Nếu quý vị có thể tập trung trên toàn hơi thở
vi tế, dù cho nó là dài hay ngắn, liên tục trong hơn một giờ và liên tiếp hơn
ba ngày như vậy, thông thường thì nimitta sẽ xuất hiện. Với một số hành giả,
nimitta xuất hiện trước. Tuy nhiên, với những hành giả khác, ánh sáng sẽ xuất
hiện trước. Quý vị phải phân biệt được gữa ánh sáng và nimitta. Chúng là hai thứ
khác nhau, cũng như mặt trời và ánh sáng mặt trời vậy.
Ánh sáng thì ở khắp mọi nơi, mọi hướng chung
quanh thân của quý vị. Ngoại trừ tâm tục sinh (kiết sanh thức), mỗi tâm sanh
lên nương vào sắc ý vật (tâm cơ) đều tạo ra nhiều kalāpas (tổng hợp sắc) gọi là
các tổng hợp sắc do tâm sanh. Nếu quý vị phân tích các tổng hợp sắc ấy, quý vị
sẽ thấy ít nhất tám loại sắc, đó là địa đại, thuỷ đại, hoả đại, phong đại, màu,
mùi, vị và dưỡng chất. Nếu tâm đó là một tâm định mạnh mẽ, màu mà nó tạo ra sẽ
rất sáng. Thêm nữa, hoả đại của những tổng hợp sắc ấy còn tạo ra nhiều kalāpas
mới gọi là các tổng hợp sắc do thời tiết (nhiệt) sanh, không chỉ toả ra bên
trong mà còn phát ra cả bên ngoài nữa. Trong mỗi tổng hợp sắc do thời tiết sanh
ấy cũng có màu sáng hay ánh sáng. Khi tâm định cực mạnh và đầy năng lực, ánh
sáng toả ra rất xa. Khi tâm ấy ít năng lực, ánh sáng chỉ toả ra có vài phân.
Màu của các tổng hợp sắc do tâm sanh chỉ có ở bên trong, trong khi màu của các
tổng hợp sắc do thời tiết sanh có cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Sự tập hợp của
những màu sắc óng ánh này là ánh sáng chói sáng xuất hiện chung quanh quý vị.
Dẫu sao quý vị cũng không nên tập trung vào
ánh sáng, mà chỉ tập trung vào hơi thở. Vào lúc đó hơi thở thường rất vi tế. Để
biết được hơi thở vi tế ấy tinh tấn mãnh liệt, chánh niệm và trạch pháp là những
yếu tố cần thiết phải có. Nếu quý vị biết hơi thở rõ ràng với những yếu tố này,
định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, thường thì tướng hơi thở
(ānāpāna nimitta) sẽ xuất hiện, và tướng này chỉ xuất hiện ở lỗ mũi của quý vị
mà thôi.
Tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) là gì? Khi định
của quý vị cải thiện, hơi thở sẽ trở thành một nimitta. Hơi thở cũng do tâm tạo.
Nếu quý vị phân biệt tứ đại trong hơi thở của mình, quý vị sẽ thấy nhiều tổng hợp
sắc (kalāpas). Nếu quý vị phân tích những tổng hợp sắc này quý vị sẽ thấy có ít
nhất chín loại sắc, đó là, địa đại, hoả đại, thuỷ đại, phong đại, màu, mùi, vị,
dưỡng chất và âm thanh. Yếu tố màu (có màu) sáng chói. Như tôi đã giải thích ở
trước, hoả đại của các tổng hợp sắc đó cũng tạo ra nhiều tổng hợp sắc mới với
màu sắc sáng chói. Sự tập hợp của những màu của các tổng hợp sắc này là
nimitta.
Khi nimitta lần đầu xuất hiện, nó thường
không ổn định. Vào lúc đó quý vị không nên tập trung vào nimitta, mà chỉ tập
trung trên hơi thở. Khi sự tập trung của quý vị trên hơi thở trở nên ổn định và
đủ sâu, nimitta cũng sẽ ổn định vững chắc. Lúc đầu nimitta có màu xám. Khi định
cải thiện nimitta trở thành màu trắng, và rồi trong suốt. Nimitta trong suốt
này được gọi là tợ tướng (pāṭibhāga nimitta). Tuỳ thuộc vào định của quý vị mà
nimitta có thể thay đổi hình dáng và màu sắc. Đôi khi nó có thể là nimitta dài.
Đôi khi nó có thể là tròn. Đôi khi nó có thể màu đỏ. Đôi khi nó có thể màu
vàng. Nhưng quý vị không nên chú ý đến màu sắc và hình dáng của nó, nếu không
thì nó sẽ tiếp tục thay đổi (màu sắc và hình dáng). Nếu nó cứ thay đổi như vậy,
định của quý vị sẽ suy giảm. Quý vị sẽ không đắc được một thiền nào cả. Như vậy
quý vị nên tập trung trên hơi thở cho đến khi nimitta hợp nhất với hơi thở và
tâm của quý vị tự động dán vào nimitta. Lúc đó quý vị chỉ nên tập trung trên
nimitta, chứ không trên hơi thở nữa. Nếu quý vị lúc thì tập trung trên hơi thở
và lúc thì tập trung trên nimitta, định của quý vị sẽ dần dần thối giảm.
Nếu quý vị tập trung trên nimitta, nó sẽ trở
thành mầu trắng và rồi sáng óng ánh giống như sao mai. Tâm quý vị lúc đó sẽ tự
động chìm vào nimitta. Đây là sự an chỉ. Đối với người mới bắt đầu đây là một
giai đoạn rất quan trọng.
Chú giải giải thích giai đoạn này với tỷ dụ
về một hài nhi chuyển luân vương.
Hoàng hậu, người mang thai hài nhi chuyển
luân vương, thấy được hoàng nhi nằm trong bào thai với mắt thịt của mình. Vào
lúc ấy hoàng hậu thận trọng canh chừng con mình không để cho bất cứ một sự bất
hạnh nào xảy ra. Hành giả cũng vậy, phải canh chừng nimitta của mình với sự thận
trọng và tôn kính. Tóm lại, quý vị phải thực hành với nhiệt tâm, tỉnh giác và
chánh niệm, bởi vì một cái tâm lười biếng, mơ hồ và hay quên không thể nào đạt
được một sự phát triển tinh thần đặc biệt nào. Trong mọi oai nghi quý vị phải
có chánh niệm và tập trung trên nimitta. Chẳng hạn, trước khi quý vị bắt đầu
đi, quý vị nên đứng tại một góc của con đường kinh hành và tập trung trên hơi
thở của mình. Khi nimitta xuất hiện và ổn định vững vàng, quý vị nên tập trung
trên đó. Khi sự tập trung của quý vị đã mạnh mẽ và đầy năng lực, quý vị nên đi
một cách chậm rãi với tâm chỉ tập trung trên nimitta mà thôi.
Để có thể tập trung được trên nimitta trong
mọi oai nghi là nhờ vào sức mạnh của ý chí. Quý vị có loại sức mạnh của ý chí
này. Vì thế hãy chịu khó thực hành. Quý vị có thể thành công. Nếu quý vị thực
hành một cách liên tục thì chẳng bao lâu tâm quý vị sẽ chìm vào nimitta. Đây là
sự an chỉ, cũng gọi là bậc thiền (jhāna). Mặc dù trong vài lần đầu sự an chỉ
không kéo dài lâu, song quý vị không nên từ bỏ việc hành thiền. Quý vị phải thực
hành đi thực hành lại nhiều lần. Nếu quý vị chịu khó thực hành với chánh niệm
và tỉnh giác mãnh liệt quý vị sẽ thành công trong việc duy trì sự tập trung
trên nimitta trong một thời gian dài. Ở giai đoạn đầu, trú trong an chỉ phải được
chú trọng nhiều hơn. Ngược lại, việc quán xét các thiền chi phải được hạn chế lại.
Nếu quý vị quán xét các thiền chi thường xuyên quá, sự tập trung của quý vị sẽ
suy giảm. Vì thế hãy cố gắng trú trong an chỉ để kéo dài thêm thời gian.
Sự an chỉ của quý vị phải được sâu và vững
chắc. Nếu nó sâu và vững chắc trong hơn một giờ hoặc hai giờ, thì đó là một sự
thành tựu tốt. Ở đây tôi khuyên quý vị nên thực hành cho đến khi quý vị có thể
trú trong an chỉ định ít nhất ba giờ liên tục. Nếu quý vị có thể an trú trong tợ
tướng (patibhaga nimitta) hơn một, hai hoặc ba giờ mỗi thời ngồi thiền trong ba
ngày liên tiếp, lúc đó quý vị có thể khởi sự quán xét các thiền chi. Để làm điều
này trước tiên quý vị phải trú trong an chỉ sâu lắng trong hơn một giờ. Sau khi
xuất thiền, quý vị sẽ quán bên trong trái tim của mình để phân biệt bhavaṅga
(tâm hữu phần), tâm vốn nương vào sắc ý vật hay tâm cơ (một chất máu nằm trong trái tim) của quý vị
để sanh khởi. Thường thường, lúc ban đầu nhiều hành giả không thể phân biệt được
giữa bhavaṅga và nimitta.
Khi họ phân biệt bhavaṅga, họ cũng thấy tợ
tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) ấy bên trong trái tim. Họ nghĩ rằng đó là bhavaṅga.
Kỳ thực đó không phải là bhavaṅga. Bhavaṅga giống như một tấm gương bên trong
trái tim. Như Đức Phật đã dạy: ‘Pabhāsala midaṃ bhikkhave cittaṃ.’ – (này các Tỳ kheo tâm hữu phần (bhavaṅga) thực
chói sáng). Lời này được đề cập trong chương accharāsaṅghāṭa của Tăng Chi
Kinh (Aṅguttara Nikāya). Thực sự Bhavaṅga là một loại tâm, tuy không sáng nhưng
nó có thể tạo ra ánh sáng chói lọi. Nói đúng hơn nó có thể tạo ra nhiều tổng hợp
sắc (kalāpas) do tâm sanh (mind-produced kalāpas). Và yếu tố lửa hay hoả đại của
những tổng hợp sắc ấy còn tạo ra thêm nhiều thế hệ tổng hợp sắc do thời tiết
sanh (temperature-produced kalāpas) nữa.
Màu của hai loại tổng hợp sắc ấy rất chói sáng. Như vậy bhavaṅga là một thứ và
ánh sáng là một thứ khác.
Quý vị chỉ nên quán xét bhavaṅga trong vài
giây thôi, bởi vì nếu quán xét bhavaṅga lâu hơn, như hai hay ba phút chẳng hạn,
tim của quý vị có thể bị đau và định của quý vị sẽ suy giảm đi. Vì thế nếu quý
vị phân biệt được bhavaṅga trong một vài giây, đó là điều tốt. Nếu làm không được,
quý vị nên tập trung trên tợ tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) trở lại cho đến
khi sự an chỉ của quý vị sâu lắng và nimitta sáng chói. Lúc đó quý vị lại cố gắng
để phân biệt bhavaṅga. Nếu quý vị cứ thực hành đi thực hành lại theo cách này
nhiều lần, quý vị có thể hiểu được bhavaṅga. Nếu quý vị không thể phân biệt được
bhavaṅga, quý vị nên tập trung vào tợ tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) trở lại
cho đến khi sự an chỉ của quý vị sâu lắng và nimitta chói sáng. Lúc đó, khi quý
vị phân biệt bhavaṅga quý vị sẽ thấy rằng nimitta xuất hiện bên trong bhavaṅga,
cũng giống như khi quý vị nhìn vào một tấm gương quý vị sẽ thấy mặt mình ở bên
trong tấm gương vậy.
Lúc này quý vị có thể phân biệt năm thiền
chi, đó là, tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), và nhất tâm
(ekaggata).
Tầm là sự dán áp của tâm vào tợ tướng hơi thở
(ānāpāna nimitta). Tứ (vicāra) là duy trì tâm trên ānāpāna nimitta; Hỷ là sự
thích thú đối với ānāpāna nimitta; lạc là cảm giác dễ chịu khi kinh nghiệm
ānāpāna nimitta; và nhất tâm là sự hợp nhất của tâm với ānāpāna nimitta. Khi quý vị phân biệt năm thiền
chi, trước tiên quý vị nên phân biệt chúng theo tuần tự từng thiền chi một. Sau
khi đã làm được điều này, quý vị có thể phân biệt cả năm thiền chi một lúc. Nếu
như quý vị có thể phân biệt được năm thiền chi một lúc rồi thì quý vị nên tu tập
năm pháp thuần thục, như sau:
Pháp thuần thục thứ nhất, quý vị nên thực tập
nhập thiền (jhāna) bất cứ khi nào quý vị muốn nhập. Thứ hai, quý vị phải cố gắng
xuất thiền bất cứ khi nào qúy vị muốn xuất. Thứ ba, quý vị nên trú trong thiền
trong một, hai hoặc ba giờ theo sự quyết định của mình. Pháp thuần thần thục thứ
tư và thứ năm thực sự được làm chỉ trong một bước, đó là, quán xét các thiền
chi bất cứ khi nào quý vị muốn quán xét chúng. Nếu quý vị thành công trong việc
tu tập năm pháp thuần thục này, quý vị có thể thực hành thiền thứ hai (nhị thiền),
thiền thứ ba (tam thiền) và thiền thứ tư (tứ thiền) một cách hệ thống. Trong sơ
thiền hơi thở trở nên vi tế; trong nhị thiền hơi thở vi tế hơn; trong tam thiền
nó thậm chí còn vi tế hơn nữa; và trong tứ thiền hơi thở dừng lại hoàn toàn.
Tôi đã hỏi thăm nhiều hành giả để tìm hiểu
xem bậc thiền nào được họ xem là tốt nhất. Đa số trong họ đều nói nhị thiền tốt
hơn sơ thiền; tam thiền tốt hơn nhị thiền; và tứ thiền được xem là tốt hơn hết
trong bốn bậc thiền.
Sự thành tựu này là nhờ sức mạnh ý chí. Mọi
người ai cũng có sức mạnh ý chí cả. Vì thế quý vị nên chịu khó thực hành trong
giáo pháp của Đức Phật. Nếu quý vị chịu khó thực hành mọi việc đều có thể khả
dĩ đối với quý vị. Quý vị có thể thành công trong việc đạt đến cả bốn bậc thiền
này.
Sau khi đắc tứ thiền nếu quý vị muốn thực
hành các đề mục thiền chỉ (samatha), như mười kasiṇas, bốn phạm trú
(brahmavihāra), quý vị có thể hành một cách dễ dàng. Còn nếu quý vị muốn hành
thiền minh sát (vipassana) dựa trên tứ thiền hơi thở (the fourth ānāpāna
jhāna), quý vị cũng có thể làm được như vậy. Có hai loại người thực hành minh
sát dựa trên tứ thiền hơi thở, đó là người assāsapassāsakammika và người
jhānakammika. Người ta thường dịch người assāsapassāsakammika là một hành giả
quán hơi thở (ānāpāna) và người jhānakammika là hành giả quán bậc thiền
(jhāna). Cách dịch này không chính xác. Vì thế tôi sẽ giải thích cách hai người
này hành minh sát dựa trên tứ thiền hơi thở (the fourth ānāpāna jhāna) cho quý
vị hiểu.
Thiền chỉ (samatha) có bốn mươi đề mục,
trong khi thiền minh sát (vipassanā) chỉ có hai đề mục, đó là sự phân biệt hay
quán sắc (rūpakammaṭṭhāna) và sự phân biệt hay quán danh (nāmakammaṭṭhāna). Đôi
khi hai đề mục này còn được gọi là rūpa pariggaha (phân biệt sắc) và arūpa
pariggaha (phân biệt danh). Nếu một hành giả đã đắc tứ thiền và phân biệt sắc
trước, vị ấy được gọi là một assāsapassāsakammika. Nếu vị ấy quán danh trước
thì vị ấy phải phân biệt năm thiền chi trước, và vị ấy được gọi là một
jhānakammika.
Một người assāsapassāsakammika, sau khi xuất
khỏi tứ thiền, phải phân biệt mười hai đặc tính của tứ đại trong hơi thở, đó
là, cứng, thô, nặng, mềm, và nhẹ, lưu chảy và kết dính, nóng và lạnh, hỗ trợ và
đẩy. Nếu tính theo nhóm, thì địa đại bao gồm cứng, thô, mềm, nặng, và nhẹ; thuỷ
đại bao gồm: lưu chảy và kết dính; hoả đại bao gồm: nóng và lạnh; và phong đại
bao gồm: hỗ trợ và đẩy. Nói chung vị ấy phải phân biệt tứ đại của hơi thở này một
cách hệ thống. Nếu làm được như vậy, vị ấy sẽ thấy nhiều kalāpas (tổng hợp sắc).
Nếu phân tích các tổng hợp sắc đó, vị ấy sẽ thấy rằng có ít nhất chín loại sắc
trong mỗi kalāpa, đó là, địa đại, hoả đại, thuỷ đại, phong đại, màu, mùi, vị,
dưỡng chất và âm thanh. Chín loại sắc này được gọi là thân hơi thở vô-ra
(assāsapassāsakāya).
Sau khi phân biệt thân hơi thở vô-ra vị ấy
phải quán như vầy: ‘Hơi thở vô ra này dựa vào cái gì? Trong khi đang suy quán
như vậy vị ấy thấy rằng nó phát sanh dựa trên một căn. Căn là gì? Theo Vi-diệu-pháp
(Abhidhamma) có sáu căn, đó là: nhãn-căn, nhĩ-căn, tỷ-căn, thiệt-căn, thân-căn,
và ý căn. Theo pháp môn Kinh (Suttanta) thì căn là do thân sanh, bao gồm bốn loại
sắc: (1) kammaja rūpa (sắc do nghiệp sanh, (2) cittaja-rūpa (sắc do tâm sanh),
(3) utuja-rūpa (sắc do thời tiết sanh), và (4) ārāhaja-rūpa (sắc do vật thực
sanh). Tại sao chúng lại khác nhau? Bởi vì pháp môn Kinh (Suttanta) là dành cho
sự nghiên cứu thực tiễn, trong khi pháp môn Vi-diệu-pháp là để trình bày ý
nghĩa chính xác.
Chẳng hạn, nếu quý vị phân biệt tứ đại trong
con mắt của quý vị một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy sáu loại tổng hợp sắc
(kalāpas). Một trong sáu tổng hợp sắc ấy là nhãn thập sắc
(cakkhu-dassaka-kalāpas-tổng hợp nhãn mười sắc). Nếu phân tích quý vị sẽ thấy
được mười loại sắc của nó, đó là, đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất,
mạng căn, và tịnh nhãn sắc hay sắc thần
kinh nhãn. Trong mười loại này, chỉ sắc thần kinh nhãn là nhãn-căn. Mặc dù chín
loại sắc còn lại không phải là nhãn-căn, nhưng chúng được đi kèm bởi nhãn-căn,
bởi vì cả chín loại sắc này sanh và diệt cùng thời với nhau, như một nhóm. Nếu
không phân tích được chúng quý vị không thể phá vỡ được khối tưởng về tập hợp
(samūha ghana) để thấy sắc chân đế. Vì lẽ không phân tích các kalāpas chúng ta
không thể thấy được nhãn-căn, nên pháp môn Kinh (Suttanta) nói rằng căn là do
thân sanh (karaja kāya-nghiệp
sanh thân).
Sự giải thích này cũng áp dụng cho nhĩ-căn, tỷ-căn, thiệt-căn, thân-căn, và
ý-căn.
Tổng hợp nhãn mười sắc
(cakkhu-dasāka-kalāpa) không thể khởi lên một mình. Nếu phân tích tứ đại trong
con mắt của mình một cách hệ thống quý vị sẽ thấy nhiều loại kalāpas. Nếu quý vị
lấy tay sờ con mắt của mình, quý vị biết được cảm giác xúc chạm, bởi vì trong
con mắt của quý vị có các tổng hợp thân mười sắc (kāya-dassaka-kalāpas,
body-decad kalāpas). Thân thức (kāya-viññāṇa) vốn biết sự xúc chạm, chỉ nương
vào thân-căn để khởi lên. Trong con mắt cũng có các tổng hợp tánh mười sắc
(bhāva-dassaka-kalāpas, sex-decad kalāpas).
Bởi vì nhờ sắc quyết định tánh (bhava-rūpa)
của nó quý vị mới có thể dễ dàng hiểu được, ‘đây là một người đàn bà’, ‘đây là
một người đàn ông.’ Tổng hợp nhãn mười sắc, tổng hợp thân mười sắc, và tổng hợp
tánh mười sắc được tạo ra bởi nghiệp quá khứ, vì thế chúng được gọi là sắc do
nghiệp sanh (kammaja rūpa). Khi muốn nháy mắt, quý vị có thể nháy mắt, vì thế
quý vị biết rằng trong con mắt cũng có sắc do tâm sanh (cittaja rūpa). Trong mỗi
kalāpa có hoả đại và hoả đại này có thể tạo ra nhiều thế hệ tổng hợp sắc (kalāpas)
gọi là sắc do thời tiết sanh (utuja-rūpa). Khi dưỡng chất do vật thực sanh
(āhāraja-ojā) hỗ trợ cho dưỡng chất này, nó tạo ra nhiều thế hệ tổng hợp sắc gọi
là sắc do vật thực sanh (āhāraja-rūpa). Vì thế trong con mắt của chúng ta có tổng
cộng sáu loại tổng hợp sắc. Nếu quý vị phân tích chúng, quý vị sẽ thấy có cả thảy
năm mươi bốn loại sắc. Nhằm mục đích phá vỡ nguyên khối tưởng mà chúng ta phải
cố gắng để thấy năm mươi bốn loại sắc này.
Kế đến quý vị phải phân biệt sáu căn xứ cà bốn
mươi thân phần theo cách tương tự. Trong mỗi thân phần thường thường có bốn loại
sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do thời tiết sanh và sắc do vật
thực sanh.
Chú giải giải thích những gì được gọi là
nghiệp sanh thân (karaja-kāya) như sau: ‘nghiệp sanh thân bao gồm tứ đại và sắc
do tứ đại sanh (sắc y đại sanh.) Điều này có nghĩa là gì? Trong mỗi tổng hợp sắc
(kalāpa) có bốn đại — địa đại, hoả đại,
thuỷ đại và phong đại, và cũng có sắc y đại sanh như màu, mùi, vị, và dưỡng chất.
Thực sự, có cả thảy hai mươi tám loại sắc: bốn sắc tứ đại và hai mươi bốn sắc y
đại sinh. Quý vị phải phân biệt tất cả hai mươi tám loại sắc này.
Nếu quý vị chỉ quán sắc là vô thường, khổ và
vô ngã, điều đó không đủ để quý vị chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Quý vị cũng
còn phải quán danh là vô thường, khổ và vô ngã nữa mới được. Khi quý vị đang
phân biệt danh, thì các pháp thiền (jhāna dhamma) là tốt nhất để quý vị quán đầu
tiên. Kế đến quý vị phải phân biệt danh dục giới (kāmāvacaranāma) theo các tiến
trình tâm và những tâm ngoài tiến trình. Bởi thế chú giải giải thích: Kế tiếp
hành giả nhận thức danh trong năm tâm hành bắt đầu với xúc (phassapañcamaka),
đó là: xúc, thọ, tưởng, tư, thức. Trong năm pháp này: thọ là thọ uẩn, tưởng là
tưởng uẩn; xúc và tư là hành uẩn; và thức là thức uẩn. Tổng cộng có bốn loại
danh uẩn. Hai mươi tám loại sắc gọi chung là sắc uẩn. Như vậy có cả thảy năm uẩn.
Trong số năm uẩn này, chú giải chỉ đề cập xúc và tư cho hành uẩn, bởi vì chúng
là những yếu tố nổi bật trong hành uẩn. Khi hai yếu tố nổi bật này được đề cập,
các yếu tố còn lại của nhóm hành cũng đã được bao gồm. Điều đó cũng giống như một
đám rước của hoàng tộc, khi đức vua được đề cập thì những tuỳ tùng của đức vua
cũng được bao gồm vậy.
Sau khi phân biệt danh và sắc xong, người
hành thiền sẽ xem xét các nhân của chúng. Vị ấy thấy rằng các nhân chính của
năm thủ uẩn là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), các hành (saṅkhāra),
và nghiệp (kamma). Các nhân này đã được vị ấy tạo ra trong kiếp sống trước.
Chúng tạo ra thức tái sanh trong kiếp hiện tại, hay vào sát na sanh của năm thủ
uẩn. Người hành thiền cố gắng để thấy ra mối tương quan nhân quả giữa các nhân
và các quả. Đây là nguyên lý Duyên Sanh. Rồi vị ấy kết luận được rằng danh và sắc
chỉ là các duyên, các pháp được tạo ra từ các duyên, và rằng ngoài các duyên
này ra không có một thực thể sống cũng không có một con người nào cả. Lúc đó, vị
ấy kể như đã vượt qua hoài nghi.
Người hành thiền sau khi đã vượt qua hoài
nghi sẽ quán ba đặc tính hay tam tướng — vô thường, khổ và vô ngã, của danh
sắc và các nhân của chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán thánh quả. Loại người
này được gọi là người assāsapassāsakammika (vị hành giả quán sắc trước).
Bây giờ tôi sẽ giải thích loại người
jhānakammika (vị hành giả quán danh trước). Sau khi đã đắc các bậc thiền hơi thở
(ānāpāna jhānas) trước khi phân biệt sắc vị jhānakammika sẽ phân biệt danh trước.
Vì khi đang hành thiền chỉ vị ấy đã có thể dễ dàng phân biệt các thiền chi rồi,
nên khi bước vào hành minh sát vị ấy sẽ quán các thiền chi trước. Kế tiếp vị ấy
phân biệt các tâm hành (tâm sở) kết hợp với các thiền chi. Các thiền chi và tâm
hành đó được gọi là các pháp thiền (jhāna dhammas). Sau khi đã phân biệt các
pháp thiền vị ấy phải xem xét như vầy: Nương vào cái gì các pháp thiền này khởi
sanh? Và vị ấy thấy chúng khởi sanh dựa vào ý căn (tâm cơ). Ý căn, theo giải
thích của pháp môn Kinh (Suttanta), là nghiệp sanh thân (karaja kāya) bao gồm bốn
loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do thời tiết sanh, và sắc do
vật thực sanh.
Các pháp thiền (jhāna dhammas) là danh và
nghiệp sanh thân là sắc. Sau khi đã phân biệt các pháp thiền xong, vị ấy truy
tìm các nhân của chúng. Vị ấy thấy được các nhân nhờ hiểu biết trình tự duyên
sanh bắt đầu với vô minh. Và vị ấy kết luận rằng danh và sắc chỉ bao gồm các
duyên (điều kiện) và các pháp được tạo thành bởi các duyên, ngoài các duyên ra,
không có một thực thể sống cũng không có một con người nào cả. Như vậy vị ấy vượt
qua hoài nghi.
Người hành thiền sau khi đã vượt qua hoài
nghi sẽ quán tam tướng, vô thường, khổ và vô ngã của danh, sắc và các nhân của
chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán thánh quả. Loại người này được gọi là người
Jhānakammika.
Nếu hiểu được sự giải thích này quý vị sẽ hiểu
những lời dạy của Đức Phật sau. Trong Đại Niệm Xứ Kinh (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Đức Phật dạy thiền minh sát dựa trên niệm hơi thở (ānāpānasati) như sau:
‘Như
vậy vị ấy sống quán thân như nội thân. Hay vị ấy sống quán thân như ngoại thân
(as a body externally). Hay vị ấy quán thân như nội thân và ngoại thân.’
Đây là giai đoạn mở đầu của thiền minh sát đối
với một vị tỳ kheo đã thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati) lên đến tứ thiền. Thế
nào là thân (kāya)? Theo Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga) thì có ba loại
thân: (1) thân hơi thở vô-ra (assāsapassāsa kāya), (2) thân nghiệp sanh (karaja
kāya), và (3) danh thân (nāma kāya). Tôi đã giải thích chúng ở trước và tôi
nghĩ giờ đây quý vị chắc hẳn đã hiểu chúng rồi.
Làm thế nào để phân biệt sắc một cách tóm tắt
tôi đã giải thích xong. Bây giờ tôi sẽ giải thích cách làm thế nào để phân biệt
danh. Nếu quý vị muốn phân biệt, chẳng hạn, các pháp sơ thiền hơi thở, trước
tiên quý vị phải nhập vào sơ thiền hơi thở. Sau khi xuất khỏi thiền ấy quý vị
nên phân biệt bhavaṅga, ý môn. Khi tợ tướng hơi thở (ānāpāna paṭibhāga nimitta)
xuất hiện trong bhavaṅga của quý vị, quý vị phải phân biệt năm thiền chi. Khi
đang thực hành thiền chỉ quý vị đã có thể phân biệt được các thiền chi rồi, vì
vậy việc này không có gì khó đối với quý vị. Cái khác duy nhất là ở chỗ quý vị
phải phân biệt năm thiền chi đang khởi lên nối tiếp nhau nhiều lần mà thôi.
Nếu quý vị phân biệt được chúng một cách dễ
dàng, quý vị có thể bắt đầu phân biệt, chẳng hạn như, thức. Có ba cách để bắt đầu
phân biệt danh: (1) bắt đầu với xúc, (2) bắt đầu với thọ, và (3) bắt đầu với thức.
Nếu quý vị chọn bắt đầu với thức, quý vị phải phân biệt thức đang khởi lên nối
tiếp nhau nhiều lần. Nếu quý vị tự thấy mình không thể phân biệt được quý vị
nên lập lại phương thức vừa đề cập ở trên, đó là nhập vào sơ thiền, rồi xuất khỏi
nó và phân biệt bhavaṅga. Khi tợ tướng hơi thở (ānāpāna paṭibhāga nimitta) xuất
hiện trong bhavaṅga, ý môn, quý vị phải phân biệt thức đang khởi lên nối tiếp
nhau nhiều lần. Khi đã phân biệt được thức rồi quý vị nên gia tăng số danh (tâm
hành) mình phân biệt, mỗi lần một (tâm hành), và từ từ lên đến ba mươi bốn tâm
hành của sơ thiền. Ba mươi bốn tâm hành đó là gì? Quý vị có muốn biết không? Nếu
muốn quý vị hãy cố gắng thực hành đi.
Trong ba
loại thân tôi vừa đề cập, thân hơi thở vô-ra (assāsapassāsa kāya) và nghiệp
sanh thân (karaia kāya) là sắc thân (rūpa kāya). Vì thế chúng ta có thể nói rằng
chỉ có hai loại thân: sắc thân (rūpa kāya) và danh thân (nāma kāya) mà thôi. Tại
sao chúng được gọi là thân? Lý do là
chúng không thể sanh lên một mình mà phải sanh như một nhóm.
Quý vị
phải quán các thân này (sắc
thân và danh thân)
như là các thân. Tuy nhiên, nếu chỉ quán nội thân không thì không đủ để quý vị
chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Quý vị cũng phải quán ngoại thân nữa. Tại sao?
Quý vị có tham ái, ngã mạn và tà kiến không chỉ đối với thân của quý vị thôi mà
còn đối với nhiều thân bên ngoài nữa. Để loại trừ ái, mạn, kiến đối với những
thân bên ngoài này, quý vị phải quán các thân bên ngoài chỉ là các thân. Ngã mạn
của quý vị cũng có thể dựa vào sự thành tựu của con cái, vợ hay chồng của mình.
Và để loại trừ sự ngã mạn này quý vị phải quán thân của họ là vô thường.
Để loại
trừ tham ái, hay sự dính mắc đối với những
thân bên ngoài quý vị phải quán chúng là khổ. Quý vị có thể nghĩ, ‘đây là con
trai của ta, đây là con gái của ta, đây là vợ của ta, hay đây là chồng của ta.’
Để loại trừ những tà kiến này quý vị phải quán thân của họ là vô ngã. Nếu quý vị
quán hay phân biệt thế gian bên ngoài với tuệ giác như vậy, quý vị sẽ chỉ thấy
danh và sắc tối hậu hay danh và sắc chân đế mà thôi. Mà danh và sắc tối hậu là
vô thường vì ngay khi vừa sanh lên chúng liền diệt, là khổ vì chúng bị bức bách
bởi sự sanh và diệt, và là vô ngã vì không có một cái ngã thường hằng hay một
thực thể vững bền nào để quý vị có thể gọi, ‘đây là con trai của tôi, đây là
con gái của tôi, đây là vợ của tôi, đây là chồng của tôi v.v…’
Nếu quý
vị quán được như vậy, sự quán này sẽ làm giảm đi tham ái, ngã mạn và tà kiến của
quý vị. Vì thế Đức Phật hướng dẫn: ‘Như vậy vị ấy sống quán thân (bên trong)
như nội thân. Hay vị ấy sống quán thân (bên ngoài) như ngoại thân. Hay vị ấy sống
quán thân như thân cả bên trong lẫn bên ngoài. Tại sao Đức Phật lại hướng dẫn
như vậy? Đối với người mới bắt đầu, quán thân như nội thân chỉ trong một thời
ngồi là không đủ. Quý vị phải thực hành trong nhiều ngày, hay thậm chí nhiều
tháng mới được. Rồi quý vị cũng còn phải quán bên ngoài nữa. Với người mới bắt
đầu thì việc thực hành này sẽ mất một vài ngày. Sau đó, trong một thời ngồi quý
vị phải quán thân như thân cả bên trong lẫn bên ngoài, và làm đi làm lại nhiều
lần. Quán chỉ một lần là không đủ. Việc quán đi quán lại nhiều lần là cần thiết.
Chỉ khi quý vị quán đi quán lại như vậy quý vị mới có thể đè nén được ái, mạn
và tà kiến, cùng với những phiền não khác được.
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền.