Tuesday, October 18, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 11 – Thứ Bảy 18/7/2009) Bạch Ngài, trong câu trả lời trước đây, Mẹ của Đức Bồ tát lúc cưu mang Ngài – Bà nhìn thấy được hình hài của hài nhi



CHÙA TAM BẢO
                                                   323 Phan Chu Trinh                                        
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 11 – Thứ Bảy 18/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar  
          

Câu hỏi 33: Bạch Ngài, trong câu trả lời trước đây, Mẹ của Đức Bồ tát lúc cưu mang Ngài – Bà nhìn thấy được hình hài của hài nhi, đấy có phải là do oai lực của Đức Bồ tát hay là do khả năng của Hoàng hậu? (Tn Minh Duyên)

Trả Lời: Đức Bồ tát, Đức Chuyển Luân Vương có oai lực, quyền uy khắp 4 Châu Thiên hạ, khi ở trong thai bào, hoàng hậu biết được rất rõ ràng. Hoàng hậu cử động, đi lại, đứng lên, ngồi xuống, nằm nghỉ… đều thận trọng giữ gìn sự nhẹ nhàng, an ổn. Cũng giống như vậy, những vị hành giả chúng ta cũng nổ lực để bảo vệ quang tướng đừng để mất đi ngay cả trong khi đi lại, đứng lên, ngồi xuống…

          Hoàng hậu nhìn thấy được Đức Bồ Tát là nhờ Oai lực Tam Thập Balamật của Đức Bồ tát trong 4 A-tăng-kỳ 100 000 đại kiếp. (Giống như viên ngọc lành lặn, cực kì sáng rõ quý báu khiến người ta nhìn thấy rõ ràng nên phải để ý đến và giữ gìn vậy).


Câu hỏi 34: Xin Ngài giải thích, Sự khác nhau giữa Sati (niệm) và sampajañña (tỉnh giác)? (Tn Minh Duyên)

Trả lời:
Sati đơn giản có nghĩa là sự chú ý, còn Sampajañña có nghĩa là tỉnh giác ghi nhận. Satisampajañña nghĩa là Niệm tỉnh giác, chú ý ghi nhận bằng trí.

Đối với Niệm hơi thở, Biết hơi thở vào-hơi thở ra: là Niệm (Sati).

Biết HTV dài, biết HTR ngắn; biết chặng đầu - chặng cuối của mỗi HTV-HTR; Biết hơi thở rõ ràng; biết hơi thở vi tế. Biết và ghi nhận như vậy gọi là tỉnh giác (Sampajañña).  
       

Câu hỏi 35: Khi hơi thở đã trở nên vi tế, con nên chờ hơi thở tại điểm hơi thở thường xúc chạm hay lại bắt đầu với hơi thở Dài - ngắn? (Cô Phượng)

Trả lời:
Nên chờ hơi thở tại chỗ hơi thở thường xúc chạm.
Phuṭṭhaphuṭṭhokāse pana satiṃ ṭhapetvā bhāventasseva bhāvanā sampajjati.
(Visuddhimagga 1/ Paṭisambhidāmagga-Aṭṭhakathā)

Phuṭṭhaphuṭṭhokāse:      - Ở nơi HTV-HTR xúc chạm
pana satiṃ                      - Niệm, chú ý
ṭhapetvā                         - (sau khi) giữ, đặt, để
bhāventasseva                - (Bhāventassa+eva) đối với những vị thực hành thiền (tiến đạt) bhāvanā                         - Ānāpāṇakammaṭṭhāna, Thiền Niệm Hơi thở (thiền tiến đạt) sampajjati                              - thành công.

Dịch nghĩa:
Đối với những vị hành giả, niệm hơi thở thành công sau khi đặt niệm (sati) chú ý đến hơi thở ở nơi hơi thở xúc chạm.

(Thanh Tịnh Đạo - tập 1/ Chú giải Vô Ngại Giải Đạo)

Câu hỏi 36: Bạch Ngài, Trong Ca dao Việt nam có câu:
Dựng Chùa, tô tượng, đúc chuông
Đó là những việc thế gian nên làm.

          Nếu so sánh công đức trên với công đức của người hành thiền thì như thế nào?

(Cô Nguyễn thị Hồng)
Trả lời:
Phước Báu của người hành thiền, thuộc về dhammadāna (bố thí pháp). Quả của việc bố thí Pháp này trổ sanh bao nhiêu, phước báu vô lượng ấy không thể đếm được. Từ phía bên dưới của vũ trụ này…. lên đến các cõi trời Phạm thiên, chỗ nào cũng có mặt đầy đủ tất cả các vị Phật, đầy đủ các vị Alahán, nếu cứ mỗi vị như vậy được dâng cúng 1 bộ y. Ta có thể hình dung phước báu này lớn như thế nào? Nhưng Phước báu do việc bố thí Pháp, nghe pháp, hành thiền, ấn tống kinh điển, (thuộc Bố thí Pháp)… Phước báu này gấp 256 lần phước báu trên nữa.

Vậy quý vị có thể hình dung được Phước lành, công đức của người hành thiền lớn biết bao nhiêu mà kể phải không?

Hỏi thêm: Một vị hành giả chưa đạt được gì cả, thì phước báu, công đức có lớn không?

Trả lời: Người nổ lực hành thiền phước báu không kể xiết. Phước báu đạt được của người hành thiền, trong 1 lần khẩy ngón tay, búng ngón tay có 100000 Koṭi (100 000 000 000 000) (1trăm ngàn tỷ) đổng lực tâm thiện sinh khởi (javana). Nếu quý vị thực hành được 1 phút thì?

          Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti. (Pháp thí thắng mọi thí).


Câu hỏi 37: Người nổ lực hành thiền thành tựu được bao nhiêu Balamật? (Tn Minh Duyên)

Trả lời:
Nổ lực hành thiền thành tựu được cả 10 Balamật.

1.    Dānapāramī (Bố thí balamật): người thực hành xả thân vì muốn thực hành thiền, đây gọi là bố thí balamật.

2.    Sīlapāramī (Giơí Balamật): Vì trong lúc hành thiền, 5 giới, 8 giới, 10 giới của quý hành giả không thể bị gãy hõng (vi phạm) -  Giới Balamật.


3.    Nekkhamapāramī (Xuất gia balamật, viễn li balamật): Trong lúc hành thiền, vị hành giả thoát li được các tâm bất thiện, các phiền não), - thành tựu Xuất gia balamật trong lúc thực hành thiền.

4.    Paññāpāramī (Tuệ Balamật): Thực hành thiền, vì vị ấy quán được Tam tướng: KHỔ-VÔ-THƯỜNG-VÔ NGÃ của Danh-Sắc trong việc thực hành thiền, như vậy thành tựu được Tuệ Balamật.


5.    Viriyapāramī (Tấn Balamật): Vì nổ lực hành thiền để đạt được Giải thoát nhờ giới - Giải thoát nhờ Định - Giải thoát nhờ Tuệ - nên thành tựu được Tinh Tấn balamật.

6.    Khantīpāramī (Nhẫn Balamật): Hành giả nhẫn nại đối với sự lười biếng, với các cảm thọ đau nhức, tê ngứa, mỏi mệt… nên thành tựu được nhẫn nại balamật.


7.    Saccāpāramī (Chân Thật balamật): Thấy được sự sinh-diệt thường xuyên liên tục của các sắc thể trong HTV-HTR,… thành tựu được Chân Thật Balamật.

8.    Adhiṭṭhānapāramī (Quyết định Balamật): Mỗi lần quyết định sẽ hành thiền, sẽ thực hành Pháp trong 1 giờ, hoặc 2 giờ… thành tựu được quyết định balamật.


9.    Mettāpāramī (Tâm Từ  Balamật): Trước khi cũng như sau khi thực hành thiền, hành giả khởi sự hồi hướng chia phước, rải tâm từ nguyện cầu chúng sanh hằng an vui,… - thành tựu được tâm từ Balamật.

10. Upekkhāpāramī (Xã Balamật): Mỗi lúc hành thiền: Thân mõi mệt (Moha), tham muốn (Lobha), khó chịu, sân (Dosa)… vị ấy không quan tâm, thờ ơ những tâm bất thiện sinh khởi – thành tựu xả Balamật.    

(Dứt buổi thứ 11)