ chỗ đó quay trở lại gọi là đi lui.
Và trong việc đứng, chỉ đứng tại chỗ và khom người đến một vị trí ở phía trước gọi là đi tới. Và lui người lại phía sau - kéo (thân) lui trở lại - gọi là đi lui. Trong việc ngồi, thì ngồi và chuyển dịch đến một vị trí ở trước gọi là đi tới. Và chuyển dịch lui lại, hay dựa trở lại vào lưng ghế gọi là đi lui. Trong việc nằm xuống cũng giải thích tương tự.

Vị Tỳ kheo làm trong tỉnh giác,’ có nghĩa là vị ấy làm mọi hành động trong sự tỉnh giác không bị quên. Người hành thiền chỉ thực hành tỉnh giác, và không chỗ nào là không tỉnh giác dù đi tới hay đi lui. 

Có bốn loại tỉnh giác :
1.       Mục đích tỉnh giác (sātthaka sampajañña),
2.       Thích hợp tỉnh giác (sappāya sampajañña),
3.       Hành xứ tỉnh giác (gocara sampajañña), và
4.       Bất-si tỉnh giác (asammoha sampajañña).

Trong bốn loại tỉnh giác này, mục đích tỉnh giác là hiểu rõ về sự hữu ích của một mục đích sau khi đã suy xét đến những gì đáng làm và không đáng làm, với ý nghĩ, ‘đi có ích lợi gì hay không?’ Ngay khoảnh khắc ý nghĩ đi sanh lên người hành thiền không đi liền theo tác động của ý nghĩ, mà phải suy xét theo cách này trước.

Trong nội dung này, mục đích tỉnh giác là sự tăng trưởng theo Pháp (Dhamma). Ở đây pháp có nghĩa là thiện pháp (wholesome dhamma). Nó được thành tựu nhờ đi chiêm bái một tháp thờ xá-lợi, một Cây Bồ-đề, viếng thăm Tăng chúng, các bậc Trưởng lão, hay một nghĩa địa ở đây người chết được quăng bỏ để quán bất tịnh, đó cũng có thể là một bộ xương, hay những thứ tương tự.

Chiêm bái một tháp thờ xá-lợi, một Cội Bồ-đề, hay viếng thăm Tăng chúng là để tạo ra sự hứng thú tâm linh, và nhờ hành thiền trên sự suy yếu của niềm hứng thú đó người ta có thể đạt đến thánh quả. Nhờ viếng thăm các bậc Trưởng lão và nhờ được an lập trong sự chỉ dẫn của các vị người ta có thể đạt đến thánh quả. Nhờ đến thăm một nơi ở đây xác chết được quăng bỏ, và nhờ thấy một tử thi và dùng đối tượng bất tịnh đó để tạo ra sơ thiền, người ta có thể đạt đến thánh quả. Như vậy sự viếng thăm những nơi này là mục đích tỉnh giác.

Tuy nhiên, một số bậc thầy không chính thống (non-orthodox) nói: Tăng trưởng lợi lạc vật chất cũng là một mục đích, vì một vài loại lợi lạc vật chất rất hữu ích cho đời phạm hạnh.

Thích hợp tỉnh giác (sappāya sampajañña): Là hiểu rõ về sự thích hợp sau khi đã suy xét những gì thích hợp những gì không.

Chẳng hạn, việc viếng thăm một tháp thờ xá lợi có thể là hoàn toàn đúng mục đích. Nhưng khi một đại lễ cúng dường đến tháp thờ xá lợi được tổ chức, đông người sẽ tụ hội, và nam thanh nữ tú đi đây đi đó giống như tranh vẽ. Trong đám đông ấy tham có thể khởi lên nơi vị Tỳ kheo vì một đối tượng hấp dẫn, sân khởi lên với một đối tượng không hấp dẫn, và si do thành kiến, nếu sự tình là vậy thì nơi đó sẽ không phải là nơi thích hợp. Nếu vị ấy liều phạm tội tà dâm, hoặc nếu sự thanh tịnh của đời phạm hạnh có thể bị tổn hại, thời một nơi như tháp thờ xá-lợi ấy sẽ không còn thích hợp. Khi không có những sự hiểm nguy như vậy thì nó là nơi thích hợp.

Thăm viếng Tăng chúng là một mục đích xứng đáng. Nhưng khi có một buổi thuyết giảng suốt đêm ở trong chùa (làng) và có những đám đông tụ hội và người ta có thể gặp những điều tai hại theo cách đã nói ở trên, thì nơi thuyết giảng đó không thích hợp để đi. Tất nhiên, nếu không có sự tổn hại thì người ta có thể đi đến chỗ ấy, vì lúc đó nó sẽ là nơi thích hợp. Đối với việc viếng thăm các vị Trưởng lão có đông đồ chúng đoanh vây thì sự thích hợp và không thích hợp cũng được quyết định theo cách vừa đề cập.

Đến một nơi mà xác chết được người ta quăng bỏ để nhìn một tử thi (quán bất tịnh) là thích hợp. Để giải thích ý nghĩa của điều này, câu chuyện sau đây đã được kể:
Chuyện kể rằng một vị Tỳ kheo nọ đi cùng với một chú sa di vào rừng để kiếm gỗ làm cây chà răng. Chú sa di tẽ khỏi con đường và đi đến một nơi nọ để kiếm gỗ. Tại đây chú thấy một tử thi. Vì chú đã từng hành thiền đề mục bất tịnh (asubha bhāvanā) và minh sát (vipassanā) trong một thời gian khá lâu, nên khi thấy tử thi chú liền hành thiền trên đó và đắc sơ thiền. Dựa trên thiền này chú quán các hành, bao gồm các pháp sơ thiền, là vô thường, khổ và vô ngã. Chú chứng đắc ba thánh quả đầu (tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, và a-na-hàm). Trong khi quán các hành, chú bắt lấy đề mục thiền để chứng A-la-hán thánh quả.

Do vị Tỳ kheo trẻ không thấy chú sa di, vị ấy bèn gọi lớn lên. Chú sa di nghĩ như vầy : từ ngày ta chọn sống đời không nhà (xuất gia) ta đã cố gắng không để bị gọi tới lần thứ hai bởi một vị Tỳ kheo. Vì thế, ta hãy để qua ngày hôm khác sẽ hành thiền quán thêm nửa để đắc A-la-hán thánh quả vậy. Nghĩ thế xong chú liền trả lời vị Tỳ kheo : ‘Có chuyện gì thế, bạch Đại-đức?’ ‘Hãy đến đây,’ vị Tỳ kheo nói và chú sa-di đi lại. Chú sa di nói với vị Tỳ kheo : ‘Bạch Đại-đức, trước tiên hãy theo đường này. Rồi đứng quay mặt về hướng bắc ngay chỗ mà khi nãy con đã đứng nhìn đấy.’ Vị Tỳ kheo trẻ làm theo những chỉ dẫn của chú sa di và đắc được đạo quả như vị sa di đã đắc. Như vậy cùng một tử thi đã đem lại lợi ích cho cả hai người.

Với người nam, tử thi nữ là không thích hợp, và với người nữ tử thi nam là không thích hợp. Nói chung chỉ có tử thi của người cùng phái với mình là thích hợp. Lời tuyên bố này chỉ  muốn nói đến việc quán bất tịnh như một đề tài thiền chỉ (samatha). Còn khi nó được thực hành như một đề tài thiền minh sát (vipassanā), cả tử thi nam lẫn tử thi nữ đều có thể là đối tượng cho minh sát được. Chẳng hạn, trong khi Đức Phật dạy thiền bất tịnh với thi thể của kỷ nữ Sirima làm đề mục, những người nghe gồm đủ cả tứ chúng, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ.

Tại sao một tử thi khác phái dùng như một đề tài thiền chỉ là không hợp? Khi một người hành thiền quán tử thi là bất tịnh lên đến cận định thì hình ảnh của tử thi ấy sẽ trở thành tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Lúc bấy giờ hình ảnh của tử thi sẽ rất đẹp, giống như một người sau khi ăn xong nằm xuống ngủ một cách say sưa vậy. Vì nó đã trở nên đẹp, nên sự dính mắc hay tham ái có thể khởi lên trong tâm người hành thiền. Đó là lý do vì sao đối với thiền giả nam, tử thi nữ là không thích hợp, và đối với thiền giả nữ, tử thi nam là không thích hợp vậy. Hiểu biết rõ những gì là thích hợp và những gì không thích hợp theo cách này gọi là thích hợp tỉnh giác (sappāya sampajañña).

Thêm nữa, người đã hiểu rõ mục đích và sự thích hợp như vậy hành một trong ba mươi tám đề mục thiền trong khi đi khất thực thì được bảo là đang thực hành hành xứ tỉnh giác (gocara sampajañña).
Có bốn mươi đề mục thiền chỉ (samatha). Nhưng ở đây chú giải chỉ nói có ba mươi tám đề mục. Tại sao ? Bởi vì chú giải kết hợp kasiṇa ánh sáng (āloka kasiṇa) với kasiṇa trắng (odāta kasiṇa) làm một, và kasiṇa hư không (ākāsa kasiṇa) với không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana) làm một vậy.
Trong hành xứ tỉnh giác, chú giải nhấn mạnh đến thiền chỉ (samatha). Nhưng nếu quý vị đang hành thiền minh sát (vipassanā), quý vị cũng có thể hành minh sát trong khi đi khất thực và khi đi khất thực trở về. Tại sao chú giải lại giải thích hành xứ tỉnh giác chỉ cho thiền chỉ ? Bởi vì tỉnh giác thứ tư, vô si tỉnh giác (asammoha sampajañña), sẽ nói đến thiền minh sát.

Để làm sáng tỏ hành xứ tỉnh giác này chúng ta cần phải hiểu bốn loại Tỳ kheo sau : Một vị Tỳ kheo khi đi khất thực giữ đề mục thiền của mình trên đường đi nhưng trên đường trở về chùa thì không. Một vị khác không giữ đề mục thiền trên đường đi nhưng lại giữ trên đường về. Một vị khác, trên đường đi không giữ đề mục thiền và trên đường trở về cũng không. Và trường hợp cuối cùng, đó là loại Tỳ kheo thứ tư giữ đề mục thiền cả khi đi lẫn khi về. Loại Tỳ kheo này được gọi là người hoàn thành phận sự đi và về (gata-pacchāgata vatta).

Trong bốn loại này, có một vị Tỳ kheo nhất định sống như vầy : Ban ngày vị ấy gột rửa tâm khỏi những triền cái nhờ hành thiền trên đường đi kinh hành và trong oai nghi ngồi. Ban đêm, cũng vậy, trên đường đi kinh hành và trong oai nghi ngồi, vị ấy gột rửa các triền cái nhờ hành thiền trong canh đầu và canh cuối, vị ấy chỉ ngủ ở canh giữa.

Quý vị gột rửa tâm mình khỏi những triền cái như thế nào? Giả sử quý vị đang hành thiền niệm hơi thở (ānāpānasati). Nếu quý vị thực hành thiền này một cách hệ thống, một ngày nào đó quý vị có thể thấy một tướng hơi thở (nimitta) quanh lỗ mũi của quý vị. Nếu quý vị có thể tập trung trên tướng đó trong hơn một giờ, lúc ấy nimitta sẽ trở nên trắng giống như bông gòn. Nếu quý vị tập trung được trên tướng trắng ấy trong hơn một giờ mỗi thời ngồi và trong vài ngày, nó sẽ trở thành trong suốt giống như một ngôi sao mai. Nimitta trong suốt này gọi là tợ tướng (paṭibhāganimitta), Nếu quý vị tập trung tâm trên tợ tướng quý vị sẽ đắc cận định (upacāra samādhi). Trong cận định năm thiền chi không đủ mạnh và năng lực. Khi chúng mạnh và đầy năng lực quý vị sẽ đạt đến an chi định (appanā samādhi). Trong cả hai giai đoạn cận định và an chỉ định năm triền cái đều vắng mặt. Đây là cách để quý vị gột rửa tâm khỏi năm triền cái.

Vị Tỳ kheo tôi vừa đề cập ở trên chỉ ngủ có bốn tiếng đồng hồ ở canh giữa mỗi đêm. Như vậy vị ấy có thể hành thiền hai mươi giờ một ngày để gột rửa tâm khỏi các triền cái. Trong một ngày quý vị hành được bao lâu? Những người giống như vị Tỳ kheo này đã chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna) nhờ nỗ lực tinh tấn một cách mãnh liệt. Quý vị nên cố gắng bắt chước tấm gương này.

Hàng ngày, vào lúc sáng sớm vị ấy thực hiện những phận sự của mình trên sân tháp thờ xá-lợi và cây Bồ-đề như quyét dọn, lau chùi, tưới nước cho cây Bồ-đề, đổ đầy nước uống và nước rửa vào các lu. Kế tiếp vị ấy làm những bổn phận đối với thầy tổ. Sau đó, sau khi đã vệ sinh thân thể, vị ấy đi vào chỗ trú ngụ và hành đề mục thiền của mình.
Khi đến giờ khất thực, vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy bát và y, chỉ giữ đề mục thiền của mình là chính trong tâm. Vị ấy rời nơi trú ngụ, chỉ tác ý đến đề mục thiền. 

Với người hành thiền chỉ hay thiền định có hai loại đề mục thiền: (1) đề mục thiền thường dùng (pārihāriya-kamaṭṭhāna),  hay đề mục thiền gốc (mūḷa-kamaṭṭhāna) và (2) đề mục thiền bắt buộc (sabbatthaka-kamaṭṭhāna). Như vậy đối với những người hành thiền ở đây đề mục thiền thường dùng của họ là ānāpānasati (niệm hơi thở), và đối với một số người hành thiền khác thì nó là thiền tứ đại. Còn về đề mục thiền bắt buộc có bốn loại: Buddhānussati - niệm ân đức Phật, maraṇānussati - niệm sự chết, asubha bhāvanā - thiền (quán) bất tịnh, mettā bhāvanā - thiền tâm từ. Để tăng trưởng đức tin, để tịnh hoá tâm và để bảo vệ mình khỏi những hiểm nguy bên ngoài, quý vị nên niệm tưởng những ân đức của Phật. Khi tâm chậm chạp, lừ đừ lúc đang hành thiền, quý vị nên hành niệm sự chết để loại trừ sự lười biếng và để đề khởi ý thức về sự kinh cảm.

Để loại trừ tham ái quý vị phải hành thiền quán bất tịnh, tức quán tử thi bên ngoài hay ba mươi hai thân phần bên trong là bất tịnh. Để loại trừ sân hận cũng như để bảo vệ mình khỏi những hiểm nguy bên ngoài quý vị nên hành thiền tâm từ. Bốn loại đề mục thiền này bảo vệ người ta khỏi những hiểm nguy bên trong cũng như bên ngoài, vì thế mọi người hành thiền đều phải thực hành chúng. Đó là lý do vì sao bốn đề mục ấy được gọi là đề mục thiền bắt buộc hay bốn đề mục thiền bảo hộ (caturārakkha kamaṭṭhāna).

Vị Tỳ kheo đề cập ở trên lúc này đang hành một trong những đề mục thiền chỉ (samatha) như đề tài thiền thường dùng của mình. Nếu thiền của vị ấy là niệm tưởng ân đức Phật, vị ấy không cần phải bỏ thiền của mình qua một bên khi đi đến tháp xá lợi. Nhưng nếu thiền của vị ấy là một đề mục nào đó khác hơn niệm ân đức Phật, vị ấy nên để qua một bên thiền của mình như thể nó là món hàng mang trên tay khi đứng dưới chân cầu thang dẫn lên sân bảo tháp. Vị ấy có được niềm hoan hỷ xuất phát từ hình ảnh Đức Phật như một đề tài thiền và đi lên cầu thang.

Nếu tháp xá-lợi lớn, thì khi nhiễu quanh nó ba vòng theo chiều kim đồng hồ vị Tỳ kheo nên lễ bái ở bốn chỗ. Nếu tháp nhỏ thì vị ấy nên lễ bái ở tám chỗ khi nhiễu quanh đó ba vòng theo chiều kim đồng hồ.

Lễ bái tháp xá-lợi xong, vị Tỳ kheo đi đến cây Bồ-đề. Vị ấy phải chọn một thái độ khiêm tốn nhất để đảnh lễ cây Bồ-đề như thể vị ấy đang ở trước sự hiện diện của Đức Phật, đấng Đại Giác Thế Tôn.

Sau khi đã lễ bái tháp xá-lợi và cây Bồ-đề theo cách này xong, vị ấy đi xuống dưới chân cầu thang chỗ vị ấy đã đặt qua một bên đề mục thiền thường dùng của mình. Tại đó, vị ấy lấy lại đề mục thiền (mà vị ấy đã đặt qua một bên lúc trước) và đắp lại y. Rồi vị ấy đi vào làng để khất thực với đề mục thiền trong tâm.

Thiện tín trông thấy vị Tỳ kheo và nói : ‘Đại-đức của chúng ta đã đến.’ Họ đi về phía trước để gặp vị Tỳ kheo, đón lấy bình bát và dẫn vị ấy đến khách xá hay một căn nhà nào đó. Kế, họ dọn một chỗ ngồi và dâng cháo sữa cho vị ấy. Sau đó, họ rửa chân và thoa dầu vào chân cho vị ấy. Và trong khi chờ đợi dọn cơm, họ ngồi trước mặt vị ấy và hỏi những câu hỏi hoặc muốn được nghe vị ấy thuyết pháp (Dhamma). Cho dù người ta không thỉnh vị ấy thuyết Pháp, vị Tỳ kheo cũng nên thuyết cho họ một thời Pháp để giúp đỡ họ. Đây là bổn phận của một vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo sẽ giảng giải Pháp với ý nghĩ, ‘Nếu ta không giảng giải Pháp cho họ thì ai sẽ là người giảng?’ Tuy nhiên một thời giảng Pháp không bao giờ được tách rời khỏi thiền (thuyết pháp với tâm thiền).

Do đó, sau khi giảng Pháp với thiền là chính trong tâm, vị ấy thọ nhận vật thực cũng với tâm thiền. Rồi, vị ấy rời làng với những thiện tín đi theo, dù vị ấy đã yêu cầu họ đừng đi theo mình. Sau khi những người đi theo quay trở lại, vị ấy chọn con đường đi về nơi trú ngụ của mình.

Trên đường đi, các vị sa di và tỳ kheo trẻ sau khi đã thọ thực ở bên ngoài làng và rời làng sớm hơn vị Tỳ kheo này nhìn thấy vị ấy. Họ đi thẳng đến để gặp vị ấy và nhận lấy y và bình bát của ngài.
Người ta nói rằng các vị Tỳ kheo thuở xưa làm phận sự (mang dùm y và bát) này không cần nhìn vào mặt của vị Tỳ kheo đang trở về ấy. Họ nghĩ : ‘Đây là thầy tế độ hay thầy của ta,’ dù rằng không biết vị ấy có thực sự là thầy tế độ hay thầy của họ hay không. Ngày xưa, họ làm phận sự này theo giới hạn-đến. Khi vị Tỳ kheo trưởng lão đến, vị nhỏ hạ hơn thực hiện phận sự này mà không cần phải nhìn xem vị trưởng lão ấy là ai.

Các vị sa di và Tỳ kheo trẻ ấy hỏi vị trưởng lão: ‘Bạch Đại-đức, những người này là ai và có liên hệ với ngài như thế nào ạ?’ ‘Có phải họ là thân bằng quyến thuộc của cha mẹ ngài không?’ Vị trưởng lão hỏi, ‘Do thấy điều gì khiến các vị phải hỏi câu hỏi này ?’ Họ trả lời, ‘Sự thương mến và kính trọng của họ đối với ngài.’ Nghe thế vị trưởng lão nói, ‘Này chư hiền, những người này đã cho chúng ta những gì mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng thấy khó làm. Chúng ta có được y và bát là nhờ họ. Chính nhờ những người này mà chúng ta biết không có sự sợ hãi nơi những điều nguy hiểm và biết không có sự thiếu thốn thực phẩm trong một nạn đói. Không có người nào giúp ích cho chúng ta nhiều như những người này đâu.’ Vị ấy thường nói tốt về những thiện tín này như vậy.  Vị Tỳ kheo này là một thí dụ cho một người hành thiền giữ đề mục thiền của mình khi rời nơi trú ngụ nhưng không giữ nó khi trở về.

Vị Tỳ kheo khác cũng thực hiện những phận sự như tôi đã nói ở trên. Nhưng nếu hôm nào lửa tiêu hoá do nghiệp sanh của vị ấy trở nên mãnh liệt, một cảm giác khó chịu do đói bụng khởi lên nơi vị ấy. Lúc đó mồ hôi toát ra từ thân và vị ấy không thể tập trung vào đề mục thiền của mình được. Bởi thế vào lúc sáng sớm vị ấy đã mang y và bát (để đi khất thực). Vị ấy nhanh chóng đảnh lễ tháp xá-lợi và đi vào làng để nhận món cháo sữa đúng vào lúc những đàn súc vật vừa ra khỏi chuồng để đi đến đồng cỏ. Sau khi nhận được món cháo sữa vị ấy đi đến khách xá và uống nó. 
Rồi, sau khi nuốt chỉ hai hoặc ba muỗng, lửa tiêu hoá do nghiệp sanh đã chịu buông cái xác thân, đặc biệt là bao tử ra, và bắt lấy món ăn đưa vào.

Sau khi vị Tỳ kheo đó đã làm dịu được cái khổ của cơn đói giống như một người vừa mới tắm với cả trăm gáo nước mát, vị ấy dùng hết món cháo sữa còn lại với thiền là chính trong tâm vị ấy. Rồi vị ấy rửa bình bát và lau miệng, tác ý đến đề mục thiền trong khách xá. Thời xưa người ta làm nhiều chỗ ngồi cho các vị Tỳ kheo thọ thực. Thường thường họ thêm vào khách xá những phòng nhỏ để hành thiền. Trong một phòng thiền như vậy các vị Tỳ kheo có thể tác ý đến đề mục thiền cho tới bữa ăn trước ngọ sau đó. Kế tiếp, vị Tỳ kheo đi khất thực ở những nơi còn lại trong làng. Sau khi khất thực xong vị ấy thọ thực với thiền là chính trong tâm. Sau đó, vị ấy trở về nơi trú ngụ với đề mục thiền trong tâm. Người này được gọi là người không mang thiền khi đi nhưng trở về với thiền.

Con số những vị Tỳ kheo giống như vị này, sau khi đã uống món cháo sữa và ra sức phát triển minh sát, đạt đến trạng thái A-la-hán thánh quả trong Giáo Pháp của Đức Phật là không thể đếm được. Chỉ ở Đảo Quốc Sư Tử, Sri Lanka, thôi không một chỗ ngồi nào trong khách xá ở các ngôi làng khác nhau mà không phải là chỗ, ở đây vị Tỳ kheo, sau khi đã ngồi xuống và uống cháo sữa, đạt đến A-la-hán  thánh quả vậy.

Quý vị nên noi theo những tấm gương này. Quý vị phải chịu khó hành thiền trong mọi oai nghi. Khi đang ăn quý vị cũng phải hành thiền với lòng thành kính. Nếu quý vị hành thiền, ngay cả trong khi ăn, như vậy quý vị có thể đạt đến thánh đạo và thánh quả.
Nhưng, một vị Tỳ kheo sống dễ duôi, chểnh mảng, đã phạm tất cả những giới luật, trong khi sống đã bị đào thải về phương diện tâm linh do năm tâm triền phược . Vị ấy đi vào làng khất thực thậm chí không tỏ ra một dấu hiệu gì về sự kiện rằng có một thứ gọi là đề mục thiền. Vị ấy đi đây đi đó và thọ dụng vật thực ở những nơi bất xứng. Vị ấy ra khỏi làng cũng chẳng ai theo. Vị Tỳ kheo này được gọi là vị Tỳ kheo không giữ đề mục thiền trên đường đi vào làng và cũng không giữ trên đường trở về nơi trú ngụ.

Vị Tỳ kheo giữ thiền của mình cả trên đường đi lẫn trên đường về, được biết qua việc thủ trì đề mục thiền của mình từ đầu đến cuối buổi khất thực.
Những thiện nam tử thuộc gia đình hiền lương mong ước cải thiện bản thân trở thành những người sống không nhà (xuất gia) trong Giáo Pháp của Đức Phật. Khi họ sống trong chúng gồm mười người, hai mươi người, năm mươi người hay một trăm người, họ thoả thuận với nhau rằng : ‘Này chư hiền, chúng ta không xuất gia vì sự quấy nhiễu của những chủ nợ, không phải vì sợ sự trừng phạt của vua chúa, không phải vì những khó khăn của việc kiếm sống do nạn đói hoặc những lý do tương tự, mà bởi vì chúng ta muốn được giải thoát ngay trong kiếp sống này. Bởi thế, hãy chế ngự phiền não phát sanh khi đi ngay trong tiến trình đi. Hãy chế ngự phiền não phát sanh khi đứng ngay trong tiến trình đứng. Hãy chế ngự phiền não phát sanh khi ngồi ngay trong tiến trình ngồi. Và hãy chế ngự phiền não phát sanh khi nằm ngay trong tiến trình nằm.’

Sau khi đã thoả thuận cùng nhau, khi đi vào làng khất thực, nếu một tâm phiền não phát sanh nơi người nào, vị Tỳ kheo ấy liền chế ngự hay đè nén nó ngay trong tiến trình đi. Vị ấy chế ngự như thế nào? Vị ấy chỉ việc tập trung trên đề mục thiền của mình. Nếu làm thế không xong, vị ấy sẽ đứng lại. Khi vị ấy đứng lại, người đi sau vị ấy cũng đứng lại. Vị thứ nhất lúc đó nghĩ : ‘Vị Tỳ kheo (đi sau) này đã biết ý nghĩ bất tịnh đang khởi lên trong tâm ta. Thật là một điều bất xứng cho ta.’ Vị ấy tự khiển trách mình như vậy rồi cố gắng phát triển thiền minh sát, và đạt đến thánh vức (ariyabhūmi).
Nếu làm thế không được, vị ấy nên ngồi xuống. Và người đi sau cũng sẽ ngồi xuống. Đó là phương pháp. Nếu không thể đạt đến thánh vức, thời sau khi vị ấy đã dừng lại được tâm phiền não, vị ấy tiếp tục chỉ tác ý đến đề mục thiền của mình. Vị ấy không nên giở chân lên bước đi với một cái tâm không tác ý đến đề mục thiền. Nhưng nếu đã giở chân lên (bước đi), vị ấy phải quay lui và bắt đầu từ bước đầu tiên trở lại.

Như vậy, nếu hiện giờ quý vị đang hành niệm hơi thở, chẳng hạn.Trong mọi oai nghi quý vị sẽ chỉ hành niệm hơi thở mà thôi. Nếu quý vị quên, quý vị phải đi trở lại chỗ mới nhất quý vị quên (niệm hơi thở) và bắt đầu bước đi trở lại. Nếu thực hành được như vậy, chánh niệm của quý vị sẽ tăng trưởng. Khi chánh niệm tăng trưởng, định của quý vị cũng sẽ tăng trưởng. Khi định tăng trưởng, quý vị có thể đắc thiền. Dựa trên thiền đó, nếu quý vị hành minh sát với sự chuyên cần, quý vị có thể đạt đến A-la-hán  thánh quả, chấm dứt vòng tử sanh luân hồi.
Tính kiên trì là cần thiết. Trong mọi loại quán ở bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), Đức Phật luôn luôn đề cập rằng một vị Tỳ kheo phải thực hành nó với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm. Ba yếu tố này rất quan trọng. Chúng cần thiết cho việc chứng đắc Niết-bàn vì vậy quý vị phải luôn luôn trau dồi nó trong mọi oai nghi.

Trưởng lão Mahā Phussa, người thường sống ngoài hàng hiên, là một vị trưởng lão sống hoàn thành phận sự giữ pháp ‘đi tới và đi lui, lúc nào cũng hành thiền’ trong mười chín năm. Khi những người nông phu, những người thợ gặt, và những người khác nhìn thấy vị trưởng lão cứ đi tới đi lui theo cách này, họ nói: ‘Vị trưởng lão này sao cứ dừng rồi đi, dừng rồi đi mãi nhỉ. Sao ngài lại làm như thế? Có phải ngài lạc đường hay ngài quên cái gì chăng?’
Vị trưởng lão chỉ đang hành Sa môn pháp (samaṇadhammā ¬– đó là hành giới ‘sīla’,  định ‘samādhi’, và tuệ ‘paññā’), với một cái tâm hiến trọn cho thiền, không màng để ý đến lời nói của người khác. Ngài đắc A-la-hán thánh quả trong năm thứ hai mươi.

Ngay trong cái ngày vị trưởng lão trở thành một bậc thánh A-la-hán, một vị chư thiên sống ở cuối con đường kinh hành của ngài đã đứng toả chiếu hào quang từ những ngón tay. Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích Thiên Vương và Phạm Thiên Sahampati đã đến để được hầu hạ trưởng lão. Trong khi đó, Mahā Tissa, một vị trưởng lão khác, sống ở trong rừng, nhìn thấy hào quang ấy ngày hôm sau đã hỏi thăm vị trưởng lão : ‘Bạch ngài, đêm qua có một ánh hào quang gần nơi trú ngụ của ngài. Đó là cái gì thế ?’

Hướng câu hỏi sang chỗ khác, vị A-la-hán nói : ‘Hào quang đó là của ánh sáng, của minh châu hay của gì gì đó.’ Nhưng khi bị ép mãi bằng những lời : ‘Bạch ngài, có phải ngài đang giữ một điều gì bí mật,’ vị trưởng lão đành phải nhìn nhận và nói cho Tissa biết sự chứng đắc của mình.
Theo tấm gương này, quý vị không nên khoe khoang sự chứng thiền của mình. Điều đó sẽ không tốt, bởi vì có thể có người tin, người không tin. Vấn đề là ở đấy. Vì thế quý vị không nên nói sự chứng đắc của mình cho người khác, mà tốt hơn chỉ nên dạy Pháp cho họ mà thôi.

Một tấm gương khác là trưởng lão Mahā Nāga ở Hắc Đằng Đình (ngôi đình có giây leo đen). Người ta nói rằng ngài đã hoàn thành phận sự giữ pháp đi tới và đi lui, lúc nào cũng hành thiền. Và ngài còn quyết định chỉ đứng và đi trong bảy năm, với ý nghĩ : ‘Ta sẽ làm vinh danh nỗ lực vĩ đại suốt sáu năm của Đức Thế Tôn.’ Điều này được nói nhằm chứng minh những oai nghi ấy là thích hợp để tuân thủ khi thực hiện một quyết định như vậy. Một người tự giới hạn mình vào những oai nghi này không có nghĩa họ sẽ từ chối hành những oai nghi cần thiết khác như ngồi trong bữa ăn, một oai nghi được xem như thích hợp khi ăn và trong những dịp khác tương tự như vậy. Bằng chữ ‘chỉ,’ (đi và đứng) ở đây cần phải hiểu rằng vị ấy không sử dụng những hình thức ngồi còn lại, đó là, không sử dụng những tư thế ngồi nào không tuyệt đối cần thiết cho việc thực hành, và đối với oai nghi nằm cũng cần hiểu theo cách tương tự. Sau khi đã hoàn thành việc giữ pháp đi tới và đi lui lúc nào cũng thiền trong mười sáu năm, ngài đắc A-la-hán thánh quả.

Trong câu chuyện này, Trưởng lão Mahā Nāga đã quyết định chỉ đứng và đi trong bảy năm, và như vậy ngài không ngủ trong bảy năm. Làm thế nào ngài có thể kiên trì hành thiền không ngủ được như thế ? Ngài muốn vinh danh nỗ lực vĩ đại suốt sáu năm của Đức Thế Tôn. Quý vị cũng nên vinh danh nỗ lực vĩ đại suốt sáu năm của Đức Thế Tôn và kiên trì hành thiền như thế. Liệu quý vị sẽ cố gắng không ngủ được bao nhiêu năm? Nếu quý vị không thể ngủ được trong vài ngày quý vị không nên quá lo lắng về vấn đề đó. Ở đây, quý vị thấy Trưởng lão Mahā Nāga đã hành thiền không ngủ suốt bảy năm. Rồi ngại lại hoàn thành phận sự giữ pháp đi tới và đi lui, lúc nào cũng hành thiền trong mười sáu năm khác nữa. Như vậy lúc nào ngài cũng hành thiền cả. Quý vị nên noi theo tấm gương của ngài.

Những chuyện như thế này được nói về ngài: Khi đi vào làng khất thực ngài chỉ nhấc chân lên khi tâm đã dành trọn cho đề mục thiền. Nếu khi nhấc chân lên mà tâm không dành trọn cho thiền, ngài sẽ quay trở lại. Sau khi đứng cách làng ở một khoảng cách mà một người từ làng nhìn ra sẽ phải phân vân: ‘Không biết đó là một con bò hay một vị Sa môn?’ Ngài mới vấn y. Rồi khi đã rửa bình bát với bình nước đeo theo trên vai xong, ngài ngậm trong miệng một bụm nước. Vì lý do gì ngài lại ngậm một bụm nước như thế? Ngài làm điều đó vì nghĩ : ‘Để cho tâm không bị phân tán ngay cả bằng việc nói: ‘Cầu mong cho người được trường thọ!’ đối với những người đến đảnh lễ ta hay đặt bát cho ta.’ Nhưng khi ngài được hỏi một câu hỏi liên quan đến ngày tháng hay về con số những vị sư (ở chùa), ngài sẽ nuốt hết nước và rồi trả lời. Nếu không có những câu hỏi về ngày tháng, v.v…, lúc ra về ngài mới nhổ bụm nước ấy ra tại cổng làng và đi về nơi trú ngụ.’

Nói chuyện làm tổn hại đến thiền của quý vị. Vì nó có thể tạo ra nhiều suy nghĩ. Nếu quý vị có nhiều suy nghĩ, tâm quý vị sẽ luôn luôn phóng đi, và sức tập trung của quý vị sẽ giảm. Khi sức tập trung yếu quý vị sẽ không thể nào chọc thủng hay thể nhập được danh-sắc tối hậu và các nhân của chúng. Quý vị không thể quán chúng là vô thường, khổ và vô ngã được. Đây là lý do vì sao khi quý vị nói chuyện quá nhiều cả thiền định và thiền minh sát (vipassanā) của quý vị sẽ giảm.

Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền