Tôi sẽ kể cho
quý vị nghe một câu chuyện khác về một vị Tỳ kheo đè nén được cái đau ở thân
hay khổ thân. Có ba mươi vị Tỳ kheo, sau khi đã nhận một đề tài thiền từ Đức Thế
Tôn, đi vào một khu rừng nọ để an cư mùa mưa. Họ thoả thuận với nhau là sẽ thực
hành phận sự của một vị Sa môn suốt ba canh của đêm và tránh gặp mặt nhau. Phận
sự của một vị Sa môn (samaṇadhamma)
là thực hành tam học - giới (sīla), định
(samādhi), và tuệ (paññā).
Là một vị Tỳ kheo, chúng ta phải thực hành ba bổn phận này cả ngày lẫn đêm.
Ba mươi vị Tỳ kheo trên đã chuyên cần thực hành để hoàn thành Sa môn pháp này.
Sau khi làm bổn
phận của người Sa môn suốt đêm, vào lúc sáng sớm những vị Tỳ kheo ngủ quên đã bị
một con cọp tha đi hết người này đến người khác. Khi bị tha đi như vậy thậm chí
không có ai trong số những vị đó thốt lên một lời: ‘Cọp đã vồ tôi.’ Vì thế mười
lăm vị Tỳ kheo đã bị cọp nuốt. Vào ngày bố-tát (uposatha), ngày mà chư Tăng hội
họp để tụng giới bổn, vị trưởng lão hỏi: ‘Chư hiền, các vị khác đâu?’ Và rồi họ
biết được rằng những vị khác đã bị cọp vồ chết rồi. Từ đó họ thoả thuận với
nhau rằng bất cứ ai bị cọp vồ phải la lên: ‘Cọp đã vồ tôi.’ Hôm sau, con cọp đến
và vồ một vị Tỳ kheo trẻ y như cách nó đã vồ những vị khác trước đây. Vị Tỳ
kheo trẻ la lên: ‘Cọp, thưa các ngài!’ các vị khác vội cầm gậy và đuốc đuổi
theo con cọp.
Con cọp tha vị Tỳ
kheo trẻ tít lên một tảng đá lớn, mép đá vắt ngang qua một trũng sâu nên các vị
Tỳ kheo không thể tiến tới được. Và ở đó nó bắt đầu nuốt con mồi của nó từ chân
đi lên. Các vị Tỳ kheo thấy vậy nói: ‘Này
hiền giả, bây giờ thì chúng tôi không thể làm được gì cho hiền giả nữa rồi. Sự
chứng đắc tâm linh kỳ diệu của các vị Tỳ kheo được thấy nơi tình huống giống
như tình huống của hiền giả hiện nay đấy.’
Cho dù đang nằm
trong miệng cọp, vị Tỳ kheo trẻ vẫn đè nén sự đau đớn của mình và phát triển
minh sát trí. Ngài đắc bốn thánh đạo và bốn thánh quả cùng với tứ tuệ phân
tích. Rồi ngài nói lên những lời nghiêm trang này: ‘Ta là bậc giới đức nhờ giữ gìn giới. Ta đã thành tựu Sa môn pháp. Tâm
ta an tịnh với cận định và an chỉ định. Dựa trên hai loại định này ta phát triển
tuệ Minh-sát (Vipassanā). Ta có minh sát trí đủ mạnh để chứng đắc Niết-bàn
(Nibbāna). Tuy nhiên, do chỉ một phút lơi lỏng, một con cọp đã cắn vào ngực ta
và tha ta lên một tảng đá lớn, nhưng tâm ta đã được chế ngự. Hỡi cọp ơi! hãy nuốt
ta đi cho thoả thích. Hãy ăn hết thân này của ta cùng với gân và xương. Với tâm
giữ vững đề mục thiền này, ta tích cực thực hành để diệt trừ hoàn toàn mọi phiền
não. Ta đã tận mặt thấy Niết-bàn (Nibbāna), sự giải thoát tối hậu, cùng với
A-la-hán Thánh Quả Tuệ.’
Tại sao ngài lại
có thể trở thành một vị A-la-hán nhanh
như vậy? Đó là vì các ba la mật (paramī) mạnh mẽ của ngài. Có hai loại ba la mật
(paramī), ba la mật quá khứ và ba la mật hiện tại. Những ai đắc tứ tuệ phân
tích chắc chắn đã phải tích luỹ đủ ba la mật trong giáo pháp của ít nhất một vị
Phật trước. Các vị phải nghiên cứu thấu đáo kinh điển, gồm Tam Tạng và các bản
chú giải. Các vị đã lắng nghe pháp một cách cung kính. Các vị đã hành thiền chỉ
(samatha) và Minh-sát (Vipassanā) cho đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa). Đây là những ba la
mật quá khứ. Vị Tỳ kheo trẻ trên đã có những ba la mật ấy. Trong kiếp ngài trở
thành một bậc A-la-hán ngài đã thực hành minh sát rất tinh tấn, sau khi nhận một
đề tài thiền nơi Đức Phật. Ngài phân biệt mười một loại của năm uẩn - quá khứ,
hiện tại, và vị lai, bên trong và bên ngoài, thô và tế, hạ liệt và cao thượng,
xa và gần - là vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ thực hành như vậy, ngài đã đắc bốn
thánh đạo và bốn thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích ngay cả khi đang nằm trong
miệng cọp.
Trong câu chuyện
này, vị Tỳ kheo trẻ cũng không chú ý đến cái đau ở thân của mình, mà chỉ chú
tâm vào đề tài thiền ban đầu và phát triển Minh-sát trí.
Một lần nọ, Tỳ
kheo Rādha đã hỏi Đức Phật: ‘Bạch Đức Thế
Tôn, thế nào là bệnh?’ Đức Phật trả lời: ‘Này Tỳ kheo năm uẩn là bệnh.’ Khi chúng ta phân tích thân của
chúng ta, chúng ta chỉ có thể tìm thấy năm uẩn. Chúng luôn luôn có mặt trong
thân của chúng ta. Bao lâu còn có năm uẩn chừng đó sẽ còn có những bệnh hoạn.
Chúng ta không thể nào tránh được chúng. Vì sao? Nếu nóng, hoả đại, là một loại
bệnh, chúng ta sẽ luôn luôn có bệnh này. Nếu cứng, địa đại, là một loại bệnh,
chúng ta sẽ luôn luôn có bệnh này. Nếu đẩy, phong đại, là một loại bệnh, chúng
ta sẽ luôn luôn có bệnh này. Nếu sự kết dính hay lưu chảy, thuỷ đại, là một loại
bệnh, chúng ta sẽ luôn luôn có bệnh này. Nói chung, tứ đại giống như bệnh hoạn
này luôn luôn có mặt trong cơ thể của chúng ta; chúng ta không thể nào tránh được
chúng. Vì thế chúng ta không nên lo lắng về chuyện bệnh hoạn, kể cả cái đau ở
thân.
Trong khi quý vị
đang hành thiền, hoài bảo mãnh liệt muốn đạt đến A-la-hán thánh quả là cần thiết. Nếu quý vị có hoài bảo
mãnh liệt này, sức tinh tấn của quý vị sẽ gia tăng và quý vị có thể chịu đựng
được bất kỳ sự không thoải mái nào ở thân. Hãy nhớ là, chúng ta có thể chết bất
cứ lúc nào. Chúng ta phải chịu khó thực hành để đạt đến A-la-hán thánh quả trước khi cái chết xảy ra. Sau khi
chết rồi chúng ta không chắc là mình có thể tiếp tục hành thiền được nữa hay
không. Vì thế hoài bảo mãnh liệt và tinh tấn hành thiền ngay bây giờ là việc hết
sức cần thiết.
Quý vị cũng nên
ghi nhớ và học hỏi từ hai tấm gương mà hai vị tỳ kheo trên đã nêu, một vị với
đôi chân bị đập gãy và vị kia thì bị cọp ăn thịt. Tôi muốn kể cho quý vị nghe một
câu chuyện khác về một vị tỳ kheo đã đạt đến A-la-hán thánh quả trong khi trải
nghiệm một sự đau đớn nghiệt ngã.
Khi trưởng lão
Pītamalla vẫn còn là một người tại gia cư sĩ, ngài từng đoạt cờ (chiến thắng) về
đô vật ở ba quốc gia. Ngài đi đến Đảo Tambapaṇṇī, Tích Lan, nơi đây ngài có một
số khán giả cùng với đức Vua kể như những người trợ giúp trung thành. Một lần nọ,
khi đi ngang qua Giảng Đường ngài nghe đoạn kinh sau từ chương ‘Không Phải Của
Các Ông’ trong Kinh Tạng: ‘Này các Tỳ
kheo, sắc không phải của các ông; hãy từ bỏ sắc. Sự từ bỏ đó sẽ đem lại an lạc
và hạnh phúc lâu dài cho các ông.’ Và ngài suy nghĩ: ‘Quả thực, cả sắc lẫn thọ đều không phải của ta.’ Chỉ với suy nghĩ
đó như một sự khuyến khích, ngài từ bỏ thế gian. Ngài thọ sa di và cụ túc giới
tại ngôi Đại Tự, Mahāvihāra, ở Anurādhapura. Sau khi đã tinh thông hai Mātikās,
ngài đi đến Điện Thờ Gavaravāliya cùng với ba mươi vị Tỳ kheo khác. Ở đó các vị
làm phận sự của một Sa môn. Khi chân của ngài không còn có thể mang nổi ngài nữa,
ngài đã đi kinh hành trên hai đầu gối của mình. Đêm nọ, một người thợ săn đã nhầm
ngài với một con nai và phóng vào ngài một ngọn lao. Vị trưởng lão rút mũi lao
cắm sâu trong thân ngài ra, lấy một nắm cỏ đậy vết thương lại và ngồi xuống
trên một tảng đá bằng. Biến bất hạnh của mình thành một cơ hội để đề khởi tinh
tấn, ngài phát triển tuệ giác và đạt đến A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích.
Để các vị Tỳ
kheo đồng phạm hạnh biết sự chứng đắc của mình, Trưởng lão Pītamalla ra dấu bằng cách đằng hắng giọng và nói lên
bài kệ hoan hỷ với sự giải thoát tối hậu khỏi khổ của mình:
Lời của Bậc Toàn
Giác,
Bậc công bố
Chánh Kiến
Trên toàn cõi thế
gian,
Lời ấy như thế
này:
Tỳ kheo, hãy bỏ
sắc;
Nó không phải của
(các) ông.
Thực sự,
Các hành vốn vô
thường;
Phải chịu sanh
và diệt;
Cái gì sanh, phải
diệt;
Sự diệt của các
hành
Là hạnh phúc chân
thực.
Ở đây lời chỉ dẫn
của Đức Phật là: ‘Hãy từ bỏ sắc, này các
Tỳ kheo; nó không phải của các ông.’ Điều ấy có nghĩa là gì? Chúng ta phải
từ bỏ thái độ chấp trước của chúng ta đối
với sắc, cũng như đối với thọ, tưởng, các hành và thức. Chúng ta từ bỏ sự chấp
trước đối với năm uẩn như thế nào? Trước tiên chúng ta phải làm sao để có thể
thấy được chúng (năm uẩn) và các nhân của chúng đã. Sau đó chúng ta phải quán
chúng kể như vô thường vì ngay khi chúng sanh lên chúng liền diệt, quán chúng kể
như khổ vì chúng luôn luôn bị bức bách bởi sự sanh và diệt, và quán chúng kể
như vô ngã vì không có cái ngã ổn định trong chúng. Nếu chúng ta quán sắc, thọ,
tưởng hành và thức theo cách này, sự chấp trước sẽ biến mất. Sắc không phải của
quý vị. Thọ cũng không phải của quý vị. Cả khổ thân lẫn khổ tâm cũng không phải
của quý vị. Nếu thọ là của quý vị, nó sẽ luôn luôn hiện diện và quý vị có thể
kiểm soát được thọ của mình. Sở dĩ thọ sanh và diệt là vì các nhân và duyên của
thọ cũng sanh và diệt. Vì thế chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Nếu quý vị có
thể quán được chúng theo cách này, quý vị có thể sẽ dứt bỏ được sự chấp trước của
mình vào các cảm thọ. Nếu quý vị đang hành thiền chỉ (samatha) và vẫn chưa thể phân biệt được năm uẩn, quý vị phải đè nén
thọ khổ bằng cách chú tâm vào đề mục thiền của quý vị, chẳng hạn như niệm hơi
thở hay thiền tứ đại.
Rồi các vị Tỳ
kheo bạn của Trưởng lão Pītamalla đi đến và nói: ‘Kính bạch trưởng lão, nếu Đức Phật còn tại thế ắt hẳn ngài đã vươn
cánh tay[1] của ngài qua đại
dương để vuốt đầu tán dương sự tinh tấn của trưởng lão rồi đấy.’
Như vậy, theo
cách này, con đường chánh niệm dẫn đến sự đoạn trừ khổ thân giống như cái khổ của
Trưởng lão Tissa và Trưởng lão Pītamalla.
Tôi sẽ kể cho
quý vị nghe một câu chuyện về sự đoạn trừ khổ tâm hay ưu tâm. Sau khi thấy năm
điềm báo về cái chết đang đến gần, vua trời Đế Thích (Sakka) cảm thấy sợ hãi và rất đau buồn. Thiên chủ Đế Thích đi đến Đức
Phật và hỏi mười bốn câu hỏi. Vào lúc chấm dứt câu trả lời của Đức Phật cho câu
hỏi về thọ xả (upekkhā vedanā), thiên chủ Đế Thích được an lập
trong thánh quả thứ nhất (Nhập lưu thánh quả). Ngoài ra tám mươi ngàn vị chư
thiên khác cũng được an lập trong thánh quả thứ nhất này. Và tuổi thọ của Đế
Thích được phục hồi lại trạng thái ban đầu của nó bằng sự tái sinh của ngài
thêm một lần nữa như vua của các vị chư thiên (thiên vương). Như vậy, nhờ thực
hành quán cảm thọ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna) đức trời Đế Thích đã vượt qua
được khổ tâm hay ưu tâm của mình.
Câu chuyện khác
nói về một vị chư thiên tên Subrahmā. Một hôm ông đang thọ hưởng những lạc thú
cõi trời cùng với một ngàn thiên nữ. Tại cuộc vui đó, khi đang hái những bông
hoa trên một cây thiên hoa nọ, năm trăm nàng thiên nữ đã chết và bị tái sanh
vào địa ngục. Thiên tử Subrahmā sau khi nhìn thấy sự tái sanh địa ngục của họ
đã sợ hãi tột độ, ông hiểu ra rằng sự chấm dứt thọ mạng của ông sắp đến gần và
rằng ông cũng sẽ bị tái sanh vào chính địa ngục ấy. Tại sao? Bởi vì ông và các
nàng thiên nữ của ông đã đắm chìm quá mức trong sự thụ hưởng dục lạc nơi khu vườn
ấy. Sự hưởng dục này là một nghiệp bất thiện và nó có thể dẫn đến sự tái sanh
trong địa ngục vậy.
Do đó ông vội vã
đi đến Đức Phật cùng với năm trăm nàng thiên nữ còn lại của mình và nói điều
này với ngài:
Tâm luôn luôn sợ
hãi,
Luôn đầy với lo
âu,
Về chuyện vừa xảy
ra,
Và những gì sắp
tới,
Nơi nào thoát sợ
hãi,
Xin ngài hãy chỉ
con.
(Tâm con luôn luôn ở trong tình trạng sợ hãi,
Nó luôn luôn đầy
ắp những lo âu,
Về những vấn đề
vừa mới xảy ra,
Và những chuyện
không lâu nữa con sẽ phải đương đầu.
Nếu có một nơi
nào đó thoát khỏi mọi sợ hãi,
Ngài nói cho con
biết được không?)
Đức Thế Tôn đã trả lời ông như sau:
Ngoại trừ hành
nhiệt tâm,
Các chi phần
giác ngộ,
Ngoại trừ sống
thu thúc,
Từ bỏ hết mọi thứ,
Ta thấy không chỗ
nào
An toàn cho
chúng sinh.
Vào lúc chấm dứt lời dạy, Thiên tử Subrahmā
và năm trăm thiên nữ của ông đã được an lập trong nhập lưu thánh quả. Sau khi
chứng đắc thánh quả ông sung sướng trở về thiên giới của mình.
Như vậy, cần phải hiểu rằng con đường tu tập
theo cách này sẽ dẫn đến sự đoạn trừ khổ tâm hay ưu tâm như Đế Thích Thiên
Vương và Thiên tử Subrahmā.
Liên quan đến đoạn ‘để đạt đến chánh đạo’,
chữ đạo ở đây muốn nói tới Bát Thánh Đạo. Khi niệm xứ thuộc bát thánh đạo hiệp
thế này được tu tập, nó sẽ dẫn đến sự chứng đắc Siêu Thế Đạo hay Bát Thánh Đạo
Siêu Thế.
Đối với đoạn ‘để chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna)’, được giải thích là để chứng đắc,
để tự mình kinh nghiệm trực tiếp trạng thái bất tử, Niết-bàn (Nibbāna). Sở dĩ Niết bàn được gọi như vậy
là vì ở đó không có tham ái. Nếu con đường này được tu tập nó sẽ làm cho sự chứng
ngộ Niết bàn dần dần xảy ra.
Mặc dù bằng câu nói ‘để tịnh hoá các chúng
sinh’, những gì hàm ý bởi các cụm từ sau
đó kể như đã được đạt đến, song ý nghĩa của những cụm từ sau sẽ không dễ hiểu
ngoại trừ đối với một người đã quen thuộc với cách dùng (thuật ngữ) của Giáo
Pháp.
Lúc đầu Đức Thế Tôn không bắt mọi người phải
quen thuộc với cách dùng (thuật ngữ) của Giáo Pháp mà sau đó mới dạy Giáo Lý
cho họ. Ngài thích làm sáng tỏ những ý nghĩa bằng (văn) Kinh (Sutta) hơn. Bởi thế, ngài đã giải thích
những điều mà ‘con đường độc nhất’ đem lại với những từ ‘để vượt qua sầu và
bi,’ ‘để đoạn tận khổ, ưu’ và v.v…
Hay cũng có thể nói rằng Đức Phật đã giải
thích theo cách này để chỉ cho thấy mọi pháp dẫn đến sự thanh tịnh của các
chúng sinh bằng ‘con đường độc nhất’ tuỳ thuộc vào sự vượt qua sầu, bi. Và việc
vượt qua sầu bi này tuỳ thuộc vào sự đoạn trừ khổ, ưu. Và việc đoạn trừ khổ, ưu
tuỳ thuộc vào sự đạt đến thánh đạo. Và việc đạt đến thánh đạo lại tuỳ thuộc vào
sự chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna). Đó
là lời tuyên bố của phương pháp giải thoát bằng ‘con đường độc nhất’.
Thêm nữa, đây là một cách biểu lộ sự tán
dương đối với ‘con đường độc nhất’. Chẳng hạn như Đức Thế Tôn đã biểu lộ sự tán
dương bằng tám đặc tính trong Cha Chakka Sutta, và bằng chín đặc tính trong
Kinh Ariyavaṁsa (Ariyavaṁsa Sutta), ở
đây cũng vậy ngài biểu lộ sự tán dương đối với ‘con đường độc nhất’ qua bảy đặc
tính chứa đựng trong những từ: ‘để thanh tịnh các chúng sinh’, ‘để vượt qua sầu
và bi’, … Tại sao ngài lại biểu lộ sự tán dương như vậy? Chính là vì mục đích
muốn tạo ra sự quan tâm nơi các vị Tỳ kheo. Đức Thế Tôn nghĩ: ‘Khi được nghe những lời tán dương như thế,
các vị Tỳ kheo ấy sẽ tin rằng con đường này sẽ trục xuất bốn sự bức bách, đó
là, sầu muộn do nỗi đau đớn trong lòng tạo ra, bi ai biểu thị bằng sự nói nhảm
nhí, lung tung, cái khổ do những cảm thọ ở thân không vừa ý tạo ra, ưu tâm do ý
nghĩ khó chịu tạo ra. Và họ cũng tin rằng thực hành con đường này sẽ đem lại ba
chứng đắc tâm linh kỳ diệu: thanh tịnh, thắng trí và Niết-bàn. Từ đó họ vững
tin rằng sự chỉ dẫn này của Đức Phật cần phải được học hỏi, quán triệt, ghi nhớ
và thuộc nằm lòng, và trên hết con đường này phải được tu tập.’
‘Bốn Niệm Xứ’ có bốn (phạm trù) liên quan đến
những đối tượng của chánh niệm, đó là, thân, thọ, tâm, và pháp.
Tại sao Đức Thế Tôn chỉ dạy bốn chỗ thiết lập
niệm (bốn niệm xứ), không hơn không kém? Bởi vì nó được dạy theo những gì được
xem là thích hợp đối với những người có khả năng tu tập (nó).
Liên quan đến cặp người học chậm và người học
nhanh trong số những người có thể tu tập thuộc tánh tham và tánh [tà] kiến[2],
đang thực hành thiền chỉ (samatha) và
thiền minh sát (vipassana), lời này
được tuyên bố; Với người học chậm thuộc tánh tham việc thiết lập niệm qua quán
thân thô là con đường để thanh tịnh.
Theo Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) có ba loại thân (kāya), chữ thân ở đây chỉ có nghĩa là ‘một nhóm’: thân hơi thở vô -
và hơi thở ra (assāsapassāsa kāya),
thân nghiệp sanh (karaja kāya-nghiệp sanh thân) và danh thân (nāma kāya). Hai loại thân đầu là sắc
thân (rūpa kāya). Vì thế chúng ta có
thể nói rằng chỉ có hai loại thân, đó là sắc thân và danh thân.
Nếu quý vị phân biệt hay quán tứ đại trong
hơi thở của quý vị một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy những phân tử (kalāpa - tổng hợp sắc) rất nhỏ. Nếu quý
vị phân tích chúng thêm, quý vị sẽ thấy ít nhất chín loại sắc trong mỗi kalāpa.
Chín loại sắc đó là: địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại, màu, mùi, vị, dưỡng
chất, và âm thanh. Sự tập hợp của chúng được gọi là thân hơi thở vô-và-ra.
Có bốn loại sắc (thân): sắc do nghiệp sanh (kammaja rūpa), sắc do tâm sanh (cittaja rūpa), sắc do thời tiết sanh (utuja rūpa), và sắc do vật thực sanh (āhāraja rūpa).
Danh cũng khởi sanh như các nhóm. Tâm và các
tâm sở sanh cùng nhau như một nhóm trong một sát-na tâm.
Có một loại thân khác, đó là ba mươi hai hay
bốn mươi phần (bộ phận) của thân, như tóc, lông, móng, răng…Sở dĩ chúng cũng được
gọi là thân là vì chúng là một nhóm các sắc tối hậu.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna), thân nói đến các nhóm danh và sắc.
Với người học chậm thuộc tánh tham thiết lập
niệm qua quán thân vật lý thô là con đường để thanh tịnh. Với người học nhanh
thuộc tánh tham đề mục thiền vi tế trên cảm thọ là con đường để thanh tịnh. Và
đối với người học chậm thuộc tánh kiến con đường để thanh tịnh là thiết lập niệm
qua một đề mục thiền không quá nhiều sự phân biệt, đó là quán tâm. Với người học
nhanh thuộc tánh này, đề mục thiền có nhiều sự phân biệt, đó là quán pháp là
con đường để thanh tịnh.
Với người học chậm, tánh tham hành thiền chỉ
(samatha), quán thân là con đường để
thanh tịnh, bởi vì người ấy có thể có được nimitta (tướng hay ấn chứng thiền chỉ)
dễ dàng. Với người học nhanh thuộc tánh này quán thọ là con đường để thanh tịnh, bởi vì người ấy
không thể an trú với một đề mục thô.
Với người học chậm thuộc tánh kiến đang hành
minh sát (vipassana), đề mục thiền
không có nhiều sự phân biệt, như quán tâm chẳng hạn, là con đường để thanh tịnh.
Với người học nhanh thuộc tánh này, đề mục thiền nhiều phân biệt, như quán pháp
là con đường để thanh tịnh.
Hay cũng có thể nói rằng bốn niệm xứ (bốn chỗ
thiết lập niệm) này được dạy để trục xuất những ảo tưởng liên quan đến thường,
lạc, ngã và tịnh (đẹp).
Có bốn loại quán (anupassanā) được dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna
Sutta): quán thân (kāyānupassanā);
quán thọ (vedanānuāssanā), quán tâm (cittānuāssanā), và quán pháp (dhammānupassanā).
Thân của chúng ta đầy những bất tịnh. Quý vị
có nghĩ như vậy không? Trong thân của chúng ta có ba mươi hai phần, đều là bất
tịnh, như tóc và lông… Đây là lý do vì sao thân lại được xem là xấu xí. Có những
người bị ảo tưởng cho rằng thân là một vật đẹp đẽ dẫn đi lầm lạc. Để chỉ cho những
người như vậy thấy sự xấu xa của thân và để làm cho họ từ bỏ quan niệm sai lầm
của mình đi, quán thân (kāyānupassanā)
đã được Đức Phật dạy.
Thọ là khổ. Có những người bị ảo tưởng cho rằng
nó đem lại sự vui thú hay lạc. Để chỉ cho những người như vậy thấy cái khổ của
cảm thọ và để làm cho họ từ bỏ ý niệm sai lầm của mình đi, quán thọ (vedanānuāssanā) được dạy.
Tâm là vô thường. Có những người tin rằng nó
là thường do một ảo tưởng nào đó. Để chỉ cho những người như vậy thấy tính chất
vô thường của tâm và để làm cho họ từ bỏ niềm tin sai lầm của mình đi, quán tâm
(cittānuāssanā) được dạy.
Các pháp là không bền, vô ngã, và không có
thực thể. Do một ảo tưởng nào đó, có những người tin rằng các pháp là bền vững,
có một cốt lõi thường trú, một cái ngã trú, hay chúng tạo thành một phần của
cái ngã, một cái tôi hay có một sự chắc chắn nào đó ở bên trong nó. Để những
người như vậy nhận ra sự thật về vô ngã hay thấy ra tính chất không bền của các
pháp và để huỷ diệt ảo tưởng vốn che đậy tâm họ, quán pháp (dhammānupassanā) được dạy.
Sớ giải (phụ chú giải) giải thích: thân và
thọ là nguyên nhân của sự hưởng thụ. Để loại trừ sự hưởng thụ đó của thân, đối
với những người học chậm tánh tham, thấy tính chất bất tịnh, xấu xí của thân được
Đức Phật chỉ dẫn. Thân là một đối tượng thô vốn là căn bản cho tham ái. Cho nên
loại người trên quán thân, niệm xứ thứ nhất, là con đường để thanh tịnh. Đối với
người học nhanh tánh tham, để đoạn trừ sự hưởng thụ đó, thấy cái khổ trong cảm
thọ được chỉ dẫn. Thọ là một đề mục vi tế vốn là căn bản cho tham ái, nên quán thọ, niệm xứ thứ hai, là con đường để
thanh tịnh, đối với loại người học nhanh tánh tham.
Với người học chậm tánh [tà] kiến, quán tâm
theo cách tương đối đơn giản được đưa ra trong kinh là tiện nhất. Ở đây tâm được
quán qua tính chất vô thường và qua cách phân chia như tâm có tham, tâm không
tham, v.v… để loại trừ quan niệm về thường đối với tâm. Tâm là một duyên đặc biệt
cho tà kiến nảy sanh do sẵn có một niềm tin căn bản nơi sự thường hằng. Như vậy
quán tâm (cittānuāssanā), niệm xứ thứ
ba, là con đường để thanh tịnh đối với một người thuộc tánh này.
Với người học nhanh thuộc tánh kiến được hướng
dẫn để thấy các pháp theo cách đa dạng đã được đưa ra trong kinh này. Ở đây các
pháp phải được thấy qua tưởng, xúc và v.v…, và qua các triền cái v.v…, để loại
trừ khái niệm về tự ngã đối với các pháp. Các pháp là những duyên hay điều kiện
đặc biệt cho tà kiến do sẵn có một niềm tin căn bản nơi tự ngã. Với người tánh
này quán pháp, niệm xứ thứ tư, là con đường để thanh tịnh. Tâm và pháp tạo
thành các duyên nổi bật cho kiến. Sở dĩ tâm được xem là một duyên nổi bật bởi
vì nó là yếu tố quyết định cho niềm tin nơi sự thường hằng. Các pháp cũng là những
duyên nổi bật như vậy bởi vì chúng là những yếu tố quyết định cho sự tin tưởng
nơi một cái ngã.
Tâm và pháp là những yếu tố quyết định của
tham ái cũng như tà kiến. Thân và thọ là những yếu tố quyết định của tà kiến
cũng như tham ái. Tuy nhiên để chỉ ra cái nào là mạnh hơn trong thân và thọ, đó
là tham ái, và cái nào là mạnh hơn trong tâm và pháp, đó là tà kiến, mà những
phân biệt đã được đưa ra.
Chú giải tiếp tục: Bốn niệm xứ được Đức Phật
dạy không chỉ nhằm mục đích trục xuất bốn ảo tưởng (thường, lạc, ngã và tịnh)
thôi, mà cũng còn để loại trừ bốn bộc lưu, bốn ách phược, bốn lậu hoặc, bốn kết,
bốn thủ, bốn tà đạo, và sự xâm nhập của bốn loại thức ăn[3].
Liên quan đến sự nhớ lại và gặp gỡ trong một
pháp, Niết-bàn (Nibbāna), chú giải
nói rằng các niệm xứ chỉ là một pháp. Do nhân hay do tính chất giống nhau của sự
nhập vào một, Niết-bàn (Nibbāna), các
niệm xứ cũng được nói là chỉ có một pháp. Nhưng khi được xem như một đề mục thiền
thì nó có bốn loại (thân, thọ, tâm và pháp).
[1] Bốn bộc lưu (cattāro
oghā): Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu. Bốn phược
(Cattāro ganthā): tham ái thân phược,
sân độc thân phược, giới thủ thân phược, ngã kiến thân phược. Bốn lậu hoặc (cattāro āsava): Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu,
vô minh lậu. Bốn kết (cattāro yogā): Dục kết, hữu kết, kiến kết và vô minh kết.
Bốn thủ (cattāro upādāna): dục thủ,
kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ. Bốn loại thức ăn: đoàn thực, xúc thực,
thức thực, tư niệm thực (xem thêm trong Dây Trói Buộc, câu hỏi 59 tr 141. tỳ-kheo
Pháp Thông 2009).
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
Trung Tâm Rừng Thiền Phật Học Quốc Tế Pa-Auk, Myanmar
Tỳ kheo Pháp Thông dịch thuật
[1] Ý ở đây muốn nói Đức Phật từ Ấn Độ sẽ
vươn bàn tay của ngài qua xứ Tích Lan, cách một đại dương, để vuốt đầu khen ngợi
trưởng lão. ND
[2]
*Trong thiền định, căn tánh (carita, cariyā), hay khuynh hướng nội
tâm của mỗi chúng sinh, được phân ra sáu loại:
1.
Tánh tham (rāgacarita); 2. Tánh sân (dosacarita); 3. Tánh si (mohacarita); 4. Tánh tín (saddhācarita); 5. Tánh trí (buddhacarita, ñāṇacarita); và 6. Tánh tầm
(vitakkacārita).
*Trong thiền minh sát (vipassana) chỉ có bốn:
1. Tánh tham ái + tuệ mạnh (ở đây dùng người học nhanh-fast learner);
2. Tánh tham ái + tuệ yếu (người học chậm-slow
learner); 3. Tánh [tà] kiến (diṭṭhicarita)
+ tuệ mạnh; 4. Tánh [tà] kiến (diṭṭhicarita)
+ tuệ yếu.
[3] Bốn bộc lưu (cattāro
oghā): Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu. Bốn phược
(Cattāro ganthā): tham ái thân phược,
sân độc thân phược, giới thủ thân phược, ngã kiến thân phược. Bốn lậu hoặc (cattāro āsava): Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu,
vô minh lậu. Bốn kết (cattāro yogā): Dục kết, hữu kết, kiến kết và vô minh kết.
Bốn thủ (cattāro upādāna): dục thủ,
kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ. Bốn loại thức ăn: đoàn thực, xúc thực,
thức thực, tư niệm thực (xem thêm trong Dây Trói Buộc, câu hỏi 59 tr 141. tỳ-kheo
Pháp Thông 2009).