Thiền là một phương pháp tập luyện có từ rất lâu đời ở
phương Đông do Đức Phật Thích-ca thực hiện đầu tiên nhằm làm cho con người giải
thoát được khổ đau, hài hòa được thân tâm, phát huy được trí tuệ của chính
mình. Dưới góc độ khoa học, phương pháp thở của thiền có khả năng điều chỉnh lại
được sự rối loạn, mất cân bằng của hệ thần kinh và não bộ.
Hiểu đúng về thiền
Việc thực hiện thiền từ hơn 2.500 năm nay theo Đức Phật rất
khó thực hiện vì những triết lý: hiểu sâu về chân tâm và vọng tưởng trong khi
thiền nên nhiều người đã thực hiện theo cách hiểu của mình làm cho việc tu thiền
có đến cả triệu phương pháp. Bản thân thiền sư Thích Thông Triệu (Thiền chủ Thiền
viện Tánh không ở Hoa Kỳ) ngày xưa cũng đã thất bại khi áp dụng tu thiền theo
truyền thống.
Muốn dập tắt vọng tưởng, tức là những ý nghĩ miên man khởi
lên trong đầu, chính vọng tưởng được coi là sự tự nói thầm, khi dừng được nói
thầm trong đầu thì vọng tưởng dừng và tâm được an tịnh (tâm được yên). Năm
1982, khi thiền sư cảm nhận được sự nói thầm (vọng tưởng) trong đầu đã làm chủ
được vọng tưởng. Từ kinh nghiệm đó, thiền sư đã ngộ được mối liên hệ giữa hệ thống
thần kinh và quá trình thiền. Mãi đến năm 2006, nhờ 2 nhà não học người Đức là
Erb và Sitaran chụp hình não bộ mới biết được cụ thể của các vùng của não bộ.
Theo kết quả nghiên cứu, người ta chia não bộ thành 2 vùng: vùng phía trước và
vùng phía sau. Vùng phía sau đảm nhiệm tính “giác” (giác ngộ) của thiền. Cho
nên khi thực hành thiền cần chú ý tập trung vào vùng có tính “giác” và để yên
phần phía trước vì phần này hay gây ra vọng tưởng.
Từ phương pháp thở đó, do có liên quan mật thiết với hệ thần
kinh (trung ương và hệ giao cảm) nên nó có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng
của hệ thần kinh (theo y học cổ truyền, sự mất cân bằng này là sự mất cân bằng
âm dương, mất cân bằng về hàn nhiệt gây ra các triệu chứng “hư thực” của các tạng
phủ).
Cách thực hành tu thiền
Người ta ngồi xếp bằng (kiết già, bán kết hay ngồi bình thường
cũng được, nhưng ngồi được theo 2 cách trước thì tốt hơn), toàn thân thư giãn,
tâm tĩnh lặng (không nói thầm, không nói vọng tưởng) rồi thở chậm và sâu (hít
vào thở ra sâu hơn bình thường) nhưng đừng cố gắng và thở càng chậm càng tốt.
Theo quy luật tự nhiên, người ta thở trung bình mỗi ngày là
21.600 lần/24 giờ (15 lần/phút x 60 phút x 24 giờ). Người ta nhận xét sinh vật
nào thở chậm - đời sống kéo dài (rùa, hạc); sinh vật nào thở nhanh - đời sống
ngắn lại (chim, khỉ). Sự hô hấp chậm rãi của thiền, có người đã đạt nhịp thở 6
lần/phút, có người đạt tới 1 lần/phút, đó là công phu tập chứ không phải do gắng
sức.
Ngày nay, nhiều người, kể cả các nhà khoa học phương Tây
không còn coi thiền là một phạm trù tôn giáo mà thiền là một phương pháp thực
hiện một nếp sống lành mạnh, trong sáng cho mọi người. Quan trọng nhất là phải
ngồi thiền thường xuyên hằng ngày, mỗi ngày 2 lần trong 30 - 45 phút (sáng sớm
và trước khi đi ngủ), tốt nhất là 5 giờ sáng và sau 11 giờ đêm (giờ tý - đầu của
ngày mới), nên ngồi quay mặt về hướng Nam (thuận theo từ trường của trái đất).
Miệng ngậm, đầu lưỡi đặt vào chân răng hàm trên, 2 bàn tay đặt chồng lên nhau,
chân bên nào để trên thì bàn tay bên đó cũng để trên, hai ngón cái chạm nhau (để
khép kín mạch âm dương trong cơ thể) - đó là tư thế ngồi thiền.
Để tránh vọng tưởng (sự nói thầm), khi thiền cần tập trung
tư tưởng vào phần não phía sau hay có thể niệm 6 từ: “Nam mô A di đà Phật” dịch
từ tiếng phạn của Ấn Độ: “Nam mô A mi ta ba”. Sáu âm thanh này có tần số và
biên độ của các sóng âm trùng hợp với biên độ và tần số của các luân xa (trung
tâm tiếp nhận năng lượng vũ trụ) nên có sự cộng hưởng ở các luân xa để tiếp nhận
các năng lượng này và bổ sung cho cơ thể để lập lại sự cân bằng năng lượng ở
các tạng phủ làm cho con người khỏe mạnh, bệnh giảm dần và hồi phục.
Theo bác sĩ Hasegawa ở Đại học Ossaka - Nhật Bản thì tọa thiền
phát triển sự tập trung dưới vỏ não và tạm ngừng hoạt động của vỏ não. Theo viện
Đại học Cologne - Đức, thiền có tác dụng điều hòa trạng thái hoạt động của các
tuyến nội tiết và của hệ thần kinh giao cảm làm cho cơ thể khỏe mạnh. Thiền sư
Taisen Deshimaru ở Thiền viện của Nhật đã nêu trong tài liệu “Chân thiền” của
ông là: Ai cũng thấy tọa thiền giúp cho cơ thể gia tăng sự mềm dẻo, khỏe mạnh
và tâm trí được an vui. Do vậy, thiền là một phương pháp chữa bệnh và bảo vệ sức
khỏe không cần dùng thuốc.
Theo DS.Nguyễn Viết Thọ - SK&ĐS