Wednesday, November 14, 2012

HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ SỰ TÌM KIẾM

VÂN PHÁP

C
uộc sống là một chuỗi dài hạnh phúc và khổ đau, là một cuốn phim được gom nhặt từ những thước phim ngắn đời người. Rất ít ai có đủ thời gian để xem lại những hình ảnh của mình đã được ghi lại trong quá khứ. Và có lẽ cũng rất ít người đặt câu hỏi cho những gì xảy ra, và những gì mình nói, làm trong đời mình. Đó là một điều dễ hiểu bởi lẽ, con người vốn mang sẵn trong mình những cái bất toàn hảo, và cũng vì người ta sợ phải đối diện với chính bản thân mình. 

Trong Phật giáo, con người là một trong sáu loài  Sáu loài, Hán gọi là lục thú: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhân (con người), thiên, a tu la.)
 Con người là loài mà sự hiểu biết còn nhiều hạn hẹp và thụ động. Trừ khi nào con người cởi bỏ lớp áo phàm tục, thì con người mới có thể thăng tiến lên các cảnh giới cao hơn và tự làm chủ được chính mình. Hễ còn bị điều khiển bởi những ham muốn tầm thường của ngũ dục (Ngũ dục: năm món ham muốn của người đời: Tài (tiền tài), sắc (sắc dục), danh (danh vọng, địa vị), thực (ăn uống) và thuỵ (ngủ nghỉ)) thì con người khó có được cơ hội để hưởng hạnh phúc và bình an. Chúng ta thử nhìn xem, có được lợi lộc gì bao lăm khi chú Titô dễ thương say sưa gặm nhấm miếng xương khô; lũ ruồi lấn chen vây quanh chút mật ngọt; bầy kiến hăm hở bò quanh miệng chén có dính chút đường.

Con người cũng thế, sự ham muốn tiền tài, sự ham muốn sắc đẹp, sự ham muốn danh vọng địa vị, sự ham muốn các vị ngọt của thức ăn, hay sự ham muốn ngủ nghỉ là những gì mà con người mong mỏi và cố công tìm kiếm; hễ một khi con người vướng vào một trong năm thị dục đó thì khó mà thoát ra được, huống nữa là đắm vào cả năm thị dục ấy. Con người chỉ hơn loài vật là biết nhận thức và nhận thức cao hơn. Nhưng đôi khi cái nhận thức của con người không có khả năng vượt thoát sự cám dỗ của bản năng dục vọng của chính mình; có khi con người cũng ý thức được những cay đắng và thất vọng do năm thị dục mang lại, nhưng con người vẫn không thoát khỏi cạm bẫy hấp dẫn của chúng. Cho nên, trong cuộc sống đôi khi có những cái biết nhưng chúng không thắng lướt được những cám dỗ của bản năng dục tính. Đó là một yếu kém gây nhiều đau khổ cho con người.
Tâm lý chúng sanh tham cầu nhiều thứ mà không biết mỏi mệt, nên càng tạo ra nhiều tội lỗi. Hàng Thánh giả thì không phải vậy, thường nhớ nghĩ đến phép tri túc, an vui sống đời đạm bạc và xem sự nghiệp duy nhất của mình là thực hiện trí tuệ giác ngộ.
Điều đó nói lên rằng; tâm lý phàm phu khác hẳn với tâm của Thánh giả. Phàm phu thì u mê si ám chỉ biết cái lợi trước mắt, chỉ biết hạnh phúc tạm thời, hư huyễn mà không biết lợi ích lâu dài và hạnh phúc cao thượng hằng cửu. Nên hàng phàm phu mãi là kẻ lữ khách ruổi rong tìm kiếm. Có người lang thang tìm kiếm cho đến khi bạc đầu vẫn là kẻ đuổi bắt sóng nắng giữa xa lộ. Lại có kẻ lang thang tìm kiếm ngũ dục đến hết kiếp người mà vẫn chẳng tìm thấy bến bờ để dừng lại, vẫn một mình cô liêu dưới bóng chiều buông xuống.
Nếu đi cho hết cuộc đời, đi cho hết kiếp người cô đơn thì sự đi ấy thật buồn bã, lắm lo âu và sợ hãi, nên thi sĩ Tuệ Nguyên đã có lần nói rằng:
Lênh đênh cho hết kiếp người
Thì bao giờ hết kiếp người lênh đênh.