Wednesday, March 16, 2016

Xao lãng

Sự tỉnh thức là một chức năng nhằm phá tan mọi nhiễu loạn, giống như một chuyên gia tháo ngòi nổ. Xao lãng thông thường được tháo gở dễ dàng: chỉ rọi ánh sáng tỉnh thức vào là chúng tan ngay. Xao lãng gây nên bởi thói quen huân tập cần sự kiên nhẫn của tỉnh thức (thời gian lâu và lập lại nhiều lần) mới cắt đứt được mối dây tham ái đã buộc chặt chúng vô tâm. Xao lãng chỉ là những cọp giấy. Tự chúng không có sức mạnh; chúng cần được nuôi dưỡng mới tồn tại. Nếu bạn không nuôi dưỡng chúng bằng sự sợ hãi, giận dữ và tham ái, chúng sẽ chết.

Bạn không cần hơn thua với xao lãng vì trong thiền, sự tỉnh thức mới là yếu tố quan trọng. Chức năng trọng yếu nhất của thiền là trau dồi tỉnh thức chớ không phải kiểm soát những gì xảy ra trong tâm. Nên nhớ rằng định chỉ là một công cụ. Trên quan điểm của tỉnh thức, không có cái gọi là xao lãng thật sự. Những gì dấy lên trong tâm đều được xem như cơ hội (đối tuợng thiền) để trưởng dưỡng sự tỉnh thức. Ví như bạn đã tùy tiện chọn hơi thở làm đối tượng chánh của thiền vậy. Nếu như bạn có thễ tỉnh giác về đối tượng là hơi thở thì bạn cũng có thể tỉnh giác về đối tượng là xao lãng. Bạn đã tỉnh giác được về sự an tĩnh của tâm và về sức mạnh của sự tập trung, thì bạn cũng có thể tỉnh giác về tình trạng yếu ớt của của sự tập trung và về sự đổ vở của tâm. Tất cả đều là tỉnh thức. Chỉ cần giữ lấy sự tỉnh thức ấy và sự tập trung sẽ đến tự nhiên.

Mục đích của thiền không phải là sự tập trung vào hơi thở liên tục và bất tận. Đó là một việc làm vô bổ. Mục đích của thiền không phải là để đạt một trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng và trong sáng bởi tự nó, nó không giải thoát bạn được dầu đó là một trạng thái tốt đẹp. Mục đích của tỉnh thức là đạt đuợc sự tỉnh thức không bị gián đoạn. Tỉnh thức và chỉ có tỉnh thức mới giải thoát bạn.

Xao lãng đến dưới nhiều hình thái và dạng thức khác nhau. Tâm lý Phật giáo chia chúng làm nhiều nhóm. Một nhóm có tên là triền cái (niravana) vì chúng có phận sự ngăn che sự phát triển của hai yếu tố thiền là sự tỉnh thức và sự tập trung. Cũng nên hiểu rõ triền cái có tánh tiêu cực nên bạn phải tìm mọi cách diệt trừ chúng. Diệt trừ không có nghĩa là bạn phải thúc ép, xa lánh hay kết tội chúng.

Hãy dùng tham ái làm một ví dụ để khảo sát triền cái. Bạn không muốn tham ái kéo dài bởi tình trạng ấy dẫn đến sự dính mắc và khổ đau. Nói vậy không có nghĩa rằng bạn sẽ vứt nó ra khỏi tâm bạn mà là bạn chỉ "khuyến khích" nó đừng ở lâu. Nó đã tự đến vậy bạn hãy để nó tự đi. Bạn ghi nhận cái tham đến bằng một cách đơn thuần chớ không phán đoán. Rồi bạn đứng lui ra, xem nó dấy lên từ lúc đầu đến lúc cuối. Bạn không giúp mà cũng không can dự vào. Nó ở bao nhiêu lâu thây kệ nó, và bạn quan sát được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bạn xem tham ái làm gì? Bạn xem nó gây cho bạn và cho người khác những phiền toái nào? Bạn ghi nhận việc nó làm sao khiến cho bạn bất toại nguyện thường xuyên và không nguôi? Kinh nghiệm này giúp bạn khẳng định rằng tham ái là một căn bản bất thiện của đời bạn. Sự khẳn định của bạn là một chứng nghiệm chớ không phải một suy đoán. Đó là sự thật.

Tất cả các triền cái phải được giải quyết như nói trên. Và bây giờ chúng ta hãy quan sát từng triền cái một.



                                                       -ooOoo-