Để đến một đô thị có bốn cổng thành, người từ
hướng đông với những hàng hoá sản xuất từ phương đông đi vào (đô thị) bằng cổng
đông…người đến từ hướng nam…người đến từ hướng tây…người đến từ hướng bắc với
những hàng hoá sản xuất từ phương bắc đi vào từ cổng bắc. Niết-bàn cũng giống
như đô thị. Bát Thánh Đạo siêu thế giống như cổng thành. Thân, thọ, tâm và pháp
giống như bốn hướng chính trong không gian. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng
quán thân đã hành theo mười bốn cách giống như những người đến từ hướng đông với
những hàng hoá sản xuất từ phương đông. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán thọ
đã hành theo chín cách giống như những người đến từ hướng nam với những hàng
hoá sản xuất từ phương nam. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán tâm đã hành
theo mười sáu cách giống như những người đến từ hướng tây với những hàng hoá sản
xuất từ phương tây. Những vị nhập vào Niết-bàn bằng quán pháp đã hành theo năm
cách giống như những người đến từ hướng bắc với những hàng hoá sản xuất từ
phương bắc vậy.
Phụ chú giải nói rằng bởi vì tất cả chúng đều
nhập vào một, đó là nhập vào Niết-bàn, vì vậy bốn niệm xứ chỉ là một. Và vì lẽ
các niệm xứ có khác nhau nhưng cuối cùng chỉ dẫn đến Niết-bàn, nên chúng được
nói là ‘gặp nhau trong một’.
Quý vị không nên hiểu lầm về sự giải thích vừa
đưa ra. Ở đây tôi muốn giải thích thêm một chút cho dễ hiểu. Trong Tương Ưng
Kinh (Samyutta Nikaya) có hai bài kinh Aparijānana (Aparijānana Sutta). Trong
hai kinh đó, Đức Phật nói: ‘Này các Tỳ
kheo, nếu các vị không tuệ tri tất cả
danh và sắc với ba loại đạt tri, các vị không thể thoát khỏi khổ.’ Ba loại
đạt tri (pariññā) là trí đạt tri
(ñāta pariññā), thẩm đạt tri (tīraṇa
pariññā) và trừ đạt tri (pahāna
pariññā). Trí đạt tri bao gồm Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpa-paricchedañāṇa)
và Phân Biệt Nhân Duyên Trí (paccaya-pariggaha-ñāṇa). Thẩm đạt tri bao gồm Thẩm
Sát Tam Tướng Trí (sammasana ñāṇa), và Sanh Diệt Trí (udayabbā ñāṇa). Hai loại
minh-sát trí này phân biệt sự sanh và diệt của danh-sắc cũng như các nhân của
chúng, vì thế chúng được gọi là thẩm đạt trí (tīraṇa pariññā). Trừ đạt tri bao
gồm các minh sát trí cao hơn từ Hoại Diệt Trí (bhaṅgañāṇa) đến Đạo Trí (maggañāṇa).
Ngoại trừ Đạo Trí, trí đoạn trừ các phiền não một cách hoàn toàn, các minh sát
trí còn lại đoạn trừ phiền não chỉ tạm thời mà thôi. Vì thế theo kinh
Aparijānana, nếu chúng ta muốn chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna), để thoát khỏi vòng
tử sanh luân hồi và khổ đau, chúng ta phải biết rõ năm uẩn, các nhân của chúng
và quán tất cả như vô thường, khổ và vô ngã với ba loại đạt tri.
Hơn nữa, chú giải Abhidhamma (Vi-diệu-Pháp)
còn giải thích: Do quán chỉ một mình sắc hay chỉ một mình danh người ta không
thể nào chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế, người hành thiền có lúc phải quán
sắc và có lúc phải quán danh. Trong khi quán sắc và danh, nếu người ấy quán
chúng chỉ bên trong hoặc chỉ bên ngoài thôi thì cũng không đủ để chứng ngộ Niết-bàn
(Nibbāna). Vì thế người hành thiền đôi khi phải quán danh-sắc bên trong, và đôi
khi phải quán danh-sắc bên ngoài nữa.
Trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta),
Đức Phật dạy bốn niệm xứ hay bốn chỗ thiết lập quán niệm: quán thân
(kāyānupassanā), quán thọ (vedanānuāssanā), quán tâm (cittānupassanā) và quán
pháp (dhammānupassanā). Trong quán thân hành giả phải nhấn mạnh sắc. Tuy nhiên,
quán một mình sắc thôi không đủ. Hành giả cũng phải quán danh nữa. Trong quán
thọ Đức Phật nhấn mạnh cảm thọ. Cảm thọ là một loại danh. Trong trường hợp này
cũng vậy, quán một mình thọ thôi không đủ. Hành giả phải quán sắc và các danh
khác nữa. Trong quán tâm Đức Phật nhấn mạnh tâm. Tuy nhiên, quán một mình tâm
không đủ. Hành giả cũng phải quán sắc và các danh khác nữa. Trong quán pháp Đức
Phật dạy quán năm uẩn theo những cách khác nhau. Vì thế quý vị không nên hiểu lầm
rằng chỉ cần thực hành một trong bốn niệm xứ này là đủ để chứng ngộ Niết-bàn
(Nibbāna).
Trong bài kinh ấy Đức Phật nói như sau:
‘Thế nào là
bốn? Ở đây, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo sống quán thân là (trên) thân với nhiệt
tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian. Vị ấy quán các cảm thọ là các cảm thọ với nhiệt
tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với thế gian. Vị ấy quán
tâm là tâm với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham và ưu đối với
thế gian. Vị ấy quán các pháp là các pháp với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm,
vượt qua tham và ưu đối với thế gian.[1]
Trong số những người nghe pháp, Đức Phật chỉ
nhấn mạnh đến các vị Tỳ kheo. Thế nào là một vị Tỳ kheo? Ở đây, ‘bhikkhu’ hay Tỳ
kheo là từ để chỉ một người đang nhiệt tâm cố gắng hoàn tất việc thực hành những
lời dạy của Đức Phật. Tất nhiên có những chúng sanh khác như chư thiên và con
người chắc chắn cũng đang nỗ lực để hoàn tất công việc này. Nhưng bởi vì làm một
vị Tỳ kheo là lý tưởng nhất cho việc thực hành, nên Đức Phật chỉ nói ‘này các Tỳ kheo’. Trong số những người
chấp nhận lời dạy của Đức Phật, Tỳ kheo là cao nhất vì họ thích hợp để tiếp nhận
những lời giáo huấn trên nhiều phương diện. Hơn nữa, khi loại người cao nhất, ở
đây là các vị Tỳ kheo, được đề cập, số còn lại kể như đã được đề cập. Cũng giống
như trong một nhóm người thuộc hoàng tộc hay trong một buổi lâm triều; khi đức
vua được đề cập thì những tuỳ tùng khác đã được đề cập vậy.
Trong kinh, Đức Phật nói ‘vị Tỳ kheo sống
quán thân là thân.’ Thế nào là thân? Ở đây, thân muốn nói đến sắc thân (rūpa-kāya),
đó là, một nhóm sắc. Như tôi vừa nói, quán một mình sắc thôi thì không đủ để chứng
ngộ Niết-bàn (Nibbāna). Hành giả cũng còn phải quán danh là vô thường, khổ và
vô ngã để chứng ngộ Niết-bàn nữa. Nhưng trong quán thân đức Phật nhấn mạnh chỉ
thân hay chỉ một nhóm sắc thôi, bởi vì ngài muốn dạy danh riêng trong quán thọ,
quán tâm và quán pháp.
Thân là một nhóm các thành phần vật chất lớn
và nhỏ, như tóc, lông, móng, răng, da…Trong nghĩa của một tập hợp thân giống
như một nhóm các con voi, một nhóm các cỗ xe ngựa.
Trong nghĩa tập trung vào những gì bất tịnh,
chính thân được xem là đáng ghê tởm. Thân là nơi sanh ra sự ghê tởm, những thứ
cực kỳ gớm ghiếc. Nơi sanh tức là nơi xuất
phát ra. Xuất phát ra cái gì? Những vật gớm ghiếc như tóc, lông... Do đó, thân là
nơi xuất phát của những thứ đáng ghê tởm hay những thứ đê tiện.
Tại sao chữ ‘thân’ được dùng hai lần trong
đoạn này: ‘quán thân là thân’? Chính là để xác định đối tượng và cô lập nó lại
(với các đối tượng khác – thọ, tâm và pháp). Và chính để xem xét kỹ tính chất kết
hợp rõ ràng của những thứ giống như tính liên tục.
Có ba loại khối tưởng về sắc: khối tưởng về
tính tương tục (santati ghana),
khối tưởng về nhóm (samūha ghana)
và khối tưởng về phận sự (kicca ghana).
Nếu một người không thể thấy các tổng hợp sắc (rūpa kalāpa), họ không thể phá vỡ
được khối tưởng về tính tương tục. Chỉ khi người ấy thấy các kalāpas của sắc (tổng
hợp sắc) khối tưởng về tính tương tục này mới biến mất. Mặc dù quý vị có thể thấy
các kalāpas, song nếu quý vị không phân tích được các kalāpas ấy, quý vị cũng không thể phá vỡ được khối tưởng
về nhóm. Điều đó có nghĩa rằng quý vị không nhận ra được sắc chân đế. Chỉ khi
quý vị phân tích chúng để thấy tất cả các loại sắc chân đế trong từng mỗi
kalāpa, như địa đại, thuỷ đại, hoả đại và phong đại,…thì khối tưởng về nhóm sẽ
biến mất. Mặc dù quý vị có thể phân tích được nhiều kalāpa và thấy các sắc chân
đế trong chúng, song nếu quý vị không phân biệt được phận sự của mỗi loại sắc chân
đế trong từng kalāpa, quý vị cũng không thể chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna). Mỗi
loại sắc có phận sự khác nhau. Quý vị phải
cố gắng phân biệt mỗi loại sắc một cách hệ thống bằng cách phân biệt đặc tính,
nhiệm vụ, sự thể hiện và nhân gần của nó. Chính vì điều này mà Đức Phật dạy
chúng ta quán thân chỉ là thân thôi.
Chữ ‘thân’ đã được Đức Phật dùng hai lần ở đây để xác định điều đó.
Không quán thọ, tâm và pháp trong thân, mà
chỉ có quán thân. Bởi lẽ ấy, sự xác định qua lối cô lập đã được nêu ra bằng
cách chỉ cho các vị Tỳ kheo thấy cách quán thân chỉ trong những thuộc tính gọi
là thân mà thôi.
Tôi sẽ giải thích điểm này với một ví dụ.
Trong khi quý vị đang hành thiền, có thể có sự cứng hay nóng ở một phần nào đó
trên thân của quý vị. Do sự cứng hay nóng này quý vị cảm thấy đau. Nếu quý vị
quán sự cứng hay nóng, vốn là sắc như một cảm thọ, thì đó là sai. Theo lời dạy
của Đức Phật, quý vị phải quán sắc là sắc. Quý vị không nên quán sự cứng hay
nóng, vốn là sắc kể như cảm thọ, nhưng là danh. Bởi lẽ này, Đức Phật dạy rằng
hành giả phải quán thân chỉ là thân. Quý vị không nên quán thân như là cảm thọ,
hay tâm hay pháp.
Trong thân, ngoài những phần lớn và nhỏ của
nó ra, không có sự quán một vật đồng nhất nào hết. Ngoài những vật như tóc,
lông, móng..ra không có sự quán về một người đàn ông hay một người đàn bà ở
đây. Không có gì ngoài sắc tứ đại và các sắc do tứ đại sanh (sắc y đại sinh hay sở tạo sắc) trong
thân.
Nếu quý vị hành thiền niệm hơi thở một cách
hệ thống cho đến tứ thiền, ánh sáng trí tuệ của quý vị sẽ rất mạnh và đầy năng
lực. Với sự trợ giúp của ánh sáng, nếu quý vị nhìn vào trong thân của mình, quý
vị sẽ thấy ba mươi hai bộ phận của thân một cách rõ ràng. Ngoài những thân phần
ấy không còn gì khác nữa cả. Sự tập hợp của ba mươi hai bộ phận này được gọi là
một người đàn ông hay một người đàn bà.
Còn nếu quý vị hành thiền tứ đại một cách hệ
thống, quý vị sẽ thấy rất nhiều các kalāpas (tổng hợp sắc). Nếu quý vị phân
tích các kalāpas này thêm nữa, quý vị sẽ thấy bốn loại sắc chính, đó là, địa đại,
thuỷ đại, hoả đại và phong đại (các yếu tố đất, nước, lửa và gió), và các sắc y
đại sanh như màu, mùi, vị và dưỡng chất. Không có gì ngoài sắc tứ đại và sắc y
đại sanh trong thân.
Có ba loại thấy: (1) Tính cách quán sự tập hợp
của những bộ phận chính và phụ, như đầu, hai tay và hai chân, giống như thấy
các bộ phận cấu thành của một chiếc xe; (2) Tính cách quán sự tập hợp của tóc,
lông và v.v… giống như thấy các thành phần của một đô thị; (3) Tính cách quán sự
tập hợp của các sắc chính và sắc phụ giống như bóc các lớp vỏ của một thân cây
chuối, hay giống như mở một nắm tay trống không. Vì sao? Bởi vì ngay khi sắc
chính (tứ đại) và sắc phụ (sắc y đại sanh) sanh lên chúng liền diệt; không có bản
chất thường hằng nào trong chúng. Do đó, việc xem xét kỹ tính chất kết hợp rõ
ràng của thân đã được hướng dẫn bằng cách chỉ cho thấy thân trong hình thức của
một sự tập hợp trên nhiều phương diện.
Trong thân, ngoài sự kết hợp đã đề cập,
không có thân, không có đàn ông, đàn bà hay bất cứ thứ gì khác được thấy. Từ
các nhóm vật chất (sắc) thuần tuý đã nói ở trên người ta đã sinh ra đủ loại tà kiến. Bởi thế mà các bậc
thầy chú giải cổ xưa đã nói:
Cái họ thấy
không phải thấy đúng;
Cái được thấy
họ không thấy đúng;
Không thấy
đúng họ bị trói chặt;
Và kẻ ngu, khi đã bị trói chặt,
Không thể
nào thoát khỏi trầm luân.
Tôi sẽ giải thích bài kệ trên cho quý vị hiểu.
Tất cả những ai hành thiền đều phải thấy danh và sắc tối hậu hay danh và sắc chân
đế. Nhưng nếu họ thấy rằng ‘đây là một
người đàn ông,’ ‘đây là một người đàn bà,’ ‘đây là con trai của tôi,’ ‘đây là
con gái của tôi,’ ‘đây là cha tôi,’ ‘đây là mẹ tôi,’ … những loại thấy này
là những gì họ không nên thấy. Đây là những gì bậc thầy chú giải muốn ám chỉ
qua câu ‘cái họ thấy không phải thấy
đúng; cái được thấy họ không thấy đúng’. Đây không phải là một cách thấy
đúng. Tại sao? Cái thấy ấy sẽ làm gia tăng thêm tham, sân và những phiền não
khác. Nói chung nó là nhân cơ bản tạo ra rất nhiều phiền não. Trong Pāḷi cái thấy
này được gọi là micchābhinivesa (ngã chấp tà kiến); từ các nhóm vật chất (sắc)
nó sanh ra tà kiến theo nhiều cách. ‘Họ
không thấy đúng’ có nghĩa là họ không thể thâm nhập vào danh và sắc chân đế,
và do đó đã bị trói chặt. “Trói chặt’ có nghĩa là họ không thể thoát khỏi những
tà kiến. Nếu người ấy thấy rằng ‘đây là một người đàn ông,’ ‘đây là một người
đàn bà,’ v.v…, cái thấy đó là vô minh (avijjā). Nếu có vô minh mạnh mẽ tham ái
(taṇhā) sẽ nảy sanh. Tham ái lập đi lập lại nhiều lần gọi là thủ (upādāna). Một
khi đã có vô minh, ái và thủ, thì cũng sẽ có các hành nghiệp (saṅkhāra). Hành
nghiệp này có thể là những thiện pháp (kusaladhamma) hoặc bất thiện pháp
(akusaladhamma). Chúng sẽ tạo ra một sự tái sanh mới hay một ngũ uẩn mới. Theo
cách này vòng luân hồi (saṁsāra) sẽ xảy ra không ngừng. Vì thế kẻ ngu không thể
nào thoát khỏi trầm luân. Chúng ta phải thực hành như thế nào để loại trừ vô
minh, tham ái và chấp thủ? Chúng ta phải thực hành để biết rõ sự thực, đó là biết
rõ danh và sắc chân đế.
Và ở đây, đối với đoạn ‘Để xác định đối tượng và cô lập nó,’ và ‘để xem xét kỹ tính chất kết hợp rõ ràng của những vật giống như tính
tương tục,’ cũng cần phải được hiểu như sau: Người (hành thiền) này quán
thân chỉ như thân. Tại sao? Người ấy thấy các kalāpas và phân tích chúng để thấy
sắc chân đế. Người ấy quán nó chỉ là thân, chứ không là gì khác. Điều này có
nghĩa là gì? Trong cái thân vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh rõ ràng này, người
ấy không thấy thường, lạc, ngã hay tịnh (đẹp). Quán thân chính là quán sự tập hợp
của những tính chất vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh này. Người ấy thấy rằng
sắc chân đế diệt ngay khi vừa sanh lên, nên nó là vô thường; nó luôn luôn bị bức
bách bởi sự sanh và diệt , nên nó là khổ; không có một cái ngã thường hằng
trong đó, nên nó là vô ngã; và nó luôn luôn được đi kèm với màu sắc xấu xí, mùi
hôi hám, nên nó là bất tịnh. Vì thế người ấy luôn luôn thấy sắc chân đế như vô
thường, khổ, vô ngã và bất tịnh.
Không có việc quán thân liên hệ đến một cái
ngã hay lên hệ đến bất cứ cái gì thuộc về tự ngã. Do quán sự tập hợp của những
vật giống như tóc, nên gọi là tính cách quán thân (chỉ) như thân.
Ý nghĩa câu trên nên hiểu như sau: ‘Quán
thân (chỉ) là thân’ là thấy theo tuần tự thân như một nhóm sắc vô thường, khổ,
và …, như những gì đã được dạy trong đoạn giải thích của Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga)
bắt đầu với: ‘Trong thân này, vị ấy quán
theo tính chất vô thường, chứ không phải thường.’ Tất cả có bảy cách quán:
1. Vị ấy quán
(để thấy rằng) thân là vô thường, không phải thường. Đây là vô thường tuỳ quán (aniccānupassanā).
2. Vị ấy quán
(để thấy rằng) thân phải chịu khổ, không phải lạc. Đây là khổ tuỳ quán (dukkhānupassanā).
3. Vị ấy quán
(để thấy rằng) thân là vô ngã, không phải tự ngã. Đây là vô ngã tuỳ quán.
4. Nếu vị ấy
quán theo các cách vô thường, khổ và vô ngã như vậy, thời sự quay đi sẽ khởi lên trong tâm vị ấy bằng
cách không thích thú với nó (thân). Đây gọi là yểm ly tuỳ quán (nibbidānupassanā). Cách quán này và ba cách quán
sau không phải là những cách quán riêng biệt, mà chỉ là kết quả của những cách
quán vô thường, khổ và vô ngã mà thôi.
5. Vị ấy quán
thân không phải để chấp thủ với tham ái. Mà vị ấy quán nó như vô thường, khổ và
vô ngã nhiều lần để loại trừ tham ái. Đây gọi là ly tham tuỳ quán (virāganupassanā).
6. Vị ấy quán
thân là vô thường, khổ và vô ngã nhiều lần với ý nghĩ dẫn đến sự diệt chứ không dẫn đến sự sanh.
Đây gọi là diệt tuỳ quán
(nirodhānupassanā).
7. Vị ấy quán
thân là vô thường, khổ và vô ngã không phải để nắm giữ nó, mà để từ bỏ nó. Đây
gọi là xả ly tuỳ quán (paṭinissaggānupassanā).
Khi vị ấy thực hành theo bảy cách quán trên,
minh sát trí của vị ấy sẽ đoạn trừ các phiền não một cách tạm thời. Như thế
nào? Khi vị ấy thấy tính chất vô thường, thì thường tưởng (tưởng về sự thường hằng)
sẽ biến mất. Vì (ngã) mạn sanh do thường tưởng, nên khi vị ấy thấy tính chất vô
thường, mạn cũng biến mất. Khi vị ấy quán sắc thân và danh là khổ, lạc tưởng (tưởng về lạc) và tham ái sẽ
biến mất. Khi vị ấy quán danh và sắc là vô ngã, minh sát trí của vị ấy sẽ đoạn
trừ ngã tưởng và ngã tà kiến. Theo cách này quán vô thường, khổ và vô ngã đoạn
trừ được các phiền não một cách tạm thời. Khi minh sát trí của vị ấy thành thục
vị ấy sẽ thấy Niết-bàn (Nibbāna). Trong Niết-bàn không có danh, sắc, không có
vô thường, khổ và ngã, mà chỉ có chân an lạc trong Niết-bàn.
Đức Phật dạy rằng ‘vị Tỳ kheo sống quán thân (chỉ) là thân với nhiệt tâm, tỉnh giác và
chánh niệm.’ Nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm rất là quan trọng đối với
những người hành thiền. Nhiệt tâm, vốn là tinh tấn, có thể thiêu đốt những phiền
não của tam giới.
Tỉnh giác là phân biệt một cách đúng đắn,
toàn diện, và bình đẳng. ‘Toàn diện’ có nghĩa là biết trên mọi phương diện.
Nếu một vị Tỳ kheo quán hay phân biệt tóc,
lông, móng, … sự phân biệt này là sự phân biệt đúng. Nếu vị ấy phân biệt sắc chân
đế, sự phân biệt này cũng là sự phân biệt đúng. Nhưng phân biệt một phần thì
không đủ. Vị ấy phải phân biệt một cách đầy đủ, chẳng hạn, từ tóc cho đến nước
tiểu cả bên trong lẫn bên ngoài. Tại sao? Con người ta có sự luyến ái không chỉ
đối với ba mươi hai thân phần bên trong mà còn cả ba mươi hai thân phần bên
ngoài nữa. Chính vì điều này mà họ mới lấy vợ lấy chồng, họ có sự luyến ái lẫn
nhau rất nhiều vậy. Vì thế mà phải thực hành để phân biệt không chỉ bên trong
mà cả bên ngoài nữa. Nếu quý vị thực hành như vậy là quý vị đang phân biệt một
cách toàn diện, tức thực hành trên mọi cách, mọi phương diện. Chúng ta cũng còn
phải phân biệt tứ đại trong tóc, v.v… một cách hệ thống để thấy các kalāpas. Rồi
chúng ta còn phải phân tích các kalāpas ấy để thấy tất cả các sắc chân đế ở mỗi
phần trong ba mươi hai thân phần. Nếu quý vị thực hành như vậy là quý vị cũng
đang phân biệt một cách toàn diện, trên mọi phương diện.
‘Bình đẳng’ có nghĩa là tiến hành qua những
chứng đắc càng lúc càng cao hơn. Chúng ta sẽ phân biệt một cách bình đẳng như
thế nào? Trước đây tôi đã giải thích rằng phân biệt chỉ một mình sắc thì không
đủ để chứng đắc Niết-bàn; quý vị cũng cần phải phân biệt danh. Nhưng chỉ phân
biệt một mình danh và sắc thôi cũng không đủ để chứng đắc Niết-bàn; quý vị cần
phải phân biệt các nhân của chúng nữa, có nghĩa là quý vị phải phân biệt duyên
khởi một cách hệ thống để thấy mối tương quan nhân quả giữa các nhân và quả.
Nhưng cho dù quý vị thực hành được như vậy thì vẫn chưa đủ để cho quý vị chứng
đắc Niết-bàn; quý vị cũng còn phải phân biệt danh sắc chân đế và các nhân của
chúng là vô thường, khổ và vô ngã qua những tuệ minh sát (vipassana) càng lúc
càng cao hơn để chứng đắc Niết-bàn.
‘Quán với chánh niệm’ nghĩa là với đầy đủ sự
ghi nhớ bắt lấy thân kể như đối tượng thiền. Người hành thiền quán với (trí tuệ)
tỉnh giác sau khi đã bắt lấy đối tượng bằng chánh niệm. Điểm này rất quan trọng.
Tôi sẽ giải thích nó với một ví dụ. Giả sử có một viên ngọc ở đây. Quý vị lấy một
tay cầm nó lên và nhìn vào nó. Tương tự, người hành thiền, với chánh niệm bắt lấy
đối tượng, và nhìn nó với trí tuệ tỉnh giác. Sau khi đã bắt lấy sắc với chánh
niệm, người hành thiền quán nó với trí tuệ tỉnh giác như vầy: ‘đây là sắc,’
‘đây là (đặc tính) cứng,’ ‘đây là địa
đại,’ ‘đây là phong đại,’ ‘đây là hoả đại,’ …
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền
[1] Thông thường trong các Bài Kinh Đại Niệm xứ
khác câu này được dịch là: ‘Quán thân trên thân …quán thọ trên thọ…quán tâm trên
tâm… và quán các pháp trên các pháp. Nhưng ở đây ngài Pa Auk dịch, ‘quán thân
là thân (contemplating the body as the body), thọ là thọ, tâm là tâm, và pháp
là pháp’ với những giải thích đặc biệt, mà quý vị sẽ thấy ở sau. ND