Ðể có thể tu tập
thiền định, điều dĩ nhiên là ta phải tự biết giải quyết các trở lực tinh thần
một cách hữu hiệu. Theo kinh điển Phật Giáo nguyên thủy, thì bản chất thâm tâm
mỗi người giống như một đầm nước và tâm điểm của thiền định là nhìn ngắm xuyên
suốt đáy sâu của đầm nước. Tham dục tức những ham muốn dục lạc, khoái cảm xuất
hiện trong nội tâm ta như một chất phẩm nhuộm đẹp mắt được đổ xuống đầm nước,
làm mất đi cái trong suốt mà ta cần đến để nhìn sâu vào đầm nước. Lòng Sân hận,
dù ở hình thức nào, cũng chẳng khác một đầm nước ngay dòng phún của một suối
nước nóng: sục sôi, cuồn cuộn. Nó cũng làm hạn chế tầm nhìn của chúng ta. Hôn
thụy thì được ví dụ như một lớp rong dày phủ đầy đầm nước. Phóng dật được ví dụ
bằng hình ảnh những cơn gió lốc xoáy, làm xao động mặt nước trên đầm và Hoài
nghi thì giống như chất bùn bị khuấy lên trong đầm nước. Với những tình trạng
đó của nội tâm, đầm nước thực tại coi như không thể được nhìn thấy tận đáy.
Phương thức trực
diện, xử lý các trở lực tinh thần ở đây, trước mắt, vẫn trên tinh thần nền tảng
là một sự tỉnh thức và hiểu biết kịp thời ngay khi chúng vừa lộ diện. Nhưng
bằng cách nào để thực hiện điều này? Vấn đề thực ra không đơn giản, dễ dàng.
Ðiều tất nhiên là hành giả không nên đối diện chúng bằng một tâm thái đè nén
khiêm cưỡng hay lo toan chật vật, bởi không khéo đó lại là một hình thức ngụy
trang khác của sân hận! Nhưng nếu vậy thì coi như chúng ta bó tay bất lực trước
chúng hay sao? Tuyệt nhiên không phải thế! Chúng ta không phải vật lộn xuẩn
động đối với các trở lực đó, nhưng lại tỉnh thức chuyển hóa chúng thành những
mảnh vụn thực tại để có thể nhìn ngắm kiểm soát.
Chúng thường mạnh
lắm, nhưng điều đó chẳng sao, thậm chí chúng càng mãnh liệt thì khuôn mặt thực
tại càng rõ nét thêm thôi, và như đã nói, càng có nhiều dịp trực diện thực tại
thì ta càng có nhiều cơ hội tuyệt vời để có nhiều bài học sinh động và quí giá
về các qui luật nhân quả, tam tướng trong mỗi hình thái vận động của thực tại.
Chỉ với một năng lực chánh niệm đúng mức ta sẽ thấy tất cả phiền não chỉ là một
vấn đề đơn giản. Hãy nhớ kỹ kinh nghiệm quan trọng này là đừng nông nổi đối đầu
các trở lực bằng thái độ xung đột. Nên hết sức bình đạm, tỉnh thức để lắng nghe
và học hỏi ở chúng. Sức mạnh ở các phiền não trở lực lúc này là thành ra một
lợi thế cho ta trong công phu thiền định và đồng thời ta cũng có luôn một lớp
học nội tại vô cùng quí báu trong cả đời sống thường nhật.
Phương án thứ hai
để xử lý các phiền não trở lực, đặc biệt và vào lúc chúng đang trở nên quá mãnh
liệt thì chúng ta lập tức huy động và vận dụng các thiện tâm vốn mang thuộc
tính đối lập với chúng như là một cách xử lý tương ứng. Nhờ vậy ta có thể làm
yếu đi sức mạnh của chúng, đồng thời tự tìm lấy cho mình một tâm thái tự do thông
qua sự độc lập đối với chúng. Chúng càng yếu dần thì khả năng tỉnh thức của
chúng ta cũng theo đó mà được trưởng dưỡng.
Phương án thứ ba,
thường chỉ có thể được thực hiện ở các thiền sinh già dặn, là đơn giản hóa tất
cả, mọi sự coi như pha. Với một trình độ định tỉnh kiên cố, khi các phiền não
trở lực xuất hiện, một chánh niệm hùng hậu sẽ xô đuổi chúng một cách nhẹ nhàng,
tế nhị như đối với những người khách mà mình không muốn tiếp. Thái độ xử lý này
tuyệt nhiên không hề mang một ý nghĩa ác cảm bồng bột nào mà chỉ là một chút
công việc thu vén, sửa sang để dọn chỗ cho một nội tâm thiền định. Trình độ tự
tại đó luôn được gắn liền với một khả năng thiền định cao cấp tương ứng và ở
đây những thiền sinh lão luyện không cần thiết có một lưu tâm cảnh giác nào đối
với các phiền não mà chỉ thản nhiên nhìn ngắm khi chúng đến. Thái độ xử lý này
không thể đem áp dụng ở một thiền sinh sơ cơ, bởi vì với trình độ non kém của
họ, tâm phong có vẻ thoải mái rất dễ dàng trở thành tình trạng bỏ ngõ nội tâm
hoặc một hình thức tâm lý nào đó bất lợi cho một chánh niệm nhìn ngắm.
Bây giờ thì chúng
ta hãy quay lại với những trình độ thiền định bình thường và phổ cập hơn. Trước
hết, bằng cách nào ta có thể thực hiện tốt những phương thức xử lý phiền não
như vừa trình bày trên đây, chẳng hạn chúng ta phải làm gì khi một lòng ham
muốn, Tham Dục, vừa xuất hiện? Chúng ta chỉ việc nhìn thẳng vào nội tâm mình và
đưa lòng ham muốn đó vào trong nhãn trường tỉnh thức, rồi đơn giản ghi nhận nó
"ham muốn, ham muốn!". Chúng ta có thể nhìn ngắm nó ngay trong lúc
đang quan sát hơi thở hoặc một cảm năng nào đó trong cơ thể mình. Nếu nó bất
chợt vùng dậy mãnh liệt thì hãy lập tức ra sức chú ý, nhìn ngắm nó kỷ lưỡng
hơn: Nó đang muốn gì? Nó có tác động gì đối với cảm giác sinh lý ta (nội tạng,
hơi thở, đôi mắt...)? Tác động cảm giác của nó đối với sinh lý ta có giống như
đối với nội tâm hay không? Ta bây giờ đang ra sao, ta đang phơi mở thoải mái
hay đang bị khép kín, buộc ràng?... Ðại khái cứ liên tục ghi nhận kịp thời mà
cũng thật đơn giản về từng phút giây có mặt của lòng ham muốn đó.
Bằng vào cái nhìn
chú mục và chuyên biệt này, ta sẽ học được rất nhiều về ảnh hưởng nguy hiểm của
lòng ham muốn ngay trong chính đời sống của mình cũng như thế giới xung quanh.
Chính nó đã tạo ra các cuộc chiến tranh đẫm máu, những thành kiến xung đột
nghiêm trọng trong xã hội đồng thời đọa đày chúng ta hầu như trọn cả kiếp sống.
Chúng ta có bao giờ biết ngồi lại để kiểm tra, trực nghiệm, quan sát một cách
sáng suốt về lòng ham muốn hay không? Chỉ cần có được những giây phút đó, chúng
ta sẽ thấy ngay rằng nó chính là cội nguồn cho tất cả những bức xúc trầm thống,
đau khổ của mình. Chúng ta có thể nhìn ngắm nó một cách vô hại và độc lập khi
nhận ra rằng thật sự nó luôn vô thường, rỗng tuếch. Lòng ham muốn cũng giống như
các phiền não khác ở chỗ là có lúc thô thiển, có khi tế vi nhỏ nhiệm. Và sự
nhìn ngắm của ta kỷ lưỡng bao nhiêu thì nó cũng càng rõ nét bấy nhiêu. Càng
nhìn ngắm nó, ta sẽ càng thấy nó phù du, chợt đến chợt đi chứ không còn là một
tường lũy trở lực như bấy lâu vẫn nghĩ nữa. Công phu quan sát lòng ham muốn sẽ
càng dễ dàng hơn khi ta biết tự đặt nội tâm mình ở một vị trí khách quan, mặc
dù thường thì nó có vẻ dễ nhận diện lắm. Một người như Oscard Wilder cũng còn
phải tự thú nhận: "Cái gì tôi cũng không sợ, chỉ trừ ra sự cám dỗ".
Lòng ham muốn có
một năng lực rất lớn, học được cách nhìn ngắm tinh tường điều này coi như ta đã
đi được một đoạn đường thiền định. Hầu hết trường hợp, chúng ta bị lòng ham
muốn chi phối một cách dễ dàng như vẫn tuân theo một lực quán tính hữu cơ.
Những hình thái biến tướng mang tính tập quán của chúng ta luôn được hình thành
từ nhiều con đường và sức tác động của chúng đối với đời sống mỗi người luôn
rất lớn. Nhưng có điều cần nhớ là chánh niệm về lòng ham muốn không hề là một thái
độ tâm lý ghét bỏ, ác cảm mà ngược lại chánh niệm ở đây là một thái độ tỉnh
thức để nhìn ngắm từng phút giây đến và đi của nó một cách bình thản và trong
sáng.