Wednesday, November 14, 2012

SỐNG ĐỂ LÀM GÌ

Điều mà tôi muốn nói, hay đề tài sắp giảng, tôi đã suy tư từ lâu lắm rồi. Tôi có dịp nói một đôi lần, nhưng chưa đầy đủ lắm. Tôi nghĩ rằng điều tôi sắp nói, quí vị cũng thích thú muốn nghe.


Đó là câu hỏi :”chúng ta sống để làm gì ?” Đây là điều mà tôi tự hỏi chính tôi ngay từ hồi còn nhỏ. Hay nói một cách khác “Tôi thật sự muốn làm gì ?”.
Hai câu này, lời có khác nhưng cùng một ý. Trả lời được câu trên thì cũng giải đáp cho câu dưới.
 Đây là một hỏi rất quan trọng cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không biết mình sống để làm gì hay mình thích làm gì trong cuộc đời, cuộc sống của chúng ta thật vô nghĩa, tẻ nhạt, không còn mục đích để sống !
Chúng ta bắt đầu từ khi mình mới sinh ra, ngày đầu mình ra chào đời, điều chi quan trọng nhất lúc bấy giờ ? Sống sót, sống còn (không bị chết yểu), chỉ muốn được tiếp tục sống, không muốn gì khác hơn.
Lúc bấy giờ cha mẹ, săn sóc chúng ta, cho chúng ta ăn uống, tắm rửa. Lớn đến 3 hay 4 tháng, bắt đầu biết thấy, nghe và để ý đến người và vật chung quanh (mới sinh ra chúng ta chẳng hề để ý đến gì, bú xong nhắm mắt ngủ) Khi bắt đầu thấy người ở gần, chúng ta đặt câu hỏi, ai vậy cà ? rồi nhận ra ba mẹ và dính mắc vào cha mẹ, nhất là với mẹ. Tiếng của mẹ làm cho chúng ta cảm nghe ấm áp, được che chở, bảo vệ (nhất là khi được mẹ ôm vào lòng !). Mối liên hệ mẹ và con bắt đầu nảy nở. Mối liên hệ này cũng được phát triển với cha hay anh chị của mình. Bấy giờ mối tương quan của mình đối với những người chung quanh là điều quan trọng. Thiếu điều này, đứa bé không sống được.
Giả dụ như chúng ta cho đứa bé bú (tức là cho nó thực phẩm), giữ cho nó ấm áp, sạch sẽ mà không nựng, không trò chuyện với nó, nó sẽ thế nào ? Nó sẽ chết ! Như vậy liên hệ tình cảm rất quan trọng, nó cũng như thực phẩm, không thể thiếu. Thiếu nó chúng ta không sống được. Không có mối liên hệ lành mạnh với người khác, chúng ta không thể trở thành một con người thật sự.
Chỉ một vài hôm, sau khi sinh ra đứa bé cần được nựng, được vỗ về, nói chuyện (dù chẳng hiểu gì hết). Nó (tức chúng ta) muốn được yêu thương, để ý đến, muốn được vỗ về, cưng chìu. Dù không nói được, nhưng đứa bé cảm nhận được điều đó. Nhiều người nghĩ rằng không nói được, trẻ con không cảm nhận được gì, không cần liên hệ tình cảm. Điều này không đúng, trước khi biết nói, đứa bé cần được yêu thương, săn sóc. Thực phẩm và tình thương là hai thứ mà chúng ta cần để sống !.
 Chúng ta càng ngày càng lớn, bắt đầu biết lật, biết bò. Ăn xong, ngủ một giấc dậy, là không nằm yên một chỗ; bò loanh quanh, rờ rẩm cái này, cái nọ, muốn khám phá thế giới quanh mình và muốn cử động tay chân (xử dụng năng lượng tích tụ trong tứ chi). Không làm vậy đứa bé không lớn được. Chúng ta cần phát triển những tiềm năng trong thân thể (cử động tay chân) và tìm hiểu thế giới chung quanh để lớn dần, để phát triển. Nếu có anh chị hay những đứa bé cùng tuổi, là chúng ta muốn chơi, đùa giỡn, phá với chúng, vì có cha mẹ thôi chưa đủ (ba mẹ cũng chơi, cũng đùa với mình, nhưng nếu có những người bạn cùng tuổi, cùng chơi cùng phá thì thú vị hơn nhiều ! Đây là một điểm tâm lý quan trọng mà cha mẹ nuôi con cần hiểu).

Chúng ta lớn thêm, 2 hay 3 tuổi bắt đầu biết đi, biết chạy, biết chơi. Biết chơi đồ chơi và biết làm đồ chơi. (Ngài nói hồi nhỏ tôi rất thích làm đồ chơi, hoặc bằng giấy, bằng chai, lon cũ, nút keng v..v..) Đây là đầu óc sáng tạo, chúng ta bắt đầu có tinh thần sáng tạo ngay từ nhỏ và đây là một đức tính của con người.
Chơi đồ chơi với bạn, một đôi khi chúng ta cho bạn cùng chơi với mình, hay ích kỷ chỉ muốn giành chơi một mình, khi thì rộng lượng, lúc ích kỷ. Chơi không bằng lòng là đánh nhau, đây là điều rất quan trọng, rất cần thiết ! Đứa bé cần đánh nhau với bạn để học cách thức làm sao xử sự cho công bằng ?
Khi đánh mình hiểu mình mạnh ít hay nhiều. Mình hiểu giới hạn, quyền lợi của mình đồng thời biết quyền lợi và giới hạn của người khác. Học cách thức biết trọng người khác (đừng chơi trội) và không để người khác dẫm lên chân mình. Chơi, đùa giỡn, đánh nhau để cùng học và khôn lớn. Học thế nào? Đừng ăn hiếp (chơi trội), vì mình hiếp đáp bạn, nó sợ không chơi với mình nữa ! Không phải muốn làm gì thì làm ! Ích kỷ hoài sao được, phải chia sẽ những gì mình có với bạn.
Ngay từ bé khi chơi với những đứa bé khác, chúng ta  bắt đầu học cách đối xử với những người chung quanh. Một đôi khi mình giận, làm mình bực mình. Ba mẹ phải khuyên:”Không sao, con chọc giận nó, đôi khi nó chọc giận con, có qua có lại, bỏ đi con, lại chơi với nhau đi !”
Như vậy chúng ta học và hiểu, dù người khác có làm mình buồn, mình giận, cũng phải làm lành, làm bạn lại với người ta. Nếu người ta làm mình giận, mình bỏ không chơi thì sống với ai đây !
Ngay cả người thân, cha mẹ, anh chị em, bà con, thầy tổ, bạn đạo nhiều lần làm mình khổ rồi mình từ họ hay sao ? (ba mẹ tôi làm tôi khổ rất nhiều, nhưng không vì thế mà tôi xa lánh các vị ấy !) Phải học cách cảm thông, tha thứ để sống với nhau !