Chánh
ngữ dạy cho ta cách tiếp xúc, liên hệ đến hoàn cảnh và những người chung quanh
ta. Chánh ngữ là một phương thức có khả năng giúp ta sống hòa hợp với thế giới
chung quanh, thiết lập một mối liên hệ hòa ái giữa ta và những người khác hay
thiên nhiên. Chánh ngữ là không nói những gì sai với sự thật, hoặc nói những
lời chia rẽ và căm thù; chỉ nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự
hiểu biết và hòa giải.
Có một câu chuyện
kể lại đức Phật, sau khi thành đạo, trở về gặp lại gia đình của ngài. Nhiều
người thân thuộc, bạn bè cảm phục bởi tư cách từ bi, tỉnh thức của Phật đã xin
để được quy y theo ngài. Trong số đó có Rahula, con trai của đức Phật. Lúc ấy
Phật có thuyết giảng một bài pháp tên là: "Lời khuyên cho Rahula".
Trong bài giảng này Phật dạy đứa con ruột của ngài, đừng vì bất cứ một lý do
nào mà phải nói những lời không chân thật, cho dù nó có đem lợi ích đến cho
mình hay bất cứ một ai. Sự trung thành của mình với sự thật là một điều tối quan
trọng. Nó giữ cho những liên hệ của mình với thế giới chung quanh được dễ dàng
và đở phúc tạp hơn. Thành thật trong lời nói sẽ dẫn đến cho sự thành thật với
chính mình. Trong thân và tâm của ta, có biết bao nhiêu chuyện mà ta hằng trốn
tránh: những đau đớn, bực dọc mà ta không bao giờ muốn nhắc đến. Nhưng như vậy
là ta đã không thành thật với chính mình. Chân thật trong lời nói là căn bản
cho sự chân thật trong tâm tưởng. Có thành thật với chính mình, ta mới có thể
cởi mở tâm mình ra. Và nhờ đó mà ta có thể nhận diện và đối trị với mọi trạng
thái bệnh hoạn của tâm hồn.
Trên
con đường đi lên là Chánh Nghiệp. Chánh Nghiệp có nghĩa là chọn một lối sống
chân chánh: không sát sanh, không làm cho người khác bị đau khổ; không trộm
cắp, không lấy những gì không phải là của mình; không tà dâm, cũng có nghĩa là
không vì những lòng ham muốn, tham dục thể xác mà làm khổ người khác.
Thường chúng ta ít
khi thấy được những hậu quả lâu dài gây ra bởi hành động của mình. Trong Mount
Analogue có một câu chuyện nói vể việc này:
Ðối với những
người leo núi, có một luật mà ai cũng phải tuân theo là khi lên đến một độ cao
nào đó, họ không được phép giết hại bất cứ một sinh vật nào. Họ phải mang theo
thực phẩm đầy đủ. Một hôm có một người leo lên quá độ cao ước định đó, nhưng
chẳng may anh ta bị kẹt trong một trận bảo tuyết. Trong liên tiếp ba ngày trời
anh sống trong một căn lều tạm bợ, không thực phẩm. Gió tuyết lạnh đông đá hết
mọi vật chung quanh. Ðến ngày thứ ba cơn bảo đi qua. Trong một lỗ hang nhỏ dưới
lớp tuyết, anh thấy có một con chuột già chun lên. Bụng đói vì ba ngày không
ăn, anh nghĩ không có hại gì khi giết con chuột già này để đở đói. Anh ta tìm
một cục đá và giết con chuột. Xong anh trở xuống núi, chẳng nghĩ gì đến con vật
mình vừa sát hại.
Cho đến một hôm anh bị đem ra xử trước toà, bởi những người
có phận sự bảo trì ngọn núi và những con đường mòn chung quanh. Anh bị xử về
tội sát hại con chuột, mà đến giờ này anh đã quên bẳng. Dường như hành động nhỏ
nhặt của anh lúc đó, giờ đã gây nên một tai họa. Con chuột già yếu mà anh giết
ngày đó, vì không đủ sức đuổi bắt những con côn trùng khỏe mạnh, nên nó sống
bằng cách tìm ăn những con côn trùng bệnh họan. Khi nó bị giết đi, dân số côn
trùng bệnh hoạn không còn được thiên nhiên kiểm soát nữa. Bệnh hoạn lan tràn
sang những côn trùng khỏe mạnh khác và dần dà cả loài bị tiêu diệt.
Những côn
trùng này từ lâu có trách nhiệm trong việc bón phân và truyền phấn hoa đến
những nhụy cái, cho các loài thực vật mọc trên sườn núi. Khi loài côn trùng
chết đi, những thực vật mất đi chất nuôi dưỡng và phương tiện truyền chủng, nên
chúng cũng tàn tạ theo. Từ bấy lâu nay, những thực vật mọc ở hai bên sườn núi
giúp giữ cho đất đá được liền lại với nhau. Giờ trơ trọi, sườn núi cũng bắt đầu
bị thời tiết ăn mòn. Cuối cùng, một trậm đất lở đã giết chết một số người leo
núi và ngăn trở con đường đi lên. Tất cả bắt đầu từ một hành động dường như vô
hại là giết một con chuột già yếu.