Già rồi.
Suy nghĩ cũng khác hơn rồi!
Đã biết nơi nào nên dừng lại ...
Bước nhanh hơn để sống chậm lại
Làm thế nào để sống chậm lại giữa xã hội mà thời gian luôn
là vàng bạc và mỗi phút ngơi tay là mỗi lúc bị tụt lại phía sau?
Mọi người nghĩ rằng sống chậm đồng nghĩa với giảm nhịp độ mọi hoạt động thường ngày nhưng đây là quan niệm sai lầm, bởi để được chậm lại, đôi khi ta phải tăng tốc.
Mọi người nghĩ rằng sống chậm đồng nghĩa với giảm nhịp độ mọi hoạt động thường ngày nhưng đây là quan niệm sai lầm, bởi để được chậm lại, đôi khi ta phải tăng tốc.
Tuyết Mai
Sống chậm ngoài việc bớt đi những căng thẳng, lo toan, còn
phải cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và cảm nhận những góc độ
khác nhau trong cuộc sống. Một lý do khác quan trọng không kém là sống chậm
giúp chúng ta tăng tuổi thọ. Người Nhật với điều kiện sống cao là dân tộc có tuổi
thọ cao nhất nhì thế giới (bình quân của nam là 79, nữ là 83), nhưng vẫn có nhiều
người đột tử ngay trên bàn làm việc, trên đường đến công sở vì làm việc quá sức.
Một ví dụ khác cho thấy: người thành thị thường không thọ bằng những người ở
thôn quê, đặc biệt là người ở miền núi cao. Ngoài yếu tố khí hậu trong lành, ít
ô nhiễm, một yếu tố quan trọng nữa là nhịp sống chậm rãi, không quá nhiều âu lo
và phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể là yếu tố quan trọng góp phần giúp người
ta sống lâu hơn.
Sống chậm lại, tôn trọng nhịp sinh học của cơ thể là thông điệp
mà nhiều chuyên gia y học và các kênh truyền thông đang muốn truyền tải và khuyến
khích đến tất cả mọi người.
Nhiều người viện cớ không làm sao thoát khỏi guồng quay của
công việc. Thực ra, bạn vẫn có thể sống chậm bằng cách chạy nhanh hơn cái guồng
quay đó, để tích lũy thời gian cho những hoạt động cá nhân và giải trí.
Thay vì trải dài việc cần làm từ thứ hai cho đến tận chủ nhật,
hãy cố gắng giải quyết tất cả bằng cách tập trung làm hết việc trong giờ, cắt bớt
thời gian nghỉ trưa và bạn có thể thảnh thơi trước thứ bảy.
Tiền không mua được thời gian nhưng có thể mua được những
phương tiện hỗ trợ công việc thuận tiện và nhanh chóng hơn: smart phone hoặc
máy tính bảng để check mail bất cứ nơi đâu; bình nước nóng để không phải chờ đợi
mỗi khi muốn uống một tách café; đặt dịch vụ mang cơm trưa đến tận bàn làm việc
để không phải ra ngoài quán...
Một lý do khác khiến chúng ta không thể sống chậm chính là nỗi
lo tiền bạc: nhu cầu mua sắm, nhu cầu nghỉ dưỡng, đóng học phí cho con cái, huy
động tiền nhanh cho những cơ hội đầu tư chớp nhoáng... Kiếm ra tiền đã khó, để
quản lý nguồn tài chính cũng là một quá trình gian nan và phức tạp. Với những dịch
vụ ngân hàng điện tử tiên tiến ngày nay, ta không phải tốn hàng giờ chạy xe tới
ngân hàng để thực hiện giao dịch hoặc phải đến nhiều nơi để thanh toán các hóa
đơn khác nhau, mà có thể thực hiện các giao dịch này qua Internet hoặc điện thoại
bất cứ lúc nào và ở đâu. Do đó "giao dịch nhanh để sống chậm" là lý
thuyết đang được rất nhiều người, đặc biệt là những người bận rộn tâm đắc.
Có rất nhiều cách để làm giảm nhịp độ cuộc sống nhưng điều
quan trọng nhất vẫn là cân bằng giữa cái vội vàng quá mức và chậm rãi đều đều.
Sống chậm không có nghĩa là tụt hậu, là bỏ lỡ những cơ hội của thời cuộc. Hãy
biết tư duy đúng cách và tận dụng những điều kiện cho phép nhằm tiến nhanh hơn
để sống chậm lại.
Suy nghĩ về 'Sống chậm lại, suy nghĩ khác đi và yêu thương
nhiều hơn'
Cuộc sống là một trường đua và thì giờ là vàng, là bạc.
Nhưng con người không phải là một cỗ máy vô cảm, con người có tâm hồn được tạo
nên từ vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau: buồn-vui,
thất vọng-hi vọng, chán nản-hạnh phúc, khinh ghét-yêu thương…
Giữa những nốt bổng và nốt trầm, giữa lúc buồn mà không bế tắc,
tuyệt vọng; giữa lúc vui mà không mải mê, chủ quan, ta có những “nốt lặng”. Nốt
lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để “Sống
chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”. Dù là một giây, một phút thôi
nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời.
Sớm ra đường, xe cộ qua lại tấp nập, ai cũng mải miết và hối
hả. Dừng lại đôi phút đèn đỏ, ai cũng sốt ruột, vẻ mặt thoáng chút lo âu và
nghiêm nghị như đang suy nghĩ một việc rất hệ trọng. Đường ai nấy đi, việc ai nấy
làm, chúng ta đang lao đi như những con thiêu thân trên một hành trình bất định.
Hãy sống chậm lại để cảm nhận...
Cuộc sống là vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc
cảm xúc như nối tiếp nhau: buồn, vui, hạnh phúc, chán nản, thất vọng, vui tươi,
xót xa... của hàng loạt số phận. Những niềm vui nho nhỏ, những nỗi buồn man mác
tiếp nối nhau, đan xen những giây phút ấm áp, tươi vui.
Và đôi khi, ta vô tình bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống
và lãng quên những điều bình dị vốn rất quen thuộc xung quanh, để khi nhận ra,
ta biết mình đã để tuột khỏi tay rất nhiều thứ, rồi nuối tiếc, rồi tự chất vấn
mình, tự dằn vặt rằng tại sao? tại sao?...
Hãy tự dành cho mình những khoảnh khắc yên bình, những khoảng
lặng để suy tư về cuộc sống và niềm tin vào phía trước, "luôn luôn có niềm
hy vọng cho người nào bình tâm suy nghĩ về cuộc sống". Hãy một lần ngồi lại
và nhìn ngắm cuộc sống xung quanh, trái tim mỗi người hãy tự vấn rằng, liệu có
phải mình đã để trôi lãng những khoảnh khắc tưởng như vô nghĩa, nhưng kỳ thực lại
giá trị hơn rất nhiều những thứ vật chất khác.
Hãy sống chậm lại và cảm nhận", mỗi người đôi khi hãy để
mình sống chậm hơn một chút để quan sát con người xung quanh, để lắng nghe những
âm thanh rất đỗi thân thương, để tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị, để gạn bớt những
lo toan, những vội vã trong tâm trí, cảm nhận từng phút giây, từng khoảnh khắc
của cuộc sống kỳ diệu và để hi vọng về một ngày mai tươi mới.
Sống-chậm-lại.
Vẫn biết với con người và đặc biệt là tuổi trẻ, sống là không
chờ đợi…
Vẫn biết nếu không nhanh nhẹn, không biết chạy đua, làm sao
có được những gì mà mình muốn: thành công, tiền bạc, hạnh phúc…
Vẫn biết xã hội đương phát triển một cách chóng mặt, thời
gian được rút ngắn một cách tối đa: trồng trọt, sản xuất thì rút ngắn thời gian
thu hoạch để một năm có thể xen gối thâm canh thêm mấy vụ nữa; máy móc công
nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc
độ lan truyền đến chóng mặt...Cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay
đó, ai làm khác là tụt hậu. Phải chăng đó là nguyên nhân gây nên mặt trái xã hội
khi lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lí ngày càng nhiều hay với lớp
trẻ tình trạng “sống thử”, “sống vội’, “sống sơ sài’ diễn ra như một định hướng
chung.
Con người cần phải sống-chậm-lại…
Sống chậm là để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống:
Ta dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa
đẹp, nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong bản nhac nhạc cổ điển, hít
thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất với những mầm
non vậy, nếu không có những thứ ấy tưới tắm, bón trồng thì đất sao màu mỡ và mầm
xanh bé bỏng sao vươn lên tốt tươi được. Đó cũng là lí do tại sao mà không phải
vô duyên vô cớ, có rất nhièu người ở Mĩ , ở châu Âu hay Úc ngày nay muốn trở về
với bà mẹ thiên nhiên, tránh xa cuộc sống ồn ã, náo nhộn và gánh nặng những ước
lệ rườm rà của thành phố, những thứ tiện nghi làm cho người ta bạc nhược yếu ớt
đi để tìm vào rừng sinh sống, sống ở trên cây, sống chung với thiên nhiên, động
vật. Sống chậm một chút nhưng cảm thấy thế giới xung quanh tươi đẹp và đáng sống
hơn.
Sống chậm là để dành thời gian nghĩ về cuộc sống và những
người xung quanh.
Có một câu chuyện cổ tích hiện đại kể về chú mèo Kitty đáng
yêu của Nhật Bản. Chú mèo trắng trẻo, mắt to tròn, hiền lành và ngộ nghĩnh
nhưng không có miệng bởi chú là hiện thân cho người bạn luôn luôn lắng nghe, cảm
thông, thấu hiểu của cô bé đáng thương, cô đơn khi cha mẹ mải công việc, bạn bè
bắt nạt, học tập mệt mỏi…và sau này là bạn của toàn trẻ em Nhật. Câu chuyện là
bi kịch của cô gái nhỏ trong thời đại nước Nhật chạy đua trong công nghiệp,
khoa học kĩ thuật, điện tử, nhịp sống xô bồ đã đẩy những tâm hồn non nớt vào
tình trạng khủng hoảng, trầm cảm về tâm lý. Sống vội vã gây cho con người áp lực,
căng thẳng và khô héo tâm hồn, là vội vã, lạnh lùng với những người xung quanh.
Ta chậm một chút để chia sẻ tình thương với em gái nhỏ bán rong trên đường,
giúp một bà lão ăn xin tội ghiệp, giúp đẩy gánh hàng nặng của bác xích lô trên
con dốc dài…Một nụ cười, một cái siết tay, một ánh mắt cảm thông là món quà quý
giá nhất với những ai đương cô đơn, bế tắc và lạc lõng.
Sống chậm còn là để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Một chút lặng lẽ, riêng tư cho chính mình để nghĩ về những
gì đã qua, những gì sắp tới, những gì được mất. Sống chậm không phải lãng phí
thời gian mà là trân trọng thời gian, quý trọng những kí ức, những kỉ niệm, thấy
quý những gì đã mất như món đồ chơi, chiếc răng sữa thưở ấu thơ…cho đến những
gì to tát hơn sau này, một chút sống chậm nhưng biết quý giá “món quà” hiện tại.
Sống chậm cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hi vọng
cho tương lai. Tâm hồn mỗi người trẻ tuổi trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn
và trưởng thành hơn.
Sống chậm như vậy đó, không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu
mà là sống một cách kĩ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, a dua, ăn theo; tránh
những lối sống gấp, sống ẩu, sống vì những mục đích hiện sinh tầm thường. Sống
chậm không phải là sống ít mà thực chất là sống được rất nhiều.
Trong một số cuôc bàn luận gần đây về những thay đổi trong
cách nghĩ, lối sống sống của thế hệ trẻ, người ta chỉ ra rằng một trong những
khuyết điểm lớn nhất của thế hệ 8X, 9X, 10X…là sống một cách công thức, thiếu
sáng tạo và tự giới hạn năng lực, khả năng của mình. Tuổi trẻ ngày nay sợ gặp
thất bại và không biết đương đầu với thất bại như thế nào. Vì vậy:
Suy-nghĩ-khác đi…
Là biết nhìn nhận, đánh giá, biết lựa chọn những lối đi
riêng. Từ khoảng hơn một thế kỉ trước trở về đây, người Việt Nam dần xoá bỏ thế
giới phi ngã, giáo điều và chủ xướng phát hiện, đề cao cái “tôi” cá nhân. Bởi vậy,
muốn khẳng định được một cái “tôi” sắc nét thì trước hết phải có cách nhìn nhận
mới mẻ, có tính chất đột phá, dám vượt thoát khỏi những lối tư duy sáo mòn, cổ
hủ, lạc hậu, dũng cảm chọn cho mình một cách nhìn nhận riêng. Không nói đâu xa,
khoảng gần thế kỉ trước, xã hội đương cảnh rối ren dưới sự thống trị của thực
dân phong kiến, cũ mới giao tranh, Á, Âu lẫn lộn, những người yêu nước chỉ biết
nghiến răng trông cảnh đất nước làm thân nô lệ thì có những chí sĩ ái quốc như
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tìm cho mình những lối đi riêng. Họ yêu cầu cải
cách và thay đổi, họ đề ra những đổi mới duy tân tiến bộ, họ đấu tranh theo những
phương pháp khác nhau. Tuy không thành công nhưng những vị chí sĩ ấy đã xây nên
một tiền đề vững chắc cho một cuộc cách mạng sau này.
Dẫu vậy nhưng không phải ai sinh ra đã được trời phú cho tư
chất và “cá tính” rõ ràng và không phải ai cũng có khả năng luôn tìm được cái mới
có tính chất đột phá. Vì vậy “suy nghĩ khác” còn có thể hiểu là những lối suy
nghĩ tích cực, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản tuyệt
vọng. Còn nhớ câu chuyện về nhà bác học Ê-đi-sơn đã phải thử 1000 nguyên liệu
và thất bại hàng nghìn lần mới tìm ra được chất làm dây tóc bóng đèn. Học trò của
hoạ sĩ thiên tài Lê-ô-na Đơ-vanh-xi phải học vẽ bắt đầu từ một quả trứng hơn ba
mươi lần mới được vẽ những cái tiếp theo. “Điều thiết yếu trong cuộc sống luôn
là một người học trò” chăm chỉ ưa tìm tòi học hỏi và khám phá(Hazan) không sợ
những thất bại trước mắt và từ những thất bại ấy rút ra kinh nghiệm cho bước tiến
sau này. Suy-nghĩ-khác còn là cách học để đối diện với thất bại và vươn lên từ
thất bại, không bao giờ tự giới hạn chính mình.
Trong những năm gần đây, có một hiện tượng đang trở thành xu
hướng của giới trẻ châu Á và cả Việt Nam: thanh niên mỗi lần rơi vào bế tắc,
tuyệt vọng do thi trượt đại học, bố mẹ bỏ nhau, sức ép học tập căng thẳng hay
vì một lí do riêng mà bị nhiều người xa lánh…thường quẫn chí tự tử. Đáng sợ hơn
nữa còn có những vụ tự tử tập thể, tự tử nhóm bằng nhiều hình thức và vì những
lí do không đáng thiếu suy nghĩ. Trong những trường hợp này thì cách suy nghĩ
khác, tích cực, lạc quan và hướng tới những gì tốt đẹp là phương thuốc hữu hiệu
nhất giúp chữa lành những vết thương và con người có tự tin, nghị lực để sống
tiếp.
Tuy nhiên, suy-nghĩ-khác không phải là những cách suy nghĩ,
cách nhìn lập dị, quái đản cổ suý và làm “bệnh hoạn” một bộ phận xã hội. Suy
nghĩ khác phải là những suy nghĩ đem lại sức sống cho bản thân, từ đó tích cực
và có ích đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống xã hội.
Ngày nay, có một thực tế khá ngược chiều đang xảy ra và ngày
càng tràn lan trong xã hội. Khoa học kĩ thuật đang tìm mọi cách để “con người hoá”
rô bốt, rô bốt không chỉ biết hành động, làm việc mà còn có những cử chỉ, ý
nghĩ và dần có một số cảm xúc như con người. Ngược lại, con người thì lại ngày
càng “rô bốt hoá” sống trống rỗng và vô hồn vô cảm. Cái mà xã hội hiện đại thiếu
nhiều nhất không phải về vật chất mà về mặt tinh thần: sống thiếu tình thương.
Đặc biệt với giới trẻ, sự lãnh đạm, thờ ơ đang diễn ra như một
điều bình thường trong cuộc sống. Thờ ơ với lịch sử dân tộc, thờ ơ với những
giá trị văn hoá cổ truyền , thờ ơ với những người ăn xin trên đường, thờ ơ với
bà cụ muốn người giúp qua đường …Và đáng sợ hơn, chúng ta đang dần vô cảm, thờ
ơ với cả cái xấu. Vô cảm khi thấy một người đương móc túi người khác, vô cảm với
những văn hoá đồi truỵ lan tràn trên mạng, vô cảm khi nữ sinh, nam sinh nhìn bạn
học của mình bị đánh đập và còn sung sướng cổ vũ, reo hò…Cái mà con người hiên
đại và giới trẻ ngày nay cần nhất là:
Yêu-thương-nhiều hơn.
Vì yêu thương vốn là cái gốc của nhân loại. Yêu thương và
đoàn kết là nền tảng để một dân tộc cùng sống và phát triển bao đời nay. Thiếu
yêu thương là thiếu con người.
Yêu thương nhiều hơn là biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và
hướng tới người khác nhiều hơn. Đó là một ánh mắt nhìn, một nụ cười, một hành động
và lời nói quan tâm qiúp cha mẹ bớt mệt nhọc hơn sau một ngày lao động vất vả.
Đó là cử chỉ ân cần trìu mến với những người đang gặp khó khăn. Đó là sự lo lắng,
sốt ruột, thương xót khi “khúc ruột miền Trung” đang ngập trong biển nước…Yêu
thương nhiều biến con người trở thành người nhân hậu, cao cả, lớn lao hơn. Mỗi
người hi sinh đi một cái tôi vị kỉ hẹp hòi để người sống với người bằng tình
thân ái.
Khi yêu thương nhiều hơn tức là cho đi nhiều hơn thì ta lại
được nhận về nhiều hơn. Sống với những người xung quanh bằng sự chân thành, ta
sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những
người bạn, người thầy… Yêu thương nhiều hơn còn là sống vị tha bao dung, biết sẻ
chia và làm cho cuộc sống tốt đẹp.
Yêu thương nhiều hơn chỉ giản đơn là sống chậm lại một chút,
nhìn ngắm đường phố xung quanh và những gương mặt thân quen. Yêu thương thiên
nhiên, môi trường để không làm huỷ hoại môi trường. Yêu thương bầu trời xanh là
thêm yêu những cánh chim hoà bình.
Thanh niên hiện đại được dành cho tình yêu, sự quan tâm lo lắng,
nâng niu và chiều chuộng nhiều hơn nên rất dễ rơi vào lối sống ích kỉ cá nhân hẹp
hòi. Nếu mỗi người trẻ tuổi biết lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu nhiều hơn một
chút là ta đã có thể phá bỏ cái cô độc sau này.
“Sống chậm”, “suy nghĩ khác” và “yêu thương nhiều hơn” là ba
mặt biện chứng của một vấn đề. Sống chậm thực chất là thời gian con người suy
nghĩ, mài nhọn các giác quan nhạy bén và thành lập tư duy sáng tạo, tích cực. Sống
chậm còn là lúc con người được thảnh thơi, yêu thương, trân trọng những người
xung quanh. Nhưng cũng chớ đánh đồng sống chậm trái nghịch với lối sống “vội
vàng” của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ sống vội vàng là sống hết mình, sống một
cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất. Vậy nên tuổi trẻ phải vừa biết sống
chậm để rèn luyện sự chín chắn, trưởng thành, vừa phải biết sống “vội vàng”,
linh hoạt và hết mình.
“Chịu sống chậm một chút thì mình sẽ thấy bao nhiêu điều đẹp
trong dòng đời này. Cái đẹp của đèn đêm về sáng họp chợ. Cái đẹp của người buôn
thúng bán bủng. Cái đẹp của chú bé thổi còi…”(Trích kịch bản phim Sống chậm).
Cuộc sống xung quanh tôi vẫn thế, lao vun vút như một mũi
tên khổng lồ, tôi sợ tôi và những người quanh tôi sẽ đi lạc, lạc vào những thói
xấu ở đời, lạc vào cái sân khấu ranh mãnh giả tạo. Nên tôi đôi lúc muốn hãm
phanh lại. Tôi sống chậm theo cách của riêng mình: dùng một ít thời gian để hít
thở không khí trong lành, một ít thời gian để đọc cuốn sách bồi bổ tâm hồn, một
ít thời gian để lắng nghe những tâm sự của người thân và quan tâm hơn đến mọi
người. Những giây phút thảnh thơi ấy khiến tôi nhận ra được nhiều điều đáng quý
và thêm yêu cuộc sống.
Còn với bạn, bạn nghĩ sao?
SỐNG CHẬM !
Đào Thị Thanh Tuyền
1. Bạn email cho tôi, dặn dò: “Cố gắng sống chậm!”. Tôi
không hiểu lắm ý nghĩa hai từ “sống chậm” này. Tôi đoán, có lẽ ý bạn nói chậm
chậm lại một chút và tập hưởng thụ đi, đừng “hùng hục” nữa! Một ngày của tôi
luôn bắt đầu từ 4h30 sáng và kết thúc vào 10h tối. Có người cho rằng vậy là tôi
đã sống chậm (bởi đi ngủ quá sớm) nhưng cũng có người nói tôi không sống chậm bởi
dậy quá sớm! Một ngày, tôi quyết sống chậm theo cách của mình và cố gắng tạo
cho được thói quen đó. Buổi sáng tôi dành khoảng một giờ đi bộ ra biển. Thật
ra, đó không phải là quyết tâm của tôi cho môn thể dục buổi sáng không tốn kém
này mà bởi vì đó là mẹ tôi, năm nay 74 tuổi. Nhiều năm trước, mẹ tôi thường
xuyên ốm đau, nhờ đi bộ buổi sáng sức khoẻ bà khá lên rất nhiều. Hiệu nghiệm nhất
là chứng tiểu đường, từ kết quả xét nghiệm ba bốn cộng gì đó mà nhờ chế độ
kiêng khem, cộng với đi bộ buổi sáng giờ đây kết quả hoàn toàn âm tính. Một
sáng chủ nhật tôi đi bộ cùng bà ra biển. Nắm chặt tay tôi, mẹ nói: “Đi với con
má cảm thấy vững vì nắm tay con, giống như có điểm tựa vậy, đi với mấy bà bạn
gìa chẳng ai nắm tay ai, nhiều lúc liêu xiêu muốn té!”. Thế là từ đó, tôi bỏ hết
công việc viết lách chút đỉnh buổi sáng để đi bộ với mẹ. Lâu dần thành thói
quen. Biết tôi tham công tiếc việc, sợ tôi bỏ cuộc, ngày nào mẹ cũng động viên:
“Con cũng có tuổi rồi, ráng đi chút buổi sáng Nhiều bữa má cũng mỏi lắm, nhưng
phải cố”. Nghe mẹ, tôi ráng. Có lúc bận bịu hết sức mà cũng đành phải đóng nắp
máy vi tính đứng lên khi nghe tiếng mẹ gọi dưới đường (mẹ đi từ nhà mẹ qua nhà
tôi). Từ nhà tôi ra đến biển chưa đến 2 cây số. Đến nơi, tôi và mẹ ngồi lại
trên ghế đá ngắm biển, nhìn những dáng người lướt qua như giòng chảy chậm trên
nền tiết tấu khoan thai của thời gian. Phía trước mặt có một khối cầu lửa ngày
nào cũng ngoi lên đúng thời điểm. Khi quả cầu cách mặt nước khoảng chừng hơn
thước và bắt đầu chói mắt thì tôi và mẹ đứng lên đi về. Tôi bắt đầu một ngày
mưu sinh, mẹ bắt đầu một ngày với tờ báo tôi mua cho bà cùng ly cà phê sữa.
Ngày rồi ngày, dù cố sống chậm cách mấy tôi cũng cảm thấy thời gian sao đi
nhanh quá. Mới thứ hai đầu tuần nắm tay mẹ băng qua quảng trường, ngồi ghế đá vậy
mà lục tục đến thứ bảy hồi nào. Chưa kịp làm gì đã hết tuần. Một tuần trôi qua
niềm vui, nỗi buồn, thất vọng, hy vọng... Nhanh như cái chớp mắt!
2. Chiều cuối tuần, tôi nhận điện thoại của một người bạn trẻ:
“Chị rảnh không đi uống nước với em”. Dù bận công việc chuẩn bị cho ngày thứ
hai tôi cũng cố sắp xếp: “Ừ, em đến trước đi rồi chị sẽ ra”. Tôi cũng muốn sống
chậm một chút trong buổi chiều cuối tuần, khi mà nắng vàng vẫn còn rực rỡ lắm.
Xong chầu cà phê tôi sẽ trở lại cơ quan tiếp tục công việc, chẳng việc gì phải
vội. Người bạn trẻ của tôi năm nay 40 tuổi đang theo cao học kinh tế và muốn mượn
tôi một số tài liệu cho luận án đang làm. Tôi nhìn cô thao thao kể chuyện mà thấy
ngợp. “Hồi học đại học khổ cực quá, tốt nghiệp xong em đốt hết sách vở thề
không bao giờ học nữa.Vậy mà mười năm sau em học thêm đại học kinh tế. Học
xong, sinh con, tất bật quá em không nghĩ mình còn sức để học, vậy mà giờ đây
em sắp xong cao học rồi. Em chưa biết mình còn tiếp tục nữa hay không”. Tôi hỏi
một câu khá ngây ngô và khá… tính toán: “Em học vậy có…lên chức không?”. Người
bạn trẻ cười ngất nhìn tôi như nhìn một nhân vật hiếm hoi còn lại của thời bao
cấp: “Chị lạc lõng với thời buổi làm ăn kinh tế bây giờ quá. Em học cho em. Em
kiếm ra tiền từ những kiến thức đó”. Tôi vẫn ngáo ộp: “Kiếm tiền bằng cách nào
chỉ chị với!”. Người bạn trẻ cười to hơn: “Nhát như chị sao giàu được. Một
tháng em không làm gì hết đã có mười triệu !” Tôi tròn mắt thán phục. Trong cái
đầu óc “thẳng thớm” của tôi vẫn không tài nào hiểu được cách giải bài toán để
ra đáp số mười triệu mà chẳng phải làm gì! Chúng tôi chia tay, nắng chiều vẫn
còn đọng trên những tàng cây một màu vàng óng đến nôn nao. Tôi nhìn mãi người bạn
trẻ và không hiểu cô đang sống chậm hay sống gấp!
3. Sáng nay trên con đường ra biển tôi thấy lác đác những
chùm hoa phượng màu đỏ thấp thoáng trong tán lá xanh. Mẹ tôi nói: “Hè lại về rồi
đó!”. Có mùa phượng nào cùng tiếng ve râm ran trở về trong ký ức của mẹ? Có con
đường phượng đỏ nào lướt qua trong ký ức của tôi? Chợt hiểu, bản chất của cuộc
sống là vận động không ngừng, chậm hay nhanh do mình cả. Hai bốn giờ của một
ngày là hằng số không đổi, công việc làm và suy nghĩ là biến số. Thôi thì, cố gắng
sống tốt. Nếu kết hợp được hai vế: sống chậm và sống tốt và bằng lòng với những
gì mình có thì có lẽ cuộc sống sẽ rất dễ chịu!
Tháng 4/2007
Bước chậm lại
Ngoài đèn đỏ để dừng lại, đèn xanh để bước đi, đèn đường còn
dành đèn vàng cho khách bộ hành bước chậm. Cuộc sống hối hả đôi khi cũng cần lắm
những khoảnh khắc sống chậm lại để không bỏ lỡ thời khắc của hạnh phúc.
Chậm lại là khi đôi môi không vội thốt ra những lời làm tổn
thương đối phương trong một cơn nóng giận, mà tự chiêm nghiệm chính mình để
không vô tình cứa một vết vào hai chữ yêu thương.
Chậm lại là khi ta đang băng qua đường chợt nhìn thấy một cụ
già hom hem đang tần ngần đứng bên mép đường mà chẳng dám bước sang. Có thể sẽ
trễ mất vài giây, nhưng con tim bạn sẽ khẽ mỉm cười…
Chậm lại là khi đừng vội phán xét một người luôn lạnh lùng,
kiêu ngạo là khó ưa, hãy quan sát và lắng nghe, có đôi khi vẻ bề ngoài chỉ để ẩn
giấu một tâm hồn cô đơn, cần sự chia sẻ.
Có đôi khi chỉ cần đừng bước quá mau và ngoảnh đầu nhìn lại,
bạn sẽ thấy được đôi mắt ngấn lệ của mẹ và nụ cười trìu mến của cha vào giây
phút chia xa. Để nhớ, để khắc ghi vào tim một bến bờ luôn dang tay chào đón ta
lỡ mai sau vấp ngã.
Hãy bước chậm lại để thận trọng và không cuốn mình vào những
vòng xoáy cám dỗ. Bởi cha mẹ có thể chờ đợi ngần ấy năm để nhìn ta lớn, vậy tại
sao bản thân ta không bước chậm lại để trân trọng chính bản thân mình?
Ý Nguyên.
Sống chậm lại...
vivicorp viết ngày 30/06/2012
Mình thu được 30.800 kết quả khi search cụm từ này trên
Google ngày 16/11. Thực ra, cũng không rõ lắm nghĩa của cụm từ "sống chậm".
Sống chậm lại...
Có phải, đó là khi ta đang phóng xe về nhà sau giờ làm, một
xe máy chở giấy ngay phía trước mặt chợt bung ra và bay tung. Người lái xe lom
khom đi nhặt lại từng tờ trước làn xe đang mải miết phóng. Ta nới tay ga, định
quay lại. Rồi chặc lưỡi: Làn đường bên trái đang tắc, qua đèn đỏ quay lại chắc
phải mất 10 phút, chắc người khác giúp họ xong rồi. Chặc lưỡi vít tay ga phóng
tiếp. Ta ngụy biện cho mình? Ta đã đi quá nhanh hay là ta vô tâm?
Có phải, đó là buổi sáng sớm, khi đi tập về. Ngang qua đường
có một chú bán than xe chở đầy ụ, bất chợt một bên sọt bị sụt và than lăn ngổn
ngang trên đường. Một vài chiếc xe khác vút qua. Ta lại nới tay ga. Và... cân
nhắc: Nếu dừng lại, ta sẽ về muộn, sẽ không kịp nấu sáng cho cả nhà, sẽ đi chợ
muộn và sẽ đi làm muộn. Ta lại vít tay ga... Ta ích kỷ, ta chỉ lo lắng bảo toàn
cho chữ "ngoan" của mình với gia đình nên ta hờ hững với người dưng?
Sống chậm...
Có phải, đó là khi ta dừng lại và suy nghĩ: Ta đã quan tâm đến
mọi người chưa? Lịch gọi điện tuần này là cho những ai? Tháng này sinh nhật ai?
Mùng mấy thì giỗ cụ, giỗ ông bà? Cuốn Harry Potter đọc đến khi nào thì hết?
Rằng mình đã bao giờ cảm thấy đủ thời gian, chỉ đơn giản đi
lang thang khi chiều xuống, sà vào một quán nhỏ ven đường vô tư ăn uống như hồi
sinh viên; chỉ đơn giản cho mình một khoảng thời gian để không bận tâm bởi những
trắc trở công việc, để bớt những lo toan, suy nghĩ trong cuộc sống;
Có phải là khi sư phụ nói với ta rằng tiền chỉ là phương tiện.
Nhiều người nhầm nó là mục đích nên quên mất một điều hạnh phúc mới là cái đích
cuối cùng mà người ta hướng tới. Sư phụ đúng, nhưng đôi khi vẫn thấy lăn tăn vì
không biết sư phụ đã làm được chưa? Sư phụ đã bao giờ bấm điện thoại để hỏi học
trò những câu kiểu như: Trò dạo này công việc thế nào? Tình yêu tình báo ra
sao? Khó. Vì sư phụ cũng chẳng có thời gian.
Có phải là khi ta không cập nhật những phục trang mới lạ như
bọn con gái cùng tuổi? Ta không tóc nâu môi trầm, không tóc ép, tóc xoăn như những
đứa con gái nhà quê lên thành phố khác? Là khi ta loay hoay tìm tiền lẻ cho người
ăn xin ở hàng ốc, và anh nhận xét rằng ta thể hiện không đúng lúc. Đúng không?
Người ta bảo sống chậm là cổ hủ đấy; là lạc hậu đấy.
Sống nhanh,
Có phải, khi cuộc sống đi lên là khi mình phải hay nhìn lại.
Nhưng nhìn lại không phải để xem xét và... sống chậm lại, mà thường thì ta thấy
mình... tụt hậu nhiều hơn. Lại tăng tốc, sống nhanh hơn, vội vã hơn, đọc sách
nhiều hơn, nghĩ suy nhiều hơn, căng thẳng nhiều hơn, bất an nhiều hơn, hờ hững
nhiều hơn, và vô tâm cũng đầy hơn.
Ta có đang đi quá nhanh không nhỉ?
Sống chậm lại mang đến cho bạn những cái nhìn khác về cuộc sống
- biết trân trọng những điều bình dị xung quanh..
Bây giờ, mọi người có vẻ sống rất nhanh, rất vội vã: người lớn
thì quay cuồng với lịch họp – lịch tăng ca…
Tuổi teen chúng mình thì chạy đua với bài tập, học thêm,
tăng tiết,… đôi khi mong đợi những giây phút được sống chậm lại! sống chậm lại
mang đến cho bạn những cái nhìn khác về cuộc sống - biết trân trọng những điều
bình dị xung quanh mà khi sống nhanh, chưa chắc bạn có thể nhìn thấy.
Sống chậm lại, bạn có thể đón bình minh sáng sớm, mỉm cười với
những người bán hàng đầu hẻm và thong thả thưởng thức tách cappuccino.
Sống chậm lại, mang đến cho bạn những giây phút cùng mẹ nấu
ăn, đá banh với bố hay cùng cả nhà xem bộ phim yêu thích.
Sống chậm lại, bạn có thời gian chăm sóc chú cún cưng mà lâu
nay bỏ quên, có thời gian ngồi viết những trang nhật ký bằng tay thay vì viết
blog.
Sống chậm lại, những chậu hoa lan được bạn vun, tưới,… góc
vườn sẽ xanh đẹp hơn.
Sống chậm lại, có những lúc bạn được ngồi nhâm nhi món ăn
yêu thích và tám với bạn bè.
…Sống chậm lại còn cho bạn nhiều hơn tôi có thể nói. sống chậm
lại không phải là từ bỏ tất cả, nhưng bạn đừng quá ôm đồm, hãy để cho tâm hồn
có những giây phút sống chậm lại nhé!
Thưởng Thức “Nhịp Sống Chậm”
2012-03-06 15:06:42
Sống trong nhịp sóng quay cuồng của thời hiện đại, “hạnh
phúc” đã trở thành niềm mơ ước chỉ có thể nghĩ đến mà không thể đạt được của đa
số người. Nhịp sống nhanh chóng đã làm cho con người không còn thời gian quan
tâm gì đến môi trường xung quanh, thưởng thức gì đến cảnh đẹp bên đường mà chỉ
chú tâm vào mỗi một điều xông về phía trước, không còn cảm nhận được cái gọi là
niềm vui trong cuộc sống. Như xã hội ngày nay, cuộc sống mì ăn liền đã trở
thành mốt thời thượng với một bản chất thô tháo, thiếu thốn sự quan tâm, xem
thường sinh mệnh. Do đây, chúng ta cần phải “sống chậm” lại, dành chút thời
gian chăm sóc tâm linh, sống một cuộc sống an vui thật sự.
Tôi đã từng nghe có một câu chuyện ngụ ngôn như vầy:
Có một người nằm phơi nắng trước hành lang trong ngôi nhà cũ
mục của mình, một người đi đường đi ngang qua trách anh ta rằng: giờ này sao
không chịu đi làm?
Anh chàng hỏi lại: làm việc để được gì?
Đương nhiên là để kiếm tiền rồi, người đi đường đáp.
Anh chàng không chịu thua: kiếm được tiền thì sao?
Người đi đường nóng mặt: thì có thể được nằm trong hành lang
ngôi nhà lớn tắm ánh nắng mặt trời chứ sao!
Ai ngờ anh chàng càng giả vẻ ngu ngơ hỏi lại: nằm tắm nắng
trong ngôi nhà lớn so với ngôi nhà cũ kỹ hiện giờ của tôi có gì khác biệt chứ?
Các bạn nghĩ sao, anh chàng trong ngôi nhà cũ trên có phải
cam tâm chịu nghèo khó mà không chịu đi làm việc không? Không phải, anh ta vẫn
phải làm việc kiếm ăn chứ! Chỉ là thư thả một chút! thời gian còn sớm mà, phơi
nắng ban mai, hít lấy một chút không khí trong lành cho khỏe người! Sống một
lát với thiên nhiên, vội vã chi!
Hạnh phúc là gì? Mỗi người đều sẽ có câu trả lời không giống
nhau. Hạnh phúc là tâm tình luôn luôn vui vẻ; hạnh phúc là lúc hưởng thụ niềm
khoái lạc; hạnh phúc là khi được ở cùng với người mình thương yêu, cảm nhận được
một an bình thư thái; quan trọng hơn nữa, hạnh phúc chính là sống một cách vinh
quang!
Niềm đam mê vật chất
luôn thúc đẩy chân chúng ta bước tới, trong khi sinh mạng thì không ngừng hao
mòn theo năm tháng. Cuộc sống trong thời đại công nghiệp cơ hồ làm cho người ta
cảm thấy đời sống phong phú hẳn lên, đầy đủ hẳn hơn, trái lại cuộc sống tinh thần
ngày càng sa sút. Thậm chí người ta không còn thời gian ngắm ánh mặt trời, từ
đó mất đi lòng kiên nhẫn chờ làm bạn với một đóa hoa nở. Làm người, cuối cùng
mua được cho mình một ngôi biệt thự hào hoa, nhưng lại không còn hứng thú tắm
ánh mặt trời, thật là đáng thương! Chọn “lối sống vội vã” là một thái độ sống hời
hợt, xem thường bản thân mình. Chọn “cách sống chậm lại” là một thái độ sống tốt
nhất, đầy đủ và biểu hiện được sự xem trọng chính mình nhất.
Trong những thành phố hào nhoáng, dẫy đầy tiếng ồn, ngày
càng có nhiều người biết quay đầu nhìn lại giá trị sinh mệnh của mình, buông bỏ
lối sống quay cuồng, sống lại cuộc sống thảnh thơi từng bước chân. Nhờ biết sống
trọn vẹn như vậy nên đã mang đến cho họ một kết quả ngoài mong muốn, "tài
sản "càng nhiều hơn và "địa vị xã hội" càng nâng cao hơn. Những
người có tiền ăn không ngồi rồi, nhưng không biết điều chế nhịp sống lại, chưa chắc đã có được
một cuộc sống đơn giản, tự tại như thế. Vì bị lòng tham bức bách nên họ bận túi
bụi vào việc kiếm tiền, muốn đem về cho mình thật nhiều, trong khi thực tế mình
đã quá dư thừa. Những lúc như vậy, bản tánh trong sáng của họ sớm đã bị nhịp sống
vồn vã vùi lấp mất rồi.
Công việc, đương nhiên không phải là toàn bộ ý nghĩa của cuộc
đời. Nhịp sống chậm lại không phải để hỗ trợ cho tính lười biếng mà là giúp cho
con người tìm lại được sự quân bình trong công việc cũng như trong cuộc sống. Từ
tốn thưởng thức món ăn ngon; thư thả đọc một quyển sách hay, viết áng văn đầy
chất người; tự tại ngâm một bài thơ; nhẹ nhàng rảo bước trên con đường vắng;
chân thành nhớ về một người nào đó; thưởng thức trọn vẹn niềm vui đến từ nội
tâm… Một đóa hoa mơn mởn, chưa mấy chốc đã rơi rụng; kiệt sức trong một đêm yêu
quá điên cuồng vì sợ không còn sức nếm lại hương vị ngọt ngào; văn học kiểu mì
ăn liền sẽ làm cho nhà văn mất đi tính sáng tạo; ái tình được tốc độ hóa cốt để
thoát khỏi sự cô liêu trong tâm hồn, tình yêu như thế đến cũng mau mà đi cũng
nhanh. Một tình yêu thuần khiết chân thật cần thời gian đi chậm lại để thưởng
thức, để thấu hiểu và ca ngợi cảnh vật bên mình. Chậm rì rì không phải là mục
tiêu của “nhịp sống chậm”, ý nghĩa của từ “chậm” ở đây là chúng ta phải nắm vững
nhịp sống của mình, giữ lấy phẩm vị của mình, cuộc sống vì chúng ta sẽ càng
phong phú đa dạng. Nếu không, cuộc sống này sẽ vĩnh viễn là một khoãng không rỗng
tuếch, vô vị và con người sống trong đó chỉ là những cái xác biết đi, khao khát
hưởng thụ nhưng lại không có linh hồn.
Tác giả: Tuyết Thiến Nhi
Bát Nhã. Dịch (tuvienhuequang.com)