Saturday, November 17, 2012

Bản chất cao thượng.


Xin quí vị hãy đến web songthien.org 
để đọc thêm những tài liệu khác.

                                               PHIỀN NÃO
Luôn luôn coi tâm
Hành giả hành thiền Tứ Niệm Xứ thay vì quan sát thân, nên dành thì giờ quan sát tâm. Cố gắng tạo thói quen kiểm tra tâm lúc đi, đứng, ăn uống ..v..v..xem có Tham – Sân – Si chen vào không. Khi hành giả thuần thục trong việc quan sát tâm sẽ thấy rõ tâm mình hơn.
Ngay cả khi thiền tập, phiền não cũng có cơ hội chen vô. Ví dụ khi có kinh nghiệm tốt, chớ mong cho kinh nghiệm này trở lại, nếu nó không tới mình bực tức khó chịu. Kinh nghiệm không quan trọng, điều cần yếu là tâm phản ứng (tham hoặc sân) đối với mỗi kinh nghiệm. Tu để giảm tham, sân, si, nếu không kiểm tra xem tham, sân, si có mặt hay không, thì sự tu niệm không còn ý nghĩa.
Trong mỗi hành vi đi, đúng, ngồi, nằm hay sinh hoạt hằng ngày, nếu chịu khó quan sát tâm mình, sẽ thấy tâm phản ứng như thế nào. Về lâu, về dài nhờ kiểm tra đều đặn, hành giả sẽ tự biết tâm còn phản ứng như thường lệ hay không, phản ứng dữ dội (như trước khi gặp chuyện không bằng lòng hay phản ứng ít hơn trước). Tiến bộ ít nhiều, là mức độ phản ứng của tâm, nhiều hay ít trước mỗi hoàn cảnh.
Có nhiều người thực tập thiền, hay tu niệm. Nhưng tâm đầy dãy tham – sân – si. Sự quan sát tâm thường xuyên, giúp mình biết mình tu với tâm gì ? Ví dụ : Sau một thời gian thiền tập, mình có tâm ngã mạn. Mình tự nghĩ tu niệm một thời gian, như vậy mình đã hay, đã giỏi hơn người khác (cái này tôi biết, cái kia tôi giỏi, cái gì tôi cũng hiểu hết v..v..) Và mình không thấy tâm ngã mạn của mình ! vì không coi tâm thường xuyên, nên không thấy mình đang để cho phiền não khởi sanh và bành trướng (Mình không ý thức rằng, càng tu lâu ngã mạn càng nhiều).

Quan sát phiền não
Mục đích của việc quan sát phiền não, không phải là quan sát cho đến khi nào, phiền não chấm dứt. Mục đích của sự quan sát, là để có được sự hiểu biết trí tuệ về những gì đang xảy ra. Mỗi lần quan sát, chúng ta hiểu được một chút (có một chút trí tuệ) hiểu  một chút về tính chất hay bản chất của phiền não. Dần dà, sự hiểu biết sẽ càng lúc càng sâu, và nhờ trí tuệ này, chúng ta mới chận được phiền não, ngay từ lúc nó mới sanh khởi là chúng ta biết cách buông bỏ ngay vì tâm chúng ta đã có sự hiểu biết về bản chất và có sự chấp nhận. chúng ta có nhiều phiền não sanh khởi, nhưng không mất nhiều thì giờ, để ghi nhận. Vì không biết bao nhiêu lần, đã kinh nghiệm nhờ hay biết, đã hiểu lý do nào phiền não sanh khởi, kết quả của nó như thế nào, sự tai hại của nó ra sao. Vì thế khi phiền não phát sanh, nó không còn đủ sức mạnh mẽ, để trấn áp, đè nén tâm chúng ta, và chỉ cần hay biết một chút là nó biến mất.
Chúng ta không cần ngăn chặn hay làm cho phiền não biến mất, chỉ cần có sự hiểu biết, phiền não sẽ biến mất một cách tự động.

Quét sạch phiền não
Hỏi: Tôi hành thiền, thấy phiền não tích lũy rất nhiều và từ lâu rồi nên ưa giận hờn, bực bội người khác. Không biết có cách nào tẩy sạch chăng ?
Đáp: Khi phiền não sanh khởi, hành giả phải biết nó đang sanh khởi, tiếp đến phải thoải mái và cuối cùng là phải có hay biết mạnh. Hành giả nên có thói quen quan sát luôn luôn, tâm mình có thoải mái hay không ? Khi tâm đang thoải mái, nếu có gì xảy ra, trạng thái tâm sẽ thay đổi và hành giả nhận biết ngay.
Khi hành giả ghi nhận, phiền não chất chứa quá nhiều trong tâm, tức là hành giả đã có sự tỉnh thức. Khi biết phiền não đang có mặt, ta chỉ duy trì sự ghi nhận chúng. Tuy nhiên, phải nhớ rằng, khi hành giả đã phát triển được trí tuệ, có được sự hiểu biết sâu xa về bản chất và sự sinh hoạt của tâm bất thiện (tham hay sân) nếu chúng sanh khởi, hành giả không cần phải cố gắng hay biết. Khi trí tuệ có mặt, trí tuệ sẽ dẹp tan phiền não, và dẹp một cách nhanh chóng.
Lúc đầu hành giả dùng Niệm và Định (hay sự duy trì hay biết liên tục) để chặn phiền não. Nhưng khi trí tuệ sanh khởi, nó sẽ giữ vai trò dẹp tan phiền não.

Phiền não tại tâm
Hỏi: Câu chuyện đau khổ xảy ra từ hôm trước, sáng hôm sau thức dậy, phiền não trở lại. Tôi hiểu phiền não phát xuất từ tâm.
Đáp: Đây là một sự hiểu biết rất đúng ! Rất quan trọng !. Sử dụng hay biết để quan sát phiền não, phiền não mất điều đó không quan trọng. Quan trọng là trí tuệ là sự hiểu biết nằm sẵn đó, giúp tâm mình không phiền não. Cho dù mình có thấy phiền não bao nhiêu lần, cũng không kể, mỗi lần là mình có dịp học được một bài học. Khi phiền não còn trở lại, có nghĩa là mình chưa thuộc bài. Nếu hiểu được (đã thuộc rồi) thì khi trường hợp tương tự xảy ra, mình không còn đau khổ (vì phiền não hết sanh khởi). Mình có thể nhớ câu chuyện, nhưng không phiền não nữa.
Phiền não không từ đâu tới, từ tâm mình mà ra ! không ai gây đau khổ cho mình, chính mình làm mình đau khổ !
Không cố gắng tiêu trừ phiền não (không làm chuyện này được) phải quan sát để hiểu. Khi mình hiểu, phiền não biến mất. Trí tuệ  và phiền não là ánh sáng và bóng tối.