Ðêm nay cũng như bao đêm khác, không gian bốn bề thật yên tĩnh.
Làn gió nhẹ thổi đều đều như nhịp thở của thời gian. Mọi người đang ngủ
say...Tiếng chắt lưỡi của thạch sùng như tiếc nuối điều gì, khiến lòng tôi dâng
lên một nỗi buồn man mác... Thế gian này sẽ hạnh phúc, tươi đẹp biết bao nếu
trong tâm hồn của mỗi con người không có sự ngự trị của Danh và Lợi.
Danh - Lợi, đã mấy ai có thể vượt ra ngoài sự kềm
tỏa của nó. Còn đó, nhan nhản trước mắt ta những bi kịch đau thương. Quan hệ
cha con, bạn bè, thân thích... vì Danh Lợi mà phải đoạn tình, kết thúc trong
thù hận. Vi tế hơn, trong các mối quan hệ tương tác, mọi người đối đãi nhau chỉ
qua hình thức xã giao lịch sự bề ngoài, còn từ trong tâm thức lại chứa đầy
những khinh khi, đố kỵ.
Thật đáng thương thay cho những người chỉ nhìn thấy khía
cạnh hào nhoáng của bả lợi mồi danh, mà không trực nhận được đến tận cùng những
mầm đau khổ, xấu xa hàm chứa bên trong chúng.
Một khi bị Danh Lợi chi phối, con người gần như mất hết
sáng suốt. Như một con tàu tuột phanh phóng thẳng xuống dốc, họ sẵn sàng lao
theo Danh Lợi bằng mọi giá, bất kể thân mạng và không từ một thủ đoạn thấp hèn
nào. Thế gian có câu:
“Ham danh vọng hao mòn thân thể.
Ham làm giàu, của để bằng non.
Mai sau nhắm mắt đâu còn.
Ðem vàng chuộc mạng, đổi lòn được chăng ?”
Con người tạo ra hư danh và dựa vào cái
hư danh đó tính chuyện tư lợi cho mình, chẳng khác nào con tằm tạo kén để tự
nhốt thân. Từ đó, con người ngày càng lún sâu vào tội lỗi, trở lại làm hại bản
thân mà không hay biết. Ðúng với câu: “Nhân tham tài tất tử, điểu tham thực
tất vong” (Người tham tài của ắt phải chết, chim tham ăn ắt phải mất mạng).
Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn
Công Trứ:
“Cuộc trần thế vinh liền nhục.
Nẻo lợi danh khóc với cười”.
Thế giới này sẽ an lạc biết bao khi mọi người rũ bỏ lợi
ích cá nhân và lo cho lợi ích chung. “Nhiều tay vỗ nên kêu”, người người
đều thấy mình có trách nhiệm, cùng chung lưng, sẽ xây dựng được một đoàn thể
vững tiến.
“Loài cò khi di trú, chúng ta thường thấy chúng bay thành
hình chữ V. Tại sao? Vì khi bay như vậy, những con bay sau ít bị ảnh hưởng bởi
sức cản của không khí. Ngược lại, con bay đầu thì chịu nhiều nhất. Và khi con
bay đầu yếu sức, những con bay sau tuần tự thay vào vị trí đó. Có như vậy đàn
cò mới có thể bay nhiều giờ liền mà không biết mệt mỏi”. Loài vật còn thế, hà
huống con người chúng ta lại không sẵn có tinh thần ấy ?!
Ở quốc độ ta, từ xưa đến nay, đã có biết bao tấm gương
coi Danh Lợi tựa phù vân, như Thiền sư Vạn Hạnh, Vua Trần Thái Tông, Trần Nhân
Tông... hay những gương “Người tốt, việc tốt”, những người dâng hiến cả cuộc
đời để chăm sóc các em mồ côi, khuyết tật, các cụ già neo đơn. Hoặc có người
vui vẻ góp công, góp của đắp đường, xây cầu, xây nhà tình thương, nhường cơm xẻ
áo, cứu trợ đồng bào ở những vùng bị thiên tai. Những tấm lòng ấy thật trân quý
biết bao. Nó chẳng khác nào những giọt mưa cam lộ từ bi vô lượng bên cạnh những
mảnh đất tâm đã khô cằn bởi lòng chấp thủ. Nó đánh thức tình thương đã nguû
quên trong sâu thẳm tâm thức ở mỗi con người. Một người sở dĩ được mọi người
thật sự tôn kính, không phải là danh vọng mà là sự nhân đức của người ấy. Tại
sao các bậc Thánh nhân được mọi người kính phục. Bởi vì các Ngài đã thoát ra
ngoài sự chi phối của Danh và Lợi, luôn lấy đức để nhiếp hóa người. Ðó chẳng
phải là bài học vô giá cho chúng ta sao ?
...Ngọn gió đêm mùa hạ len mình qua cửa sổ, thổi mạnh vào
phòng, cắt đứt dòng suy tưởng. Trong khoảnh khắc, tôi như vừa trực nhận được
phần nào hai chữ Lợi-Danh, quên đi tự ngã trong khoảng không vô tận, chợt vẳng
nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại...
Cõi trần thế khuyên ai phải gẫm.
Danh mà chi, lợi lắm mà chi !
Bả công danh bọt nước ra gì.
Mùi phú quý một khi tan hiệp,
Sang cho mấy cũng rồi một kiếp.
Giàu đến đâu, chỉ kịp một đời.
Khuyên người tỉnh mộng ai ơi !
Ðừng tham Danh Lợi cuộc đời, khổ thân !