Tuesday, November 27, 2012

Stress - chị em đua nhau học thiền


Thứ Bảy, 04 Tháng Tám 2012
Theo dõi từng động tác pha cà phê, rót cà phê, 
uống từng ngụm cà phê và thưởng thức hương vị cà phê 
một cách chậm rãi, thanh thản cũng là một cách thiền 
mà nhiều chị em phụ nữ đang áp dụng.

Cứ đến 17h30 hàng ngày,
phòng họp chính của báo Hải Phòng lại trở thành nơi
 tập thiền cho các phóng viên,
 biên tập viên và nhân viên văn phòng của báo.

Chị Thùy Linh, biên tập viên mảng văn hóa, cho biết: “Ban đầu mọi người không hiểu vì sao cơ quan lại đưa ra hoạt động này và rất ít người tham gia. Sau khi tập được một thời gian, cứ đến giờ tập, nếu ai không phải đi làm thời sự bên ngoài hoặc phải về thì đều háo hức đi tập thiền”.

“Làm báo mà học thiền thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng quả thật thiền có tác động tích cực đối với mọi người ở đây. Bản thân tôi cũng thấy những áp lực trong cuộc sống giảm hơn trước rất nhiều. Đó là do mình biết cách kiểm soát cảm xúc, tinh thần”, chị Ngô Thu Thủy, phóng viên phòng Kinh tế, báo Hải Phòng, tâm sự.

Chị Lê Hải Yến, chủ một shop thời trang ở đường Xã Đàn (Hà Nội), tham gia một lớp học thiền dưỡng sinh trên đường Thụy Khê trong một lần tình cờ đi lang thang phố phường vì bị stress. “Tôi thấy một quán trà nằm trong ngõ có vẻ yên tĩnh và muốn trốn vào đó ngồi một mình. Vào quán, thấy nhiều khách trong đó đang ngồi thiền nhìn rất thanh thản. Các nhân viên ở đó nhiệt tình mời tôi thiền thử và tôi "bén duyên" với thiền từ đó", chị Yến kể.

Sau lần tham gia đầu tiên ấy, chị Yến được hướng dẫn cách kiểm soát bản thân, kiểm soát năng lượng của mình và rèn luyện sức khỏe. “Thực ra mọi việc không có gì là cao siêu như trước đây mình tưởng tượng, chỉ là cách học lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc, lắng nghe nhu cầu cơ thể trước ngoại cảnh đang tác động vào mình để có những điều chỉnh hợp lý thôi. Tôi nghĩ là trước áp lực của cuộc sống, công việc, học thiền hợp với tôi”, chị Yến chia sẻ.

Trung tâm Thiền trên đường Thụy Khê mà chị Yến học có rất nhiều chị em làm văn phòng tuổi từ 26 đến 40 theo học. “Không phải những người già mới có nhu cầu học thiền đâu nhé, nhiều bạn trẻ giờ cũng tìm đến các lớp thiền. Tỷ lệ chị em dưới 30 tuổi đi học thiền còn nhiều hơn cả những chị trung niên đấy”, chị Trương Hồng Hà, học cùng chị Yến, cho biết.
Đến với thiền, nhiều chị em có những hoàn cảnh đặc biệt. Chị Lê Thu Hương (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang gặp chuyện trục trặc gia đình. Vợ chồng chị chuẩn bị ly hôn nên chị suy sụp tinh thần, sút cân. Một người bạn thấy vậy lo lắng và rủ chị đi học thiền. “Mỗi lần ngồi thiền, những việc đã qua chạy qua đầu mình như những thước phim. Mình bình tâm nhìn lại mọi việc và thấy rõ những đúng – sai trong cuộc sống. Rồi mình hiểu nguyên nhân và chấp nhận được sự thật”, chị Hương chia sẻ về những tác động tích cực của thiền lên tâm trí mình.

Trước khi cân bằng được cảm xúc, chị Hương từng có thời gian sống thờ ơ với con cái, cha mẹ và tránh bạn bè. Khi lấy lại được tinh thần, ổn định công việc, dù vẫn bận rộn, nhưng chị cố gắng dành thời gian, về sớm nấu cơm cho con, chuẩn bị bữa sáng, chăm sóc bố mẹ… Mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi của chị. “Chỉ đơn giản là trước đây, mình không có thời gian bình tĩnh mà suy xét đến nguyên nhân của đổ vỡ, bây giờ dành thời gian suy nghĩ, thấy mình sai, thì sửa. Không quan tâm đến mọi người thì mình sẽ mất mọi người, sớm hay muộn thôi”, chị tâm sự.

Thiền có tác dụng tích cực như vậy nhưng lại không hề phức tạp hay gò bó người hành thiền theo những bài tập hay thời gian cố định. Trong cuộc sống hiện đại luôn bận rộn, không phải chị em nào cũng có thời gian để đến những lớp học tĩnh tâm. Nhưng chỉ cần hiểu được bản chất của thiền, mỗi người có thể tự áp dụng thiền bằng nhiều phương pháp khác nhau như: uống cà phê, nghe nhạc, ngắm cảnh… trong trạng thái tâm lý chậm rãi, nhẹ nhàng, thư thái... Nguyên tắc cơ bản và tối cao của thiền là phải để cho tâm trí thoải mái, gạt bỏ suy tư, toan tính, thì sẽ thấy tinh thần trong sáng, tĩnh tại.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Dũng, Phó TGĐ Liên hiệp khoa học UIA, phụ trách nghiên cứu ứng dụng khoa học Dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho biết: “Nếu chúng ta đi sâu vào thiền dưỡng sinh, tức là ứng dụng thiền vào trong cuộc sống thực tế hằng ngày để nâng cao sức khỏe và trí tuệ, cân bằng mọi áp lực, củng cố lòng tự tin, ý chí thì chất lượng cuộc sống sẽ nâng cao. Nhưng nếu chúng ta đi sâu vào việc khai thác khả năng đặc dị, thần thông của thiền để mong trở thành người phi thường, Thánh hay Phật là điều không nên. Theo tôi, thiền phục vụ sức khỏe thì chị em phụ nữ nên quan tâm”.

Chị em có thể tập thiền tại nhà theo hướng dẫn sau:

1. Trước khi thiền: Vệ sinh thân thể sạch sẽ, chọn mặc loại trang phục thoáng rộng để thật sự cảm thấy thoải mái và tìm một nơi thật yên tĩnh để chuẩn bị ngồi thiền. Tốt nhất là chọn không gian thiền là một gian phòng thông thoáng với ánh sáng không quá tối, cũng không quá sáng.
2. Trong khi thiền: Nghe một bản nhạc nhẹ không lời khi đang tiến hành chuẩn bị. Ngồi trên một miếng đệm mỏng (có thể ngồi tựa lưng vào tường nếu chưa thật sự thành thục), lưng thẳng, mặt hướng về trước nhưng hơi cúi, lưỡi chạm nhẹ vào các gốc chân răng cửa ở hàm trên, mắt nhắm hờ hoặc nhìn xuống điểm cách vị trí ngồi khoảng một mét, hai tay buông lỏng trên đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, toàn thân thư giãn tối đa.

Hãy để việc ngồi thiền được diễn ra một cách tự nhiên nhất. Không ít người phải mất hàng tháng trời mới có thể làm quen được với thiền.

3. Sau khi thiền: Khi chấm dứt thiền, thay vì vội đứng dậy, nên thực hiện một vài động tác nhẹ nhàng. Đầu tiên là từ từ buông duỗi hai chân ra, sau đó xoay hông và cổ qua lại vài lần rồi massage nhẹ vùng mặt. Cuối cùng, dùng hai tay xoa bóp hai chân, kể cả lòng bàn chân, trước khi đứng dậy.
CamNangGiaDinh theo eva