Sau khi giới thiệu thân quán niệm xứ qua mười
bốn phương pháp, Đức Phật tiếp tục giảng giải mười chín phương pháp quán thọ
như sau:
Quán Thọ
‘Và, này các tỳ-kheo, vị
tỳ-kheo sống quán thọ là thọ như thế nào?
Ở đây, này các tỳ-kheo,
khi cảm giác (kinh nghiệm) một lạc thọ vị tỳ-kheo tuệ tri: ‘Ta đang cảm giác một
lạc thọ.” Khi cảm giác một khổ thọ vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác một khổ thọ.”
Khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác một bất
khổ bất lạc thọ.”
Khi
một vị tỳ-kheo cảm giác một lạc thọ thuộc về thân hay thuộc về tâm, vị ấy tuệ
tri, ‘Ta đang cảm giác một lạc thọ.’ Chắc chắn, khi cảm giác một lạc thọ, ngay
cả đứa bé còn nằm ngửa cũng biết rằng nó đang cảm giác lạc trong việc bú vú và
trong những trường hợp tương tự. Nhưng sự hiểu biết của vị tỳ-kheo thì khác. Sự
hiểu biết mà những đứa bé có được về lạc và những loại hiểu biết tương tự khác
về lạc không trục xuất được niềm tin nơi một chúng sinh. Nó không nhổ bật gốc
cái ảo tưởng về một chúng sinh, không trở thành một đề tài thiền và cũng không
trở thành sự tu tập niệm xứ. Vì sao? Bởi vì chúng không biết danh và sắc chân đế;
chúng không biết các nhân của danh sắc; chúng không biết bản chất vô thường, khổ
và vô ngã của danh và sắc chân đế. Vì thế chúng lầm tưởng rằng ‘đây là cha, đây là mẹ, đây là ta, đây là
nó, đây là con trai của ta, đây là con gái của ta…’
Tuy
nhiên sự hiểu biết (tri kiến) của vị tỳ-kheo thì khác. Sự hiểu biết đó trục xuất
được niềm tin nơi một chúng sinh và nhổ bật gốc ảo tưởng về một chúng sinh. Vì
sao? Vì vị ấy có thể thấy được danh và sắc chân đế và các nhân của chúng. Vị ấy
có thể thấy được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các hành (danh và sắc)
này. Vị ấy chỉ thấy danh và sắc, không có cha, không có mẹ, không con trai,
không con gái, …Vì thế sự hiểu biết của vị ấy trục xuất được niềm tin nơi một
chúng sinh và nhổ bật gốc ảo tưởng về một chúng sinh. Nó vừa là một đề tài thiền,
vừa là sự tu tập niệm xứ.
Để
hiểu rõ hơn, chú giải đã giải thích điều này bằng cách trả lời ba câu hỏi. (1)
Ai cảm giác? Không có chúng sinh hay người cảm giác. (2) Cái cảm giác ấy là của
ai? Cảm giác ấy không phải của một chúng sinh hay người. (3) Do cái gì mà có sự
cảm giác ấy? Thọ có thể khởi lên với một vài thứ — sắc, thinh, hương, …kể như đối
tượng. Bởi thế, vị tỳ-kheo ấy hiểu rằng có một cảm giác đơn thuần về thọ sau
khi đối tượng hoá một cơ sở vật lý lạc, khổ hay trung tính đặc biệt nào đó.
Không có cái tôi nào cảm thọ bởi vì không có người làm hay không có tác nhân
làm ngoài một tiến trình thuần tuý của hiện tượng. Chữ ‘thuần tuý’ chỉ ra rằng
tiến trình (cảm thọ) là phi nhân tính (khách quan). Những từ dùng trong Kinh Điển
như ‘Tôi cảm thọ’, chỉ là một hình thức diễn đạt theo quy ước cho tiến trình cảm
thọ phi nhân tính ấy mà thôi. Điều cần hiểu ở đây là vị tỳ-kheo đó hiểu rằng do
lấy một đặc tính hay cơ sở nào đó làm đối tượng vị ấy cảm giác một cảm thọ.
Chú
giải nói rằng, một vị Trưởng lão nọ ngụ ở Tu Viện (trên) Đồi Cittala
(Cittalapabbata) bị bịnh. Ngài lăn lộn hết bên này sang bên kia, rên rỉ với sự đau
đớn cực độ. Một vị tỳ-kheo trẻ nói với ngài: ‘Bạch Trưởng lão, chỗ nào trên
thân ngài đau? Vị trưởng lão trả lời: ‘Thực sự, không có một chỗ đau đặc biệt ở
đâu cả. Do lấy một vật nào đó, như màu sắc, âm thanh…làm đối tượng mà có sự cảm
giác về thọ khổ đấy thôi.’
‘‘Thực
sự, không có một chỗ đau đặc biệt nào cả.” Đây là những lời rất quan trọng. Nếu
quý vị muốn thực hành pháp quán thọ (vedanānupassanā), nhưng quý vị cứ nghĩ rằng
lưng quý vị đau, hay đầu quý vị đau,… việc thực hành của quý vị không phải là
quán thọ. Tại sao vị Trưởng lão lại trả lời theo cách này? Bởi vì ngài đã thấy
danh và sắc chân đế và các nhân của chúng. Ngài cũng thấy được bản chất vô thường,
khổ và vô ngã của danh và sắc chân đế đó.
Trong
khi quý vị đang hành thiền, giả sử nếu có một cảm giác đau buốt nơi vai, và nếu
quý vị muốn hành quán thọ, quý vị sẽ hành như thế nào? Quý vị phải phân biệt tứ
đại trong thân, đặc biệt nơi vai của quý vị. Quý vị sẽ chỉ thấy các kalāpas. Nếu
quý vị phân tích các kalāpa ấy, quý vị sẽ thấy bốn mươi bốn loại sắc. Trong số
bốn mươi bốn sắc này, quý vị nên đặc biệt quán thân tịnh sắc (kāya pasada), tức
thân căn, trong Kāya-dasaka-kalāpa (Tổng Hợp Thân Mười Sắc hay Đoàn Thân). Gần
những kalāpa ấy có thể có một đại nào đó, như địa đại, hoặc hoả đại hoặc phong
đại qúa thạnh, chẳng hạn cứng quá, nóng quá và đẩy quá (đẩy là một đặc tính của
phong đại). Ba đại này là những đối tượng có thể sờ chạm được. Chúng có thể tác
động trên thân tịnh sắc của quý vị. Khi chúng tác động trên thân tịnh sắc nhiều
lần, ở đó sẽ xuất hiện thọ khổ (cảm giác đau) cùng với những tâm hành phối hợp
của nó trong tiến trình tâm. Quý vị có thể nói rằng quý vị đang cảm giác một thọ
khổ lúc đó. Nhưng thân tịnh sắc và các đối tượng xúc chạm là vô thường. Thọ khổ
cũng vô thường. Ngay khi sanh lên chúng liền diệt. Vào lúc đó, quý vị sẽ không
thấy vai của quý vị đâu nữa mà chỉ thấy danh và sắc chân đế. Như vậy lấy một
xúc chạm làm đối tượng, thọ khổ xuất hiện. Quý vị phải hiểu điều này một cách
rõ ràng. Lúc đó quý vị sẽ không thấy chỗ đau đâu hết. Nếu quý vị vẫn thấy nó, có nghĩa là quý vị không
phải đang hành quán thọ. Quý vị hãy nghe lại câu trả lời của vị Trưởng lão một
lần nữa: ‘Thực sự, không có một chỗ đau đặc biệt nào cả. Do lấy một vật nào đó,
như màu sắc, âm thanh…làm đối tượng mà có sự cảm giác về thọ khổ đấy thôi.’
Cittalapabbata
là một tu viện nổi tiếng ở Tích Lan. Tu viện này toạ lạc trong một khu rừng rộng
lớn. Vị Trưởng lão đó là một Mahāthera (Đại Trưởng lão), tức một vị tỳ-kheo đã
trải qua hai mươi hoặc hơn hai mươi hạ. Ngài chắc chắn sẽ đắc Alahán Thánh Quả
với tứ tuệ phân tích. Vì ngài đã thực hành Vipassanā đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā
ñāṇa) trong thời kỳ giáo pháp của các vị Phật trước. Trong kiếp này cũng vậy,
ngài đã hành thiền chỉ và thiền minh sát tại tu viện Cittalapabbata trong hơn
hai mươi năm. Suốt thời gian đó ngài thực hành phân biệt danh và sắc chân đế
cùng với các nhân của chúng như vô thường, khổ và vô ngã. Đó là lý do vì sao
ngài có thể không thấy bất cứ một chỗ đau nào mà chỉ thấy danh và sắc chân đế.
Nếu quý vị muốn thực hành quán thọ, quý vị nên noi theo tấm gương của ngài.
Một
thời, trong tu viện đó, có hơn hai mươi ngàn vị tỳ-kheo là bậc Alahán đang hành
thiền chỉ và thiền minh sát. Vị tỳ-kheo trẻ, người đã hỏi câu hỏi ấy là thị giả
của Trưởng lão. Vị tỳ-kheo trẻ nói: ‘Bạch ngài, từ khi một người biết được điều
đó, phải chăng kham nhẫn là thích hợp? Vị Trưởng lão nói: ‘Ta đang kham nhẫn,
này hiền giả.’ Vị tỳ-kheo trẻ nói: ‘Kham nhẫn là đệ nhất, bạch ngài.’ Vị Trưởng
lão đã kham nhẫn chịu đựng. Sau đó, phong đại đẩy chỗ đau lên thấu tận tim. Ruột
của ngài lòi ra ngoài và nằm một đống trên giường. Vị Trưởng lão chỉ cho vị tỳ-kheo
trẻ thấy điều đó và nói: ‘Này hiền giả, kham nhẫn tơi mức này thích hợp chăng?
Vị tỳ-kheo trẻ lặng thinh. Vị Trưởng lão tập trung với hết nghị lực của mình, đạt
đến Alahán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và an nhiên thị tịch Niết bàn.
Thoạt
tiên, khi cảm thọ khổ khốc liệt nảy sanh, vị Trưởng lão phải kham nhẫn nó với nhiều cố gắng. Khi ruột của ngài lòi
ra ngoài và nằm một đống trên giường, thọ khổ giảm xuống. Vào lúc đó, ngài có
thể quân bình định và tinh tấn, áp dụng chúng và quán các hành là vô thường, khổ
và vô ngã. Lúc đó phân biệt bất cứ một hành nào cũng đủ để ngài chứng đắc Niết-bàn,
bởi vì ngài đã từng hành minh sát lên đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa) nhiều
lần. Đây là một lý do. Trong kiếp đó, ngài còn nghiên cứu và thực hành thiền chỉ
và thiền minh sát hơn hai mươi năm, nghĩa là ngài đã nghiên cứu danh và sắc
chân đế cùng với các nhân của chúng kể như vô thường, khổ và vô ngã cho đến
hành xả trí nhiều lần. Vì thế ngài đạt đến A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ
phân tích và nhập vô dư Niết Bàn.
Cũng
như khi cảm giác một thọ lạc, nếu ‘khi cảm giác một thọ khổ vị ấy tuệ tri: ‘Ta
đang cảm giác một thọ khổ.’ Và khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ vị ấy tuệ
tri: ‘Ta đang cảm giác một bất khổ bất lạc thọ.’
Trừ
trước đến đây chỉ ba loại thọ được đề cập. Kế tiếp Đức Phật dạy sáu loại thọ
khác:
‘Khi
cảm giác một lạc thọ thuộc vật chất vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác một lạc thọ
thuộc vật chất.” Khi cảm giác một lạc thọ không thuộc vật chất vị ấy tuệ tri:
“Ta đang cảm giác một lạc thọ không thuộc vật chất.”; hay khi cảm giác một khổ
thọ thuộc vật chấy vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác một khổ thọ thuộc vật chất.”
Khi cảm giác một khổ thọ không thuộc vật chất vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác
một khổ thọ không thuộc vật chất.”; hay khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ
thuộc vật chất vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm giác một bất khổ bất lạc thọ thuộc vật
chất.”; hay khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất vị ấy tuệ
tri: “Ta đang cảm giác một bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất.”’
Có
ba loại thọ thuộc vật chất, đó là lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ thuộc
vật chất.
Lạc
thọ thuộc vật chất muốn nói đến sáu cảm giác thích thú liên hệ với sáu căn, và
dựa vào cái vốn bị ô nhiễm bởi phiền não. Khổ thọ thuộc vật chất muốn nói đến
những cảm giác không thích liên hệ với sáu căn, và dựa vào cái vốn bị ô nhiễm bởi
phiền não. Bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất muốn nói đến sáu cảm giác trung
tính liên hệ với sáu căn và dựa vào cái vốn bị ô nhiễm bởi các phiền não.
Chẳng
hạn, nếu quý vị dính mắc vào một màu sắc nào đó, đôi khi quý vị có thể có được
cảm thọ lạc. Quý vị sẽ rất sung sướng khi thấy sắc diện của con trai mình, sắc
diện của con gái mình, hay màu sắc của những tờ đô-la của mình. Đây là lạc thọ
thuộc vật chất. Đôi khi, dựa vào màu sắc đó, quý vị có thể có những cảm thọ khổ.
Chẳng hạn, khi tiền mất, con trai, con gái chết…Đây là thọ khổ thuộc vật chất.
Đôi khi, dựa vào màu sắc đó, một cảm thọ trung tính xuất hiện. Đây là bất khổ bất
lạc thọ thuộc vật chất.
Cũng
có ba loại thọ không thuộc vật chất, đó là lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ
không thuộc vật chất.
Lạc
thọ không thuộc vật chất muốn nói đến sáu cảm giác thích thú liên hệ với sáu
căn môn, và không dựa vào tham dục. Khổ thọ không thuộc vật chất muốn nói đến
sáu cảm giác không thích liên hệ với sáu căn môn và không dựa vào tham dục. Bất
khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất muốn nói đến sáu cảm giác trung tính liên
hệ với sáu căn môn và không dựa vào tham dục.
Trong
Pāḷi, thọ không thuộc vật chất được gọi là nekkhammasitavedanā (Xuất ly thọ).
Thế nào là nekkhamma (sự xuất ly)? Theo kinh điển Pāḷi, có năm loại xuất ly: xuất
gia, sơ thiền, Nibbāna (Niết-bàn), minh sát trí (vipassanā ñāṇa) và tất cả các
thiện pháp.
1.
Xuất gia (pabbajjā): Điều này đặc biệt muốn nói đến đời sống của
vị tỳ-kheo hay tu nữ, bởi vì nhờ xuất gia mà các vị tỳ-kheo hay tu nữ thoát khỏi
đời sống của người gia chủ.
Mặc dù sống đời sống của vị tỳ-kheo, cũng có thể có những lạc thọ,
khổ thọ hay bất lạc bất khổ thọ. Như thế nào? Nếu quý vị suy xét đến giới hạnh
của mình, đôi khi quý vị thấy rằng nó rất trong sạch. Vào lúc đó, quý vị cảm thấy
vui vui. Vui đó là một lạc thọ không thuộc vật chất. Đôi khi quý vị có thể thấy
một lầm lỗi nào đó trong giới hạnh của mình. Vào lúc đó quý vị cảm thấy không
vui. Không vui đó là khổ thọ không thuộc vật chất. Đôi khi, quý vị suy xét trên
giới hạnh của mình và có thể không có cảm giác lạc hay khổ gì cả. Đó là bất lạc
bất khổ thọ không thuộc vật chất. Như vậy có ba loại thọ dựa vào đời sống xuất
gia.
Lại nữa, trong khi suy xét trên đời sống tỳ-kheo hay tu nữ của
mình, quý vị có thể cảm thấy vui, bởi vì quý vị thoả mãn với loại cuộc sống ấy.
Đây là một lạc thọ không thuộc vật chất. Nhưng đôi khi có thể có nhiều vấn đề
trong cuộc sống xuất gia của mình vị và quý vị muốn xả y hoàn tục. Đây là một
khổ thọ không thuộc vật chất. Đôi khi, suy xét trên cuộc sống xuất gia này, quý
vị có một cảm giác trung tính. Đây là một bất lạc bất khổ thọ. Như vậy, dựa vào
đời sống của một vị tỳ-kheo hay tu nữ cũng có ba loại thọ.
2.
Sơ thiền (paṭhama jhāna): Sơ thiền được gọi là xuất ly bởi vì nó
có thể giúp một người thoát khỏi cõi dục. Nó là nhân căn bản cho việc đạt đến một
phạm thiên giới (Bhrama).
Dựa vào Sơ thiền (paṭhama jhāna), có thể có một lạc thọ. Chẳng hạn,
khi quý vị nhập vào sơ thiền, lạc thọ xuất hiện. Đây là một lạc thọ không thuộc
vật chất. Nhưng có khi dựa vào sơ thiền quý vị cũng có thể có một khổ thọ. Vì
sao? Khi quý vị không thể nhập vào sơ thiền theo ý muốn, hoặc khi quý vị có nhiều
khó khăn khi nhập vào sơ thiền, quý vị có thể cảm thấy không vui. Không vui này
là một khổ thọ không thuộc vật chất. Đôi khi, quý vị đang cố gắng đi cố gắng lại
nhiều lần để nhập sơ thiền, nhưng quý vị có thể không có một cảm giác đặc biệt
nào cả (tức không thấy vui cũng không thấy buồn vì chuyện đó). Đây là một bất lạc
bất khổ thọ không thuộc vật chất.
Bảy thiền chứng khác từ nhị thiền cho đến phi tưởng phi phi tưởng
xứ cũng được gọi là xuất ly, nhưng chúng nằm trong nhóm thứ năm, tức nhóm tất cả
thiện pháp.
Nếu một hành giả duy trì thiền (jhāna) của mình cho đến lúc chết,
thiền ấy sẽ là nhân căn bản cho vị đó để được tái sanh vào một cõi sắc giới hay
vô sắc giới, tuỳ theo. Vào lúc đó, vị ấy thoát khỏi cõi dục. Đó là lý do vì sao
tám thiền chứng được gọi là xuất ly.
3.
Nibbāna (Niết-bàn): Đây là nhân căn bản cho một người để thoát
khỏi vòng tử sanh luân hồi, vì thế nó được gọi là sự xuất ly.
Quý vị nên phân biệt giữa chứng ngộ và chứng đắc. Nếu quý vị chứng
ngộ Niết Bàn (Nibbāna), chúng tôi nói rằng
quý vị đang lấy Nibbāna làm đối tượng.
Còn chứng đắc có nghĩa là quý vị đã đạt đến Niết bàn sau khi Parinibbāna (Vô Dư
Niết Bàn).
Ở đây, tôi muốn giải thích một vấn đề. Có một hành giả nữ hỏi tôi: ‘Tại sao con
không thấy có gì khác nhau nào giữa một bậc Thánh và một người phàm?’ Tôi nghĩ
cô ta không thực sự hiểu thế nào là một bậc Thánh. Thánh nhân có bốn đôi: đó là
bốn bậc Thánh thuộc đạo và bốn bậc thánh thuộc quả. Tất cả các vị đều đã chứng
ngộ Niết Bàn (Nibbāna). Khi một người chứng ngộ Niết Bàn với nhập lưu thánh đạo
(Sotāpattimagga) và nhập lưu Thánh quả (Sotāpattiphala), thánh đạo của vị ấy huỷ
diệt thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) về Đức Phật, Giáo
Pháp, Chư Tăng, và về duyên khởi..
Nhập
lưu thánh đạo không thể đoạn diệt ái dục, sân hận và si mê, vì thế một bậc
thánh nhập lưu vẫn có nhiều phiền não. Đó là lý do vì sao vị ấy vẫn có thể lấy
vợ hoặc lấy chồng, hưởng thụ các dục lạc và nổi sân như thường. Tuy nhiên chúng
ta cũng không thể nói rằng giữa bậc thánh nhập lưu và người phàm không có gì
khác nhau, bởi vì bậc nhập lưu đã huỷ diệt một số phiền não. Thời Đức Phật, có
năm mươi triệu người cư sĩ đắc thánh ở Sāvatthī. Một số trong họ là các bậc
thánh nhập lưu, một số là bậc thánh nhất lai, và một số là bậc thánh bất lai. Họ
vẫn sống trong nhà của họ và, ngoại trừ các bậc bất lai (tức thánh a-na-hàm), họ
vẫn thọ hưởng các dục lạc như những người bình thường vậy. Vì thế, quý vị không
nên, chỉ vì thấy họ cũng hưởng dục như người bình thường, mà nghĩ rằng không có
gì khác giữa bậc thánh và người phàm.
Nhất
lai thánh đạo (sakadāgāmīmagga) làm suy yếu dục ái và sân, nhưng không thể huỷ
diệt chúng hoàn toàn. Bất lai thánh đạo (anāgāmimagga) diệt hoàn toàn dục ái và
sân. A-la-hán thánh đạo diệt hết mọi phiền não còn lại. Vì thế nếu quý vị muốn
thấy những khác nhau giữa một bậc bất lai hay một bậc A-la-hán với người phàm,
quý vị có thể thấy một số khác nhau ấy. Một bậc thánh Bất lai hay A-la-hán
không còn dục ái. Vị ấy không bao giờ sân hận. Vị ấy không bao giờ nhận cũng
không yêu cầu người khác nhận tiền, thẻ tín dụng, ngân phiếu, đá quý, vàng, bạc,
ngọc… dùm cho vị ấy.
Tuy
nhiên, vẫn là điều rất khó để phân biệt được ai là một bậc thánh và ai không phải.
Xưa kia, có một vị A-la-hán tỳ-kheo sống chung với một vị tỳ-kheo già, xuất gia
lúc tuổi đã xế chiều. Một hôm vị tỳ-kheo già ấy hỏi vị A-la-hán một câu hỏi: ‘Bạch
ngài, một vị A-la-hán trông giống như thế nào nhỉ?’ vị A-la-hán tỳ-kheo trả lời:
‘Này hiền giả, có người nọ xuất gia lúc tuổi đã già. Mặc dù vị ấy sống chung với
một bậc A-la-hán, vị ấy cũng không biết được rằng người đang sống chung với
mình là một bậc A-la-hán. Vì thế rất khó mà biết được ai là một bậc thánh
A-la-hán.’ Thậm chí có được một lời gợi ý rõ ràng đến như vậy, vị tỳ-kheo già vẫn
không biết rằng Bhante (Thầy) của mình là một bậc A-la-hán. Và tất nhiên biết
được ai là một bậc thánh nhập lưu. nhất lai hay bất lai còn khó hơn nữa.
Trước
khi đắc Niết bàn tối hậu (nhập Vô Dư Niết
Bàn), một bậc A-la-hán vẫn có năm uẩn và chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.
Chính vì điều này mà mười tháng trước khi nhập Vô Dư Niết Bàn, Đức Phật của
chúng ta vẫn phải chịu khổ vì chứng bệnh đau lưng trầm trọng của ngài. Sau khi
Vô Dư Niết Bàn, mọi khổ đau chấm dứt hoàn toàn. Vì thế Niết Bàn (Nibbāna) được gọi là xuất ly.
4.
Minh sát Trí (Vipassanānñāṇa) được gọi là xuất ly vì nó đoạn trừ
phiền não một cách tạm thời.
5.
Tất cả các thiện pháp cũng được gọi là xuất ly vì chúng là những
nhân căn bản để thoát khỏi mọi bất thiện pháp hay phiền não.
Lấy
bất cứ một loại nào trong năm loại xuất ly này làm đối tượng, ba loại thọ có thể
khởi lên. Những thọ này được gọi là nekkhammasitavedanā (xuất ly thọ), tức những
thọ không thuộc vật chất. Người hành thiền phải cố gắng để hiểu rõ các thọ này.
Như
vật tất cả có chín loại thọ. Khi quán thọ quý vị phải phân biệt chúng. Trong
chín thọ ấy, quý vị không nên tu tập ba loại thọ thuộc vật chất, thay vào đó
nên tu tập ba loại thọ không thuộc vật chất. Tôi muốn giải thích điều này cho
quý vị hiểu.
Khi
định hay minh sát trí của quý vị cải thiện trong lúc đang hành thiền chỉ hoặc
thiền Minh Sát (Vipassanā), quý vị có thể cảm thấy lạc. Quý vị nên tu tập loại
thọ lạc này nhiều lần, bởi vì đây là một nhân hỗ trợ cho sự chứng ngộ Niết Bàn
(Nibbāna). Quý vị cũng nên tu tập bất lạc bất khổ thọ không thuộc vật chất,
đặc biệt là bất lạc bất khổ thọ không thuộc vật chất phát sanh từ thiền. Còn loại
thọ khác là khổ thọ không thuộc vật chất, mà thực chất vốn là một bất thiện
pháp. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, có hay bị loại khổ thọ này không phải
là điều xấu. Tại sao? Có một câu chuyện kể về loại thọ này. Trong một bài giảng
trước, Tôi có liên hệ câu chuyện của Trưởng lão Mahā Siva ghi trong chú giải.
Hôm nay, tôi muốn kể lại câu chuyện ấy.
Trưởng
lão Mahā Siva là bậc thầy của mười tám phái (sects). Ngài có thể đọc tụng làu
làu toàn bộ Tam tạng và chú giải. Ngài dạy cả pháp học lẫn pháp hành. Sau khi
được học từ nơi ngài, sáu mươi ngàn tỳ kheo trong số những đệ tử của ngài đã trở
thành thánh A-la-hán.
Ngày
nọ, một người đệ tử là bậc A-la-hán đi đến gặp ngài và thúc giục ngài nên hành
thiền. Do sự nhắc nhở này, Trưởng lão Mahā Siva thức dậy một ý thức kinh cảm
(saṁvega). Ngài nghĩ: ‘Nếu ta hành thiền
ta có thể đắc A-la-hán thánh quả trong vòng vài ngày.’ Vì thế không báo cho
một người đệ tử nào biết, ngài âm thầm đi đến một tu viện trong rừng, với ý định
sẽ đắc A-la-hán thánh quả trước khi ngày an cư mùa mưa bắt đầu.
Khi
mùa an cư (nhập hạ) đến, ngài vẫn chưa đắc A-la-hán thánh quả. Vì thế, với ý định
sẽ đắc trước khi chấm dứt mùa an cư, ngài đã hành cật lực trong ba tháng. Tuy
nhiên, ngài cũng không đắc A-la-hán thánh quả theo dự định. Do sự việc này, vào
ngày trăng tròn cuối mùa an cư ấy, ngài đã khóc thật sầu thảm. Đó là một thọ khổ.
Rồi,
với ý định sẽ đắc A-la-hán thánh quả trước khi chấm dứt mùa an cư năm tới, ngài
tiếp tục thực hành thiền chỉ và thiền Minh Sát (Vipassanā). Nhưng khi thời hạn ấn định đã qua ngài vẫn không đắc. Vì thế
ngài lại khóc. Cứ như vậy, mỗi năm ngài mỗi khóc và ròng rã suốt ba mươi năm
trường.
Vào
ngày trăng tròn cuối mùa an cư thứ ba mươi, ngài lại khóc. Lần này, một vị chư
thiên sống ở một cội cây gần con đường kinh hành của ngài cũng khóc theo. Vị
Trưởng lão hỏi: ‘Ai đang khóc đó’ ‘Bạch ngài con là một vị chư thiên trú ngụ ở
cây này.’ ‘Sao ngươi lại khóc?’ ‘Dạ, con nghĩ nếu con khóc, có thể con sẽ đắc
thánh đạo và thánh quả,’ vị chư thiên trả lời. Lúc đó, vị Trưởng lão cảm thấy
động tâm. Ngài tự nhủ: ‘Này Mahā Siva,
ngay cả chư thiên cũng chế nhạo mi đó. Mi nên cố gắng hành thiền chỉ và thiền
quán đi. Đừng có mà khóc nữa.’ Thế rồi ngài tập trung vào việc hành thiền
miên mật suốt đêm ấy. Vừa lúc chấm dứt canh cuối, ngài trở thành một bậc
A-la-hán.
Nếu
phân tích câu chuyện này chúng ta thấy, lúc vị Trưởng lão khóc, đó là một khổ
thọ. Khổ thọ này khởi lên dựa vào thiền chỉ và thiền minh sát. Bởi vì sức mạnh
của thiền chỉ và thiền minh sát mà ngài hành không đủ để ngài đắc A-la-hán
thánh quả và cứ cuối mỗi mùa an cư ngài đã khóc như vậy trong ba mươi năm. Mỗi
lần ngài khóc, một khổ thọ bất thiện khởi lên nơi ngài. Mặc dù là bất thiện
nhưng nó lại là nhân hỗ trợ mãnh liệt cho thiền chỉ và thiền minh sát. Nương
vào khổ thọ ấy, ngài đã cố gắng hành thiền và thiền của ngài trở nên mạnh mẽ và
đầy năng lực. Khi ngũ căn (ngũ quyền — tín, tấn, niệm, định và tuệ) của ngài
thành thục và quân bình, ngài đắc bốn thánh đạo và bốn thánh quả theo tuần tự.
Do đó, có loại khổ thọ này không phải là điều xấu.
Khi
quý vị đang hành thiền, chẳng hạn như niệm hơi thở và thành công trong việc đắc
bất cứ một thiền nào trong ba bậc thiền đầu (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền),
thọ lạc sẽ xuất hiện. Thọ lạc này là một loại xuất ly thọ, hay lạc thọ không
thuộc vật chất. Quý vị nên tu tập nó, bởi vì nó là một nhân hỗ trợ mạnh mẽ cho
thiền. Lại nữa, trong khi hành thiền minh sát, đặc biệt là ở giai đoạn Tuệ Sanh
Diệt (trí quán sự sanh và diệt — udayabbayañāṇa), thọ lạc mãnh liệt có thể khởi
lên. Thọ lạc đó là một lạc thọ không thuộc vật chất. Quý vị cũng nên tu tập nó.
Khi
quý vị đạt đến tứ thiền hay bất cứ một thiền nào trong bốn thiền vô sắc, một bất
khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất sẽ khởi lên. Quý vị nên tu tập thọ này, bởi
vì nó là một nhân hỗ trợ mạnh mẽ cho các loại thiền chỉ khác và cho thiền minh
sát.
Khi
quý vị đạt đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā
ñāṇa) trong thiền minh sát, một bất lạc bất khổ thọ không thuộc vật chất sẽ
xuất hiện. Quý vị cũng nên tu tập thọ này, bởi vì Hành Xả Trí là nhân gần cho sự
chứng đắc thánh đạo và thánh quả.
Trong
khi đang hành quán thọ, quý vị phải phân biệt tất cả các loại thọ, dù chúng thuộc
vật chất hay không thuộc vật chất, bởi vì tất cả chín loại thọ ấy đều là đối tượng
của minh sát trí (vipassanā ñāṇa) cả.
Quý
vị sẽ hành như thế nào? Hôm nay tôi sẽ giải thích phương pháp hành cho quý vị
hiểu. Đức Thế Tôn đã trình bày chi tiết đề tài thiền phi sắc qua phương pháp
quán thọ tiếp theo sau đề mục thiền hữu sắc (quán thân). Quý vị hãy lưu ý trình
tự trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna
Sutta): trước tiên Đức Phật dạy quán thân và đề cập chủ yếu việc phân biệt
sắc. Sau khi phân biệt sắc Đức Phật dạy phân biệt danh. Tại sao? Bởi vì nếu quý
vị tiến hành phân biệt danh mà không phân biệt sắc trước, điều đó sẽ rất khó. Với
một chỉ thừa hành giả (samathayānjka),
tức người lấy thiền chỉ làm cỗ xe, việc phân biệt các pháp thiền (jhāna dhammas) mà không phân biệt sắc
sẽ không khó. Nhưng trong khi họ đang phân biệt các danh pháp dục giới, như các
tiến trình tâm thuộc sáu môn, mà trước tiên không phân biệt sắc, thời họ sẽ
không thể phân biệt được chúng một cách rõ ràng. Vì thế nếu quý vị muốn hành
quán thọ, quý vị phải hành quán thân trước. Quý vị phải làm sao phân biệt được
sắc chân đế đã.
Đề
tài thiền có hai loại: đề tài thiền về sắc và đề tài thiền về danh, hay phi sắc.
Hai loại đề tài thiền này cũng được nói đến như sự phân biệt danh và sắc.
Khi
Đức Thế Tôn giảng giải một đề tài thiền về sắc, ngài giải thích thiền tứ đại
theo hai cách: tóm tắt và chi tiết. Cách tóm tắt được đề cập trong Kinh Đại Niệm
Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta). Cách chi
tiết được đề cập trong Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (Mahāhatthipadopama Sutta), Kinh Giới Phân Biệt (Dhātuvibhaṅga Sutta), Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahārāhulovāda Sutta), Vi Diệu Pháp
Phân Tích (Abhidhamma Vibhaṅga). Và cả
hai đều được nêu ra đầy đủ trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Quý vị có thể thực hành thiền phân biệt tứ đại
theo cách tóm tắt hay chi tiết đều được. Nếu thực hành theo sự chỉ dẫn của Đức
Phật, quý vị sẽ thấy sắc chân đế. Bằng không, thấy được các kalāpa và sắc chân
đế sẽ là điều rất khó.
Tuy
nhiên, khi giảng giải một đề tài thiền về danh, Đức Thế Tôn thường giảng giải
nó qua việc quán thọ.
Có
ba cách thực hành đề tài thiền phi sắc (danh): (1) qua ngõ xúc, (2) qua ngõ thọ
và (3) qua ngõ tâm. Như thế nào? Đối với một số hành giả, khi vị ấy hành đề tài
thiền về sắc, xúc khởi lên cùng với sự tiếp xúc của đối tượng vật chất trở nên
rõ ràng. Đối với hành giả khác, thọ khởi lên cùng với sự cảm giác đối tượng vật
chất trở nên rõ ràng. Trong khi với hành giả khác nữa, thức khởi lên cùng với sự
hay biết về đối tượng vật chất trở nên rõ ràng.
Sau
khi phân biệt sắc, nếu quý vị muốn phân biệt danh, quý vị sẽ thực hành như thế
nào? Trước tiên, quý vị phải phân biệt các môn. Thế nào là các môn? Có sáu môn:
nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn. Nếu quý vị cố gắng
phân biệt danh mà không phân biệt sáu môn, quý vị sẽ không thấy được danh một
cách rõ ràng. Vậy quý vị sẽ thực hành như thế nào để thấy sáu môn này? Quý vị
phải hành thiền tứ đại theo cách tóm tắt hoặc chi tiết để thấy các tổng hợp sắc
(kalāpa). Và khi phân tích các kalāpa
ấy có thể quý vị sẽ phân biệt được sáu môn.
Sau
đó, nếu quý vị muốn phân biệt, chẳng hạn như phân biệt các pháp sơ thiền của niệm
hơi thở, quý vị phải nhập vào thiền đó. Xuất thiền, quý vị phải quán bhavaṅga
(hữu phần), tức ý môn. Khi tợ tướng hơi thở (ānāpāna
paṭibhāga nimitta) xuất hiện trong bhavaṅga
(hữu phần), quý vị có thể phân biệt năm thiền chi trước, bởi vì khi hành
thiền chỉ quý vị đã phân biệt chúng được rồi. Tuy nhiên, trong trường hợp này
quý vị phải quán chúng đang khởi lên nối tiếp nhau nhiều lần. Sau khi đã phân
biệt được năm thiền chi, quý vị phải phân biệt các tâm hành còn lại. Tất cả có
ba mươi bốn tâm hành trong sơ thiền.
Khi
xúc trở nên rõ ràng, thì không chỉ xúc khởi lên mà thọ, tưởng, tư và thức cũng
khởi lên. Khi thọ trở nên rõ ràng, thì không chỉ thọ khởi lên mà xúc, tưởng, tư
và thức cũng khởi lên. Khi thức trở nên rõ ràng, thì không chỉ thức khởi lên mà
xúc, thọ, tưởng, tư cũng khởi lên vậy.
Vì
thế, khi quý vị đang phân biệt danh, nếu xúc trở nên rõ ràng đối với minh sát
trí (vipassanā ñāṇa) của quý vị, quý
vị sẽ không chỉ phân biệt một mình xúc thôi mà cũng phải phân biệt các tâm hành
phối hợp với nó, như thọ, tưởng, tư và thức nữa. Cũng vậy, khi đang phân biệt
danh, nếu thức trở nên rõ ràng đối với minh sát trí của quý vị, quý vị sẽ không
chỉ phân biệt một mình thức thôi, mà cũng còn phải phân biệt các tâm hành phối
hợp với nó nữa.
Tuy
nhiên, chú giải chỉ đề cập phassapañcamaka
dhamma. Thế nào là phassapañcamaka
dhamma? Đó là một nhóm năm pháp bắt đầu với xúc (phassa). Nhóm này bao gồm
xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), và
thức (viññāṇa). Trong khi đó, phụ chú
giải lại giải thích về ‘phassapañcamaka’
theo cách chi tiết như sau: trong số năm pháp này, thọ là thọ uẩn; tưởng là tưởng
uẩn; xúc và tư là hành uẩn; thức là thức uẩn. Như vậy có bốn danh uẩn. Trước
khi phân biệt danh, người hành thiền đã phải phân biệt sắc chân đế. Sắc chân đế
là sắc uẩn. Cả thảy có năm thủ uẩn. Trong số năm thủ uẩn này, hành uẩn có năm
mươi tâm hành (tâm sở). Trong năm mươi tâm hành ấy, xúc và tư là nổi bật. Khi
các yếu tố nổi bật được đề cập, các tâm hành phối hợp còn lại của nhóm cũng đã
được bao gồm. Tại sao? Khi Đức Phật giảng giải về hành uẩn trong Bộ Phân Tích,
ngài chỉ nhấn mạnh đến tư (cetanā)
thôi vậy.
Sau
khi phân biệt phassapañcamaka vị tỳ-kheo
suy xét như vầy: ‘Nương vào cái gì nhóm năm pháp này (phassapañcamaka) phát sanh? Và vị ấy hiểu như sau: ‘Nhóm năm pháp
này khởi sanh do nương vào Vatthu (sắc vật).’
Vatthu
là gì? Vatthu (vật) là thân nghiệp sanh (karaja
kāya). Chú giải trích dẫn một đoạn từ Kinh Sa-Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta)
và Kinh Mahāsakuludāyī: ‘Thức này của ta
nương vào thân nghiệp sanh (vật), bị trói buộc với thân nghiệp sanh (vật).’
Thế nào là thân nghiệp sanh? Thân nghiệp sanh, trong bản chất thực sự của nó,
bao gồm tứ đại và các sắc chất phát sanh từ tứ đại. Các sắc chất này được gọi
là sắc y đại sanh hay sở tạo sắc. Tất cả có hai mươi tám loại sắc. Đây là sự giải
thích theo pháp môn kinh (Suttanta). Theo pháp môn này thì toàn bộ sắc tứ đại
và sắc y đại sanh được gọi là Vatthu (vật) hay thân nghiệp sanh. Tại sao? Vì
pháp môn kinh là nhằm tạo một sự hiểu biết thực tiễn. Ngược lại, pháp môn Vi-diệu-pháp
giải thích ý nghĩa một cách chính xác hơn. Theo Vi-diệu-pháp (Abhidhamma), nhãn
thức chỉ nương vào nhãn môn, hay nhãn tịnh sắc (cakkhupasāda) để khởi lên. Nhĩ
thức chỉ nương vào nhĩ môn, tỷ thức chỉ nương vào tỷ môn, thiệt thức chỉ nương
vào thiệt môn, thân thức chỉ nương vào thân môn để khởi lên. Ý thức giới
(manoviññāṇadhātu) và ý thức (mano viññāṇa) khởi lên dựa vào ý vật. Như vậy thức
tương ứng khởi lên chỉ nương vào vật tương ứng. Tuy nhiên, để phân biệt nhãn tịnh
sắc (nhãn môn), nhằm có trí kiến thực tiễn, quý vị cũng phải phân biệt sắc đồng
sanh của nó nữa, bởi vì nhãn tịnh sắc không thể sanh khởi một mình; mà nó sanh
khởi như một tổng hợp sắc (kalāpas). Nếu quý vị phân tích tổng hợp sắc (kalāpa)
này, quý vị có thể phân biệt được nhãn tịnh sắc một cách rõ ràng. Đối với các
môn còn lại quý vị cũng cần phải hiểu theo cách này.
Trong
một tổng hợp nhãn mười sắc (cakkhu-dasaka-kalāpa), có mười loại sắc. Địa đại,
thuỷ đại, hoả đại, phong đại, là những yếu tố chính. Màu, mùi, vị, dưỡng chất,
mạng căn và nhãn tịnh sắc là sắc phái sanh (sắc y đại sanh). Theo pháp môn kinh
(Suttanta), cả mười sắc này được gọi là vật hay căn. Theo pháp môn Vi-diệu-pháp
(Abhidhamma) thì chỉ nhãn tịnh sắc là nhãn căn, bởi vì nó là căn cứ duy nhất
cho nhãn thức (khởi lên). Đối với các môn và thức còn lại quý vị cũng cần phải
hiểu theo cách này.
Trong
con mắt (nhãn cầu) của quý vị, không chỉ có những tổng hợp nhãn mười sắc (đoàn
nhãn), mà cũng còn có các loại tổng hợp sắc (kalāpa) khác như tổng hợp thân mười
sắc (đoàn thân), tổng hợp tánh mười sắc (đoàn tánh) nữa. Tổng cộng có năm mươi
bốn loại sắc trong con mắt. Nếu quý vị kể luôn các tổng hợp mạng căn chín sắc
(mạng căn cửu sắc) vào đó thời có sáu mươi ba loại sắc. Quý vị phải phân biệt tất
cả những loại sắc này. Quý vị phải hiểu theo cách này đối với tất cả sáu môn.
Sáu
loại tiến trình tâm là danh. Sắc trong sáu môn là sắc uẩn. Như vậy chỉ có danh và sắc. Ở đây, vị tỳ-kheo thấy danh và sắc,
vị ấy nghĩ: ‘Sắc là sắc uẩn, Danh là bốn danh uẩn.’ Cả thảy có năm uẩn. Không
có năm uẩn tách biệt khỏi danh và sắc, cũng không có danh & sắc tách biệt khỏi năm uẩn. Khi
khám phá xem nhân của năm uẩn này là gì, vị tỳ-kheo thấy rằng chúng là do vô
minh, ái, thủ, hành và nghiệp tác thành. Từ đó trở đi vị tỳ-kheo sống với trí
hiểu biết ấy, nghĩ rằng năm uẩn chỉ là những gì do duyên hợp và được kể trong
những gì được tạo ra từ nhân duyên. Thực sự, nó chỉ là một đống các hành, một đống
các tiến trình thần tuý. Vị ấy phân biệt sắc và danh cùng với các nhân và duyên
của chúng là vô thường, khổ và vô ngã.
Sau
khi có được thời tiết thích hợp, một bậc thầy hướng dẫn tâm linh thích hợp, thức
ăn thích hợp và pháp thích hợp, vị tỳ-kheo mong muốn chứng ngộ đạt đến đỉnh cao
của minh sát (vipassanā) và đắc A-la-hán thánh quả. Với ba loại, đó là qua ngã
xúc, thọ và thức, đề tài thiền đưa đến A-la-hán thánh quả được giảng giải theo
cách này.
Thời
tiết thích hợp rất quan trọng. Nếu thời tiết quá nóng hay quá lạnh, sẽ không dễ
gì cho quý vị giữ vững được sự tập trung. Một bậc thầy hướng dẫn tâm linh thích
hợp cũng rất quan trọng. Nếu người thầy bị lầm lạc, đệ tử sẽ bị lầm lạc; nếu
người thầy chỉ đúng chánh đạo, đệ tử sẽ theo đúng chánh đạo. Thức ăn thích hợp
cũng quan trọng không kém trong thiền. Pháp thích hợp có nghĩa là thỉnh thoảng
quý vị nên nghe Pháp về Tứ Thánh Đế. Việc nghe này cũng rất quan trọng. Sau khi
đã có được bốn điều thích hợp này, nếu quý vị nỗ lực thực hành để phân biệt các
hành là vô thường, khổ và vô ngã, và khi minh sát trí (vipassanā ñāṇa) của quý
vị trở nên thành thục, quý vị có thể đắc các thánh đạo và thánh quả.
Để
phân biệt sắc chân đế, có hai cách, đó là thiền tứ đại theo cách tóm tắt và
theo cách chi tiết. Còn để phân biệt danh chân đế, có ba cách, đó là qua ngã
xúc, qua ngã thọ và qua ngã thức.
Nếu
quý vị phân biệt danh chân đế qua ngã thọ, quý vị không chỉ phân biệt một mình thọ
thôi, mà phải phân biệt các tâm hành phối hợp với nó nữa. Đây là quán thọ
(vedanānupassanā). Nếu quý vị phân biệt thức trước, quý vị cũng không chỉ phân
biệt một mình thức, mà phải phân biệt các tâm hành phối hợp với nó. Đây là quán
tâm (cittanupassanā). Và nếu quý vị phân biệt xúc trước, quý vị không chỉ phân
biệt một mình xúc mà cũng phải phân biệt các tâm hành phối hợp với nó. Đây là
quán pháp (dhammānupassanā). Như vậy, kể cả quán thân (kāyānupassanā), pháp
quán mà quý vị phải phân biệt trước, tổng cộng có bốn loại quán.
Tuy
nhiên ở đây, khi Đức Thế Tôn nói về đề tài thiền quán danh, ngài thường nói về
thọ. Đức Phật ít khi giải thích xúc hay thức, vì những đề tài thiền này thường
không rõ ràng đối với một số hành giả, mà chỉ nói về thọ. Tại sao? Bởi vì sự
sanh khởi của thọ rất rõ. Thực sự là vậy, sự sanh khởi của thọ lạc hay thọ khổ
luôn rõ ràng. Khi thọ lạc sanh và lan toả khắp toàn thân, nó khiến người ta phải
la lên: ‘Ôi, hạnh phúc làm sao!’ Nó
giống như ăn bơ tươi được làm mát trong nước lạnh một trăm lần sau khi đã làm
cho tan chảy đi tan chảy lại một trăm lần vậy. Hay giống như được mát-xa với loại
dầu êm dịu đáng giá cả trăm đồng. Hay giống như đang nóng sốt được làm mát với
một ngàn thùng nước lạnh vậy.
Khi
thọ khổ sanh và lan ra khắp toàn thân, nó làm cho người ta phải rên rỉ: ‘Ôi, sao mà đau đớn quá!’ Nó chẳng khác
gì đem áp một lưỡi cày nóng bỏng lên thân. Hay như bị tưới nước đồng sôi vào
người. Và nó cũng giống như phóng những bó bùi nhùi đang cháy vào đám cỏ hay
cây khô trong rừng vậy.
Trong
khi sự sanh khởi của thọ lạc và thọ khổ rõ ràng như vậy, thì sự sanh khởi của bất
khổ bất lạc thọ lại lờ mờ và không rõ.
Bất
khổ bất lạc thọ chỉ trở nên rõ ràng với một người nắm bắt nó đúng phương pháp.
Vị ấy nghĩ: ‘thọ trung tính hay bất khổ bất
lạc thọ khởi lên vào lúc biến mất của lạc và khổ, theo cách tương phản với sự dễ
chịu và khó chịu vậy’.
Nó
được so sánh với cái gì? Một người thợ săn đang lần theo những dấu chân của một
con nai mà thoắt cái đã leo lên một tảng đá bàn mất dấu. Người thợ sắn thấy những
dấu chân ở cả hai bên tảng đá, không thấy bất kỳ dấu vết nào ở giữa (tảng đá).
Nhờ suy luận ông ta hiểu: ‘Chỗ này con vật
leo lên, và chỗ này con vật leo xuống. Ở giữa, trên mặt đá bằng, nó đi qua phần
này.’
Giống
như những dấu chân ở chỗ leo lên được thấy rõ như thế nào, sự sanh khởi của thọ
lạc cũng trở nên rõ ràng như vậy. Giống như những dấu chân ở chỗ đi xuống được
thấy rõ như thế nào, sự sanh khởi của thọ khổ cũng trở nên rõ ràng như vậy. Giống
như sự nắm bắt nhờ suy luận phần con nai vượt qua tảng đá như thế nào, sự hiểu
biết bất khổ bất lạc thọ thoáng qua một cách có phương pháp cũng như vậy. Vị ấy
nghĩ: ‘Thọ trung tính, bất khổ bất lạc thọ
khởi lên vào lúc biến mất của thọ lạc và thọ khổ, theo cách tương phản với sự dễ
chịu và khó chịu.’
Theo
cách này, Đức Thế Tôn trước tiên giảng giải đề mục thiền về sắc, và sau đó chỉ
rõ đề mục thiền về danh theo cách quán thọ. Ngài rút thọ ra khỏi năm uẩn.
Thực
ra không chỉ ở đây Đức Thế Tôn mới chỉ rõ điều này. Trong các bản Kinh như Cūla Taṇhāsaṅkhaya Sutta (Tiểu Kinh Ái
Đoạn Tận), Cūla Vedalla Sutta (Tiểu
Kinh Phương Quảng), Mahā Vedalla Sutta
(Đại Kinh Phương Quảng), Raṭṭhapāla Sutta
(Kinh Raṭṭhapāla), Māgandiya Sutta,
Dhātuvibhaṅga Sutta (Kinh Giới Phân Biệt) vā Āneñjasappāya Sutta (Kinh Bất Động Lợi Ích) của Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya); và trong Mahā Nidāna Sutta (Kinh Đại Duyên), Sakkapañhā Sutta (Kinh Đế Thích Vấn Đạo)
của Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya);
trong Cūla Nidāna Sutta, Rukkhūpama Sutta
vā Parivīmaṁsana Sutta của Tương Ưng
Bộ Kinh (Saṁyutta Nikāya); và có thể
nói trong toàn bộ phần Tương Ưng Thọ (Vedanā
Saṁyutta) của Tương Ưng Bộ và trong nhiều bài Kinh khác Đức Phật đã chỉ rõ
đề tài thiền về danh theo cách quán thọ. Ngài rút thọ khỏi năm uẩn sau khi đã
giảng giải đề tài thiền về sắc trước.
Có
một cách hiểu khác về nhóm từ, ‘Ta cảm
giác một thọ lạc.’ Do sự vắng mặt của thọ khổ vào lúc (có) thọ lạc, vị ấy
tuệ tri: ‘Ta đang cảm giác một thọ lạc.’ Nhờ
biết việc cảm giác một thọ lạc là do sự vắng mặt của thọ khổ ngay lúc đó và do
sự vắng mặt của thọ lạc trước lúc hiện tại vị ấy hiểu thọ là vô thường. Nó được
gọi là một pháp không tồn tại lâu dài và luôn thay đổi. Khi vị ấy tuệ tri thọ lạc
như vậy, vị ấy đã hiểu thọ lạc một cách rõ ràng.
Chú
giải trích dẫn một đoạn từ Kinh Trường Trảo (Dīghanakha
Sutta), bài Kinh thứ bảy mươi bốn của Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya). Vì sao bài kinh này được gọi là Kinh Trường Trảo
(Dīghanakha Sutta)? Bởi vì Đức Phật dạy
bài kinh đó cho du sĩ ngoại đạo Dīghanakha, một người cháu của Tôn giả Xá Lợi
Phất. Vì sao ông ta lại được gọi là Trường Trảo? Có lẽ là vì ông có những cái
móng tay dài. Tuy nhiên tên tộc của ông là Aggivessana. Trong bài kinh này, trước
hết Đức Phật giảng giải thiền tứ đại theo cách tóm tắt. Sau đó, Đức Phật giảng
giải đề tài thiền về danh, bắt đầu từ việc phân biệt thọ. Có lẽ vì lý do đó mà
bài kinh cũng còn được gọi là Vedanāpariggaha
Sutta (Kinh Phân Biệt Thọ).
Trong
mùa an cư đầu tiên của Đức Phật chúng ta, ngài đã dạy thiền cho nhiều vị tỳ-kheo
và từ đó sáu mươi vị A-la-hán đã xuất hiện. Sau mùa an cư, Đức Phật đến thăm
khu rừng Uruvelā (Ưu lâu tần loa), nơi đây ngài từng hành khổ hạnh suốt sáu năm
trước khi giác ngộ. Tại đây Đức Phật đã dạy đạo cho Ưu lâu tần loa Ca Diếp
(Uruvelākassapa), Già da Ca Diếp (Gayākassapa), Na đề Ca Diếp (Nadīkassapa) và
một ngàn đệ tử của họ. Tất cả đều trở thành các bậc A-la-hán. Cùng đi với các vị
A-la-hán ấy, Đức Phật đến viếng thăm Rājagaha (Vương Xá) theo lời mời của đức
Vua Tần bà sa la (Bimbisāra).
Vào
lúc đó, Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vẫn còn là những du sĩ ngoại đạo.
Cả hai đang thực hành dưới sự hướng dẫn của Sañjayabelaṭṭhiputta. Hai tuần lễ
sau khi Đức Phật đến Vương Xá, một hôm Tôn giả Xá Lợi Phất gặp Tôn giả A Sà Chí
(Assaji), người được xem là trẻ tuổi nhất trong nhóm năm vị tỳ-kheo đầu tiên (tức
nhóm Kiều Trần Như). Tôn giả Xá Lợi Phất đã lắng nghe một bài kệ bốn câu nói về
Tứ Thánh Đế từ nơi ngài Assaji: ‘Các pháp
phát sinh do nhân, nhân ấy Như Lai đã nói. Và làm thế nào pháp ấy diệt, điều
này bậc Đại Sa Môn cũng đã nói.’ Sau khi nghe được hai vần kệ đầu, Tôn giả
Xá Lợi Phất trở thành một bậc thánh nhập lưu. Trở về nơi trú ngụ của mình, Tôn
giả lập lại bài kệ ấy cho Tôn giả Mục Kiền Liên. Sau khi nghe xong bài kệ, Tôn
giả Mục Kiền Liên cũng trở thành một bậc Nhập lưu nữa. Cả hai cùng với hai trăm
năm chục người đệ tử của mình đi đến Trúc Lâm Tịnh xá (Veḷuvana Vihāra) nơi đây Đức Phật lúc đó đang trú ngụ. Tất cả mọi
người trong nhóm đều trở thành ‘Thiện Lai Tỳ Kheo’ (ehi bhikkhus). Dịp này Đức Phật cũng đã dạy giáo lý Tứ thánh Đế
cho họ. Sau khi nghe xong bài Pháp, hai trăm năm mươi vị tỳ-kheo đệ tử trở
thành các bậc A-la-hán. Tuy nhiên Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên
vẫn chưa đắc A-la-hán thánh quả lúc đó.
Một
tuần lễ sau khi thọ giới, Tôn giả Mục Kiền Liên đắc A-la-hán thánh quả. Tôn giả
Xá Lợi Phất cũng hành minh sát (vipassanā) nhưng không đắc mãi cho tới nửa
tháng sau. Tôn giả đã hành như thế nào? Tôn giả chú trọng đến anupadadhamma vipassanā (Minh sát bất đoạn
pháp), tức quán danh & sắc chân đế
là vô thường, khổ và vô ngã theo tuần tự từng pháp một. Chẳng hạn, ngài nhập sơ
thiền. Trong sơ thiền có ba mươi bốn tâm hành, ngoại trừ sơ thiền tâm bi và tâm
hỷ, ở đây mỗi thiền chứng có ba mươi lăm tâm hành. Xuất khỏi sơ thiền, ngài
phân biệt ba mươi bốn tâm hành trong sơ thiền theo tuần tự từng tâm hành một.
Ngài quán thức là vô thường, rồi quán xúc là vô thường, rồi quán thọ là vô thường,…Trong
lúc quán như vậy, ngài thấy rõ các giai đoạn sanh, trú, và diệt của mỗi tâm
hành.
Chú
giải giải thích lý do tại sao Tôn giả Xá Lợi Phất có thể phân biệt được các
hành một cách rõ ràng như sau: ‘Bởi vì
ngài đã phân biệt danh cùng với căn (môn) và đối tượng của nó.’ Chẳng hạn,
nếu ngài muốn phân biệt các pháp thiền hơi thở (ānāpāna jhāna dhammas), sau khi xuất khỏi sơ thiền, trước tiên
ngài phân biệt bhavaṅga (hữu phần), ý môn. Rồi ngài phân biệt tợ tướng hơi thở (ānāpāna paṭibhāga nimitta). Khi ānāpāna
paṭibhāga nimitta xuất hiện trong ý môn, ngài mới bắt đầu phân biệt các pháp sơ
thiền theo tuần tự từng pháp một là vô thường, khổ và vô ngã. Theo cách này,
Tôn giả Xá Lợi Phất đã quán từ sơ thiền đến vô sở hữu xứ thiền (bậc thiền thứ
ba của bốn thiền vô sắc). Tuy nhiên, khi phân biệt các pháp thiền của phi tưởng
phi phi tưởng xứ ngài không thể phân biệt chúng theo tuần tự được, bởi vì các
pháp trong đó rất vi tế. Ngài chỉ quán chúng như một nhóm kể như vô thường, khổ
và vô ngã.
Ngài
đã hành thiền chỉ quán miên mật như vậy suốt nửa tháng. Rồi dần dần ngũ quyền
(năm căn tinh thần— tín, tấn, niệm, định và tuệ) của ngài trở nên thuần thục. Tại
sao? Bởi vì ngài đã có đủ Ba-la-mật (pāramī).
Ngài đã nhận được lời thọ ký xác định sẽ trở thành một vị thượng thủ đệ tử của
Đức Phật chúng ta từ nơi Đức Phật Anomadassī một A-tăng-kỳ (asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp trước. Trước khi Đức Phật
Anomadassī xuất hiện trên thế gian, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đã thực hành thiền
chỉ và thiền minh sát (vipassanā)
trong giáo pháp của các vị Phật trước để nhận được lời thọ ký xác định sẽ trở
thành một bậc thượng thủ đệ tử trong tương lai. Sau khi nhận được lời thọ ký,
trong một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, ngài cũng đã hành thiền chỉ và
minh sát (vipassanā) cho đến mức có
thể, và đắc tới hành xả trí.
Làm
sao chúng ta biết được điều này? Bởi vì ngài đã đắc A-la-hán thánh quả cùng với
tứ tuệ phân tích. Với một người đắc được như vậy, chắc hẳn họ đã có đủ bốn nhân
trong giáo pháp của Đức Phật trước. Trong số bốn nhân này có một nhân gọi là tiền nỗ lực (pubbayoga), có nghĩa là họ phải hành thiền minh sát (vipassanā) lên đến hành xả trí. Vì thế,
Tôn giả Xá Lợi Phất không những đã hành trong kiếp đó, mà ngài cũng còn hành
trong giáo pháp của các vị Phật trước nữa. Chúng ta không nên quên các ba-la-mật
quá khứ ấy. Trong kiếp cuối cũng vậy, ngài đã hành thiền chỉ và thiền minh sát
lên đến hành xả trí trở lại. Một hôm, vào ngày rằm tháng Hai, nửa tháng sau
ngày thọ giới, ngũ quyền của ngài trở nên thành thục.
Ngày
hôm ấy, sau bữa thọ trai, Đức Phật đi cùng với Tôn giả Xá Lợi Phất đến hang
Sūkarakhata nằm dưới chân núi Gijjhakūṭa. Ngay khi Đức Phật và Tôn giả vừa vào
ngồi trong hang, du sĩ Dīghanakha đi đến. Ông hỏi Đức Phật một câu hỏi về đoạn
kiến, một loại tà kiến ông đang chấp. Sau khi Đức Phật loại trừ đoạn kiến cho
ông xong, ngài dạy cho ông bài Kinh Phân Biệt Thọ (Vedanāpariggaha Sutta). Trước tiên Đức Phật giảng giải pháp hành
thiền quán sắc theo cách tóm tắt. Kế đến Đức Phật giảng giải về quán thọ.
Chú
giải trích dẫn một đoạn nói về quán thọ từ bài kinh ấy như sau:
‘Này Aggivessana, khi một
người cảm giác một lạc thọ, họ không cảm giác
khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Họ chỉ cảm giác lạc thọ trong khi ấy.
Khi một người cảm giác một khổ thọ, này Aggivessana, thời họ không cảm giác lạc
thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Họ chỉ cảm giác khổ thọ trong khi ấy. Khi một người
cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, thời họ không cảm giác lạc thọ hay khổ thọ. Họ
chỉ cảm giác bất khổ bất lạc thọ trong khi ấy.’
Tại
sao? Trong một sát na tâm, hai thức không thể sanh cùng nhau. Cũng vậy, hai loại
thọ, hai loại xúc, tư, tưởng…không thể sanh cùng nhau. Trong một sát na tâm, chỉ
một loại thọ, xúc, tưởng, tư, …sanh mà thôi. Do điều này, khi một thọ lạc có mặt,
thọ khổ hay thọ bất khổ bất lạc không thể sanh. Tương tự như vậy, trong một sát
na tâm, khi một thọ khổ sanh, thọ lạc hay thọ bất khổ bất lạc không thể sanh.
Khi một bất khổ bất lạc thọ sanh, thời thọ lạc hay thọ khổ cũng không thể sanh
trong lúc đó.
Trong
khi Đức Phật đang giảng giải pháp quán thọ, cả Tôn giả Xá Lợi Phất lẫn
Dīghanakha đều hiểu bài pháp ấy rất rõ. Làm thế nào họ có thể hiểu được? Trước
khi dạy quán thọ, Đức Phật đã giảng giải về thiền quán sắc trước. Vào lúc đó,
hai vị đã có thể phân biệt sắc chân đế một cách rõ ràng. Hơn nữa, khi Đức Phật
giảng giải về quán thọ, các vị cũng đã có thể phân biệt được các cảm thọ cùng với
các tâm hành phối hợp của chúng. Sao họ có thể hiểu được dễ dàng như vậy? Bởi
vì Tôn giả Xá Lợi Phất đã từng hành thiền chỉ và thiền minh sát (vipassanā)
trong các kiếp sống trước và cả trong kiếp đó nữa.
Ngài
đã đạt đến nhập lưu thánh đạo và nhập lưu thánh quả. Vì vậy ngài hiểu rằng một
cảm thọ không thể nào sanh một mình mà phải sanh cùng với các tâm hành phối hợp
của nó. Cháu ngài, Dīghanakha, cũng có đủ ba la mật để hiểu Pháp, bởi vì ông
thuộc hạng người quảng khai trí giả
(vipañcittaññū), tức người có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna) chỉ do nghe một
bài pháp đầy đủ, ở đây là Kinh Trường Trảo (Dīghanakha Sutta). Đó là lý do vì
sao họ có thể hiểu được bài giảng Pháp của Đức Phật.
Rồi
Đức Phật tiếp tục bài Pháp: ‘Thọ lạc, này
Aggivessana, là một pháp vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị huỷ
hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt.’
Ở
đây, khi Đức Phật dạy rằng thọ lạc là vô thường, chúng ta phải quán nó là vô
thường, khổ và vô ngã. Và khi Đức Phật dạy thọ lạc là hữu vi, do duyên sanh,
ngài muốn dạy tập khởi của thọ, nói cách khác, tập khởi của khổ. Vào lúc đó,
các vị có thể phân biệt duyên khởi và rồi quán danh sắc cùng với các nhân chủa
chúng là vô thường, khổ và vô ngã.
Kế,
Đức Phật tiếp tục bài Pháp: ‘Thọ khổ, này
Aggivessana, là một pháp vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị huỷ
hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Thọ bất khổ bất lạc, này Aggivessana, là một
pháp vô thường, hữu vi, do duyên sanh, bị đoạn diệt, bị huỷ hoại, bị suy tàn, bị
tiêu diệt.
Thấy như vậy, này
Aggivessana, vị đa văn thánh đệ tử xoay lưng (yểm ly) với thọ lạc cũng như vị ấy
xoay lưng với thọ khổ và thọ bất khổ bất lạc. Do xoay lưng (yểm ly), vị ấy
không có tham dục. Do không có tham dục, vị ấy được giải thoát. Khi đã giải
thoát, vị ấy biết rõ như vầy: ‘Ta đã được giải thoát khỏi tham ái. Với ta sanh
đã tận. Với ta Đời Phạm Hạnh đã được hoàn thành. Với ta việc cần phải làm đã
làm xong. Không còn tái sanh lại nữa.’
Cuối
bài pháp, Dīghanakha trở thành một vị nhập lưu và Tôn giả Xá Lợi Phất trở thành
một vị A-la-hán. Chú giải đề cập rằng (việc đắc thánh quả của) Tôn giả Xá Lợi
Phất giống như ăn phần ăn dọn cho người khác vậy, bởi vì ngài đắc A-la-hán
thánh quả trong lúc đang nghe bài Pháp dạy cho Dīghanakha.
Quý
vị có thể nghĩ rằng việc đắc A-la-hán thánh quả sao mà dễ thế. Nhưng quý vị đừng
nên nghĩ như vậy. Bởi vì Tôn giả Xá Lợi Phất đã hoàn thành các ba la mật của
ngài trong hơn một A-tăng-kỳ (Asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Hơn nữa,
trong kiếp đó ngài cũng đã hành thiền chỉ và thiền Minh Sát miên mật suốt nửa
tháng sau khi xuất gia cho đến khi minh sát trí và ngũ quyền của ngài trở nên
thành thục. Đức Phật biết rằng ngày hôm đó Tôn giả Xá Lợi Phất sẽ đạt đến
A-la-hán thánh quả, vì thế mà ngài đã cùng đi với tôn giả đến hang Sūkarakhata
để giảng giải bài Kinh Trường Trảo này.
Đến
đây có lẽ quý vị đã hiểu rằng trước tiên quý vị phải phân biệt sắc chân đế. Sau
đó quý vị phải phân biệt danh chân đế bắt đầu với thọ. Quý vị cũng phải phân biệt
các tiến trình tâm thuộc sáu môn. Trong những tiến trình tâm sáu môn ấy có những
tốc hành tâm thiện và tốc hành tâm bất thiện. Quý vị phải phân biệt cả hai loại
tốc hành tâm này.
Sau
khi đã phân biệt danh và sắc chân đế, quý vị sẽ tiếp tục hành như thế nào? Đức
Phật dạy:
‘Như vậy vị ấy sống
quán thọ như nội thọ, hay vị ấy sống quán thọ như ngoại thọ, hay vị ấy sống
quán thọ như nội và ngoại thọ.’
Trong
trường hợp này, quý vị phải phân biệt danh và sắc chân đế cả bên trong (tự
thân) lẫn bên ngoài, nhấn mạnh đến thọ. Rồi đến giai đoạn kế tiếp:
‘Vị ấy sống quán hiện
tượng sanh trong các thọ, hay vị ấy sống quán hiện tượng diệt trong các thọ,
hay vị ấy sống quán hiện tượng sanh và hiện tượng diệt trong các thọ.’
Ở
giai đoạn này, quý vị phải phân biệt sự sanh và diệt theo nhân duyên và trong
sát na. Khi quý vị đang phân biệt sự sanh và diệt theo nhân duyên, quý vị phải
phân biệt năm nhân quá khứ - vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hành
(saṅkhāra) và nghiệp (kamma). Cũng có các nhân hiện tại cho sắc uẩn. Ở một phần
trước tôi đã đề cập điều này nhưng chỉ một cách tóm tắt vì có rất nhiều sắc phải
được nói đến. Hôm nay tôi muốn giải thích thêm một ít về các nhân hiện tại cho
sắc. Chúng ta biết năm nhân quá khứ chỉ dành cho sắc nghiệp (sắc do nghiệp
sanh).
Với
sắc do tâm sanh thì thức là nhân. Với sắc do thời tiết sanh, hoả đại trong một
tổng hợp sắc (kalāpa) trước là nhân. Với sắc do vật thực sanh, dưỡng chất trong
tổng hợp sắc trước là nhân. Có hai loại danh uẩn, danh uẩn quả (resultant
mental aggregates) và danh uẩn phi quả (non-resultant mental aggregates). Các
danh uẩn phi quả bao gồm các pháp thiện, bất thiện và duy tác. Với các uẩn quả,
năm nhân quá khứ, đó là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hành (saṅkhāra)
và nghiệp (kamma), là nhân. Cũng có các nhân trong hiện tại, gọi là các nhân gần.
Các danh uẩn không thể sanh mà không có một căn (môn), vì thế căn cũng là một
nhân.
Các
danh uẩn không thể sanh mà không có một đối tượng, như vậy đối tượng cũng là một
nhân. Các danh uẩn không thể sanh mà không có xúc, vì vậy xúc cũng là một nhân.
Các danh uẩn không thể sanh mà không có sự tác ý, như vậy tác ý cũng là một
nhân. Và tuỳ theo từng tình huống, có thể có các nhân khác nữa. Vì thế đối với
các danh uẩn quả, quý vị phải phân biệt năm nhân quá khứ và các nhân hiện tại.
Còn với các danh uẩn phi quả, quý vị không cần phân biệt các nhân quá khứ mà chỉ
cần phân biệt các nhân hiện tại. Ở giai đoạn này, quý vị phải biết rằng do các
nhân sanh, năm thủ uẩn sanh.
Do
sự diệt hoàn toàn của các nhân, năm uẩn diệt hoàn toàn. Quý vị cần phải biết sự
sanh và diệt theo nhân duyên này. Kế đến quý vị cũng phải phân biệt để thấy rằng
ngay khi năm thủ uẩn và các nhân của chúng sanh chúng liền diệt. Đây là sự sanh
và diệt trong sát na. Quý vị phải phân biệt hai loại sanh và diệt nói trên. Rồi
đến giai đoạn kế:
‘Hay chánh niệm rằng:
“có thân đây” được thiết lập nơi vị ấy chỉ đến mức cần thiết cho chánh trí và
chánh niệm mà thôi.’
Giai
đoạn này bao gồm các mức độ minh sát trí cao hơn từ Hoại Diệt Trí (Bhaṅga Ñāṇa) đến Hành Xả Trí (saṅkhārupekkhā ñāṇa). Và đến
giai đoạn:
‘Vị ấy sống không nương
tựa, không chấp giữ bất cứ điều gì trong thế gian. Này các tỳ-kheo, đây là cách
một vị tỳ-kheo sống quán thọ là thọ.’
Nếu
quý vị quán năm thủ uẩn, nhấn mạnh thọ, một cách hệ thống, và khi minh sát trí
của quý vị trở nên thành thục, quý vị sẽ đạt đến các thánh đạo. Lúc đó, các
thánh đạo ấy sẽ huỷ diệt các phiền nào theo tuần tự từng giai đoạn. Nếu quý vị
đạt đến A-la-hán thán quả, quý vị sẽ sống không nương tựa, không còn chấp trước
điều gì trong thế gian của năm uẩn này nữa.
Đại Niệm Xứ Tường Giải
(Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Tôn Giả Āciṇṇa, Dhammācariya – Pháp Sư
Aggamahākammaṭṭhānācariya – Đại Trưởng Lão
Thiền Sư
Trưởng Ban Thiền Sư và Cố Vấn Thiền.