Saturday, October 15, 2016

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 8 – Thứ Tư 15/7/2009)Ngồi thiền thỉnh thoảng con thấy người đưa qua đưa lại, đầu như có ai cột một sợi dây, khó chịu.



CHÙA TAM BẢO
323 Phan Chu Trinh
Mùa An cư - Phật Lịch 2553 (Dương Lịch 2009)

HƯỚNG DẪN THIỀN NIỆM HƠI THỞ (Buổi thứ 8 – Thứ Tư 15/7/2009)
Do Ngài Hoà Thượng Pháp Sư - Đại Thiền Sư ASHIN KOVIDA
Thiền Lâm Viện Pa-Auk - Tiểu Bang Mon – Mawlamyine – Myanmar

Câu hỏi 25: Ngồi thiền thỉnh thoảng con thấy người đưa qua đưa lại, đầu như có ai cột một sợi dây, khó chịu. Tại sao lại như vậy? (Cô Hoàng thị Lựu)

Trả lời: Trong việc hành thiền, nếu hành giả dần dần thoát khỏi 5 loại triền cái (pháp che án, cản trở Thiền - Đạo - Quả) bắt đầu bằng tham dục (kāmacchanda)...thì Tâm dần dần trở nên trong sạch thanh tịnh, Định Tâm Phát triển, hành giả có thể gặp 5 loại Hỷ.

Năm loại hỷ:
1-  Khuddakāpīti: Tiểu hỷ, như nổi gai ốc
2- Khaṇikāpīti: Hỷ chớp nhoáng, Hỷ từng đợt, từng đợt trào lên
3- Okkantikāpīti: Hỷ như võng ru, Hỷ như sóng vỗ vào người,
4- Ubbegāpīti: Hỷ làm nhấc bổng cả người
5-  Pharaṇāpīti: Hỷ như gòn trắng thấm dầu, hỷ sung mãn.

Khi gặp những loại hỷ này, nếu hành giả thoả thích với hỷ ấy, vị ấy sẽ không tiến bộ nữa. Đủ loại hỷ có thể khởi lên, tuy nhiên đừng chú ý đến nó, nếu chỉ tập trung ghi nhận hơi thở vào – hơi thở ra thì hỷ ấy sẽ mất đi. ðừng quan tâm đến các loại hỷ ấy - chỉ quan tâm chú ý ghi nhận đến HTV – HTR mà thôi.

Hành giả có thể gặp 5 loại hỷ này, khi bắt gặp những loại hỷ ấy, nó có thể kéo dài 2 ngày, 3 ngày hoặc một tuần. Càng chú ý đến hỷ ấy, nó sẽ kéo dài, hành giả chỉ nên liên tục tập trung ghi nhận HTV-HTR mà thôi.
(Liên tục (Tấn), tập trung (Định), ghi nhận (Niệm))

Câu hỏi 26: Ý con muốn đi đến đây để hành thiền, trên đường bạn gặp mời đi phúng điếu, con chẳng biết xử trí ra làm sao? (Chú Trực)

Trả Lời: Cho dù vấn đề quan trọng đến mấy, theo Đức Phật: Hành Thiền là vấn đề quan trọng nhất (adhikakicca), là công việc đáng làm trước tiên (padhānakicca).
Gần một tháng trước lúc Đức  Phật nhập Đại  Niết Bàn, các vị tỷ kheo đương đảm nhiệm các việc phục vụ hầu cận Đức Thế Tôn rất lo lắng, bối rối. Họ cứ quấn quýt bận rộn hỏi han những nhu cầu của Đức  Thế Tôn. Nhưng có một vị Tỷ kheo thì suy nghĩ rằng: “Chẳng bao lâu nữa Đức Thế Tôn sẽ diệt độ, ta lại chưa chứng đạt được Đạo-Quả vị nào, vậy ta phải nổ lực hành thiền, ta sẽ không quan tâm đến bất kỳ một việc phục vụ nào nữa cả.” Các vị Tỷ kheo còn lại chỉ trích vị ấy. Các vị ấy đi đến mách bảo Đức Thế Tôn.

Đức   Phật,  tán  dương  vị  Tỳ  kheo  ấy:  “Lành  thay!  Lành  thay!  Lành  thay!  - Dhammānudhammapaṭipatti: Thực hành pháp là cung kính cúng dường Như Lai. Sự cúng dường ấy là sự cúng dường cao thượng nhất.” Đức Phật tán dương như vậy.

Lại nữa:        Sattiyā viya omaṭṭho, ḍayhamāno  va matthake
Sakkāyadiṭṭhippahānāya, Sato bhikkhu paribbaje. (Devatāsaṃyutta)
Như kiếm đã chạm da, Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm, Xuất gia bỏ thân kiến. (Tương ưng Chư Thiên)
(HT Minh Châu dịch Việt)

Cho dù một việc quan trọng đến mấy chăng nữa, nhưng khi người đã bị kiếm chém phải, hoặc như người đang bị lửa thiêu đốt trên đầu, thì chẳng còn việc gì quan trọng hơn là chữa vết thương và dập tắt lửa trước. Cũng như thế, bao lâu vấn đề về thân kiến (Sakkāyadiṭṭhi) chưa được giải quyết, chưa được đoạn trừ, thì vị ấy còn phải chịu khổ sở như da thịt người bị kiếm chém phải, như lửa cháy trên đầu vậy.

Câu hỏi 27: Thưa Sayadaw, nhiều khi con nghĩ, ý thức khẩn trương, sự kinh cảm đối với con không đủ mạnh, nên sự tinh tấn khởi lên không đủ mạnh, vậy con nên suy tư về sự kinh cảm như thế nào, và vào lúc nào để có duy trì tinh tấn liên tục. (Tn Minh Duyên)

Trả Lời:
Những vấn đề liên quan đến “VAÑJANĀ”: “NGUỴ PHÁP” (Giả Pháp):
1.  Soka: (Sầu) khởi lên vị ấy tưởng sai rằng đấy là sự kinh cảm (Saṃvega)
2.  Kāmarāga: (ái dục) khởi lên vị ấy tưởng sai rằng đấy là Tâm Từ (Mettā)
3. Kosajja (lười biếng, giải đải) khởi lên vị ấy tưởng sai là Tri túc, biết đủ (Santuṭṭhi)
4.  Saṃsaya vicikicchā (hoài nghi) khởi lên vị ấy tưởng sai là Tuệ (Paññā)

Hãy nhớ những câu chuyện điển hình về: Người phụ nữ điên Paṭācārī, Dhammadinnā, Khematherī, mà nên nỗ lực (appamādasati) thực hành.

+CÁCH THỨC PHÁT TRIỂN THẤT GIÁC CHI (BOJJHAṄGA)
Tam Tạng Kinh điển nếu tóm gọn lại chính là 37 Phẩm Trợ Đạo (Bodhipakkhiya),
Bodhi: Đạo Trí, Pakkhiya: Trợ phần, đồng hành với.

37 Phẩm trợ Đạo gồm có:
1. Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna):              4 (Thân, Thọ, Tâm, Pháp niệm xứ)
2. Tứ Chánh Cần (Sammappadhāna):     4 (Diệt Ác, Ngăn Ác, Trưởng Thiện, Trì Thiện)
3. Tứ Thần Túc (Iddhipāda)                   4 (Dục, Tấn, Ý, Tuệ thần túc)
4. Ngũ Căn (Indriya)                            5 (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ căn)
5. Ngũ Lực (Bala)                                 5 (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ lực)
6. Thất Giác Chi (Bojjhaṅga)                 7 (Niệm, Trạch pháp, Hỷ, An, Định, Xả giác chi
7. 8 ĐẠO CHI (Bát Chánh Đạo)              8 (Kiến, Tư duy, Ngữ, Nghiệp, Mạng, TinhTấn, Niệm, Định)
Tổng cộng là                    37

CÁCH THỨC PHÁT TRIỂN:
+ Nếu tinh tấn (Viriya) thối giảm
+ sự sợ hãi kinh cảm, ý thức khẩn trương (Saṃvega) nơi vị ấy ít.
+ và sự hứng thú với việc hành thiền thuyên giảm nữa, thì nên thực hành phát triển:
1. Trạch Pháp giác chi (Dhammavicaya sambojjhaṅga)
2. Tấn giác chi (īriya sambojjhaṅga), và
3. Hỷ giác chi (Pīti sambojjhaṅga).         -----------------

+ Nếu Tinh tấn (Viriya) vượt trội:
+ Sự sợ hãi kinh cảm, ý thức khẩn trương (Samvega) nơi vi ấy nhiều
+ Rất ham thích, hứng thú trong việc hành thiền, thì nên thực hành phát triển:
1.  An giác chi (Passaddhi sambojjhaṅga)
2.  Định giác chi (Samādhi sambojjhaṅga), và
3.  Xả giác chi (Upekkhā sambojjhaṅga) -----------------

+ Tín (Saddhā) thái quá thành “câm”
+ Tuệ (Paññā) thái quá thành “hâm”,
Ví dụ: Vì quá Tín Tâm vào Tam Bảo, nghiệp quả của nghiệp một vị sợ phải nói sai, nói phạm mà tạo nhân nghiệp bất thiện, vị ấy không nói.

Vì quá hiểu biết những kiến thức về Pháp học, vị ấy thích bàn luận, can thiệp vào những cuộc tranh luận đúng sai, vị ấy giải thích, tranh biện, phàn nàn… Một vị thích tranh luận trong việc thực hành pháp vì có kinh nghiệm về Pháp cũng gọi là Tuệ thái quá.

+ Định (Samādhi) thái quá thành lười (Kosajja)
+ Tấn (Vīriya) thái quá thành trạo cử (Uddhacca)

Ví dụ: Vì vị ấy đạt Định rất dễ dàng bất cứ lúc nào vị ấy muốn, vị ấy giải đải, lười biếng vì không muốn nhập Định nữa. Cũng như một công việc làm đi làm lại hoài, nhàm chán, lười biếng khởi lên.
Tinh tấn vị ấy thái quá, tâm vị ấy không tập trung, không an trú được trên đối tượng, Tâm vọng động, trạo cử (nghĩ chuyện này chuyện khác…)
+Còn Niệm (Sati): Như việc dùng muối trong mỗi lần nếm canh.

Niệm, tại những chổ thiết lập sự theo dõi ghi nhận (hay còn gọi là niệm xứ), niệm có liên tục với bất cứ Pháp nào đi nữa cũng đều có sự tập trung chú ý đến. Nhờ niệm (Sati) mà hài hoà Thất giác chi, cân bằng Thất giác chi).
(Những vị hành giả mới bắt đầu, việc cân bằng thất giác chi chưa thật sự cần thiết)

(Dứt buổi thứ 8)