Sunday, March 13, 2016

Hôn trầm và thuỵ miên

    Trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh hoạ hôn trầm và thuỵ miên như sau:
‘Nếu có một lu nước, phủ trùm với rêu và thuỷ tảo, một người với thị lực bình thường, nhìn vào lu nước ấy, không thể nhận ra và thấy đúng hình ảnh của khuôn mặt mình. Cũng vậy, khi tâm bị ám ảnh bởi hôn trầm và thuỵ miên, bị áp đảo bởi hôn trầm và thuỵ miên, hành giả không thể thấy một cách đúng đắn lối thoát khỏi hôn trầm và thuỵ miên đã sanh; vì lý do đó hành giả không thể thấy và hiểu đúng lợi ích của bản thân, không thấy và hiểu đúng lợi ích của người khác, không thấy và hiểu đúng lợi ích của cả hai; những pháp hành giả đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.’

Trong Eka-Nipāta của Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật nói như thế này:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nàp khác có sức mạnh khiến cho hôn trầm và thuỵ miên chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như không hăng hái, lơ đãng, biếng nhác dài thây, buồn ngủ sau khi ăn và tâm trí thụ động.
Nơi người nào tâm trí thụ động, hôn trầm và thuỵ miên nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc nếu đã sanh, được mạnh mẽ và tăng trưởng.’

Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như yếu tố khơi dạy nghị lực của một người (tinh cần giới), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực (tinh tấn giới), yếu tố khơi dậy sự nỗ lực liên tục của một người (dõng mãnh giới).
Nơi người nào phấn dấu một cách đầy nghị lực, hôn trầm và thuỵ miên chưa sanh, sẽ không sanh, hoặc hôn trầm và thuỵ miên nếu đã sanh, được đoạn trừ.’
Chú giải Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā Satipaṭṭhāna Sutta) tuyên rằng có sáu pháp đưa đến sự đoạn trừ của hôn trầm và thuỵ miên:

1.       biết rằng ăn quá no là một nguyên nhân gây ra hôn trầm và thuỵ miên.
2.       thay dổi oai nghi;
3.       nghĩ về tưởng ánh sáng;
4.       ở nơi thoáng khí;
5.       bạn lành;
6.       nói chuyện thích hợp.

Những pháp sau cũng hữu ích trong việc khắc phục hôn trầm và thuỵ miên:

1.            Niệm sự chết

Như: ‘Hôm nay nhiệt tâm làm; ai biết chết (sẽ đến) ngày mai?’

2.            Tưởng Khổ trong Vô Thường

Như đã được nói trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya): ‘Nơi vị Tỳ-kheo quen thấy khổ trong vô thường và thường xuyên áp dụng pháp quán này, thời một ý thức thấm thía về sự nguy hiểm của lười biếng, dễ duôi, lơ đãng, thụ dộng và vô tư lự sẽ được thiết lập nơi vị ấy, như thể vị ấy đang bị đe doạ bởi một tên sát nhân với thanh kiếm đã rút ra vậy.’

3.            (Hoan) Hỷ

Như đã được nói trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) : ‘Khi tâm chậm chạp, không nhanh nhẹn, thì đó không phải là lúc thích hợp để tu tập các chi phần giác ngộ sau: tịnh giác chi, định giác chi và xả giác chi, bởi vì một cái tâm không nhanh nhẹn khó có thể được khơi dậy bằng các chi phần ấy vậy.

4.            Quán Tưởng về Cuộc Hành Trình Tâm linh

Như đã tuyên bố trong ThanhTịnh Đạo: ‘Ta phải bước đi trên con đường đó, con đường mà chư Phật, chư Phật Độc Giác và các bậc Thánh Đệ Tử đã đi; nhưng nếu là một con người biếng nhác thì không thể nào bước đi trên con đường đó được.

5.            Quán Tưởng về sự Vĩ Đại của Bậc Đạo Sư

Như đã tuyên bố trong Thanh tịnh Đạo: ‘Dốc hết tinh tấn lực đã được bậc Đaọ sư của ta khen ngợi, và trong sự chỉ dẫn và giúp đỡ đệ tử không có ai sánh bằng ngài. Ngài được tôn kính nhờ thực hành Pháp (Dhamma), chứ không gì khác.’

6.            Quán Tưởng về Sự Vĩ Đại của Di Sản Giáo Pháp

Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: ‘Ta phải trở thành người chủ sở hữu của Di Sản Vĩ Đại, gọi là Diệu Pháp này, Còn người lười biếng không thể nào nắm giữ Giáo Pháp.’

7.            Làm Thế Nào Để Khích Lệ Tâm


Như đã tuyên bố trong Thanh Tịnh Đạo: Hành giả khích lệ tâm như thế nào lúc  tâm cần sự khích lệ? Nếu do chậm chạp trong việc áp dụng trí tuệ hay do chưa đạt đến lạc của khinh an, tâm hành giả cùn nhụt không sắc bén, thì hành giả nên đánh thức nó bằng sự hồi tưởng lại tám đối tượng kích động (tâm). Tám đối tượng đó là: sanh, hoại, bệnh và chết; cái khổ trong các cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh…); cái khổ của sanh tử luân hồi trong quá khứ; cái khổ của sanh tử luân hồi trong tương lai; Cái khổ của hiện tại gốc ở việc phải tìm kiếm thức ăn.