Tập Đế hay Sự Thật Thánh Thiện Thứ Hai dạy
rằng Dukkha có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Tập Đế xem xét và ghi nhận kỷ
lưỡng và tường tận hơn sự khổ đau. Tập Đế cho rằng đau khổ là do duyên sinh,
hay nói khác đi, đau khổ có được là nhờ vào nhiều điều kiện. Đau khổ không phải
là một sự thật tuyệt đối. Đau khổ là một sự thật thánh thiện; và chúng ta cần
chú ý đến điểm khác biệt nầy. Chúng ta không nói là trên đời nầy, mọi vật đều
đau khổ, nhưng chúng ta nói là có nỗi khổ luôn gắn liền với cái thế gian mà
chúng ta đang sống và với những giới hạn của kiếp sống nầy. Khi nhìn khổ đau từ
góc cạnh nầy, chúng ta sẽ thấy được những giới hạn của chúng ta và những gì
chúng ta bị dính mắc và trói buộc cuộc đời của chúng ta trong đó.
Thân thể là một trong những sự vật mà chúng
ta bị dính mắc. Theo quy luật tự nhiên, sắc thân con người là cái được sinh ra,
lớn lên, già nua và chết. Nó không phải là của riêng ta, thế mà chúng ta vẫn
luôn xem nó là của riêng. Thí dụ, khi bạn nói không thích diện mạo của tôi, tôi
nghĩ ngay rằng, "Anh chàng nầy không thích khuôn mặt của tôi. Khuôn mặt
nầy chính là tôi đấy. Như vậy là anh ta không thích tôi rồi. Tôi rất bất mãn
anh ta về việc này." Nếu tôi đồng hóa sắc thân nầy với chính tôi, thì khi
có người mạ nhục nó, tôi sẽ buồn phiền. Nhưng nếu tôi nhận ra rằng sắc thân nầy
không phải là của tôi thì mặc kệ ai nói gì về khuôn mặt của tôi cũng không sao.
Khuôn mặt của tôi là như thế đó ngay ở thời điểm đó, nó giống như vậy, nó không
phải là cái gì của riêng tôi. Nó thuộc về thế giới tự nhiên, và theo quy luật
tự nhiên, nó sẽ già rồi chết. Khi chúng ta bớt đồng hóa với thân thể nầy, chúng
ta sẽ bớt gặp khó khăn với nó. Thân thể vốn dĩ có được là nhờ vào nhiều điều
kiện. Cứ để nó là nó, thế thôi.
Nếu có được cái nhìn như thế về thân thể,
chúng ta cũng sẽ bớt gặp khó khăn với những người chung quanh. Chúng ta thường
gặp khó khăn với người khác khi chúng ta mang cái nhìn "đây là tôi và kia
là bạn." Nếu không đồng ý với nhau về một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ cãi
vã với nhau dữ dội. Chúng ta bám chặt vào cái nhìn của mình về người khác và từ
đó cảm thấy thất vọng khi người khác không sống theo cái nhìn nầy. Trong đời
sống, chúng ta đã bao lần trải qua những quan hệ đầy ảo tưởng, chúng ta mong
mỏi và chờ đợi nhau rất nhiều để rồi hoàn toàn thất vọng? Chúng ta chờ đợi,
khao khát, rồi thất vọng, vì hầu như không ai trên đời nầy có thể làm cho chúng
ta hoàn toàn hạnh phúc và thỏa mãn. Nếu chúng ta quan hệ với cuộc đời theo cách
nầy, nghĩa là muốn người khác sống theo ý của mình, chắc chắn mọi người sẽ bằng
cách nầy hay cách khác làm chúng ta thất vọng. Và chúng ta cũng sẽ luôn thất
vọng với chính mình vì chúng ta sẽ không bao giờ trọn vẹn trở thành những gì mà
chúng ta mong ước.
Tập Đế khuyên chúng ta không nên để tâm đến
ý kiến hay quan điểm của mình về các sự vật mà nên ghi nhận sự bắt đầu hay sự
sinh khởi của các sự vật nầy. Chúng ta thường không nhìn thấy sự sinh khởi của
các sự vật. Khi ngắm nhìn một sự vật nào đó, chúng ta liền khởi tâm yêu thích
và chạy theo nó hoặc ghét bỏ và chống lại nó. Tuy nhiên, để thấy được sự sinh
khởi của sự vật, chúng ta phải thật sự tỉnh thức và chánh niệm. Và khi thấy
được rằng khổ đau có sự bắt đầu của nó hay là một cái gì do duyên sinh, chúng
ta sẽ đổi cái nhìn về chính sự khổ đau.
Tập Đế quán tưởng sự sinh khởi của khổ đau
bằng cách xem xét ba loại tham ái. Tiếng Pali gọi ba tham ái nầy là kama tanha
(ái dục), bhava tanha (ái hữu), vibhava tanha (ái vô hữu hay ái diệt). Kama
tanha hay ái dục là lòng tham đắm dục lạc, những thú vui thuộc về giác quan;
bhava tanha hay ái hữu là lòng ham muốn trở thành một cái gì đó, một nhân vật
nào đó và vibhava tanha hay ái vô hữu là ước muốn dứt bỏ hay hủy diệt một cái
gì đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể
thấy được cả ba loại tham ái nầy. Khi cảm thấy buồn chán, bạn liền đi tìm một
món gì đó để ăn, hay mở máy truyền hình để xem, hay uống một cái gì đó, hay gặp
một người nào đó để trò chuyện. Tất cả những hoạt động nầy thể hiện lòng tham
muốn những thú vui thuộc về giác quan hay ngũ dục. Nhưng sau khi đã nhàm chán
với ngũ dục, bạn có thể quay sang tìm cách cống hiến đời mình cho văn học bằng
cách trở thành một nhà văn nổi tiếng, cho việc nấu nướng bằng cách trở thành
một người đầu bếp tài ba, hay cho việc tu tập bằng cách trở thành một đấng giác
ngộ. Tất cả những mơ ước nầy là ái hữu, nghĩa là mong trở thành một cái gì đó.
Và khi nhàm chán với dục lạc, với sự thành đạt trên đời, bạn chỉ muốn chối bỏ
chính sự hiện hữu của bạn. Ngủ nhiều là một hình thức chìm đắm trong vibhava
tanha hay ái vô hữu, tức là muốn chối bỏ hay quên bẵng đi cuộc sống nầy. Nhưng
khi vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài, bạn lại bắt đầu mơ ước trở thành một
thành một cái gì đó hay được sống trong dục lạc và vì thế bạn lại tìm một cái
gì đó để ăn, để hút, để uống, để ngắm nhìn, để đọc, để suy tư, cho đến khi bạn
trở nên nhàm chán và tìm cách quên đi chính những kinh nghiệm nầy! Thưa bạn,
khi bị ám ảnh, kinh sợ hay giận dữ về một điều gì, có phải bạn tìm cách diệt
trừ ngay những tình cảm này? Bạn la hét với chính bạn, "Tánh tôi rất nóng
nảy. Tôi không chịu được nữa." Bất cứ lúc nào sân hận, ganh tỵ và sợ hãi
v.v… khởi lên trong tâm, bạn đều tìm cách trừ khử chúng. Đó chính là vibhava
tanha hay ái vô hữu, ái diệt, tức là ham muốn dứt trừ một trạng thái tâm mà bạn
không ưa thích.
Ba loại tham ái nầy là điều kiện sinh khởi
của khổ đau. Tập Đế dạy chúng ta rằng dính mắc vào tham ái là nguồn gốc hay
nguyên nhân của dukkha. Khi tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ thấy sự sinh
khởi của khổ đau, và cùng lúc đó, chúng ta sẽ thấy được sự dính mắc của chúng
ta với tham ái.
Nhưng cả ba loại tham ái nầy đều có sự bắt
đầu. Chúng sinh khởi, và do đó, không phải là những điều kiện thường hằng của
tâm thức; chúng không phải là sự thật tuyệt đối.