Trong Tương Ưng
Kinh (Samyutta Nikaya) Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh hoạ sân hận như
sau:
‘Nếu có một bình
nước đun nóng trên lửa, nước sẽ sủi bọt và sôi lên, một người với thị lực bình
thường, nhìn vào bình nước ấy, không thể nhận ra và thấy được hình ảnh của
khuôn mặt mình một cách đúng đắn. Cũng tương tự như vậy, khi tâm một người bị
sân hận ám ảnh, bị sân hận áp đảo, họ không thể thấy được lối thoát khỏi sân
hận đã khởi lên một cách đúng đắn; từ đó họ cũng không thể hiểu và thấy một
cách đúng đắn lợi ích của mình, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi
ích của người, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của cả hai;
những bài pháp đã học thuộc lòng trước đây không đi vào tâm họ (không nhớ
được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.’
Trong Eka-Nipāta
của Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật nói như sau:
‘Này các Tỳ-kheo,
Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho sân chưa sanh,
sanh khởi, hay, sân đã sanh khiến cho mãnh liệt, tăng trưởng, như nét đáng chán
(đối ngại tướng).
Nơi người nào phi
lý tác ý đến nét đáng chán, sân hận chưa sanh sẽ sanh khởi, hay, sân hận đã
sảnhtở nên mãnh liệt, tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo,
Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn được sự sanh khởi của sân, nếu
chưa sanh, hay, nếu sân đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát
như vậy.
Nơi người nào như
lý tác ý đến từ tâm giải thoát thì sân, nếu chưa sanh, không sanh, hay, sân nếu
đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.’
Cũng trong Tăng
Chi Kinh (Anguttara Nikaya) bài pháp Vượt Qua Sân Hận được Đức Phật dạy như
sau:
‘Này các Tỳ-kheo,
có năm cách vượt qua sân hận. Bất luận khi nào sân hận khởi lên nơi một vị
Tỳ-kheo nó cần phải được vượt qua một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
‘Nếu lúc nào sân
hận khởi sanh nơi một người, trong người ấy từ phải được tu tập…trong người ấy
bi phải được tu tập…trong người ấy xả phải được tu tập…trong người ấy trạng
thái không nhớ (vô niệm) không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận cần phải được
tu tập…trong người ấy ý thức về sự kiện nghiệp (kamma) của một người là tài sản
riêng của người ấy phải được tu tập…Như vậy sân sẽ được vượt qua nơi người ấy.
Quả thực, đây là năm cách vượt qua sân hận. Ở đâu sân hận khởi lên nơi một vị
Tỳ-kheo, nó sẽ được vượt qua một cách hoàn toàn.’
Thường thường sân
có hai loại, đó là, sân hung hăng và sân trầm uất. Để chế ngự hay vượt qua loại
sân thứ nhất, tu tập tâm từ là pháp môn tốt nhất, bởi vì sân và từ là hai thái
cực và không thể cùng hiện hữu. Bởi lẽ trong một sát-na tâm chỉ một tâm duy
nhât có thể khởi lên, nên khi từ tâm có mặt sân tâm không thể khởi lên, và
ngược lại. Như vậy, khi quý vị có tâm từ, sân sẽ không thể nào sanh khởi. Nếu
quý vị thường xuyên trau dồi tâm từ, dần dần nó sẽ trở thành một phần nhân cách
của quý vị, và quý vị sẽ không thể nổi sân dễ dàng như trước nữa.
Ở đây tôi sẽ đưa
ra một thí dụ để giải thích pháp môn ‘trong người ấy trạng thái không nhớ nghĩ
(vô niệm) và không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận phải được tu tập’. Giả
sử, trong lúc đi trên đường quý vị nhìn thấy một đống phân hôi thối. Liệu quý
vị có cần phải hốt nó lên và bỏ vào túi, rồi nổi giận với mùi hôi thối của nó
và trách cứ tại sao nó lại làm bẩn áo quần của quý vị không? Tất nhiên điều đó
không cần. Quý vị chỉ việc đi ngang qua và hoàn toàn không cần phải để ý gì đến
nó. Tương tự, một ác nhân ngu si cũng giống như một đống phân hôi thối. Quý vị
không cần phải bận tâm đến anh ta để chuốc lấy phiền phức vốn không đem lại tốt
lành gì cho cả hai đàng. Quý vị nên tự hỏi mình như vầy: nổi giận có giúp ích
gì cho việc hành thiền không? Nếu có thì quý vị nên nổi giận. Song đó là chuyện
không thể. Vì thế cớ sao lại phải nổi giận?
Đối với loại sân
trầm uất vốn bao gồm tất cả các loại ưu sầu, buồn bã, than khóc, tuyệt vọng
(sầu, bi, khổ, ưu, não) v.v…quý vị cũng nên tác ý theo cách như trên. Tức là,
nếu sân này có lợi cho việc hành thiền, thời quý vị nên tu tập nó. Thực sự, nó
không lợi ích cho thiền mà chỉ có hại mà thôi. Như vậy, sao chúng ta lại ngu
ngốc đến độ để rơi vào tình trạng sân đã hoàn toàn không có lợi mà còn có hại
này chứ? Đức Phật, Tôn-giả Xá-lợi-phất, Tôn-giả Mục-kiền-liên, tất cả các vị
Thánh Alahán và Thánh Bất-lai không bao giờ ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt
vọng. Tại sao chúng ta không học những con người thánh thiện, trí tuệ ấy? Tóm
lại, ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt vọng thuộc về những kẻ yếu đuối, và nó
không đáng cho chúng ta tu tập vậy.
Lại nữa, chú giải
Tứ Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) nói rằng có sáu pháp lợi ích cho việc chế
ngự sân hận:
1. học cách thiền tâm từ;
2. dành hết nỗ lực cho việc hành thiền tâm
từ;
3. suy xét rằng ta là chủ nhân và kẻ thừa tự
của nghiệp (Kamma);
4. thường xuyên tác ý đến nó;
5. thiện bạn hữu;
6. nói chuyện thích hợp.