Một thời, Thế
Tôn trú ở Bàranasi, tại Isipitana, chỗ vườn Nai. Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến,
sau khi đảnh lễ, thưa Thế Tôn:
Thưa Tôn giả
Gotama, có tự ngã không?
Thế Tôn im lặng.
Sau khi hỏi lại lần thứ hai, Thế Tôn cũng im lặng, du sĩ Vacchagota liền đứng dậy
và ra đi.
Rồi tôn giả
Ananda, sau khi du sĩ ra đi, hỏi Thế Tôn vì sao không trả lời câu hỏi của du sĩ
Vacchagotta.
Này Ananda,
nếu Ta trả lời “có tự ngã” như vậy thuộc về chấp thường kiến. Và nếu Ta trả lời
“không có tự ngã” như vậy thuộc về chấp đoạn kiến.
Lại nữa, này
Ananda, nếu Ta trả lời “có tự ngã”, như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với
trí tuệ “Tất cả các pháp là vô ngã”? Và nếu Ta trả lời “không có tự ngã”, như vậy,
lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngớ ngác, bối rối hơn nữa: “Trước đây ta có
tự ngã, nay không có tự ngã nữa”.
(ĐTKVN,
Tương Ưng Bộ IV, chương 10, phần Ananda [lược], NXB Tôn Giáo 2001, tr.619)
LỜI BÀN:
Không phải
ngẫu nhiên mà sau khi thành đạo, Thế Tôn đã không vội vàng thuyết pháp, bởi
chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, thật khó lãnh hội được tuệ giác duyên khởi –
vô ngã. Và cho đến về sau, không phải với bất cứ ai, Ngài cũng triển khai về điều
này, trừ những trường hợp đủ duyên lành, có thể lãnh hội được. Vì thế, Ngài đã
im lặng trước câu hỏi của du sĩ Vacchagotta và cũng không ít người khác đương
thời.
Tự ngã, linh hồn hay cái tôi trường cửu bất
diệt là tín điều ăn sâu vào cốt tủy của những ai tin tưởng vào thần linh sáng tạo.
Trong vòng luẩn quẩn của tư duy thì chỉ có hai phạm trù cơ bản là có và không,
thật nan giải để nói Không – vô ngã đối với vấn đề tự ngã.
Nếu nói có
ngã lập tức rời vào chấp thường, nói không có ngã tức rơi vào chấp đoạn, mà chấp
thường hay đoạn cũng đều là tà kiến. Mặt khác, nói có ngã thì trái với sự thấy
biết vô ngã của Phật, nói không có ngã thì làm cho người nghe hoang mang, mất
chỗ bám víu; tốt nhất là im lặng.
Các thiền sư
đời sau ứng cơ khai thị mà không ít người ngộ nhận cho là cuồng thiền, tà đạo
thực chất thì cũng học theo Phật, bởi im lặng không nói như Phật hay “nói nhảm”
hoặc đánh cho một gậy thì cũng giống nhau. Vô ngã là tuệ giác, là chứng ngộ sự
thật chư không phải để hiểu, nhận thức. Vì thế, nếu triển khai về lý thuyết vô
ngã đại để như “giả có, duyên sanh, không thực thể….” Cũng chỉ là “ngón tay chỉ
mặt trăng”.
Do vậy mà Phật
im lặng thuyết pháp, bài pháp vô ngôn này lại hay tuyệt cùng trong trường hợp
này. Không phải có, chẳng phải không, vậy tự ngã là gì ? Cứ tư duy về điều ấy
đi, là cái gì thì mỗi người tự cảm nhận lấy, biết đâu sẽ bùng vỡ ra một cái gì
đó vượt ngoài có không của tư duy hữu ngã.
Source: Quảng
Tánh, LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA, tập I, NXB Tôn Giáo, 2008.