Friday, September 5, 2014

Đại Niệm Xứ Đại Niệm Xứ



Đại Niệm Xứ
Tường Giải
GIAÛNG GIAÛI KINH ÑAÏI NIEÄM XÖÙ
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Pa Auk Sayadaw   
  
Trong khoá thiền này tôi muốn giải thích thật chi tiết bài Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) cho quý vị hiểu. Bài kinh này đã được Đức Phật thuyết giảng khi ngài lưu trú tại một thị tứ gọi là Kammāsadhamma ở xứ Kuru. Chú giải nói rằng thị tứ này không có chỗ nào thích hợp cho Đức Thế Tôn ở lại cả. Tuy nhiên, có một khu rừng già rộng lớn trong vùng khả ái ấy, với nước non đầy đủ, và cách thị tứ không xa. Đức Thế Tôn đã sống trong khu rừng ấy và lấy thị tứ làm nơi đi khất thực.
Nhờ phước báu, xứ Kuru có được khí hậu dễ chịu và những điều kiện thoải mái khác, như thức ăn thức uống tốt lành thiết yếu cho việc duy trì thân và tâm. Vì thế những cư dân ở đó, về thể xác cũng như tinh thần, luôn luôn khoẻ mạnh, và có được sức mạnh của trí tuệ. Họ có khả năng tiếp thu được những giáo lý thâm sâu. Do đó, Đức Thế Tôn đã dạy cho họ bài kinh vốn rất sâu xa về nghĩa lý này. Ngài đã thiết lập đề mục thiền để đạt đến A-la-hán thánh quả ở hai mươi mốt chỗ (trong bài kinh). Cũng như một người sau khi đã có được một chiếc giỏ bằng vàng sẽ bỏ đầy vào đó với các loại hoa khác nhau hay với bảy loại châu báu quý giá khác nhau (san hô, hổ phách, trân châu, mã não v.v… ) như thế nào, ở đây cũng vậy, sau khi đã được những người dân xứ Kuru đi theo (làm đệ tử), Đức Thế Tôn dạy cho họ những giáo lý thâm sâu. Không chỉ bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta), mà cả những bài Kinh sâu xa khác như Mahānidāna Sutta, Sāropama Sutta, Rukkhūpama Sutta, Raṭṭhapāla Sutta, Māgandiyasutta và Āneñjasappāya Sutta đã được Đức Thế Tôn thuyết vì lý do này.
Hơn nữa, trong lãnh thổ ấy, bốn chúng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cận sự nam và cận sự nữ, về bản chất nói chung, rất nhiệt thành với việc áp dụng chánh niệm trong đời sống hành ngày. Ngay cả những người nô lệ, những người công nhân và tôi tớ cũng đều nói về việc thực hành chánh niệm. Ở những giếng nước hay ở những nhà máy dệt người ta không hề nghe thấy những cuộc nói chuyện vô ích. Nếu một người phụ nữ hỏi một người phụ nữ khác, ‘Này bạn thân, bạn thực hành niệm xứ nào?’ và nhận được câu trả lời, ‘Tôi không hành niệm xứ nào cả,’  cô ta sẽ chỉ trích người ấy, nói rằng: ‘Cuộc sống của bạn thật đáng xấu hổ; dù đang sống bạn cũng như thể người đã chết rồi vậy.’ Và cô ta sẽ dạy cho người này một trong những niệm xứ để hành theo. 
 Còn nếu cô ta nhận được câu trả lời rằng họ đang hành niệm xứ như vậy như vậy, cô ta sẽ khen ngợi người này: ‘Lành thay, lành thay! Cuộc sống của bạn thật là diễm phúc. Bạn là một con người đích thực. Chính vì những người giống như bạn mà Chư Phật Chánh Đẳng Giác mới xuất hiện trong thế gian này.’ Như vậy, sau khi đã có được nhiều người có năng lực trí tuệ lắng nghe, Đức Phật đã dạy cho họ bài Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) này, một bài Kinh mà nghĩa lý của nó vốn rất thâm sâu. Bài Kinh được bắt đầu như sau:
Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn sống trong xứ Kuru tại một thị tứ có tên là Kammāsadhamma của những người Kuru. Ở đó Đức Thế Tôn đã gọi các vị Tỳ kheo: ‘Này các Tỳ kheo,’ Các vị trả lời: ‘Bạch Đức Thế Tôn.’ Rồi Thế Tôn nói như thế sau: ‘Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất để thanh tịnh các chúng sinh; để vượt qua sầu, bi; để đoạn tận khổ, ưu; để đạt đến chánh đạo và để chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna), đó là tứ niệm xứ.’
 ‘Tôi’ ở đây nói đến Trưởng lão Ānanda, một người anh em chú bác của Đức Phật. Tại cuộc Kết Tập Kinh Điển lần thứ nhất tổ chức ở Động Sattapaṇṇi, Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) đã được trùng tuyên bởi Trưởng lão Ānanda.
‘Con đường độc nhất’ có nghĩa rằng, bản chất của nó không phải là con đường đôi. Hay gọi nó là ‘con đường đơn độc’ bởi vì nó phải được đi một mình, không có bạn đồng hành. Có hai loại người không có bạn: (1) người không có bạn, sau khi đã từ bỏ sự tiếp xúc với đám đông, và (2) theo nghĩa của người đã viễn ly khỏi tham ái, nhờ tâm tịnh chỉ.
Hay nó được gọi là ‘con đường độc nhất’ vì nó là con đường của một con người toàn hảo nhất. Trong tất cả các hàng chúng sinh, Đức Thế Tôn là toàn hảo nhất. Do đó, nó được gọi là con đường của Đấng Thế Tôn. Mặc dù những người khác cũng có thể đi theo con đường ấy, song nó vẫn được xem là con đường của Đức Phật bởi vì ngài đã tạo ra nó. Bởi lẽ ấy Kinh nói: “Này Bà-la-môn, Đức Thế Tôn là bậc sáng tạo của con đường chưa (ai) sáng tạo.” Con đường đó chỉ có trong Pháp và Luật này chứ không có trong bất cứ Pháp và Luật nào khác. Vì thế, Đức Phật tuyên bố: ‘Này Subhadda, Bát Thánh Đạo chỉ có thể được tìm thấy trong Pháp và Luật này.’ Và hơn nữa, ‘con đường độc nhất’ còn có nghĩa: Nó đi đến một (chỗ) - đó là, nó chỉ đi đến Niết-bàn (Nibbāna). 
Mặc dù ở những giai đoạn đầu, thiền này tiến hành trên những con đường khác nhau, song ở những giai đoạn sau, nó chỉ đi đến một (chỗ), Niết-bàn (Nibbāna). Đó là lý do vì sao Phạm-thiên Sahampati nói: ‘Đức Phật, bậc đầy lòng bi mẫn, thấy Niết-bàn ở đây không có sanh. Ngài hiểu rõ con đường duy nhất dẫn đến đó. Chư Phật chánh đẳng giác và các bậc thánh trong quá khứ đã vượt bộc lưu bằng con đường này. Chư Phật chánh đẳng giác và các bậc thánh trong tương lai cũng sẽ vượt bộc lưu bằng con đường này. Chư Phật chánh đẳng giác và các bậc thánh trong hiện tại cũng vượt bộc lưu chỉ bằng con đường này mà thôi. Con đường này là Bát Thánh Đạo, phải được đi qua bởi những người muốn chứng đắc Niết-bàn.’
Phụ chú giải (sớ giải) giải thích: Vì Niết-bàn không có cái thứ hai, đó là, không có tham ái kể như tính chất kèm theo, nên nó được gọi là một. Vì thế mới nói: ‘Chân lý chỉ có một; chân lý không có hai.’
Tại sao niệm xứ lại được dụng ý bằng từ ‘con đường’? Chẳng phải ngoài niệm còn có nhiều yếu tố khác của đạo, như (chánh) kiến, (chánh) tư duy, (chánh) ngữ, (chánh) nghiệp,  (chánh) mạng, (chánh) tinh tấn, và (chánh) định sao? Tất nhiên là có. Nhưng tất cả những yếu tố ấy đã được hàm ý khi niệm xứ được đề cập, bởi vì chúng hiện hữu trong sự hợp nhất với niệm vậy.
Chú giải tiếp tục: Niệm xứ là một ‘con đường’ theo nghĩa gì? Chính theo nghĩa của đạo lộ dẫn đến Niết-bàn (Nibbāna), và theo nghĩa của đạo lộ phải được đi qua bởi những người mong muốn đạt đến Niết-bàn (Nibbāna) mà nó được gọi là niệm xứ.
Liên quan đến ‘con đường độc nhất’ này ngày xưa đã xảy ra cuộc tranh luận sau.
Trưởng lão Tam Tạng Cūḷanāga nói: ‘Con đường niệm xứ là phần mở đầu của Bát Thánh Đạo.’ Ý ngài muốn nói rằng niệm xứ là con đường hiệp thế (hiệp thế ở đây cần phải hiểu là còn thuộc về thế gian hay còn nằm trong tam giới).
Thầy của ngài, Trưởng lão Cūḷasuma thì nói: ‘Con đường ấy là con đường hỗn hợp.’ Ý ngài muốn nói đó là con đường vừa hiệp thế lẫn siêu thế.
Người học trò nói: ‘Bạch ngài, con đường niệm xứ là phần mở đầu đi trước Bát Thánh Đạo (ariyamagga).’
Vị thầy vẫn nhất quyết: ‘Hiền giả, đó là con đường hỗn hợp.’
Vì vị thầy khăng khăng như vậy, nên người học trò đành im lặng. Họ ra đi mà không đưa ra một sự kết luận nào cả.
Trên con đường tới bãi tắm người thầy suy xét vấn đề. Ngài đã đọc đi đọc lại bài kinh. Khi ngài đọc đến phần ở đây Đức Phật nói: ‘Này các Tỳ kheo, người nào thực hành bốn niệm xứ này trong bảy năm,’ ngài kết luận rằng sau khi tâm đạo siêu thế đã khởi lên, sự tiếp tục của trạng thái tâm ấy trong bảy năm là không thể có, bởi vì tâm đạo chỉ kéo dài một sát-na và không bao giờ khởi lên lại. Như vậy người học trò của ngài đúng. Ngay ngày hôm ấy, đó là ngày thứ tám của nửa tháng âm lịch, đến phiên của Trưởng lão Tam Tạng Cūḷanāga giảng Pháp (Dhamma). Khi buổi giảng sắp bắt đầu, Trưởng lão Cūḷasuma đi đến giảng đường và đứng phía sau bục giảng.
Sau khi người học trò đã đọc lại những vần kệ mở đầu vị thầy nói với người học trò trong tầm nghe của những người khác. Ngài nói, ‘Hiền-giả Cūḷanāga.’ Người học trò nghe giọng của thầy mình vội trả lời: ‘Thưa! có chuyện gì thế, bạch Ngài?’ Vị thầy nói: ‘Nói rằng con đường niệm xứ là con đường hỗn hợp là không đúng. Hiền giả đã đúng khi gọi nó là phần mở đầu của Bát Thánh Đạo.’ Như vậy các vị Trưởng lão thời xưa đã không có sự đố kỵ. Họ không chấp chặt chỉ những gì họ thích như thể đó là một bó mía. Họ chấp nhận những gì được xem là hợp lý và vứt bỏ những gì không hợp lý.
Trên cơ sở đó, người học trò nhận ra rằng từ một điểm mà các bậc thông thạo Pháp (Dhamma) như vị thầy đa văn của ngài còn bị lầm lẫn, trong tương lai các bạn đồng phạm hạnh rất có thể sẽ còn thiếu tự tin hơn. Ngài nghĩ: ‘Với thẩm quyền của sự trích dẫn từ Kinh Tạng, ta sẽ ổn định vấn đề này.’ Do đó, ngài đưa ra và đặt trước thính chúng lời tuyên bố từ Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) như sau: ‘Phần mở đầu của con đường niệm xứ được gọi là con đường độc nhất.’ Để giải thích tỉ mỉ hơn và để chỉ ra cho mọi người thấy con đường nào là phần mở đầu được hướng dẫn trong bài kinh (Đại Niệm Xứ), ngài đã trích dẫn thêm đoạn văn sau cũng từ Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga): ‘Thù thắng nhất trong các đạo lộ là Bát Thánh Đạo. Thù thắng nhất trong các chân lý là Tứ Thánh Đế.  Thù thắng nhất trong các pháp là pháp Vô dục (Niết bàn). Đây là con đường độc nhất. Không còn đường nào khác để tịnh hoá (tri) kiến. Đi theo con đường này bạn có thể làm cho ác ma bối rối, và đoạn tận khổ đau.’
Có bảy lợi ích tích luỹ được từ việc thực hành con đường độc nhất, đó là, tịnh hoá các chúng sinh, vượt qua sầu và bi, đoạn tận khổ và ưu, đạt đến chánh đạo và chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna).
‘Để tịnh hoá các chúng sinh’ có nghĩa là để làm cho (tâm) các chúng sinh vốn bị ô nhiễm bởi những cấu uế của tham, sân và si được sạch sẽ. Mọi chúng sinh sẽ đạt đến sự thanh tịnh cao nhất sau khi đoạn trừ những cấu uế của tâm này. Tuy nhiên, không có sự làm sạch sẽ những bất tịnh của thân được dạy trong Pháp (Dhamma).

Bậc Đại Thánh không nói
Do cấu uế của thân
con người thành bất tịnh
Hay do tắm gội thân
Họ trở nên thanh tịnh.

Bậc Đại Thánh tuyên bố
Do cấu uế của tâm
Con người thành bất tịnh
Nhờ làm sạch sẽ tâm
Họ trở nên thanh tịnh.

Vì thế điều này đã được nói trong Kinh Dây Trói Buộc của Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya)[1]: ‘Những cấu uế của tâm làm ô nhiễm các chúng sinh; sự trong sạch của tâm sẽ tịnh hoá các chúng sinh.’
Liên quan đến đoạn ‘để vượt qua sầu và bi’: Nếu con đường này được tu tập nó sẽ dẫn đến sự trục xuất khỏi sầu muộn giống như Tể tướng Santati đã trải nghiệm, và nó sẽ dẫn đến sự trục xuất khỏi bi ai (than khóc) giống như trường hợp của Paṭācārā.
Tôi muốn kể cho quý vị nghe câu chuyện của Tể tướng Santati trước.
Một lần nọ Tể tướng Santati sau khi dẹp tan được một cuộc nổi loạn trên vùng biên giới Kosala của đức Vua Pasenadi trở về, đức vua hài lòng đến độ trao vương quốc của mình cho ông cai trị trong vòng bảy ngày và còn ban cho ông một nàng vũ nữ xinh đẹp. Trong bảy ngày đó Santati ngập chìm trong men rượu, và đến ngày thứ bảy, trang hoàng với những vật trang sức, ông leo lên lưng voi quý và khởi hành đi đến bãi tắm. Khi vừa ra khỏi cổng, ông gặp Đức Phật đang đi vào kinh thành để khất thực. Vẫn ngồi trên lưng voi, ông gật đầu chào Đức Phật và đi qua.
Đức Phật mỉm cười. Tôn giả Ānanda thấy vậy liền hỏi ‘Bạch Đức Thế Tôn, vì sao ngài mỉm cười?’ Giải thích lý do mỉm cười của mình, Đức Phật nói, ‘Này Ānanda, hãy nhìn vào Tể tướng Santati của đức Vua xem. Ngay trong ngày hôm nay, trang hoàng với tất cả những vật trang sức của mình, ông sẽ đi đến gặp ta, và vào lúc kết thúc bài kệ bốn câu ông sẽ đạt đến A-la-hán  thánh quả. Rồi ông sẽ ngồi kiết già trên hư không cao cách mặt đất bảy cây thốt nốt và sẽ nhập Niết-bàn (Nibbāna) tại đó.’
Quần chúng nghe được những lời qua lại giữa Đức Phật và Trưởng lão Ānanda. Trong số đó những người chấp tà kiến tự nhủ rằng, ‘Hãy xem cái cách Sa môn Cồ-đàm (chỉ Đức Phật) hành xử kìa! Nghĩ cái gì trong đầu là ông nói ra bằng miệng! Ngay ngày hôm nay, ông nói như vậy, cái gã nát rượu say mèm đó, trang hoang với những vật trang sức, sẽ đi đến trước mặt ông và nghe Pháp rồi nhập Niết-bàn (Nibbāna) ở đó! Nhưng chính xác điều đó sẽ không xảy ra; ngay ngày hôm nay chúng ta sẽ bắt quả tang ông ta nói dối cho coi.’ Ngược lại, nhóm người chánh kiến lại tự nghĩ, ‘Ôi lớn lao và huyền diệu thay là năng lực thần thông của Chư Phật! Hôm nay chúng ta sẽ được chứng kiến sự vinh quang của Đức Phật và sự vinh quang của Tể tướng Santati.’
Tể tướng Santati sau khi qua nửa ngày bơi lội ở bãi tắm, bước vào lạc viên (pleasure garden) và ngồi trong tửu phòng của mình. Ngay lập tức nàng vũ nữ đi vào giữa sân khấu và bắt đầu phô bày tài nghệ ca múa của mình. Lúc bấy giờ nàng đã ăn kiêng trong bảy ngày nên nàng có thể phô diễn sự duyên dáng của tấm thân mình hoàn hảo hơn; và kết quả là ngay cái ngày đặc biệt ấy, khi nàng đang biểu diễn tài nghệ ca múa, thì những cơn đau như dao cắt khởi lên trong bụng nàng, những cơn đau như thể đang cắt trái tim nàng rời ra từng mảnh. Và rồi tại đó nàng ngã lăn ra chết miệng mắt mở trừng trừng.
Tể tướng Santati nói, ‘Hãy chăm sóc cô gái xem!’, người hầu trả lời ‘Nàng đã chết rồi, thưa ngài,’. Ngay khi nghe những lời ấy, Tể tướng Santati lòng tràn ngập sầu khổ; và trong phút chốc, rượu mà ông đã uống suốt cả tuần lễ trước bỗng tiêu tan giống như giọt nước rớt trên mẻ chén sành nóng đỏ. Ông tự nhủ, ‘Ngoại trừ Đức Phật ra, ai là người có thể dập tắt nỗi sầu khổ này của ta đây?’
Thế rồi chiều hôm đó, cùng với lực lượng của mình, ông đi đến Đức Phật; và sau khi đã đảnh lễ ngài, ông nói như sau: ‘Bạch Đức Thế Tôn, nỗi sầu khổ như thế như thế đã đến với con. Con tìm đến ngài bởi vì con biết rằng ngài có thể dập tắt nỗi sầu khổ của con. Xin Đức Thế Tôn hãy là nơi nương nhờ của con.’ Khi ấy Đức Phật nói với ông: ‘Quả thực ông đã đến gặp đúng người có thể dập tắt được nỗi sầu khổ của ông. Biết bao lần trong quá khứ người đàn bà này đã chết theo cách như vậy và ông đã từng khóc cho cô ta,  nước mắt ông đổ ra cho người đàn bà này tính ra còn nhiều hơn cả nước chứa đựng trong bốn đại dương.’ Nói như vậy xong, Đức Phật tuyên bố bài kệ sau:
‘Hãy thanh lọc quá khứ;
Đừng tính chuyện tương lai.
Nắm bắt ngay hiện tại
Ông sẽ sống bình yên.’
Ở đây, ‘nắm bắt’ có nghĩa là xem các đối tượng như ‘Cái này là Tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi.’ Như vậy bài kệ này dạy chúng ta không nên có tham ái, tà kiến và ngã mạn. Nếu quý vị nắm bắt một đối tượng và xem đó như ‘cái này là tôi’, thì đó là ngã mạn; nếu quý vị nắm bắt một đối tượng và xem đó như ‘cái này là của tôi’, là tham ái; nếu quý vị nắm bắt một đối tượng và xem đó như ‘cái này là tự ngã của tôi’, là tà kiến. Quý vị phải thanh lọc tâm khỏi ba loại chấp thủ này. Quý vị sẽ thực hành như thế nào? Quý vị phải phân biệt năm thủ uẩn quá khứ, hiện tại và vị lai như là vô thường, khổ và vô ngã. Đây là những gì Santati đã làm trong lúc lắng nghe bài kệ mà Đức Phật thuyết.
Vào lúc kết thúc bài kệ, Santati đắc A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāñāṇa) và các năng lực thần thông. Dựa vào những năng lực ấy ông quán xét thọ mạng của mình, và nhận ra rằng ông chỉ còn chút ít (thọ mạng) để sống, nên ông bạch Phật, ‘Bạch Đức Thế Tôn, hãy cho phép con nhập Niết-bàn.’ Đức Phật, dù bản thân ngài biết rõ nghiệp công đức của Santati đã làm trong một tiền kiếp trước là gì, vẫn tự nhủ, những kẻ ngoại đạo tập trung ở đây hôm nay vì mục đích muốn bắt quả tang ta nói dối sẽ không đạt được mục đích ấy; và những người có chánh kiến cũng tụ tập ở đây với ý nghĩ, ‘Chúng ta sẽ được chứng kiến sự vinh quang của Đức Phật và sự vinh quang của Tể tướng Santati,’ khi họ được nghe về những thiện nghiệp ông đã thực hiện trong tiền kiếp, chắc chắn lòng kính trọng của họ đối với những việc làm phước thiện sẽ gia tăng.’
Do đó Đức Phật nói với Tể tướng Santati, ‘Lành thay, vậy ông hãy thuật lại cho mọi người biết những nghiệp công đức mà ông đã làm trong tiền kiếp trước đi. Tuy nhiên đừng thuật lại điều đó khi đứng trên mặt đất, mà hãy ngồi xếp bằng trên hư không cách đất bảy cây thốt nốt mà thuật lại cho mọi người nghe.’‘Thưa vâng’ Tể tướng Santati trả lời. Rồi ông đảnh lễ Đức Phật và bay lên hư không cao đến bảy cây thốt nốt (khoảng 50 mét) và hạ xuống đất trở lại. Sau đó ông đảnh lễ Đức Phật thêm một lần nữa, và từ từ nâng người lên cao cách mặt đất bảy cây thốt nốt, rồi ngồi kiết già trên hư không, ông nói, ‘Xin hãy nghe, bạch Đức Thế Tôn, nghiệp công đức mà con đã làm trong một tiền kiếp trước.’ Nói như vậy xong, ông liên hệ lại câu chuyện sau:
‘Chín mươi mốt đại kiếp trước, trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Vipassī (Tỳ-bà-thi), con được sinh ra trong một gia đình ở một thành phố có tên là  Bandhumatī. Rồi ý nghĩ sau đây khởi lên trong con, ‘Công việc gì sẽ loại trừ được sự thiếu thốn và khổ đau của những người khác?’ Trong khi con đang ngẫm nghĩ về điều này, con nhận xét thấy rằng chỉ có công việc của những người đi khắp nơi công bố Giáo Pháp là cao quý, và từ đó trở đi con đã khổ công đi làm công việc này. Con khích lệ mọi người làm các việc công đức, và bản thân con cũng làm những việc công đức ấy. Vào những ngày trai giới con tự mình thọ trì những bổn phận của ngày trai giới; con để bát cúng dường (chư Tăng); con lắng nghe Pháp. Và con đi đây đó công bố, ‘Không có châu báu nào có thể sánh bằng Tam Bảo, đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo; do đó hãy tôn kính Tam Bảo.’
Lúc bấy giờ Đức Vua Bandhumatī, cha của Đức Phật, nghe giọng rao của con, cho người gọi con lại và hỏi, ‘Này khanh, khanh đang đi làm công việc gì đó?’ Con trả lời, ‘Tâu Đại Vương, thần đang đi làm công việc công bố những ân đức của Tam Bảo, và khích lệ mọi người làm các việc công đức.’ ‘Thế khanh dùng phương tiện gì để đi?’ đức Vua hỏi. Con trả lời, ‘Tâu đại Vương, thần đi bằng đôi chân của thần.’ Nghe như vậy đức Vua nói, ‘Này khanh, khanh đi công bố Giáo Pháp theo kiểu đó là không hợp. Hãy trang hoàng cho mình bằng vòng hoa này và ngồi trên lưng ngựa để đi làm công việc ấy.’ Nói như vậy xong, đức vua đưa cho con một vòng hoa đẹp tựa chuỗi ngọc trai, đồng thời còn cho con một con ngựa.
Sau khi được đức vua  thi ân, con đi đây đi đó công bố Giáo Pháp như trước. Sau một thời gian đức vua lại cho vời con đến và hỏi, ‘Này khanh, khanh đi làm công việc gì thế?’ ‘Tâu đại vương, thần làm công việc như trước,’ con trả lời. ‘Này khanh,’ đức vua nói, ‘một con ngựa không xứng cho công việc của khanh; hãy ngồi vào đây khi khanh đi.’ Nói thế xong, đức vua tặng cho con một cỗ xe tứ mã. Lần thứ ba đức vua nghe giọng rao của con, ngài lại cho gọi con đến và hỏi, ‘Này khanh, khanh đi làm công việc gì thế?’ ‘Cũng như trước, tâu đại vương,’ con trả lời. ‘Này khanh,’ đức vua nói, ‘một cỗ xe như vậy vẫn chưa xứng với khanh.’ Và lập tức ngài tặng cho con nhiều của cải và châu báu rực rỡ, đồng thời ngài còn ban cho con một thớt tượng. Do đó lần này con trang hoàng với tất cả các loại châu báu và ngồi trên lưng voi để đi công bố Giáo Pháp. Theo cách này, trong tám mươi ngàn năm con đã đi làm công đức công bố Giáo Pháp. Và trong suốt thời gian đó thân mình con thấm đẫm mùi trầm hương và từ miệng con toả ra mùi hương sen ngọt ngào. Đây là thiện sự của con trong một tiền kiếp trước.’
Trong khi Tể tướng Santati liên hệ lại câu chuyện như vậy về thiện sự của ông trong một tiền kiếp trước, vẫn ngồi trong tư thế kiết già, ông dán tâm vào đề mục thiền Kasina lửa; và sau khi đắc thiền (Jhāna), từ đây ông nhập thẳng vào Niết-bàn (Nibbāna). Lập tức những ngọn lửa bốc lên từ thân ông thiêu đốt sạch thịt và máu, và xá-lợi của ông rơi xuống giống như những bông hoa lài. Đức Phật chìa tấm vải sạch ra, những viên xá-lợi rơi trên đó, và Đức Phật an vị chúng tại ngã tư đường, truyền dạy mọi người dựng một ngôi tháp trên đó,  ngài nói, ‘Nhờ tôn kính những viên xá-lợi này công chúng sẽ có được nhiều phước báu.’

Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật


[1] Xem  thêm Dây Trói Buộc (Gaddulabaddha Sutta)  NXB Tôn Giáo  2009 , Tỳ Kheo Pháp Thông dịch.