NSGN - Ngài Achaan Chah là một trong những vị đại sư nổi tiếng
của đất nước chùa tháp Thái Lan. Ngài duy trì lối tu học truyền thống như thời
của Đức Phật còn tại thế. Sự minh triết và đức hạnh của một vị thiền sư đã làm
cho danh tiếng của Ngài vươn xa tới nhiều châu lục.
Hiện nay, pháp thiền của Ngài - Thiền Minh sát tuệ - đã lan
tỏa mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm A Still Forest Pool (Tâm Tĩnh
Lặng), do hai môn đệ người Mỹ của Ngài là Jack Kornfield và Paul Breiter đã kết
tập từ những bài giảng của Ngài và được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên
vào năm 1985.
Mặc dù tác phẩm đã ra đời trên hai mươi năm, nhưng trí tuệ
chân thực vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Bài giảng sau đây, người dịch
trích từ tác phẩm trên và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Chúng ta hãy bàn đến sự khác nhau giữa việc nghiên cứu giáo
pháp và cách ứng dụng giáo pháp trong thực hành. Nghiên cứu giáo pháp đúng
nghĩa chỉ có một mục đích duy nhất: nhận ra bản chất không thỏa mãn trong mỗi
cuộc đời của chúng ta, từ đó vươn tới con đường hạnh phúc và sự bình yên cho
chính mình và cho tất cả mọi loài chúng sinh. Mọi đau khổ trong ta đều có
nguyên nhân hay sự khởi nguồn của nó. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tiến
trình này.
Khi tâm chúng ta tĩnh lặng, cũng có nghĩa là tâm đang ở trong
trạng thái bình thường; khi tâm loạn động, tưởng sẽ hình thành. Hạnh phúc và
đau khổ trong chúng ta là sản phẩm của cái tâm loạn động, từ nghĩ tưởng mà có.
Tâm chúng ta nghĩ tưởng không ngừng nghỉ, nó tham cầu được đi đây đó. Nếu bạn
không hiểu rõ tiến trình vận động này của tâm, bạn sẽ bị cuốn theo tưởng và bị
nó thao túng.
Cho nên Đức Phật đã dạy chúng ta cần phải tập trung xem xét
mọi diễn biến của tâm, theo dõi mọi sự vận động và nhìn thấy những tính chất cơ
bản của nó: luôn thay đổi, không toại nguyện và rỗng không. Để hiểu được tâm, bạn
cần phải tập trung và luôn tỉnh thức để theo dõi mọi trạng thái của nó. Qua đó,
bạn mới có thể nhận ra tiến trình duyên khởi của tâm. Đức Phật đã từng dạy rằng,
chính vì không sáng suốt (vô minh) nên đã phát sinh ra đủ mọi hiện tượng của cuộc
đời, bao gồm những động lực bên trong chúng ta. Khi động lực tác động lên ý thức,
ý thức sẽ quay sang tác động vào tâm và thân. Đây chính là quá trình duyên khởi.
Bước đầu nghiên cứu về Phật pháp, chúng ta có thể cảm nhận
được tiến trình này trong hệ thống giáo lý truyền thống. Nhưng khi tiến trình
đó thực sự xảy ra trong ta, đặc biệt đối với những người chỉ nghiên cứu suông
qua sách vở, thì họ sẽ không thể bắt kịp tiến trình diễn biến của nó. Sự việc
trên cũng giống như quả chín rụng từ trên cây vậy, mỗi mắt xích trong sự liên kết
của tiến trình khi quả chín rụng xảy ra quá nhanh, đến nỗi người ta không thể
nói được quả chín kia đã rụng từ nhánh cây nào. Cũng như thế, khi người ta cảm
nhận về khoái lạc trong lúc tâm duyên theo cảnh, người ta sẽ bị cuốn hút trong
cảm quan và không thể nhận biết nó đã xảy ra như thế nào.
Tất nhiên, việc tóm tắt có hệ thống của tiến trình này ở
kinh sách là không sai, nhưng để trải nghiệm nó, người ta phải vượt lên trên sự
nghiên cứu từ kinh điển. Khi nghiên cứu, kinh sách không nói cho chúng ta biết
đây là sự sinh khởi của vô minh, đây là cách người ta cảm nhận, đây là một dạng
đặc biệt của ý thức, và đây là sự cảm nhận về những yếu tố khác nhau ở trong
thân và tâm. Khi bạn leo lên cây và té xuống đất, bạn không thể diễn tả chi tiết
bạn đã rơi xuống đất bao nhiêu mét, bao nhiêu inch; cho đến khi thân bạn chạm
vào đất, bạn mới cảm nhận sự đau đớn. Không có sách vở nào diễn tả cho chúng ta
điều đó cả.
Pháp được viết trong kinh điển dùng để nghiên cứu là những
điều đã được chắt lọc và có hệ thống, nhưng trong thực tế lại không đi theo một
lộ trình đơn lẻ nào cả. Chính vì thế, chúng ta cần phải kiểm chứng những gì nảy
sinh dựa trên khả năng nhận biết, trí tuệ sâu sắc của chúng ta. Khi trí tuệ vốn
có của ta, khả năng nhận biết, cảm nhận biết được bản chất thực của bản tâm,
khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy rõ rằng tâm không phải là tự ngã của ta. Nó không
thuộc về chúng ta, không phải là Tôi, cũng không phải là cái Của Tôi, tất cả mọi
ý niệm đều rơi rụng.
Như đối với việc chúng ta tìm hiểu các tên gọi về tất cả những
yếu tố của tâm và thức, Đức Phật cũng đã khuyến cáo chúng ta không nên mắc kẹt
vào nó. Ngài chỉ muốn chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi sự trên cuộc đời này đều
là vô thường, không toại nguyện và vô ngã. Và Ngài dạy chúng ta hãy buông bỏ tất
cả. Khi ý niệm móng khởi trong tâm, chúng ta cần phải tỉnh thức để nhận ra và
biết rõ chúng. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện được như thế thì tâm chúng ta mới
thực sự thuần thục.
Khi tâm khởi niệm, thì những hình thái khác nhau của tâm, những
cấu trúc tư tưởng, và những phản ứng trong ta cũng bắt đầu duyên theo đó mà
sinh khởi, hình thành, và nó khởi lên tương tục. Hãy để cho những ý niệm ấy tự
nhiên, dù đấy là tốt hay xấu. Đức Phật chỉ khuyên chúng ta thực hiện một điều
đơn giản là: “Hãy buông bỏ, và đừng bị cuốn theo nó.” Nhưng vấn đề quan trọng ở
đây là chúng ta phải biết quán xét tâm và biết cách phải từ bỏ nó như thế nào.
Nếu quán sát mọi yếu tố hình thành của tâm, chúng ta sẽ thấy
rằng nó hành xử theo một trật tự hoàn toàn tự nhiên: mọi yếu tố của tâm là như
vậy, tưởng sinh ra và mất đi là như thế... Trong quá trình thực tập, chúng ta
có thể nghiệm ra một bài học là, khi chúng ta có Chánh tri kiến thì Chánh tư
duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng sẽ tự động đi theo. Và những yếu tố
tâm lý sinh khởi từ đấy cũng được nhận biết rõ ràng. Nếu chúng ta có sự hiểu biết
đúng đắn thì tư tưởng và tất cả những yếu tố khác cũng sẽ đúng theo, giống như
ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn. Khi chúng ta quán xét với sự tỉnh thức, thì Chánh
tri kiến sẽ được lớn mạnh.
Khi quán xét tất cả những gì mà chúng ta gọi là tâm, chúng
ta chỉ thấy sự kết hợp của các yếu tố tâm lý chứ không có gì là ngã. Khi chúng
ta không còn thấy có ngã thì chúng ta sẽ bám víu vào đâu? Lúc đó, mọi cảm xúc,
ký ức và năm uẩn cấu thành của tâm và thân đều rơi rụng như những chiếc lá lìa
cành trước gió. Chúng ta có thể khám phá được điều này thông qua con đường của
thiền định.
Thiền định giống như một miếng gỗ đơn độc. Sự sáng suốt và sức
quán xét thuộc về một đầu của miếng gỗ; sự tập trung và trạng thái tĩnh lặng nằm
thuộc về đầu bên kia. Nếu bạn nhấc toàn bộ miếng gỗ lên thì cả hai đầu cùng lên
một lúc. Như thế, cái nào là sự tập trung và cái nào là sự sáng suốt? Cũng chỉ ở
một cái tâm này mà thôi.
Bạn không thể tách rời sự tập trung hoặc trạng thái tĩnh lặng
của tâm ra khỏi sự sáng suốt. Tất cả những trạng thái ấy ví như một quả xoài,
lúc đầu, nó xanh và chua, sau đó nó chín và ngọt, nhưng không phải là hai quả
xoài khác nhau. Từ một mà biến thành dạng thể khác; không còn là quả xoài như
lúc ban đầu nữa, nhưng chúng ta cũng không thể nói là hai. Mọi từ ngữ chỉ là những
ước lệ dùng để biểu đạt. Chúng ta không nên chấp vào ngôn từ. Nguồn gốc duy nhất
của tri kiến đích thực ấy là để thấy được những gì nằm bên trong bản thân chúng
ta. Chỉ có sự học tập này mới có thể đi đến chỗ rốt ráo, và đây mới là sự học tập
về giá trị đích thực.
Sự tĩnh lặng của tâm có được trong giai đoạn đầu của sự tập
trung là nhờ chúng ta chú tâm vào một điểm. Nhưng khi sự tĩnh lặng đó không còn
nữa, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ vì chúng ta đã chấp vào nó. Theo Đức Phật, đạt
được sự tĩnh lặng chưa phải là cái đích cuối cùng. Ở đó lòng mong cầu và đau khổ
vẫn còn hiện hữu.
Cho nên, khi Đức Phật đạt được trạng thái định, sự tĩnh lặng
ấy rồi, Ngài đã quán chiếu sâu xa hơn nữa. Và Ngài tìm cho ra bản chất thực sự
của vấn đề, cho đến khi nào Ngài không còn bám víu vào sự tĩnh lặng ấy nữa.
Ngài nhận thấy rằng, sự tĩnh lặng chỉ là một thực tại tương đối, là một trong
vô số biến tướng của tâm, chỉ là một giai đoạn trên lộ trình tu tập thiền định.
Nếu bạn dính mắc vào đó, bạn vẫn còn kẹt trong sinh và tử, vì bạn còn nhận thấy
có niềm vui trong tĩnh lặng. Và khi tĩnh lặng cuốn gói ra đi, bạn bắt đầu cảm
thấy đau khổ, như thế bạn càng bị ràng buộc vào nó.
Đức Phật không ngừng quán xét vào sự sinh diệt khi tâm có được
sự tĩnh lặng để biết nó sinh khởi từ đâu. Khi Ngài chưa tìm ra bản chất của sự
thật, Ngài càng nỗ lực tập trung sâu hơn nữa trong trạng thái của tĩnh lặng, để
quán sát mọi yếu tố tâm lý khi chúng khởi lên. Ngài duy trì nỗ lực quán sâu vào
nó, dù cho tâm có tĩnh lặng hay không, và cuối cùng, Ngài đã nhận ra rằng mọi sự
vật, kể cả năm uẩn của thân và tâm đều như một viên sắt nóng đỏ. Khi viên sắt
nóng kia đỏ rực lên, làm sao bạn có thể tìm ra một chỗ mát mẻ để chạm tay vào
đó?
Năm uẩn trong ta cũng giống như thế - bạn sẽ không biết cái
nào trong năm uẩn đã gây ra đau khổ trong chúng ta. Cho nên, bạn không nên chấp
vào bất cứ điều gì cả, dù đó là sự tĩnh lặng hay trạng thái của định; bạn không
thể nói rằng sự tĩnh lặng hay tâm an định là bạn hay là của bạn. Làm như thế là
bạn gây thêm sự đau khổ cho chính bản ngã của bạn mà thôi, khi đó tâm bạn lại
rơi vào thế giới của mê chấp và ảo tưởng, đấy là một viên sắt nóng đỏ khác.
Trong sự tu tập, chúng ta thường có khuynh hướng hay chấp thủ,
xem mọi trải nghiệm là tôi và cái của tôi. Nếu bạn nghĩ: “Tôi tĩnh lặng, tôi lo
lắng, bất an, tôi tốt, tôi xấu, tôi hạnh phúc, tôi không hạnh phúc”, chính sự
chấp trước này là cội nguồn của sinh tử. Khi niềm vui không còn, đau khổ đến;
khi đau khổ không còn, niềm vui lại đến. Bạn thấy mình hết bị đá sang bên này rồi
lại bị đá sang bên kia, hết địa ngục rồi lại đến thiên đường. Đức Phật đã nhìn
thấy rõ trạng thái này của tâm, bản chất nó luôn là như thế, và Ngài đã nghiệm
ra rằng, khi tâm còn trong sinh diệt thì không thể đi đến sự giải thoát hoàn
toàn rốt ráo, nên Ngài tiếp tục quán xét mọi yếu tố trải nghiệm của tâm và tập
trung quán xét vào bản chất đích thực của nó.
Chính vì mê chấp nên chúng ta còn thấy có sinh, có diệt. Trở
nên vui vẻ chính là sinh, trở nên chán nản chính là tử. Khi chết đi, chúng ta lại
sinh ra, và khi đã sinh ra, chúng ta lại chết. Sinh tử nối đuôi nhau diễn ra
liên tục, như một bánh xe quay bất tận.
Đức Phật đã nhận thấy rằng, mọi biến hiện của tâm đều là hạn
cuộc, và chỉ tạm thời, và bản chất của nó là trống rỗng (vô ngã). Khi tâm lắng
xuống là lúc tâm buông xả tất cả và khổ đau cũng kết thúc. Bạn cần phải nhận ra
sự thật đó. Khi bạn nhìn thấy bản chất của sự thật như là chính nó, bạn sẽ nhận
thấy được rằng, mọi yếu tố của tâm đều là giả dối. Chúng ta nên ghi nhớ lời dạy
của Phật rằng, tâm này nó không có gì cả, nó không sinh ra và cũng không mất đi
với một ai cả. Nó hoàn toàn tự do, tỏa sáng và vô cùng rực rỡ, không cái gì có
thể nắm bắt được nó. Tâm nắm bắt được là tâm vẫn còn trong lầm lạc, là ảo tưởng
xuất phát từ những biểu hiện hạn cuộc, những hiểu biết sai lầm về tự ngã.
Cho nên Đức Phật dạy chúng ta hãy nhìn vào tâm của mình. Cái
gì hiện hữu lúc ban đầu? Thực chất là không có gì cả. Sự trống rỗng này (tâm
không) không có sinh ra và cũng không mất đi cùng với những hiện tượng. Khi nó
tiếp xúc với những gì tốt đẹp, nó cũng không trở nên tốt, khi nó tiếp xúc với
những gì xấu xa, nó cũng không bị xấu đi. Nhưng cái tâm thanh tịnh kia vẫn biết
rõ những đối tượng ấy, biết rằng chúng không có thật.
Khi tâm của hành giả an trú trong trạng thái như thế thì mọi
nghi ngờ đều tan biến. Trong trạng thái như thế phải chăng vẫn còn sinh tử?
Chúng ta không cần phải hỏi ai cả. Khi thẩm xét những yếu tố của tâm, Đức Phật
đã để cho nó tự do biến hiện, tự nó đến, rồi nó tự đi, và Ngài chỉ là một người
ý thức rõ về chúng. Ngài chỉ theo dõi nó trong sự tĩnh lặng. Và khi đó, những
điều kiện dẫn đến tái sinh đã không còn tồn tại ở trong Ngài. Với trí tuệ thù
thắng, Ngài đã nhìn thấy mọi trạng thái của tâm đều là vô thường, không toại
nguyện và vô ngã.
Và Ngài trở thành bậc Giác ngộ. Bậc giác ngộ nhìn thấy mọi
thứ đúng như thật, không trở nên vui, buồn khi điều kiện thay đổi. Đây là trạng
thái an lạc của tâm, không còn bị trói buộc trong sinh, lão, bệnh, tử, vào
nhân, duyên, quả, vượt ra ngoài hạnh phúc và khổ đau, vượt lên trên cả thiện và
ác. Đây là trạng thái khó diễn tả, và không có trạng thái nào thù thắng hơn nữa.
Cho nên các bạn cần phải phát triển thiền định, sự tĩnh lặng
và tuệ giác; học cách để làm cho chúng sinh khởi trong tâm và thật sự sử dụng
những trạng thái ấy. Nếu không, bạn chỉ biết Phật pháp qua những ngôn từ, và sự
hạn cuộc trong sách vở mà thôi, lúc ấy bạn chỉ là người đi vòng quanh để diễn
giải về những tính chất của sự vật, nhưng chưa bao giờ trải nghiệm qua thực tế.
Có thể bạn là người rất thông minh, nhưng liệu khi tâm bạn móng niệm, bạn có chạy
theo nó không?
Khi bạn tiếp xúc với những cái bạn ưa thích, bạn sẽ bám víu
vào nó hay là bạn buông bỏ? Và khi bạn đối diện với những trạng thái không hài
lòng, tâm bạn tỏ ra khó chịu, lên án hay bạn buông xả để cho nó ra đi? Nếu bạn
thấy còn có những thứ bạn không thích, thấy bạn vẫn còn dính mắc và còn có sự
chê bai thì bạn cần phải xem xét lại mình - đấy là những biểu hiện chưa đúng và
chưa hoàn toàn rốt ráo. Nếu bạn quán xét tâm mình theo cách này, đến một ngày
nào đó, bạn sẽ nhận biết con người thật của chính bạn.
Tôi đã không thực tập dựa trên những hướng dẫn trong sách
giáo khoa; tôi chỉ nhìn vào tánh thấy biết của mình. Nếu nó ghét một ai đó, tại
sao lại ghét. Nếu nó thích một người nào đó, tôi cũng hỏi tại sao thích. Bạn
hãy quán xét mọi biểu hiện của tâm để tìm ra căn nguyên của nó, đến lúc đó bạn
mới có thể giải quyết một cách triệt để những vấn đề yêu, ghét trong bạn, khi
đó tâm bạn mới được bình yên. Mọi thứ đều quay trở về và phát sinh từ tánh thấy
biết của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tu tập, thực tập thường xuyên và liên
tục là tối cần thiết.
Chân dung ngài Achaan Chah
Achaan Chah - Khánh Yên dịch