1. Đừng bao giờ cảm thấy đủ đối với sự hiểu biết của bạn. Nếu bạn cảm thấy đủ tức bạn đóng cửa ngõ thành công của bạn. Lại nữa sự hiểu biết của bạn chỉ ở trong phạm vi nào đó, còn những phạm vi khác bạn chưa chạm tới. Cho nên hãy tiếp tục thiền, đừng thoả mãn với sự hiểu biết, nếu bạn chưa phải là bậc A La Hán. Làm vậy bạn sẽ phát huy sự hiểu biết của mình sâu hơn vi tế.
2. Ba người khác nhau sẽ có quan kiến
khác nhau, lý giải khác nhau. Khi cùng quan sát một đối tượng những điều mà người
này hiểu chưa chắc người khác đã hiểu, những điều người khác hiểu chưa chắc người
này đã hiểu. Nếu hành giả hiểu được như vậy thì chẳng còn gì để phát sanh tự
hào và ngã mạn.
3. Để bắt đầu dẫn thân vào cuộc hành
trình tâm linh, hành giả cần có niềm tin vừa đủ để bắt đầu chứ không bắt buộc
phải có niềm tin giống như bậc thánh Tu Đà Hoàn.
4. Bên lề trí tuệ về tam tướng (vô thường,
khổ, vô ngã) hành động của chúng ta luôn luôn rơi vào cạm bẫy của tự ngã.
5. Không phải lúc nào bạn cũng chạm
trán và đối diện được với phiền não để giải quyết, nếu hay biết của bạn còn
đang yếu, làm như thế không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho vấn
đề càng trầm trọng thêm. Trong những lúc như thế bạn có thể dùng chánh tư duy
(hoặc thay đổi đối tượng) để làm giảm nồng độ của phiền não. Áp dụng phương thức
như trên cho đến khi hay biết vững mạnh. Lúc này bạn có thể đem vấn đề ấy trở lại
để giải quyết.
6. Đừng bị lôi cuốn theo hình ảnh mình
ưa thích. Điều quan trọng nhất là quan sát tâm tham của bạn, bởi vì nếu bạn
chăm chú vào hình ảnh ưa thích ấy phiền não sẽ dấy khởi và cướp mất sự bình an
của bạn.
7. Khi bạn phóng tâm về quá khứ hoặc
tương lai. Nếu bạn nhận thức được mình đang rơi vào cạm bẫy của vô minh thì
ngay lập tức tâm bạn trở về với đối tượng đang là (trở về với giây phút hiện tại.
8. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, thói
thường tâm liền phát sanh phản ứng thích hay không thích. Chúng ta không có thẩm
quyền không cho chúng phát sinh, vì đây là tập khí của tâm. Điều duy nhất chúng
ta có thể làm là ghi nhận những phản ứng ấy. Ghi nhận mà không đặt vào đó sự ưa
thích hay ghét bỏ. Nhờ ghi nhận như vậy, hay biết dần dần được lớn mạnh và giúp
đỡ tâm luôn ở trong trạng thái an tịnh quân bình.
9. Khi chúng ta để tâm vào những đối
tượng bên ngoài, những đối tượng này sẽ lôi cuốn tâm vào trong tầm tay thao
túng của chúng. Điều này chúng ta kinh nghiệm quá rõ khi chạy theo những đối tượng
khả ái khả hỷ hoặc bất khả ái, khả hỷ. Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Bởi
vì trí tuệ của chúng ta còn quá yếu chưa đủ sức để đối diện với mọi đối tượng
bên ngoài. Nhưng nếu bạn nhìn vào tâm để quan sát thì chẳng có vấn đề nào phức
tạp cả.
10. Trong lúc hay biết bạn cũng nên
dùng chánh tư duy một ít để tạo nên sự hứng thú cho tâm. Hoặc khích lệ tâm đối
với thiền tập.