Friday, September 26, 2014

Tình Nghĩa Vợ Chồng



Tình Nghĩa Vợ Chồng

* NGUYÊN NHUNG 

Chẳng hiểu cơ duyên nào mà  Tường Vi lại có dịp phụ trách mục Tâm Tình cho một tạp chí, thế là từ đấy bao nhiêu thư từ như bướm lượn gửi về tòa soạn. Có những lá thư viết tay với những dòng chữ ngả nghiêng biểu tượng sự  gãy đổ của tâm hồn người viết, có thư viết qua email rất tiện lợi , nhanh chóng và thực dụng theo bước tiến  của tin học. Thì ra chuyện đời xem vậy mà đa dạng, mỗi một con người là triền miên những rối rắm cuộc đời ở nhiều cách khác nhau.

Nói chung, Tường Vi đều  rất vui và đôi khi bối rối vì những câu hỏi của bạn đọc, nhưng cuối cùng thì cô cũng cố gắng trả lời theo cách riêng của mình, chưa hề bị ai phàn nàn là " gỡ hoài mà gỡ chả xong, càng gỡ càng rối tơ lòng...thòng...thêm”.

Mới đây, Tường Vi nhận được lá thư của một độc giả tuổi tác chắc cũng đến lúc mùa Thu của cuộc đời, đọc thấy hay hay nên Tường Vi bèn ghi lại như một câu chuyện ngắn , gửi đến bạn đọc xa gần cùng thưởng thức. Lá thư viết như sau:
" Cô Tường Vi quý mến,
Trước hết, xin gửi lời thăm đến cô bạn thân mến của chúng tôi.
Khi đọc mục Tâm Tình của cô, thường vợ chồng tôi hay đùa với nhau, tui thì cho là cô Tường Vi vui tính, nói chuyện tâm tình lòng vòng để rồi trả lời huề vốn, cuối cùng thì mọi rắc rối đều bỏ qua một bên, vợ chồng có giận nhau , ghen hờn nhau, mọi khúc mắc nào rắc rối đến đâu cũng được cô khuyên giải nên  cuối cùng cũng vuốt bụng làm lành, dẫu bụng còn ấm ức chút chút. Vợ tui thì khác, bả nói sao hình như cô có cảm tình với phe đàn ông, hay có khi cô là "đực rựa" không chừng, nên vì thế đọc qua nhiều chuyện gỡ rối tơ lòng, cuối cùng thì đều khuyên giải các bà hãy tha thứ, thông cảm, xính xái cho gia đình vui vẻ, hạnh phúc, dù phe đàn ông có làm cho gia đình đau khổ, hoặc tính nết gàn gàn dở dở thì thôi cũng vì cái Nghĩa vợ chồng mà hòa nhau cho cơm lành canh ngọt.

Cám ơn cô nhiều lắm, hiện thân cho sứ giả của hòa bình đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình thế giới nữa đó. Phải chi mà những nhà lãnh đạo đang chỉ huy các cuộc chiến tranh, mời cô cố vấn được yên ổn cho nhân loại đỡ chết chóc, hận thù chắc quả đất này vui lên nhiều lắm đây. Tui thì không dám cho là bà xã tui đúng, vì nói vậy tội nghiệp cô, nhưng tui cũng có chút thắc mắc này mong là cô em gỡ giùm xem có gì lộn xộn không?

Từ trước đến giờ, khi còn trẻ cho đến nay đầu đã bạc, tui vẫn thường hay nghe người ta nói là hồi trẻ vợ chồng sống với nhau vì tình, đến già sống với nhau vì nghĩa. Tình yêu tuổi trẻ một thời xôn xao như ong vờn bướm lượn, từ từ "stop" lại để nhường cho thứ tình già đằm thắm hơn. Dĩ nhiên qua một thời gian dài sống chung, bao nhiêu cái xấu đẹp nó bày ra không dấu diếm được, nhưng nếu không nhờ cái nghĩa vợ chồng, con đùm cháu đề mà gắn bó với nhau, chỉ vì bổn phận và trách nhiệm mà hổng có tình thì chán chết.

Nhưng tui thấy nếu nói như vậy cũng có vẻ huề vốn , vì nghe như có gì cay đắng khi  mà ép bụng sống với nhau vì nghĩa, rồi coi đó là sự ràng buộc để đi cho hết đoạn đường trần. Tui thấy nó làm sao đó, đối với ai thì tui hổng biết, nhưng riêng tui nếu như nghe bà xã tui nói ra câu đó, chắc tui buồn chết đi được. Hay là chữ Nghĩa ở đây vẫn phải có chữ Tình đi đằng trước, bởi vì không có tình thì con người sẽ dửng dưng lãnh đạm với nhau, cuộc sống trở nên chán ngắt, vui gì mà sống, mà chịu đựng nhau đến hết đời được.

Cô Tường Vi nghĩ sao? Lần này thì cô ráng trả lời làm sao cho bà xã tui vui lòng nghe, vì bả bảo với tui rằng, nếu như tui nấu cơm ông ăn mà ông không cảm được cái tình của tui trong đó, thì thà ông ra tiệm ăn tô phở cho nó ấm lòng( nghĩa đen và nghĩa bóng) nữa nghe cô Tường Vi. Ý bả nói ở đây "Phở" có nghĩa là một người nào đó chứ không phải phở cô Tường Vi à, tui cũng sợ mấy bà lắm, họ nói dzậy mà hông phải dzậy, mà mình nói ra thì họ cũng suy ra thành hai , ba nghĩa để mà giận hờn, cay cú hoài đó cô ơi!

Dù sao đây chỉ là chuyện vui luận bàn về hai chữ Tình, Nghĩa, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì bà xã tui cũng có cái lý của bả, nghĩa là dù đến nay tóc bạc da mồi, bả vẫn muốn tui yêu bả bằng cái tình lãng mạn của tuổi trẻ, chứ không chịu chỉ vì cái nghĩa không đâu. Vậy mình phải làm sao để duy trì được cái tình cho đến lúc đầu gối lung lay hả cô Tường Vi quý mến?"

Sau đấy là lá thư Tường Vi trả lời ông H, dựa trên một chuyện hay quốc tế :
Ông H  thân kính
Đọc xong lá thư của ông, Tường Vi xuất mồ hôi hột, vì đề tài này xem ngắn gọn vậy mà rắc rối lắm đây.
Trả lời không đúng e có tội với cổ nhân đã lưu truyền trong dân gian " lời hay ý đẹp" mà mình lại xiên xẹo ý tưởng của người xưa. Vì  thế Tường Vi đã lục lọi trong đầu xem có câu chuyện nào hay hay, thay cho Tường Vi để thành một câu trả lời đến ông H. hay độc giả  bốn phương. Sau đây là thư trả lời của Tường Vi:
" Ông H. kính mến,
Đọc lá thư của ông, Tường Vi cảm thấy vui nhiều lắm. Thứ nhất  từ hồi nào đến giờ, Tường Vi rất muốn nghe được ý nghĩ trung thực của độc giả đối với Tường Vi trong mục gỡ rối tơ..lòng...thòng này.

Như đã thưa với quý độc giả từ trước, tâm tình của Tường Vi đến với quý vị không nhất thiết phải đúng hoặc sai, nó chỉ là lời tâm tình thủ thỉ để chúng ta cùng bàn cãi, tâm sự về một chuyện gì đó xảy đến cho một ai đó, tức nhiên xã hội có thiên hình vạn trạng, mỗi một gia đình lại là một cảnh khác nhau, nhưng xét chung thì nó vẫn tương đồng ở một điểm nào đó, để tự mình tìm một câu trả lời gần đúng nhất với hoàn cảnh của mình thôi.

Thực ra, biết bao nhiêu độc giả thầm lặng ôm mang tâm sự trong lòng mà không biết ngỏ cùng ai, cho nên vì lẽ đó mà các tạp chí hay tờ báo đều hay có người phụ trách mấy mục  tâm tình vui vui mà lại rất gần gũi này. Có người còn cho rằng tờ báo nào có mục giải đáp tơ lòng thường là báo Lá Cải, thuộc loại  bình dân dành cho đại chúng, những tạp chí giá trị thường chê cho là cải lương. Nhưng thưa với độc giả xa gần, cái vui cái buồn của đời người thường đến cho tất cả mọi người, chẳng chừa gì ai, Tường Vi thấy không thiếu những ông những bà thành công, thành danh, thành tài trên cuộc đời này vẫn đau khổ như thường, gia đạo vẫn lủng củng như ai, vậy có phải  đã là người thì mấy ai tránh khỏi hỉ, nộ, ái , ố , ai, lạc , dục phải không ông H. thân mến?

Bây giờ trở lại lá thư vui vui của ông. Trước hết ông cho Tường Vi được giải thích cái từ "gỡ rối" ở đây. Gỡ là gỡ cho xuôn xẻ, cho hết rối, cho gia đạo yên vui, cho tình yêu tươi đẹp, thì trách chi Tường Vi đang cố làm cái sứ mạng của mình để làm cho nó hết rối, cho câu chuyên buồn của mọi người có được một giải pháp ôn hòa nhất, dù rằng đôi khi nói như bà xã của ông H, Tường Vi  thấy mình cũng tào lao thiệt, gỡ mãi chưa xong mà còn bị người ta trách rằng sao lại có vẻ bênh bên này, bè phái  với bên kia.

Tuy nhiên, Tường Vi không giận hờn gì ông đâu nha, mà qua câu chuyện ông hỏi, Tường Vi thấy rằng từ ngàn xưa, ông cha mình cũng dùng cách giải quyết ôn hòa hơn là gây chiến tranh thù hận,  câu " chín bỏ làm mười" cũng nằm trong tinh thần thông cảm hay tha thứ, rồi qua nhiều câu ca dao, tục ngữ,  tinh thần hiếu hòa của dân tộc đã đi vào văn hóa và tâm hồn người Việt. Chẳng hạn một vấn đề rộng lớn như quốc gia, dân tộc thì đã có câu:
" Bầu ơi! Thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Tình gia tộc, anh em thì có:
" Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc, đỡ đần lấy nhau."
Cho tình nghĩa vợ chồng, giải quyết chuyện gia đình thì ý nhị dễ thương hơn:
" Chồng giận  thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì..."

Xét như thế thì Tường Vi đã áp dụng chính sách " đắc nhân tâm" của cổ nhân rồi, thích hòa bình mà không thích chiến tranh, vì chiến tranh chỉ mang đến sự đổ vỡ, tàn phá, chết chóc, chia ly mà thôi. Đối với phạm vi gia đình , xã hội thu hẹp trong mục Tâm Tình, Tường Vi cũng ao ước sao mỗi lời tâm tình của quý vị với  Tường Vi, sau đó đều mang đến cho gia đình quý vị một giải pháp tốt đẹp, hàn gắn những đổ vỡ, hiểu lầm nếu có, và khi thế giới này tràn ngập tình yêu là chúng ta sẽ có được hạnh phúc.

Bây giờ trở lại câu ông vừa hỏi, có lẽ vì gói ghém trong một câu quá ngắn gọn, để không nói hết ý được tại sao có một cái vế gồm hai câu " tình yêu và tình nghĩa". Dĩ nhiên hai chữ tình yêu dễ thương và lãng mạn hơn nhiều, nó nhắc mình nhớ đến những kỷ niệm đầu đời thật khó quên, nhưng hai chữ tình nghĩa thì nghe ra lại đậm đà, thắm thiết hơn nữa, nếu không thế sao bà nhà đã nửa đùa nửa thật mà khuyên ông đi ăn phở cho ấm bụng, thay vì ở nhà ăn bữa cơm nóng do bà nấu mà lại thiếu tình trong đó.

Tường Vi nhớ mình có đọc được một câu chuyện rất ý nghĩa nhưng không nhớ tác giả  là ai, hình như đây là một câu chuyện hay quốc tế ông  ạ. Trong câu chuyện kể một người đàn ông có chức vị, có học thức, thời hàn vi ông lập gia đình với một người phụ nữ gia cảnh tầm thường, nhưng bà rất chăm lo cho chồng từng miếng ăn giấc ngủ. Thuở ban đầu ấy chắc hẳn người đàn bà khiêm nhường kia cũng đem lại cho chồng niềm vui an bình của một đời sống bình lặng. Nhưng sau đó, vì là một người đàn ông thường xuyên phải đi ra ngoài xã hội, giao tiếp với nhiều tầng lớp khác, cho nên bỗng dưng có một ngày ông này cảm thấy chán vợ, chán người đàn bà mà đối với ông sao nó tầm thường, nhạt nhẽo quá,  lúc nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, trong bếp, chăm lo hầu hạ cho ông và những đứa con của họ.

. Ông thật xấu hổ khi có dịp  phải đi cùng vợ đến đám đông, vì bà ta ngoài tài nấu ăn, chu toàn bổn phận trong nhà lại chẳng biết nói năng cho duyên dáng, hay tỏ ra giỏi giang hoạt bát như những người phụ nữ mà ông ta có dịp gặp gỡ.
Cuối cùng thì người đàn ông quyết định bỏ vợ để lấy một người đàn bà khác, trẻ đẹp hơn, học thức hơn và ông cho rằng chỉ cô này mới mang đến cho ông sự hòa hợp từ thể xác đến tâm hồn. Đứng trước sự chia tay phụ phàng của người chồng, người đàn bà bé nhỏ kia đành chấp nhận cảnh kém cỏi của mình, bà lặng lẽ để chồng ra đi, ông ta thỉnh thoảng tới lui thăm con cái theo luật pháp quy định.

Thời gian trôi qua, sau vài năm chung sống với người vợ mới, ông chồng bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi làm sao! Cái hạnh phúc mà ông đang hưởng đây hình như không phải là điều ông mong mỏi, cái bóng sắc của người phụ nữ này bên đời ông chẳng đem đến cho ông ta sự mãn nguyện, những bữa cơm được người này nấu, hay những món "order" ở tiệm,  những bữa tiệc trong các nhà hàng sang trọng không tìm ra một món "canh rau biếc" mà hồi ông ở nhà, vẫn được người vợ cũ nấu cho ông ăn. Ông không biết bà vợ cũ đã nấu tô canh ấy như thế nào, bằng những thực phẩm nào để kết hợp được trong đó hương vị ngọt lịm tự nhiên lúc trưa hè, đê mê vị nồng đượm lúc trời Đông, nó làm ông mát ruột mát gan, nó thấm vào tì vị đến nỗi ông tự nhiên thèm được ăn lại tô canh rau biếc ấy.

Từ đấy, ông cảm thấy những món cao lương mĩ vị ông ăn hằng ngày chẳng có gì hấp dẫn, ngược lại  nó càng làm cho cơ thể của ông nặng nề hơn, ông ăn mà không thấy ngon nữa. Người vợ trẻ rất tinh ý, thấy vậy nên dò hỏi thì được ông cho biết hồi còn ở với người vợ cũ, ông được ăn một món canh rau biếc ngon như một bát sâm thượng hảo hạng mà không tìm được bất cứ ở nhà hàng nào, sao bỗng dưng bây giờ ông thèm quá. Cô ta vì tò mò, mà cũng vì tự ái nên bèn tìm tới bà vợ cũ của ông để hỏi về cách nấu món canh này cho ông ăn. Bà vợ cũ rất thật thà chỉ cho cô ta bí quyết để nấu món canh này, với bao nhiêu thứ thịt thà, rau củ rất cầu kỳ, phải hầm ra sao, phải chắt lọc như thế nào để cuối cùng chỉ còn lại một thứ nước dùng trong vắt mà ngọt lịm, không hề có bóng dáng của những gia vị chế biến bằng hóa học.  

Công thức này đòi hỏi người nội trợ phải mất nhiều thì giờ cho việc bếp núc, lại kết hợp với cái khéo léo của sự nêm nếm mới được món canh như vậy. Khi ra về, cô ta cố làm thử nhưng ông chồng ăn vẫn không thấy ngon, đến nỗi cô vợ này đã chán nản vì không đủ kiên nhẫn và thì giờ để thực hiện được tô canh rau như nhu cầu của người chồng khó tính này. Cuối cùng là cô đã bỏ ông ra đi...

Ông H  kính mến,
Chuyện đến đây mà kết thúc thì ông H. có thể cho Tường Vi một câu trả lời được không? Chắc chắn là ông H. sẽ cho người chồng trở về nhà với người vợ cũ, để được ăn lại tô "canh rau biếc " mà ông ấy thích phải không? Nếu như thế thì câu chuyện sẽ có một kết thúc rất "happy ending" cho ông kia và độc giả, sẽ không có mùi cải lương kiểu Tường Vi, sẽ đi đúng câu tục ngữ mà ông bà mình thường nói" Lá rụng về cội", có làm sao thì cái nghĩa vợ chồng cũng nặng hơn những thứ tình lơ tơ mơ bên ngoài tổ ấm.

Ông H. nghĩ  không sai đâu, ông chồng đi tìm hạnh phúc tuyệt đối kia đã trở về, và xin bà vợ cho ông ấy được ăn tô canh rau ngọt đậm đà TÌNH  NGHĨA  mà bao nhiêu năm ông ấy đã không được ăn. Khi mâm cơm dọn lên, bà vợ hiền lành kia đã chiều ý ông chồng để làm tô canh rau biếc, nhưng không hiểu sao ông ấy ăn mà không còn thấy ngon như ngày xưa, có phải ông ta đã bỏ phí một thời gian dài hạnh phúc để chạy theo một cái bóng hạnh phúc khác. Nhưng vốn là một người đàn ông hay thắc mắc, ông ta liền hỏi bà vợ:
" Sao bây giờ canh không ngon như ngày xưa, có phải vì tôi đã già mà không còn cảm thấy nó ngon như hồi còn trẻ?"

Bà vợ của ông trả lời với đôi mắt buồn rưng rưng , nhìn đăm đăm vào  một khoảng vắng, hình như không có bóng dáng ông ta ở trong đó:
" Bây giờ ông ăn canh mà không thấy ngon, cũng chỉ vì cái TÌNH của tôi đã hết."
Thưa ông H, thưa quý độc giả, chúng ta phải làm sao để cái tình còn mãi đến lúc bạc đầu, chứ không thể thiếu cái TÌNH trong cái NGHĨA, thì có khác nào ăn tô canh cũng bấy nhiêu thứ  mà lại chẳng thấy ngon. Tường Vi hy vọng rằng dù không phải là nhà văn, nhưng với tư cách của một người giữ mục tâm tình này, sẽ chuyên chở được trong đó những tín hiệu tốt đẹp để gửi đến mọi người, vì thế Tường Vi không dám coi thường cái việc trả lời tào lao của mình cho "huề vốn" đâu ông H  ạ.
Kính chào ông .
Tường Vi

Cuộc đời " thiên hình vạn trạng" vẫn qua đi như  bóng câu ngoài cửa sổ, những câu chuyện tâm tình nho nhỏ thường ngày có lẽ cũng chỉ để mua vui cho độc giả một vài phút giây. Nhưng đâu ai biết được Tường Vi đã phải tìm hiểu, suy nghĩ, vắt óc ra để mang đến cho bạn đọc của mình một câu trả lời hợp lý, hợp tình và cũng đòi hỏi sự bao dung, lòng vị tha, biết yêu thương để chan cho đầy những khiếm khuyết khổ đau, lấp đi những hố sâu thiếu sót để tha thứ mà yêu thương trở lại.

                                                NGUYÊN  NHUNG
                                                      
http://goo.gl/QiEqR  Google blogger  Sư Giới Tịnh đọc thêm nhiều tài liệu.
http://www.songthien.org    Địa chỉ trang WEB mp3 Sư Giới Tịnh…