Sunday, October 23, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 16 – Thứ Năm 23/7/2009) ÂN ĐỨC PHẬT BẢO (HỒNG ÂN PHẬT BẢO (tiếp theo))



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)
HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 16 – Thứ Năm 23/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar


Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

ÂN ĐỨC PHẬT BẢO (HỒNG ÂN PHẬT BẢO (tiếp theo))

Trong 9 Hồng Ân của Đức Phật:

Arahaṃ (1), Sammāsambuddho (2), Vijjācaranasampanno (3), Sugato (4), Lokavidū (5), Anuttaro purisadammasārathi (6), Satthādevamanussānaṃ(7), Buddho (8), Bhagavā (9).

+ (02) Ân Đức SAMMĀSAMBUDDHO:

ÂN ĐỨC CHÁNH ĐẲNG GIÁC là Ân Đức Thứ Hai
Sammāsambuddho gồm có 3 từ ghép lại: sammā + sam + buddho
+ Sammā có nghĩa là chân chánh, chính xác, bất di bất dịch, không thay đổi
+ Sam có nghĩa là tự mình
+ Buddho có nghĩa là Biết

Ân Đức Này Có 3 ý nghĩa:

01 + Bậc Tự Mình Chân Chánh Chứng Ngộ Được THÁNH PHÁP là TỨ DIỆU ĐẾ gồm

1. Dukkhasacca:    (KHỔ ĐẾ      - Sự Thật về Khổ)
2. Samudayasacca          (TẬP ĐẾ       - Sự Thật về Nguyên Nhân Khổ)
3. Nirodhasacca     (DIỆT ĐẾ     - Sự Thật về Khổ Chấm Dứt)
4. Maggasacca       (ĐẠO ĐẾ      - Sự Thật về Đạo Diệt Khổ)

Trong Thế Gian này có 4 sự thật luôn luôn hiện hữu, để biết được 4 sự thật này Đức Phật đã tự mình thực hành các Pháp Balamật qua 4 Atăngkỳ 100 ngàn đại kiếp, đến khi thành tựu được Ngài cũng tự mình chứng ngộ được các sự thật ấy – không một vị thầy hướng Đạo. Bốn Sự Thật đó được Ngài chứng ngộ, khai mở, Ngài thuyết giảng và giáo hoá đến tất cả chúng sanh về 4 sự thật đó.


 02 + Bậc Tự Mình Biết Được Rõ Ràng Những Sự Thật Đáng Được Biết, Các Pháp Cần Được Chứng Tri. Các Pháp cần được biết (Ñeyyasacca, Ñeyyadhamma) là:

1 . Saṅkhāra:        Tất cả HÀNH cấu tạo.
2. Vikāra:              SẮC pháp, DANH pháp biến đổi.
3. Lakkhaṇa:         Trạng thái SINH-TRỤ-DIỆT của SẮC pháp, DANH pháp.
4. Paññattidhamma: Chế định pháp: Chế định ngôn ngữ để thuyết giảng Chánh Pháp.
5. Nibbāna:            NIẾT BÀN, Pháp diệt Khổ Thánh Đế.


03 + Bậc Tự Mình Biết Được Toàn Bộ Đầy Đủ Các Pháp Không Dư Xót, Biết Được Chắc Chắn Bằng TRÍ TUỆ TOÀN GIÁC (Sabbaññutāñāṇa).

Sammāsambuddho có nghĩa là Bậc Biết được Tất cả Các Pháp. Tất cả các PHÁP UẨN  Dhammakkhandhā (gồm 84000, mà Ngài đã thuyết trong suốt 45 năm). Có những Pháp mà Ngài không thuyết thì có, nhưng Pháp mà Ngài không biết thì không có một Pháp nào. Vì biết được tất cả Pháp, thông suốt được các Pháp như vậy nên gọi là Trí Toàn Giác Sabbaññutāñāṇa. Vì Trí Tuệ Toàn Giác này mà chúng ta cung kính và đảnh lể Đức Thế Tôn phải vậy không?

          Tasma Sabbadhamme sammābuddhatī’ti sammāsambuddho.

(Phần thực hành giống như Ân đức Araham).

Câu Hỏi 48: Bạch Ngài con xin được phép hỏi. Nếu một người nổ lực hành thiền Niệm Hơi thở, Thì trong giờ phút “cận tử” có giúp ích gì cho người ấy nếu người ấy rơi vào tình trạng hôn mê sâu?  (Cô Nguyễn Thị Hồng)

Trả lời:

I.                  Những Người nổ lực hành thiền Niệm Hơi thở vào lúc “Cận tử” và người ấy rơi vào tình trạng hôn mê, người ấy sẽ chết vào lúc tâm trí không hôn mê. (Một người không thể chết với tâm hữu phần Bhavaṅga– Ngài Hoà Thượng Viện Chủ Thiền Viện Pa-Auk thuyết.)

- Thời Đức Phật, cũng như người cận sự nam tên là Dhammika và một vị vua khác tên là Duṭṭhagāmaṇi, trước lúc chết, chính họ nhìn thấy 6 cổ Thiên xa hiện đến trước mặt, Các ông ấy nói với con trai và con gái, tôi trai tớ gái, những người hầu cận: “Đến giờ ta phải đi” và thuật lại 6 cỗ Thiên xa mà họ đã thấy. Khi nói xong vài lời cuối cùng dặn dò con cái, những người hầu cận rồi giã từ đời sống đó.

II.               Trong Trung Bộ Kinh Pāḷi, Tập II, Māharāhulovādāsuttaṃ, trang 121:

Evaṃ bhāvitāya, rāhula, ānāpānassatiyā, evaṃ bahulīkatāya yepi te carimakā assāsā tepi viditāva nirujjhanti no aviditā’’ti.  

          Này Rāhula (La-hầu-la) con, vị nào với niệm HTV-HTR được tu tập nhiều, được tu tập thuần thục, vị ấy biết rõ ràng HTV-HTR cả cho đến lúc hơi thở cuối ngưng diệt, không phải là không biết.” (Đại Kinh Giáo Giới Rāhula Trung bộ Kinh bài kinh số 62)
Đây là quả báu của niệm hơi thở đã được đề cập.

III. Còn trong Visuddhimagga 1 (Thanh Tịnh Đạo Tập 1 – trang 283 Pāḷi)

…. cuticittassa purato soḷasamassa cittassa uppādakkhaṇe uppādaṃ āvajjayato uppādopi nesaṃ pākaṭo hoti. Ṭhitiṃ āvajjayato ṭhitipi nesaṃ pākaṭā hoti. Bhaṅgaṃ āvajjayato ca bhaṅgo nesaṃ pākaṭo hoti.

Nghĩa là: Vào lúc khởi lên tốc hành tâm thứ mười sáu trước tử tâm, nếu vị ấy chú ý đến tướng sinh-Trụ-diệt của hơi thở cuối cùng ấy, thì tướng sinh-trụ-diệt của hơi thở cuối cùng hiện rõ nhờ vị ấy đã hoàn toàn phân biệt được rõ ràng hơi thở.

          IV. Trong bài kinh Sotānugatasutta (Bài Kinh Nghe bằng tai – Tăng Chi Bộ Kinh Chương 4 Pháp)

Đối với Pháp của Đức Phật:  

1. Có sự nghe (Sotānugatānaṃ)
2. Có người tụng đọc (vacasā paricitānaṃ)
3. Có sự suy tư (manasānupekkhitānaṃ)
4. Thấy biết rõ bằng trí (diṭṭhiyā suppaṭividdhānaṃ)

Có 4 lợi ích đang chờ đợi.

Những người hôn mê, (thất niệm) khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh về Thiên giới.
Tại thiên giới, vị ấy nghe Pháp, suy tư Pháp, thực hành Pháp

1.>        Vị nhớ lại Pháp ấy và lập tức liễu nghĩa Pháp, đắc được Đạo Tuệ - Quả Tuệ.

2.> Tại cõi ấy nếu vị ấy không nhớ nổi, khi một vị Tỷ kheo có thần lực đi đến cõi ấy thuyết Pháp, chầm chậm niệm khởi lên, rồi có thể nhanh chóng chứng ngộ được các pháp thù thắng.

3.> Nếu không có vị Tỷ Kheo có thần lực thuyết pháp, mà một vị Thiên tử đương thuyết pháp tại cõi ấy, vị ấy lập tức chứng ngộ các Pháp thù thắng.

4.> Còn không, các vị Thiên những đời trước là quyến thuộc, thân hữu của vị ấy nhắc nhở vị ấy có thể mau chóng chứng ngộ được các Pháp.

VI. ĐỘNG VIÊN: Bất kì vị hành giả nào tu tập niệm hơi thở, chỉ nghe Pháp không thôi thì chưa đủ, mà phải tự mình tu tập thực hành niệm. Những vị Phật nhiều như cát sông Hằng thị hiện trên thế gian đã nhờ thực hành niệm hơi thở, đạt được những quả lành thù thắng vô biên. Hành giả chúng ta cũng phải quyết tâm nổ lực trong việc thực hành này, vì thế mà tôi có một lời động viên quý vị như vậy.   
  
Sādhu!Sādhu!Lành thay.

 (Dứt buổi thứ 16)

PHẦN TRÍCH LỤC KINH ĐIỂN
BÀI KINH NGHE BẰNG TAI – SOTĀNUGATASUTTA
(HT Minh Châu dịch Việt)
1.- Này các Tỷ-kheo, các pháp do được (1) nghe bằng tai, (2) do tụng đọc bằng lời, (3) do ý quan sát, (4) do kiến khéo thể nhập, có bốn lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, vị ấy được nghe bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập. Vị ấy khi mạng chung bị thất niệm, được sanh cộng trú với một loại Thiên nhân. Tại đấy, các vị sống an lạc đọc các pháp cú cho vị ấy. Này các Tỷ-kheo, chậm chạp niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, do được nghe các pháp bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập; đây là lợi ích thứ nhất được chờ đợi.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, vị ấy được nghe bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập. Vị ấy khi mạng chung bị thất niệm, được sanh cộng trú với một loại Thiên nhân. Tại đấy, các vị sống an lạc không đọc các pháp cú cho vị ấy. Nhưng có Tỷ-kheo có thần thông, đã đạt được tâm tự tại, thuyết pháp cho hội chúng chư Thiên. Vị ấy sung sướng nghĩ như sau: "Ðây chính là Pháp và Luật mà trước đây ta đã sống Phạm hạnh". Này các Tỷ-kheo, chậm chạp niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thiện xảo về tiếng trống. Người ấy trong khi đi giữa đường có thể nghe được tiếng trống. Người ấy không có nghi ngờ, không có do dự, đó là tiếng trống hay không phải là tiếng trống. Người ấy đi đến kết luận: "Ðây là tiếng trống". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, vị ấy được nghe bằng tai ... chúng sanh ấy đi đến thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, do được nghe các pháp bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập, đây là lợi ích thứ hai được chờ đợi.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, vị ấy được nghe bằng tai, được tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập ... nhưng không có Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại thuyết pháp cho hội chúng chư Thiên; và một Thiên tử thuyết pháp cho hội chúng chư thiên. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ðây chính là Pháp và Luật mà trước đây ta đã sống Phạm hạnh". Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thiện xảo về tiếng tù và. Người ấy trong khi đi giữa đường có thể nghe được tiếng tù và. Người ấy không có nghi ngờ, không có do dự, đó là tiếng tù và hay không phải là tiếng tù và. Người ấy đi đến kết luận: "Ðây là tiếng tù và". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, vị ấy được nghe bằng tai, được tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập ... nhưng không có Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại thuyết pháp cho hội chúng chư Thiên; và một Thiên tử thuyết pháp cho hội chúng chư thiên. Vị ấy suy nghĩ như sau: "Ðây chính là Pháp và Luật mà trước đây ta đã sống Phạm hạnh". Này các Tỷ-kheo, chậm chạp niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.
Này các Tỷ-kheo, do được nghe bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập; đây là lợi ích thứ ba được chờ đợi.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, được nghe bằng tai, được tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập ... nhưng không có Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại thuyết pháp cho hội chúng chư Thiên; và không có Thiên tử thuyết pháp cho hội chúng chư thiên. Nhưng có thể có người được hóa sanh, nhắc nhở khiến cho nhớ lại sự hóa sanh :"Này bạn, bạn có nhớ không? Này bạn, bạn có nhớ không, tại chỗ ấy chúng ta đã sống Phạm hạnh?". Vị ấy trả lời: "Này bạn, tôi nhớ! Này bạn, tôi nhớ". Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.

Ví như, này các Tỷ-kheo, hai người bạn cùng chơi trò chơi đất bùn, hai người vào một thời nào, một chỗ nào được gặp nhau. Người bạn này có thể nói với người bạn kia: "Này bạn, bạn có nhớ cái này không? Này bạn, bạn có nhớ cái này không?". Người ấy có thể trả lời: "Này bạn, tôi có nhớ! Này bạn, tôi có nhớ!". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, như kinh: Ứng tụng ... Phương quảng. Các pháp ấy, do được nghe bằng tai, được tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập ... nhưng không có Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại thuyết pháp cho hội chúng chư Thiên; và không có Thiên tử thuyết pháp cho hội chúng chư thiên. Nhưng có thể có người được hóa sanh, nhắc nhở cho nhớ lại sự hoá sanh : ''Này bạn, bạn có nhớ không? Này bạn, bạn có nhớ không, tại chỗ ấy chúng ta đã sống Phạm hạnh?". Vị ấy trả lời: "Này bạn, tôi nhớ! Này bạn, tôi nhớ". Chậm chạp, này các Tỷ-kheo, niệm được khởi lên. Rồi mau chóng, chúng sanh ấy đi đến thù thắng.

Này các Tỷ-kheo, do được nghe các pháp bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập; đây là lợi ích thứ tư được chờ đợi.
Này các Tỷ-kheo, do được nghe các pháp bằng tai, do tụng đọc bằng lời, do ý quan sát, do kiến khéo thể nhập; có bốn lợi ích này được chờ đợi.

Tăng Chi Bộ Kinh – Chương 4 Pháp.