Friday, October 28, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 21 – Chủ Nhật 28/7/2009) + (07) Ân Đức SATTHĀDEVAMANUSSĀNAṂ:



                                                         CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 21 – Chủ Nhật 28/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
ÂN ĐỨC PHẬT BẢO (HỒNG ÂN PHẬT BẢO (tiếp theo)

Trong 9 Hồng Ân của Đức Phật:
Arahaṃ (1), Sammāsambuddho (2), Vijjācaranasampanno (3), Sugato (4), Lokavidū (5), Anuttaro purisadammasārathi (6), Satthādevamanussānaṃ(7), Buddho (8), Bhagavā (9).

+ (07) Ân Đức SATTHĀDEVAMANUSSĀNAṂ:

ÂN ĐỨC THIÊN NHÂN SƯ là Ân Đức Thứ Bảy:
Satthādevamanussānaṃ gồm có 3 từ Pāḷi ghép lại:

- Satthā: có nghĩa là (Đức Phật là) Thầy
- Deva: Chư Thiên (6 cõi Thiên, 20 cõi Phạm thiên)
- Manussānaṃ: (Của) loài người (gồm có cả vua của nhiều quốc độ).

Kết hợp 3 chữ trên có nghĩa là: Thầy của Chư Thiên, Chư Phạm Thiên và Nhân Loại, THIÊN NHÂN SƯ.

Trong cõi nhân gian, đứng đầu các nhóm người, đứng đầu các quốc độ là các vị vua. Trong các Thiên giới, đứng đầu là các vị Thiên Vương, trong các thế giới Phạm thiên, đứng đầu là các vị Đại Phạm Thiên Vương. Trong thế gian này làm thầy thiên hạ thì dễ, nhưng liệu có dễ làm thầy Chư Thiên chăng, việc này không dễ dàng phải không? Có bậc có thể làm thầy thiên hạ được, làm thầy của chư Thiên được, nhưng liệu có dễ làm thầy của cả Chư Đại Phạm Thiên chăng? Không dễ dàng phải không.

Đức Thế Tôn của chúng ta làm Thầy của rất nhiều vị thầy cả, vị quân sư của các vương tôn trong nhiều quốc độ, làm Thầy của Thiên Vương đứng đầu những Thiên giới, là Bậc Đạo Sư của các Đại Phạm Thiên Vương đứng đầu các Phạm Thiên giới. Nhiều như thế nào mà tôn vinh Ngài là THIÊN NHÂN SƯ, là thầy cả của chư Thiên và nhân loại? Rất nhiều: 24 Atăngkỳ và 100.000 koṭi vị trong đó bao gồm Nhân, Thiên hoặc Phạm Thiên[1] đã nhập vào dòng Thánh, chứng đắc được Dự Lưu Đạo-Quả, Nhất Lai Đạo-Quả, Bất Lai Đạo-Quả, và Alahán Đạo-Quả. Vì thế mà Đức Thế Tôn có Hồng Ân là THIÊN NHÂN SƯ vậy.    

Câu hỏi 57: Pháp môn niệm Phật A Di Đà để được vãng sanh tức là đề mục niệm Phật phải không thưa Sư? (Cô ĐMP)

Trả lời:
Đức Phật của chúng ta có rất nhiều Hồng danh: Đấng VÔ BIÊN (Ananta), ĐỨC PHẬT (Buddha), ĐỨC THẾ TÔN (Bhagavā), ĐỨC THẬP LỰC (Dasabala), ĐỨC ĐẠO SƯ (Satthā), ĐẤNG TOÀN GIÁC (Sabbaññū), ĐẤNG CHIẾN THẮNG (Jīna), NHƯ LAI (Tathagatā)… Khi niệm đến những hồng danh này là niệm tưởng cung kính đến Đức Phật. Khi thực hành niệm tưởng đến những hồng danh đó và hiểu được bằng ngôn ngữ của riêng mình, thì ấy chính là niệm Phật, chứ không phải niệm cái tên Adiđà (Amitābha) nào cả, còn có Uṃmaṇipaddhehuṃ nữa kìa[2].  

Nếu biết cách niệm, hiểu rõ việc mình đang làm, niệm bằng ngôn ngữ của mình và hiểu rõ ý nghĩa của Hồng Ân đó, và niệm bằng sự cung kính thì đó là Niệm Phật (Buddhānusati) vậy.

Liên quan đến vấn đề này, tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện:
- Đức Phật khi ngự tại núi Vedissaka (có những cây nabhe mọc lên xung quanh), trong động lúc bấy giờ có 500 vị Thánh Tăng đương ngự tại đấy để an trú 3 tháng mùa mưa.

Vào ban ngày Đức Phật cùng 500 vị Thánh Tăng rời khỏi động để trì bình khất thực. Đức Phật với đủ 6 quang sắc toả ra cùng với 500 vị Thánh Tăng diện mạo thanh tịnh thành đoàn rão bước. Có một con chim cú đang đậu trên cành cây ở phía trước đó nhìn thấy được như vậy, chim cú không biết những Hồng Danh của Đức Phật là gì, nó chỉ thấy Đức Thế Tôn với 32 Đại hảo tướng, với 80 vẻ đẹp phụ đầy đủ nơi Đức Phật và chư vị Trưởng Lão Thánh Tăng Alahán cao thượng thế thôi. Chim Cú tỏ lòng cung kính bay sà đến gần trước Đức Thế Tôn, mõ nó chúi về phía trước, 2 cánh thì quặp về phía sau xếp lại, nó đã cung kính lễ Phật như vậy. Một biểu hiện tự nhiên của loài động vật. Nó không thốt lên thành tiếng gì cả mà chỉ biểu hiện bằng thân của nó.

 Lúc đó Đức Phật Ngài mĩm cười. Ngài Ananda bèn hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Ngài mỉm cười?” “Này Ananda! Ông nhìn kia, Ông có thấy con chim cú đang đãnh lễ Như Lai ở đằng trước hay không? Khi con chim cú này chết đi, nó sẽ sanh làm một vị Thiên Nam ở cung trời Tam Thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa), thọ mạng dài một 100.000 Đại kiếp, không bao giờ bị đoạ sanh vào 4 ác đạo, luôn được thọ hưởng Thiên lạc. Kiếp cuối cùng sẽ là một vị Phật Độc Giác có tên là Somanassa đấy, ông biết không?  Niệm Phật công đức, phước lành lớn vô biên như vậy đấy, lớn tới mức nào? Chí ít 100.000 đại kiếp thọ hưởng những Thiên lạc, và kiếp cuối cùng thành tựu quả vị Phật Độc Giác. Nay con chim cú ấy vẫn còn đang ở trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên vậy.

Loài động vật, loài súc sanh bằng hành động tự nhiên của nó, đã đãnh lễ đến Đức Thế Tôn mà được Phước lành lớn như vậy. Loài súc sanh này không hiểu gì về ân đức Phật mà chỉ thể hiện cung kính Đức Phật tự nhiên như vậy mà lại được Phước lành lớn thay. Chúng ta, không chỉ bằng khẩu để nói niệm lên Ân Đức Phật không thôi, lại còn niệm tưởng đến ân đức ấy nơi tâm thì công đức phước lành lớn biết bao nhiêu phải không?

Câu hỏi 58:  Còn Pháp môn tụng kinh và trì chú thì thuộc đề mục nào Bạch Sư? (Cô ĐMP)

Trả lời: Tụng các bài kinh như Paritta, cũng là niệm Pháp (Dhammānussati).
Buddhānussati (Niệm Phật) như niệm: Arahaṃ (1), Sammāsambuddho (2), Vijjācaranasampanno (3), Sugato (4), Lokavidū (5), Anuttaro Purisadammasārathi (6), Satthādevamanussānaṃ (7), Buddho (8), Bhagavā (9) – Đây là niệm Phật.

Tụng kinh Paritta, tụng kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattanasutta), tụng kinh Đại Niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna), đó chính là niệm Pháp rồi.

Niệm 32 thể trược, niệm Buddhaṃ saraṇam gacchāmi,
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi,
Saṅghaṃ sāranaṃ gacchāmi, … đây cũng là niệm Pháp.

Trong 40 đề mục Thiền Định thì có 10 Đề mục Tuỳ niệm, nó thuộc 10 đề mục tuỳ niệm này.

Câu hỏi 59: Còn vấn đề ăn chay và ăn mặn (cô ĐMP)

Trả lời: Tỷ kheo, ông Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) đến yêu cầu Đức Phật thực hiện 5 điều sau:

1.    Một vị Tỳ khưu phải sống trong rừng, sống dưới những cội cây
2.    Một vị Tỳ Khưu phải sống nương nhờ vào việc khất thực
3.    Một vị Tỳ khưu phải mang y dơ nhặt từ đống rác, nhặt tại nghĩa địa (Y phấn tảo)
4.    Một vị tỳ khưu nên dùng vật thực không có sự sát hại (Ăn chay)
5.    Một vị tỷ kheo phải ở nghĩa địa (hạnh đầu đà nghĩa địa)

- Xin Đức Thế Tôn hãy chấp nhận thành giới điều cho các vị Tỷ kheo.” Ông ta đã trình lên Đức Phật như vậy.

Đức Phật trả lời: “Vị Tỳ kheo có thể thọ y phấn tảo nếu muốn. Vị ấy có thể ở tại nghĩa địa, có thể thọ nhận vật thực chay (không có sự sát hại), hoặc có thể đi khất thực.” Nói như vậy nghĩa là Đức Phật không đồng ý với Devadatta. Tại vì sao? Bởi vì các vị thọ đời xuất gia Tỷ kheo có được những quả lành của các phước nghiệp công đức trong các đời trước của họ. Vì đó là những phước nghiệp công đức mà họ đang thọ lãnh, Đức Phật không hề ngăn cản. Vì thế mà chúng ta nên tôn trọng vật thực của nam nữ tín thí.

Một vị Tỷ kheo có thể khất thực nếu muốn. Và như thế vật thực mà thí chủ dâng cúng dù chay hay mặn đều có thể thọ dụng được. Tỷ kheo có nghĩa là người dễ nuôi: cho gì thọ dụng nấy; được chi thì thọ nấy. Nên gọi là Yathālābha santosa (có được như thế nào thì bằng lòng như thế ấy, biết đủ với vật thực mình có, có chi dùng nấy). Chỉ ăn chay thôi, ăn mặn không được hoặc chỉ ăn mặn thôi, ăn chay không được… như vậy là người khó nuôi, làm khó khăn cho thí chủ.

Được gì thì dùng nấy. Người thọ nhận vật thực như thế không lỗi lầm gì. Vì vậy mà khi Devadatta cầu xin Đức Phật 5 điều trên, Ngài không chấp nhận. Việc dùng chay không thấy Đức Phật chế định thành điều luật. Nam nữ thí chủ dâng cúng đến vị Tỷ kheo, được gì thì thọ nhận nấy. Đấy là điều Đức Phật cho phép. Vì thế mà việc thọ nhận chay hay mặn không có lỗi lầm gì.

Sādhu!Sādhu!Lành thay.

(Dứt buổi thứ 21)



[1] - 100.000 koṭi = mười ngàn tỷ; 1 A-tăng-kỳ (Asaṅkheyya) là một đơn vị tính = 10140.
[2] - Miến Điện là một quốc độ mà Phật Giáo Theravāda hầu như đa số. Việc học hiểu Tam Tạng Kinh Điển bằng ngôn ngữ Pāḷi là chủ yếu. Người dịch cũng đã thử tra cứu trong chương trình Tam Tạng Kinh Điển Pāli (Chaṭṭhasangāyana phiên bản 4) để tìm xem chữ Adiđà (Amitābha hoặc Amitabbha ) có xuất hiện trong Kinh nào trong Tam Tạng Kinh Điển thì tìm không thấy. - Quý vị có thể tìm hiểu quan điểm “Tịnh Độ” trong Phật Giáo Theravāda, xin tìm đọc cuốn “Biết và Thấy” trang 436 - Của Ngài Đại Lão Hoà thượng Thiền Sư U Acinna (Viện Chủ Thiền Lâm Viện Pa-Auk) - Đại Đức Pháp Thông dịch Việt, hoặc có thể tìm đọc cuốn “Knowing and Seeing” (lần xuất bản mới nhất) – Trang 235, (lần xuất bản cũ trang 284)). (còn ở trang kế >)
Riêng Chữ UM (hay chữ Om) = Về ngữ pháp Pāḷi (âm Om là sự kết hợp của A+U+Ṃ (có nghĩa là Kính lễ (đến)+Maṇipaddhehuṃ (ommanipadmehum) - (đãnh xương trán của Đức Phật như vương miệng bằng ngọc Maṇi – Niệm như vậy cũng là một cách niệm tưởng Đức Phật mà thôi. Ngài Thiền Sư giải thích.)