Monday, March 28, 2016

Chánh Mạng.

 Chánh Mạng có nghĩa là chọn một phương thức sinh sống nào đừng làm tổn hại đến người khác; những nghề nghiệp nào không liên quan đến sự sát hại, trộm cắp hay lường gạt kẻ khác. Thông thường thì những nghề như buôn bán hay chế tạo vũ khí và rượu, săn bắn, đánh cá đều có làm tổn thương đến những sinh vật khác. Ðạo pháp không phải là ngồi yên một chỗ. Ngồi yên là một phương tiện hiệu quả để đạt đến trí tuệ và hiểu biết phải được thể hiện vào đời sống của chúng ta. Chánh mạng là một trong sự thể hiện đó. "Hãy bước đi thiêng liêng như những người da đỏ. Hãy biến sự sống của mình thành một nghệ thuật". Hãy làm những gì chúng ta làm với một thái độ cẩn trọng. Hãy làm với một ý niệm tỉnh thức.

Ba bước kế tiếp có liên quan đến sự tu tập thiền quán. Bước đầu tiên trong ba bước này lại là bước quan trọng nhất: Chánh Tinh Tấn. Thiếu sự cố gắng ta sẽ chẳng làm được gì. Trong Vi Diệu Pháp (Abhidharma) có nói: Tinh tấn, cố gắng là gốc rễ của mọi thành công, là nền móng của sự thành đạo. Nếu chúng ta muốn lên đến đỉnh núi mà chỉ biết ngồi mơ tưởng thôi, thì ngàn năm vẫn sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Bất cứ một hành trình nào cũng là một tập hợp của những sự cố gắng, dụng công: nhờ bước từng bước nhỏ mà ta lên đến đỉnh núi. Ramana Maharshi, một vị thánh của thời đại này ở Ấn Ðộ, viết: "Chưa ai có thể thành công mà không phải cố gắng. Tâm an lạc không phải là một tánh tự nhiên ta có khi mới sanh. Những ai thành công đều nhờ ở đức tính nhẫn nại của mình". Nhưng tinh tấn, cố gắng phải trong một mức độ quân bình. 

Bởi sự nóng nảy hay khẩn trương là những trở ngại lớn trên con đường tu tập. Năng lực phải được quân bình với sự tỉnh lặng. Nó cũng giống như khi ta lên dây đàn. Dây đàn lên cứng quá hay lỏng qua cũng không thể phát ra được đúng âm độ. Trong sự tu tập của ta cũng thế, chúng ta phải tinh tấn kiên trì nhưng với một tâm thoải mái và quân bình, cố gắng nhưng không đàn áp. Trong ta có ngàn hiện tượng đang chờ sự khám phá, tâm ta có muôn từng muôn lớp để tìm hiểu. Với sự tinh tấn, con đường tu tập của ta sẽ rộng mở. Không ai có thể cố gắng dùm ta được. Không ai có thể giác ngộ dùm ta được. Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết vấn đề cho ngài, chớ không giải quyết vấn đề cho ta... có chăng là chỉ cho ta một lối thoát. Mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi.

Chánh niệm là bước thứ bảy trên con đường Bát chánh. Chánh niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện. Tôi muốn nói chú ý đến những sự thay đổi, biến chuyển của mọi hiện tượng: khi đi, ý thức được những cử động của cơ thể; khi quán hơi thở, ý thức được cảm giác ra vào hay lên xuống; ý thức được sự có mặt của từng tư tưởng hay cảm giác. Như một thiền sư nào đó nói: "Khi anh đi, đi. Khi anh chạy, chạy. Ðiều trên hết là đừng có do dự". Bất cứ đối tượng là gì, bạn hãy ý thức được nó, nhưng đừng cố nắm bắt vì đó là tâm tham, cũng đừng xua đuổi vì đó là tâm sân, và cũng đừng lãng quên vì đó là tâm si. Hãy quan sát những biến chuyển cùng diễn biến của đối tượng. Một khi chánh niệm được phát triển đúng mức, tất cả sẽ trở nên nhịp nhàng và một ngày trở thành một điệu vũ. Chánh niệm sẽ đem lại cho tâm ta một sự thăng bằng và an tĩnh. Nó có khả năng giữ cho tâm ta được sắc bén, để ta có thể ngồi lại mà quan sát, theo dõi những hiện tượng xảy ra chung quanh như một vở tuồng.

Bước cuối cùng trên con đường lên đến đỉnh núi là Chánh Ðịnh. Chánh Ðịnh có nghĩa là có khả năng tập trung tâm ý, giữ cho tâm mình ở với một đối tượng duy nhất. Những ngày đầu tu tập, bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì chưa có nhiều định lực. Khi leo núi, chúng ta phải có ít nhất một sức khỏe cần thiết nào đó. Nếu không có đủ sức khỏe, lúc ban đầu ta sẽ dễ mệt và khó chịu. Nhưng dần dà khi cơ thể quen đi, ta cảm thấy khỏe khoắn và việc leo núi sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự tu tập thiền quán của ta cũng thế. Khi định lực khai triển, ta sẽ có khả năng sống trong hiện tại dễ dàng hơn. Những khó khăn lúc ban đầu sẽ không còn là một trở ngại nữa.

Nếu bạn đặt một nồi nước lên lò, rồi cứ vài phút lại mở nắp ra, chờ cho nước sôi cũng là lâu lắm. Nhưng nếu bạn đặt nồi lên lò, rồi để yên đừng đụng đến, thì nước sẽ chóng sôi lắm.

Các khóa tu thiền là những cơ hội quý báu giúp cho ta tập phát triển định lực và chánh niệm. Bằng sự tu tâp liên tục, mỗi giây phút được xây dựng bằng một công phu của giây phút trước, trong một thời gian ngắn tâm ta sẽ trở nên sắc bén và có khả năng soi thấu được chân tướng của sự vật.

Hành trình của chúng ta bao gồm sự sống hòa hợp với thế giới chung quanh và tìm hiểu lấy chính mình. Trong Mount Analogue có lời khuyên sau đây cho những ai đang đi trên con đường tỉnh thức: "Hãy giữ ánh mắt của mình trên con đường đi lên. Nhưng nhớ đừng quên nhìn những gì ngay trước mặt. Bước cuối cùng nương tựa vào bước đầu tiên. Ðừng nghĩ rằng bạn đã đến nơi chỉ vì bạn đã nhìn thấy đỉnh núi cao. Hãy cẩn thận chỗ bạn sẽ đặt chân. Bước tới cho vững vàng. Nhưng đừng vì vậy mà xao lãng mục tiêu cuối cùng. Bước đầu tiên nương tựa vào bước chót".

Sống vững vàng trong hiện tại, phát triển chánh niệm trong từng giây phút và vững tin nơi khả năng tự do của sự tỉnh thức. 

                                                   -ooOoo-