Saturday, March 5, 2016

Nói Chuyện Thích Hợp

    Trong Mahāsuññata Sutta của Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) Đức Phật nói:
‘Khi một vị Tỳ-kheo trú như vậy, nếu tâm vị ấy hướng đến nói chuyện, vị ấy quyết định như sau: “Sự nói chuyện như thế là thấp hèn, thông tục, thô tháo, đê tiện, không có lợi ích và nhất là không dẫn đến sự yếm ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, và Niếtbàn, đó là, nói về vua chúa, nói về phường trộm đạo, nói về quan lại, quân binh, những hiểm nguy, chiến trận, đồ ăn, đồ uống, y phục, giường nằm, vòng hoa, dầu thơm, quyến thuộc, xe cộ, làng mạc, tỉnh lỵ, đô thị, quốc gia, phụ nữ, anh hùng, đường sá, giếng nước, người chết, chuyện tầm phào, nguồn gốc của thế gian, nguồn gốc của biển cả, những chuyện có như vậy hay không có như vậy, ta sẽ không nói những chuyện như thế.” Theo cách này, vị ấy có sự tỉnh thức đầy đủ về việc nói.

‘Nhưng vị ấy quyết định: “Nói chuyện như thế liên quan đến sự thu thúc, có lợi cho tâm giải thoát, nhất là dẫn đến sự yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, và Niếtbàn, đó là, nói về thiểu dục (ít muốn), nói về tri túc (biết đủ), nói về độc cư, xa lánh quần tụ, khơi dậy tinh tấn, giới hạnh, định tâm, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến: nói chuyện như thế ta sẽ nói.” Theo cách này vị ấy có sự tỉnh thức đầy đủ về việc nói.’

Những Cách Khác
Trên đây là sáu pháp có lợi ích trong việc khắc phục tham dục. Ngoài sáu pháp ấy, chi thiền nhất tâm, niệm căn và niệm giác chi cũng lợi ích trong việc vượt qua tham dục nữa.
Để cho quý vị một ví dụ về cách phải tu tập chánh niệm như thế nào, Tôi sẽ trích dẫn một bài kinh khác từ Mahāvagga của Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya):
Một lần nọ Đức Thế Tôn trú giữa những người dân xứ Sumbha tại Sedaka, một thị tứ của người dân Sumbha. Ở đó Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
‘Này các Tỳ-kheo, ví như có một đám đông người tụ tập với nhau, la lên: “Ô, hoa hậu! Hoa hậu! Và nếu cô gái hoa hậu ấy còn có năng khiếu diễn xuất như ca và múa nữa, thời đám đông sẽ la lớn hơn: “Ô hoa hậu đang múa; hoa hậu đang hát!”

Rồi có một người , muốn sống không muốn chết, muốn lạc và chán ghét khổ đau. Mọi người nói với anh ta như sau: “Này anh kia, hãy nhìn đây! Đây là một cái bát dầu đầy lên tới miệng. Anh phải mang cái bát dầu này đi giữa đám đông người và cô gái hoa hậu. Một người với thanh kiếm giơ cao sẽ theo sau lưng anh, và tại chỗ nào anh làm đổ, dù chỉ một giọt, tại chỗ đó người ấy sẽ chặt đứt đầu anh!”

‘Bây giờ, các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo? Liệu người đàn ông đó, có không chú ý đến bát dầu, có dám gạt sự chánh niệm ra ngoài không?’
‘Chắc chắn là không, bạch Đức Thế Tôn.’
‘Phải, này các Tỳ-kheo, ví dụ này Ta đưa ra đây để làm rõ ý nghĩa. Và ý nghĩa của nó là như thế này: “Bát dầu đầy tới miệng, này các Tỳ-kheo, là một từ để chỉ niệm thân.

‘Do đó, này các Tỳ-kheo, các ông phải học tập như sau: “Chúng ta cần phải tu tập niệm thân, niệm thân phải được làm cho sung mãn, làm cho thành cỗ xe, làm cho thành mặt bằng. Niệm thân phải được làm cho có hiệu quả, làm cho khéo quen thuộc, và làm cho hoàn thành trong chúng ta.” Này các Tỳ-kheo, các ông phải học tập như vậy.’

Để chỉ cho quý vị thấy thêm tại sao chúng ta phải có sự chú niệm trong từng sát-na hay khoảnh khắc của cuộc sống, tôi sẽ trích dẫn Kinh Paduṭṭhacitta của bộ Itivuttaka ở đây Đức Phật nói như sau:
‘Ở đây, này các Tỳ-kheo, người kia có nội tâm đồi bại. Sau khi với tâm của ta xem xét tâm của người ấy, Ta biết rằng nếu người ấy chết lúc đó, người ấy sẽ rơi vào địa ngục. Lý do vì sao? Đó là vì nội tâm người ấy đồi bại. Chính vì nội tâm đồi bại mà một số chúng sinh ở đây (thế gian này), khi thân hoại mạng chung, sẽ tái sanh trong cõi khổ, ác thú, địa ngục.’

Tôi sẽ nêu ra đây cho quý vị một vài thí dụ để chứng minh bài Kinh trên. Giả sử một người nam thấy một người nữ đẹp và nghĩ, ‘Ồ, cô nàng này đẹp tuyệt! Đôi tay của cô ta thon thả làm sao! v.v… Và nếu anh ta chết ngay lúc đó, anh ta sẽ bị tái sanh vào một trong bốn ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và Atula). Tương tự, nếu một người nữ chết vào lúc khởi lên một ý nghĩ nhục dục do thấy một người nam, cô ta cũng sẽ phải tái sanh vào một trong bốn ác đạo như vậy. Bất cứ lúc nào, nếu một người chết vào lúc khởi lên một ý nghĩ bất thiện khởi lên, như ý nghĩ nhục dục hoặc ý nghĩ sân hận, chắc chắn người ấy sẽ phải tái sanh vào một trong bốn ác đạo. Quý vị thấy, ngay cả một ý nghĩ bất thiệncũng có sức mạnh như vậy, cũng khủng khiếp như vậy. Và chúng ta trong một ngày có nhiều ý nghĩ thiện hơn hay nhiều ý nghĩ bất thiện hơn? Thử nghĩ về điều đó xem. Tôi nghĩ chắc quý vị đã biết rằng Tôn-giả Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế (bát thiền ngũ thông), nhưng cuối cùng ông ta vẫn rơi vào Địa Ngục Atỳ (Avici) do ác nghiệp đã làm vậy. Còn hiện nay quý vị có bát thiền và ngũ thông không?


Như vậy, vì lợi ích của bản thân, mặc dù quý vị không thể có chánh niệm liên tục, song quý vị vẫn nên cố hết sức mình để giữ chánh niệm trong mọi lúc, dù khi đi, đứng, ngồi, hay nằm trong suốt cả ngày. Quý vị phải luôn luôn chánh niệm về hơi thở của mình, về tứ đại, về ba mươi hai thể trược, về đề mục kasina, về danh và sắc, hay về mười hai chi phần duyên sanh (thập nhị nhân duyên), tuỳ thuộc vào đề mục nào quý vị đang thực hành. Nếu quý vị thực hành liên tục theo cách này, thời do sức mạnh của sự lập đi lập lại chắc chắn định và chánh niệm của quý vị sẽ càng lúc càng mạnh hơn. Việc làm này cũng giống như nấu nước sôi. 

Nếu quý vị nấu một bình nước trong vài phút rồi ngưng để cho nó nguội trở lại. Lần thứ hai quý vị lại nấu nước trong vài phút rồi ngưng để cho nó nguội lại. Theo cách này, dù cho quý vị có nấu cả trăm lần hay ngàn lần, nước cũng không thể sôi được. Tuy nhiên, nếu quý vị nấu nước liên tục không ngừng, chẳng bao lâu nó sẽ sôi. Tương tự, nếu quý vị hành thiền trong vài tuần hay vài tháng rồi ngưng. Lần thứ hai quý vị cũng lại thực hành trong vài tuần hay vài tháng rồi ngưng, không tiếp tục công việc hành thiền của quý vị nữa. 

Hay nếu quý vị hành thiền trong lúc ngồi nhưng lại làm công việc gì khác giữa các thời ngồi, thì sẽ thất bại. Dù quý vị có thực hành như thế này suốt cả cuộc đời quý vị cũng không thể đạt đến một đạo quả nào được. Nhưng nếu quý vị thực hành liên tục với lòng tôn kính (pháp hành) trong nhiều tháng hay nhiều năm, thì rất có thể quý vị sẽ thành tựu cứu cánh. Nếu thực lòng quý vị ước muốn cho sự an vui hạnh phúc của mình, tôi nghĩ biết những gì phải làm.