Khổ Đế là sự thật đơn thuần về kinh nghiệm
bất toại nguyện, bất mãn, khổ đau hay phiền não. Sự đau khổ này, tiếng Pali gọi
là dukkha, là điều mà chúng ta có thể thấy một cách trực tiếp. Trong chúng ta,
không ai mà không cảm nhận tình cảm thất vọng, khó chịu, bất mãn, hoài nghi, lo
sợ, hay tuyệt vọng một lúc nào đó trong đời mình. Khổ Đế có nghĩa là không có
gì là toàn thiện hoặc hoàn hảo trong đời dù cho bạn có tất cả những điều bạn
muốn. Đau khổ không nhất thiết nghĩa là mẹ bạn không yêu thương bạn, mọi người
đều ghét bỏ bạn và bạn bị nghèo túng, hiểu lầm, lợi dụng và bốc lột. Bạn có thể
được mọi người quý mến, cha mẹ thương yêu và đối xử tuyệt vời, có đầy đủ sắc
đẹp, của cải và tất cả sự may mắn mà người đời có thể có được. Nhưng bạn vẫn
không toại nguyện. Bạn vẫn cảm thấy có một cái gì đó không hoàn hảo, một cái gì
đó chưa toàn thiện, một cái gì đó chưa toại nguyện.
Không cần biết bạn có bao nhiêu của cải,
địa vị, ân sủng và may mắn trong cuộc đời, nội tâm bạn vẫn luôn có tình cảm
hoài nghi và tuyệt vọng. Vẫn luôn có quá trình già nua của thân xác; vẫn luôn
có bịnh tật và sự chết chóc trong tấm thân nầy. Và những vấn nạn siêu hình vẫn
dai dẳng ám ảnh: Tại sao tôi sinh ra trong cõi đời nầy? Những gì sẽ xảy ra khi
tôi chết? Chết là gì? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời: Tại
sao tôi được sinh ra? Những gì xảy ra khi tôi chết? Tôi sẽ lên thiên đàng hay
xuống địa ngục, hay sẽ hoàn toàn tịch diệt? Phải chăng tôi có một linh hồn bất
tử? Có phải tôi sẽ tái sinh thành con kiến hay con cóc? Tất cả chúng ta đều
muốn biết những gì xảy ra khi chúng ta chết. Có thể chúng ta sợ phải đương đầu
với sự thật nhưng vấn đề vẫn nằm đó và tiếp tục ám ảnh chúng ta.
Khổ Đế chỉ cho chúng ta thấy sự đau khổ
chung của loài người. Chúng ta đau khổ vì phải xa cách người mình yêu mến, gần
gũi người mình chán ghét, không được những gì mình mong muốn và phải chịu đựng
những thay đổi tự nhiên của cơ thể trong quá trình già, bịnh và chết. Đây là số
phận chung của con người mà chúng ta có thể quán tưởng. Vì thế Đức Phật dạy,
"Có một sự thật thánh thiện, đó là sự khổ đau (dukkha)." Với lời dạy
nầy, Ngài chỉ ra điều mà tất cả chúng ta đều có thể biết được ngay bây giờ. Ở
đây, vấn đề không phải là tin ở sự khổ đau mà là trực tiếp trải qua sự khổ đau,
nỗi cơ cực, đau đớn, sợ hãi và lo âu của chính bạn.
Xin hỏi có ai mà không bao giờ đau khổ
không? Làm sao chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm những khổ đau nầy chính là
con đường chứng ngộ tâm linh mà tôi muốn trình bày cùng các bạn. Bạn bắt đầu đi
trên con đường nầy bằng cách chứng nghiệm những gì bạn có thể chứng nghiệm. Lúc
đầu, bạn không nhắm đến mục tiêu Niết Bàn hay trạng thái Bất Tử; bạn không chọn
một quan điểm triết học hay siêu hình. Vì nếu phải chọn một quan điểm hay lập
trường nào đó, bạn sẽ nhìn mọi việc lệch lạc. Thí dụ, nếu tin ở Thượng Đế, bạn
sẽ thấy Thượng Đế có mặt ở tất cả mọi nơi, nhưng nếu không tin ở Thượng Đế, bạn
sẽ không thấy Thượng Đế ở bất cứ nơi nào. Bất kỳ tư thế nào, khi đã chọn, nó sẽ
luôn bóp méo cái nhìn của bạn và bạn sẽ diễn giải kinh nghiệm của mình qua cái
nhìn lệch lạc đó. Nhưng phương pháp của Đức Phật là, thay vì cho chúng ta một
tư thế, một lập trường để từ đó chúng ta nhìn mọi việc trên đời, Ngài chỉ cho
chúng ta thấy sự khổ đau, điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận biết trong cuộc
sống.
Tôi đã từng nghe một vài người nói rằng họ
chưa bao giờ đau khổ cả. Tôi thật kinh ngạc là họ có thể nói như vậy. Đối với
tôi, cuộc đời nầy luôn có quá nhiều đau khổ. Nói điều này không phải vì trong
đời tôi đã gặp nhiều bất hạnh lớn lao. Thật ra, tôi là một người rất may mắn.
Cha mẹ tôi đối xử rất tốt với tôi và tôi đã có nhiều thuận duyên trong đời;
Không ai đối xử tệ bạc hay nhục mạ tôi. Nhưng sống trên đời nầy tự nó là khổ.
Đó là dukkha. Dukkha là nỗi khổ gắn liền với cuộc sống. Chỉ việc được sanh ra
làm người tự nó là đau khổ. Nó là nỗi khổ gắn liền với đời người cho dù bạn có
tất cả và cuộc đời bạn là vô cùng tươi đẹp và sung sướng.
Trong chúng ta có vài bạn phải chịu nhiều
bất hạnh, như gia đình xung đột hoặc tan vỡ Trong trường hợp nầy, chúng ta có
lý do để than vãn rằng, " Người đó làm tôi đau khổ. Nếu người đó không có
mặt ở đây thì tôi sẽ được an vui." Chúng ta nghĩ là nếu xua đuổi được tất
cả những gì làm chúng ta đau khổ, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Nhưng sự đời
không phải như thế. Phần lớn những người tìm đến Đạo Phật ngày nay, trong mức
độ nào đó, là những người được nhiều ân sủng trong xã hội. Họ được giáo dục
tốt, có nhiều may mắn tạo nên tiền của và được đi du lịch nhiều nơi v.v… Nhưng
dù có nhiều tiện nghi, khoái lạc và may mắn, họ vẫn không toại nguyện.
Trước hết, dukkha hay sự đau khổ phải được
chứng ngộ, phải được thật sự cảm nhận trong tâm; nói khác đi, nó phải trở thành
một kinh nghiệm được nhận thức trọn vẹn và đầy đủ. Chúng ta đang sống trong một
điều kiện rất giới hạn, đó là tấm thân thế tục nầy. Một tấm thân dễ bị tác động
bởi khổ đau, dục lạc, và nhiệt độ nóng lạnh. Nó sẽ già nua và năm giác quan của
nó sẽ suy yếu dần; Nó sẽ bệnh và chết. Và tất cả chúng ta đều biết những điều
nầy và biết rằng cái chết đang chờ tất cả chúng ta. Cái chết đang có mặt tại
đây. Cái chết là điều mà con người không thích nghĩ đến hay tìm cách nhận diện.
Nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngày nào mà chúng ta vẫn không hiểu về luân
hồi sinh tử hay về những chu kỳ của sự sống và sự chết, ngày nào mà chúng ta
vẫn không hiểu chính chúng ta, và ngày nào mà chúng ta vẫn còn sống cuộc đời dễ
duôi và ích kỷ, chúng ta sẽ tiếp tục đau khổ. Khi đau khổ quá nhiều, chúng ta
sẽ giật mình tự hỏi, "Tại sao tôi đang đau khổ?" Đó cũng chính là lúc
mà chúng ta bắt đầu tỉnh ngộ.