Chúng ta hãy nói một chút về việc hành thiền (thiền tứ niệm
xứ). Quí vị cần phải biết một số điểm quan trọng trước khi bắt đầu thực hành.
Hành thiền có nghĩa là gì? Quý vị thực hành như thế nào? Trạng thái tâm quan
sát ra sao, thái độ thế nào? Mục đích hành thiền của quý vị là gì? Quý vị cần
có một ý niệm và mục đích rõ ràng trước khi bắt đầu thực hành.
Quý vị không thể bắt đầu thực hành mà không có một số hiểu
biết hay kiến thức về việc mình đang làm.
Khi quý vị làm một việc gì đó, quý vị
cần phải hiểu một chút về những nguyên tắc đối với việc mình đang làm. Chỉ như
vậy quý vị mới gặt hái được lợi ích từ việc làm đó.
Có lần Yaw Sayadaw thuyết pháp tại đây, Ngài có nói một câu
mà tôi thấy rất sâu sắc : “chúng ta hành thiền vì chúng ta có phiền não. Nếu
không còn phiền não nữa, chúng ta sẽ chẳng có lý do nào để hành thiền cả.” Nếu
không còn phiền não, liệu có cần phải hành thiền không ? Chỉ do có phiền não mà
chúng ta phải thực hành. Chúng ta nên sử dụng loại năng lượng nào? Chúng ta sử
dụng năng lượng tâm thiện (kusala). Nếu chúng ta hành thiền mà có phiền não
trong đó, thì phiền não sẽ tăng trưởng mà thôi. Vậy phải thực hành như thế nào?
Chánh niệm cần phải cân bằng, Định cần phải cân bằng. Hiện giờ quí vị đang chỉ
dùng rất nhiều sự cố gắng. Khi chúng ta nói “tập trung quan sát”, đó là thực
hành với tà tinh tấn (miccha viriya). Vì thế, nếu quý vị không hiểu tất cả điều
này, làm sao quý vị có thể thực hành tốt được?
Đối với tôi, về cơ bản, hành thiền là “tu tâm”. Hành thiền
là thay đổi các tâm bất thiện thành các tâm thiện; cải thiện chất lượng của
tâm, vun bồi sự thật và thiện pháp; chắt lọc ra những phẩm chất tốt lành này của
tâm và phát triển chúng chính là hành thiền. Đó là lý do tại sao hành thiền được
gọi là “công việc liên quan tới tâm”. Không phải là công việc liên quan tới
thân, hay là công việc liên quan tới đối tượng. Đối tượng không hành thiền.
Chính tâm mới thực hiện việc hành thiền.
Tôi muốn nói thêm một số điều về “đối tượng”. Mọi người thường
nói, “hãy quan sát đối tượng này hay đối tượng kia.” Vậy, “đối tượng” có nghĩa
là gì? Đối tượng là cái mà tâm có thể nhận biết, quan sát, hay kinh nghiệm trực
tiếp. Bản chất của đối tượng là được nhận biết, cảm nhận, hoặc kinh nghiệm bởi tâm.
Một người bình thường có mấy giác quan? Có sáu giác quan, không phải chỉ có một!
Tâm cảm nhận các đối tượng. Chính vì vậy, để có thể thực hành tốt, chúng ta cần
phải biết rõ về tâm.
Quý vị có biết rằng mình có tâm không ? Làm sao quý vị biết
được rằng mình có tâm? Quý vị có thể nhận thấy hoạt động của tâm thông qua những
suy nghĩ, kinh nghiệm, cảm thọ, mong muốn hay việc đang chú tâm, v.v… Ví dụ,
bây giờ hãy chắp đôi tay lại. Quý vị có biết rằng hai bàn tay đang chạm vào
nhau hay không? Làm sao quý vị biết được điều đó? Tâm đang làm gì để quý vị có
thể biết điều ấy? Quý vị biết là do quý vị đang có sự ghi nhận. Quý vị biết là
do quý vị đang chú ý đến điều đó. Quý vị có biết là quý vị đang chú ý không? Liệu
quý vị có biết là mình đang hay biết không? Nếu hai bàn tay quý vị chạm vào
nhau, nhưng tâm quý vị đang nghĩ đến một việc khác, liệu quý vị có biết là
chúng đang xúc chạm hay không? Dĩ nhiên là không. Chính vì vậy, không phải vì
chúng xúc chạm mà quý vị hay biết, mà chính nhờ có sự ghi nhận mà quý vị biết
chúng đang xúc chạm.
Quý vị có biết là mình đang hay biết không? Quý vị có thể
chuyển hướng sự chú ý từ lòng bàn tay xuống đôi chân được không? Quý vị có thể
làm được, đúng không? Việc chuyển hướng sự chú ý này là do tâm. Chính tâm làm
việc chú ý ghi nhận. Nếu biết được rằng mình đang chú ý, tức là quí vị đã biết
được tâm. Quý vị có thể nhận ra tâm qua bản chất của việc hay biết, suy nghĩ, lập
kể hoạch, tác ý, v.v….Nhận ra tâm không phải là một việc quá khó khăn. Mọi người
đều ít nhiều biết được điều này. Nhưng nhận ra tâm dưới góc độ là một đối tượng
quan sát thì không dễ như vậy bởi vì chúng ta thiếu sự thực hành.
Trong việc hành thiền có hai phần: một phần liên quan tới đối
tượng và một phần liên quan tới tâm. Phần đối tượng không quan trọng, mà phần
tâm mới đóng vai trò quan trọng. Đối tượng sinh khởi theo bản chất của chúng.
Quý vị biết được chúng khi có chánh niệm. Quý vị không phải phát triển việc
quan sát đối tượng. Quý vị chỉ cần phát triển các yếu tố liên quan tới tâm như
chánh niệm, sự ổn định , sự an tịnh (samadhi) và trí tuệ (panna).
Cần phải có một cái tâm hiểu biết và chín chắn trong việc
quan sát. Khi các điều kiện (nhân duyên) chín muồi, tuệ giác sẽ sinh khởi.
Đặc tính của tâm là hay biết, trong khi đó, đối tượng là những
gì được nhận biết. Điểm khác biệt giữa đau và không đau là gì? Đau là một đối
tượng, và không đau cũng là một đối tượng. Nếu bị đau quý vị có la không? Nếu hết
đau rồi, quý vị có vui không? Một thiền sinh nhận thấy rằng đối tượng là đối tượng
thì sẽ không còn sân với cái đau nữa. Chỉ khi nào có sự hiểu biết này, thì mới
không còn thích và không thích. Chừng nào còn vắng mặt sự hiểu biết, là do tâm
si đang có mặt, lúc đó chắc chắn sẽ có tham hay sân.
Quý vị có hiểu vấn đề này không? Quý vị cần có sự hiểu biết
này về đối tượng. Khi thực hành, hiểu biết này sẽ càng trở nên rõ rệt hơn. Quý
vị sẽ nhận ra, “ồ, đây là đối tượng, đây là tâm hay biết”. Bản chất của chúng
thì khác nhau. Khi thực hành, quí vị sẽ thấy rõ điều này.Việc giải thích ở đây
sẽ làm cho quý vị dễ nhận thấy điều đó hơn.
Chẳng hạn, khi đang đơn thuần quan sát, hay biết và chánh niệm.
Cái gì là đối tượng, cái gì là tâm. Liệu quý vị có nên tìm hiểu điều này không?
Cũng giống như là áp dụng cái quý vị đã học từ trước vào kinh nghiệm hiện tại.
Liệu phẩm chất tâm suy xét này có xuất hiện nơi một người chỉ đơn giản chú tâm
vào một đối tượng hay không? Quí vị có cho rằng sự hiểu biết này sẽ sinh khởi
khi người thiền sinh chỉ đơn thuần hài lòng với một trạng thái tâm bình an? Khi
đó trí tuệ sẽ không sinh khởi. Chính vì thế, hiểu biết là rất quan trọng. Khi
quí vị thực hành, cần phải có ba yếu tố: chánh niệm (sati), tinh tấn (viriya)
và trạch pháp (dhamma-vicaya). Có phải định (samadhi) làm công việc thực hành
không? Không. Định không phải là nguyên nhân, mà chỉ là kết quả. Định
(samadhi), hỷ (piti), lạc (pasadhi) và xả (upekkha), bốn nhân tố này là kết quả.
Ba yếu tố đóng vai trò nguyên nhân là chánh niệm (sati), tinh tấn (viriya) và
trạch pháp (dhamma-vicaya).
Quý vị cần phải thực hành cùng với ba yếu tố này. Trong ba yếu
tố này, nếu bỏ sót yếu tố cuối cùng (trạch pháp), tức là không có sự tìm hiểu,
khám phá, thiền sinh sẽ cố gắng tinh tấn (viriya) – và nếu tinh tấn đó là tà
tinh tấn (miccha viriya), sẽ chẳng còn gì nữa cả. Vì lẽ đó, thực hành với trạch
pháp là rất quan trọng. Quý vị sử dụng cái quý vị đã học để nghiên cứu, tìm hiểu
trong quá trình thực hành của mình. Quý vị sử dụng cái quý vị đã được học, được
biết vào trong sự thực hành. Đó là cách phát triển trí tuệ. Vì vậy cần phải có
trí tuệ trong việc hay biết quan sát hiện tượng. Cần phải có chánh kiến (samma
ditthi). Cần phải có sự tìm hiểu khám phá và tư duy chân chánh. Chỉ khi đó, tuệ
tu (bhavanamaya panna) mới sinh khởi.
Tuệ giác không thể sinh khởi nếu hành giả chỉ chú tâm vào một
đối tượng duy nhất mà thiếu đi việc suy nghĩ hay tìm hiểu đối với hiện tượng.
Vì vậy, quý vị phải biết cả đối tượng và tâm. Người nào chỉ tập trung vào phía
đối tượng sẽ không thấy được tâm. Quý vị cũng cần phải có hiểu biết về phía đối
tượng. Tuy nhiên, đối tượng không hành thiền mà tâm hành thiền. Do đó, quý vị
phải biết về tâm. Quý vị đang hành thiền với loại tâm nào?
Người nào tập trung vào phía đối tượng sẽ không thấy được
tâm. Nó giống như đeo kính vậy; nếu quý vị chỉ nhìn vào cái quý vị muốn thấy,
quý vị sẽ không biết là mình đang đeo kính. Quý vị có thể thấy được khi tham
không có trong tâm. Nếu không tập trung vào cái mình muốn thấy, ít ra quý vị
cũng biết là mình đang đeo kính. Nếu quá chú tâm, có thể quý vị sẽ không biết
cái kính đang ở trên mũi. Tâm là như vậy đấy. Nếu có quá nhiều sự chú tâm vào một
thứ, quý vị sẽ không thấy tâm được nữa. Vì thế tôi nói đừng chú tâm. Nếu quý vị
nhìn với sự hiểu biết, thật sự quý vị không cần qua tập trung.
Hãy nghĩ về điều này một cách kỹ lưỡng. Quý vị có thể nói
hành thiền tức là khi quý vị ngồi xuống và chú tâm vào một đối tượng, hay khi
quý vị chánh niệm về đối tượng? Không phải như vậy. Đó chỉ là đang tập trung
vào một đối tượng hay đang ghi nhận đối tượng mà thôi. Quý vị sẽ làm gì khi tâm
đang hay biết đó chứa đầy phiền não?
Tinh tấn, chánh niệm và tâm quan sát, tất cả cùng phải hoạt
động cùng với pháp và tâm thiện.
Nếu quý vị thực hành với các tâm bất thiện, quý vị đang
không thực hành với pháp. Chỉ khi nào thực hành với tâm thiện, quý vị mới đang
thực hành một cách đúng đắn. Khi quý vị thực hành với rất nhiều ham muốn, mong
cầu, đó là quý vị đang hành thiền với tâm tham. Khi thực hành với sự bất mãn và
không hài lòng, quý vị đang hành thiền với tâm sân. Khi thực hành mà không có sự
hiểu biết thực sự về cái mình đang làm, quý vị đang hành thiền với tâm si. Những
kiểu thực hành như vậy được gọi là không đúng đắn. Quý vị phải học cách thực
hành với pháp và tâm thiện. Quý vị cần có sự thông minh và kiến thức để có thể
hành thiền mà không có phiền não trong đó. Chỉ khi nào đạt được điều đó, quý vị
mới thực sự đang hành thiền.
Nếu quý vị không hiểu biết chút nào về một chủ thể, làm sao
quý vị có thể suy nghĩ về nó hay làm việc gì đó liên quan đến nó? Chỉ khi nào
quý vị có hiểu biết, quý vị mới có thể thực hành. Có ba loại tuệ: văn tuệ
(suttamaya panna), tư tuệ (cintamaya panna) và tu tuệ (bhavanamaya panna). Chỉ
đơn thuần ghi nhận không thôi thì chưa đủ.
Đức Phật gọi đó là “chánh niệm- tỉnh giác” (sati-
sampajanna). Có nghĩa là trước khi bắt tay vào thực hành, quý vị cần có một số
thông tin chính xác và đầy đủ. Nếu không, quý vị sẽ gặp phải khó khăn trong việc
thực hành. Để làm điều đó, quý vị cần nghe để nắm được kiến thức pháp học, hỏi
những chỗ chưa hiểu và bàn luận về pháp. Sau khi đã tư duy, quý vị thực hành.
Giả dụ quý vị đang giải quyết một việc quan trọng trong đời
sống. Để có hiệu quả, quý vị phải nghĩ và lên kế hoạch trước khi thực hiện. Đó
là sử dụng trí thông minh. Sử dụng trí thông minh cũng được coi là thực
hành.
Vậy có nên suy nghĩ hay không nên suy nghĩ trong khi thực
hành? Quý vị không nên suy nghĩ những điều làm tăng trưởng tham (lobha) hay sân
(dosa). Tuy nhiên, quý vị nên suy nghĩ cách mình thực hành ra làm sao và xem
mình đang thực hành như thế nào.
Để có thể suy nghĩ như vậy, trước tiên quý vị cần có một số
kiến thức và thông tin. Những gì tôi đang cung cấp là để cho quý vị một số ý tưởng
về cách thức thực hành. Có hai cách thực hành. Một cách là làm cho tâm tĩnh lặng
và an lạc. Cách thứ hai là phát triển tâm để thấy sự vật theo đúng bản chất của
nó. Quý vị muốn được gì từ sự thực hành? Mục tiêu tu tập của quý vị là gì? Những
tư tưởng chủ đạo và cách thức thực hành sẽ khác biệt tùy vào mục tiêu của quý vị.
Các thiền sinh nói họ muốn biết sự thật, nhưng đến khi thực
hành, họ lại chỉ muốn làm cho tâm an lạc. Điều này sẽ không mang đến chút hiểu
biết nào. Khi lấy an lạc làm mục đích, quý vị phải giữ tâm mình tập trung vào một
đối tượng. Khi lấy hiểu biết làm mục đích, quý vị phải để ý đến cái tâm quan
sát.
Câu hỏi: Đối tượng và tâm, cái gì quan trọng hơn?
Trả lời: Tâm quan sát quan trọng hơn.
Quý vị có thể mong ước có được trí tuệ, nhưng làm sao nó có
thể sanh khởi trong khi tham, sân, hoặc si đang có mặt? Chính vì lẽ đó, quý vị
phải chú ý đến tâm nếu quý vị muốn biết được chân lý. Quý vị đang thực hành với
thái độ nào? Quý vị cần liên tục kiểm tra xem mình đang thực hành như thế nào,
luôn kiểm tra thái độ của mình. Đừng dán chặt vào đối tượng. Đối tượng luôn có ở
đó. Đối tượng không còn quan trọng nữa. Chúng chỉ giúp duy trì sự hay biết. Quý
vị sử dụng đối tượng để giữ cho sự hay biết được liên tục.
Một thiền sinh có sự hiểu biết sẽ sử dụng đối tượng để phát
triển chánh niệm, định và tuệ. Với những thiền sinh sơ cơ, đối tượng chỉ làm
phát sinh tham, sân và si!
Một câu hỏi đặt ra ở đây: đối tượng nào tốt hơn, hơi thở
ra/vào ở mũi hay phồng, xẹp ở bụng? Cả hai đều không! Không có đối tượng nào tốt
hơn đối tượng nào. Đối tượng chỉ là đối tượng mà thôi. Nếu quý vị nghĩ rằng đối
tượng này tốt hơn đối tượng kia, quý vị sẽ tự động trở nên dính mắc với đối tượng
đó. Hậu quả là, khi quý vị không thể chú ý đến đối tượng đó, quý vị sẽ không thực
hành được.
Khi quý vị chọn lựa một đối tượng ưa thích, tham chắc chắn sẽ
sinh khởi. Nếu quý vị không tìm thấy cái mà quý vị cho là một đối tượng tốt,
sân sẽ sinh khởi. Cho rằng một đối tượng nào đó là tốt chính là vô minh (si) !Vậy
quý vị có lấy chính tâm biết làm đối tượng?
Đối tượng luôn có đó theo bản chất tự nhiên của chúng; quý vị
cần phát triển sự hay biết trong tâm. Quý vị không cố thay đổi bất cứ điều gì
đang xảy ra. Hiện giờ sự hay biết trong tâm chưa thực sự mạnh mẽ. Vì thế, quý vị
phải tăng cường chánh niệm và làm cho nó trở nên mạnh mẽ. Hiện giờ, trí tuệ còn
yếu ớt, tinh tấn còn kém cỏi, thiếu sự tín tâm, và định cũng chưa mạnh mẽ.
Chúng ta hành thiền để nuôi dưỡng tất cả các phẩm chất này cho chúng ngày càng
trở nên mạnh mẽ.
Người thiền sinh muốn đạt được sự an lạc sẽ lựa chọn một đối
tượng. Người đó sẽ phải tạo ra một đối tượng. Nếu sự chú tâm bị sao lãng, anh
ta sẽ phải cố tập trung. Nếu sân sanh khởi, anh ta phải thay đổi đối tượng. Vì
thế, anh ta cần rất nhiều sự tinh tấn. Người thích an lạc chỉ quan tâm và làm
việc với một đối tượng.
Hơn nữa nếu muốn làm cho tâm an tịnh, quý vị cần phải bám chặt
vào đối tượng. Quý vị phải trụ tâm trên đối tượng trong một thời gian dài. Do
đó, quý vị phải dùng nhiều đến sức. Tức là quý vị phải duy trì sự trú tâm trên
đối tượng để có thể đạt được sự an tịnh. Vậy cái nào khó thực hiện hơn? Điều gì
xảy ra khi tâm đã an tịnh? Quý vị phải tiếp tục ra sao? Nếu không biết tiếp tục
ra sao, quý vị sẽ rơi vào hôn trầm.
Làm cho cái không an tịnh trở thành an tịnh khó hơn. Chú tâm
làm cho mệt mỏi. Hãy hay biết cái gì đang xảy ra. Đừng cố làm an tịnh cái không
an tịnh. Chỉ cần nghi nhận sự không an tịnh. Quan sát, nhận biết rằng tâm đang
trạo cử và phân tán. Chính sự quan sát, ghi nhận đó là công việc của thiền tập.
Biết cái xảy ra theo đúng bản chất của nó, đó chính là chánh kiến. Theo cách thức
như vậy là thực hành vipassana (thiền minh sát).
Những thiền sinh muốn đạt tuệ giác thì họ chú ý đến tâm của
mình. Những thiền sinh đó sẽ quan sát nhiều đối tượng. Nếu quý vị muốn có sự hiểu
biết, quý vị phải biết càng nhiều đối tượng càng tốt. Chỉ biết một đối tượng
không thể đưa đến tuệ giác, trí tuệ sẽ vẫn còn non yếu. Quý vị cần phải khám
phá tất cả những gì đang xảy ra, và liên hệ với mọi đối tượng. Chỉ khi ấy tri
kiến của quý vị mới được mở rộng, tầm mắt của quý vị mới được mở xa, và tuệ
giác sẽ phát triển. Mặt khác, một thiền sinh muốn có hiểu biết sẽ không cố làm
cho tâm an tịnh hay loại bỏ đối tượng. Anh ta chỉ duy trì thái độ chân chánh và
ghi nhận những gì đang xảy ra. Nếu sự an tịnh không có mặt, anh ta ghi nhận
đúng như vậy.
Quý vị có thể áp dụng với bất cứ đối tượng nào đang sanh khởi.
Nếu quý vị muốn hiểu biết, đừng lựa chọn hay bám víu vào một đối tượng cụ thể
nào đó. Hãy làm việc với bất cứ đối tượng nào đang sanh khởi; quý vị chỉ cần
quan sát mà thôi. Để làm được điều đó, quý vị cần phải sử dụng trí thông minh.
Nếu quý vị muốn phát triển tuệ giác, đừng dính mắc vào bất cứ
đối tượng nào. Quý vị lùi lại và quan sát vì quý vị muốn biết chân lý. Quý vị
có cái tâm quan sát tìm hiểu, và cùng với thái độ chân chánh.
Hãy tự hỏi: Cái này tốt hay xấu? Nó có thực sự tốt hay xấu
không? Đúng hay sai? Cái gì đang diễn ra? Tại sao nó xảy ra?
Bởi vì muốn biết, nên quý vị quan sát và tìm hiểu. Hãy sử dụng
trí thông minh thay cho chỉ đơn thuần tinh tấn. Lúc đó sự hướng tâm hay biết đã
có mặt. Tâm tìm hiểu cũng phải có mặt. Và cuối cùng, cần phải có thái độ chân
chánh. Bây giờ quý vị đã hiểu sự khác biệt giữa “chú tâm” và “đợi, ghi nhận, và
quan sát”.
Khi sân sanh khởi, đừng cố loại bỏ nó. Đừng cố gạt bỏ cơn
sân. Quý vị quan sát nó vì quý vị muốn hiểu bản chất thật sự của sân. Quý vị muốn
nghiên cứu nó vì quý vị muốn học hỏi từ nó. Vì thế, quý vị đừng cố tạo ra hay
loại bỏ bất cứ cái gì. Quan sát bất kỳ hiện tượng nào đang diễn ra. Đừng quên
điều này. Hành thiền chính là như vậy. Đó là lý do tại sao có sự khác biệt giữa
“chú tâm” và “đơn thuần quan sát.” Bản chất của hai việc đó khác nhau.
Đừng cố xua đuổi sân. Chừng nào quý vị càng cố xua đuổi sân,
sân lại càng tăng trưởng. Sân luôn có tính tiêu cực, nó có đặc tính xua đuổi đối
tượng. Việc nhận ra rằng cái gì đó là “không tốt” rất khác biệt với việc niệm
cái đó là “không tốt”. Khi tâm cho rằng cái gì đó là “tốt”, thì tham đã có mặt
rồi. Với bất cứ đối tượng nào xảy đến, tham và sân đều có mặt ngay đó. Si cũng
đã xuất hiện. Vậy bạn sẽ hành thiền thế nào đây?
SATI
Sati (chánh niệm) có nghĩa là “không quên”. Nó không có
nghĩa là chú tâm.
Quý vị hiểu và định nghĩa sati như thế nào? Nó có nghĩa là
ghi nhớ; chú tâm không phải là chánh niệm. Quý vị không quên cái gì? Quý vị
không quên cái đúng, cái phải. Nó có nghĩa là không quên “đối tượng đúng” và
thái độ đúng. Việc không quên đó chính là chánh niệm, chứ không phải là chú
tâm. Khi chúng ta nói sử dụng chánh niệm, nó không phải là đặt sự hay biết ở một
nơi nào đó (hay trên một cái gì đó). Nó có nghĩa là không quên. Bản chất của sự
vật chỉ là danh và sắc. Chỉ có thế thôi. Trong ngũ uẩn, luôn có danh và sắc. Nếu
quý vị không quên tức là quý vị đang có chánh niệm. Nếu quý vị hay biết điều gì
đang xảy ra, quý vị cũng đang có chánh niệm. Quý vị phải làm gì để không quên?
Quý vị làm gì để có chánh niệm? Phần lớn mọi người cho rằng, để có chánh niệm,
họ phải đưa sự hay biết vào. Tôi sẽ nói cho các quý vị một phương pháp thư giãn
hơn: nhắc nhở mình. Khi quý vị đưa “chánh niệm trở lại”, hoặc “đưa chánh niệm
vào”, quý vị phải đặt sự hay biết trên một đối tượng. Điều đó đòi hỏi sự chú
tâm. Tâm phải tóm cái tâm đang suy nghĩ linh tinh, rồi đưa chánh niệm về một đối
tượng. Điều đó đòi hỏi cố gắng chú tâm.
Nhắc nhở mình tức là tư duy. Tâm tư duy về tâm và thân. Và sự
hay biết tự động tới. Nếu quý vị không tin tôi, hãy tự hỏi mình. Nếu quý vị hỏi,
“cái gì đang xảy ra trong tâm hiện nay”, gần như chắc chắn quý vị sẽ thấy cái
gì đó. Vậy cái gì đang xảy ra trong tâm hiện giờ? Sự bình an? Trạo cử? Bất
bình? Cái gì đang xảy ra? Nếu quý vị thấy được cái đó, quý vị có thể nói được
điều gì đang xảy ra trong tâm, dù chỉ sơ sài mà thôi. Quý vị có thể thấy rằng,
nếu quý vị nghĩ về tâm, sự hay biết sẽ hướng về tâm. Nói một cách rõ ràng, thiền
về cơ bản là quay tâm vào bên trong. Đó là ý nghĩa của chánh niệm.
Tâm có thói quen nắm bắt các hiện tượng bên ngoài. Ta luôn
chú ý đến bên ngoài, và thường là qua nhãn căn (mắt). Như vậy, tâm thường sử dụng
nhãn căn và luôn nhìn ra bên ngoài. Cái mà chúng ta làm chỉ là quay cái tâm
luôn hướng ra bên ngoài vào bên trong việc hành thiền. Sẽ dễ dàng hơn nếu quý vị
hiểu điều này. Vậy quý vị quay nó vào bên trong như thế nào? Chỉ cần quý vị nghĩ
đến việc quay vào trong, tâm đã quay vào trong rồi. Bản chất của tâm là lấy cái
nó nghĩ đến làm đối tượng. Nếu quý vị nghĩ đến cái đang xảy ra trong tay mình,
chẳng phải tâm đi thẳng tới tay sao? Nếu quý vị hỏi, “cái gì đang xảy ra trong
đầu tôi”, lập tức tâm đã ở đầu. Quý vị có phải tập trung nhiều cho việc đó
không? Sẽ mệt mỏi hơn khi quý vị phải “đưa chánh niệm về” mỗi khi nghĩ, “ôi,
mình lại mất chánh niệm rồi, mình phải chánh niệm lại mới được.”
Hãy nghĩ tới mình ngay từ giây phút quý vị thức giấc. Hành
thiền bắt đầu kể từ khi quý vị thức giấc, chứ không chỉ khi quý vị tới thiền đường
hay khi ngồi lên tọa cụ. Hãy coi xem quý vị sẽ sống thế nào với chánh niệm.
Chính vì vậy quý vị phải đặt những câu hỏi này kể từ lúc thức giấc. Nếu quý vị
nghĩ về mình, quý vị sẽ có chánh niệm. Nghĩ đến mình ở đây có nghĩa là gì? Là
nghĩ đến ngũ uẩn (khanda), mà ở đây là tâm. . Nói đến mình, tức là nói đến
khanda, đến tâm. Tâm đang cảm thấy gì? Tâm đang nghĩ gì? Tâm đang ở đâu? Nó
đang làm gì? Không cần thiết phải dùng nhiều năng lượng để chánh niệm. Như vậy
chẳng phải quý vị có thể thực hành mọi lúc, mọi nơi hay sao? Quý vị cũng cần sử
dụng cái mình biết về bản chất của tâm. Bản thân tôi cũng khởi đầu như vậy.
Bản chất của tâm là nắm bắt cái nó nghĩ tới làm đối tượng. Nếu
quý vị nghĩ đến tâm, tâm sẽ quay về tâm. Nếu quý vị nghĩ đến thân, tâm sẽ quay
về thân. Thân thì đơn giản, nó rất dễ nhận ra, dễ thấy. Với sự thực hành, ta
cũng dần thấy được tâm. Tôi chú ý hơn đến cái tâm quan sát. Tại sao chúng ta
không thể thấy cái tâm quan sát này? Vậy, chớ có chú tâm vào đối tượng. Chỉ cần
hỏi, “cái gì đang xảy ra trên tâm?”. Quý vị vừa hỏi là lập tức tâm sẽ hay biết
một cái gì đó. Nó hay biết về cái gì cũng được.
ĐỊNH
Định (samadhi) có nghĩa là một cái tâm vững vàng, ổn định, định
không có nghĩa là chú tâm.
Liệu tâm bình an có sinh khởi mỗi khi quý vị chú tâm vào một
đối tượng hay không? Nhiều thiền sinh bị đau đầu và cứng ở gáy bởi họ sử dụng
quá nhiều sức để tập trung hay chú tâm vào một đối tượng, chú tâm vào một đối
tượng làm ta mệt mỏi.
Định phát sinh như thế nào? Nó không phát sinh qua sự chú
tâm. Định phát sinh khi có thái độ đúng đắn. Định phát sinh cùng với chánh kiến.
Khi quý vị gặp khó khăn trong cuộc sống và quý vị không thể
suy nghĩ một cách tỉnh táo, quý vị trở nên mất bình tĩnh. Nhưng khi quý vị có
thể suy nghĩ về một tình huống một cách thông minh, quý vị sẽ giữ được bình
tĩnh. Cũng như vậy, tâm định phát triển khi có thái độ đúng đắn, không phải với
thái độ sai hay qua sự tập trung. Chính vì vậy, hiểu biết về thái độ đúng, về
chánh kiến rất quan trọng.
Có hai loại định: định do tập trung và định do tư duy chân
chánh.
Khi quý vị tập trung vào một đối tượng trong một thời gian
dài và hòa nhập trong đó, tâm không còn tỉnh giác nữa. Chánh niệm và hiểu biết
trở nên yếu đi. Vì tâm chỉ lo đến việc phải tập trung vào một đối tượng, tâm
quên không nghiên cứu hay tìm hiểu cái đang diễn ra hoặc không có một cái nhìn
tổng thể. Khả năng suy nghĩ cũng trở nên chậm chạp. Kiểu định do tập trung này
sẽ phát triển sự an tịnh, nhưng không phát triển trí tuệ được.
Định do trí tuệ bắt đầu với hiều biết và được đầu tư bằng hiểu
biết. Vì có chánh kiến, chánh tư duy và thái độ chân chánh, tâm không phản ứng
với tham, sân hoặc si. Không có sự dính mắc hay chối bỏ đối tượng. Tâm an tịnh,
bình lặng và không khuấy động. Đây là loại định của vipassana (vipassana
samadhi). Khi quý vị có một cái tâm vững vàng, tĩnh lặng như vậy, nó cảm thấy
nhẹ nhàng và tỉnh giác. Quý vị cảm thấy sảng khoái. Quý vị không thấy nặng nề,
ù lì. Chỉ có loại định này mới phát triển được trí tuệ.
Chẳng hạn, một thiền sinh cảm thấy bị làm phiền bởi tiếng động.
Một thiền sinh khác coi nó là một đối tượng để nghiên cứu, một hiện tượng tự
nhiên. Quý vị nghĩ ai trong số hai thiền sinh này sẽ phát triển được định. Người
thiền sinh có khó khăn với tiếng động sẽ càng thấy khó khăn hơn bất cứ khi nào
thiền sinh này nghe thấy tiếng động. Cái sân của thiền sinh này tiếp tục sinh
khởi và tăng trưởng.
Nếu tiếng động không bị coi là một phiền nhiễu, sẽ không có
tham hoặc sân. Tâm sẽ luôn được bình an. Nếu quý vị không coi tiếng động là một
trở ngại, sẽ không có thích và không thích đối với nó. Tâm sẽ được bình an. Quý
vị cần phải có thái độ đúng đối với định.
Sayadaw Ashin Tejaniya
Nguồn: thienvacuocsong.info