Tuesday, May 21, 2013

Người Câu Cá và Con Chim Nhỏ


 

Một hồ nước rất lớn nằm giữa một cánh rừng hoang vắng. Đứng ở bên bờ nhìn sang chỉ thấy trời nước mênh mông, bờ bên kia mờ ảo như không có thực. Nước mặt hồ luôn có ánh xanh biếc hiền hòa, nhưng lại luôn xao động bởi muôn vàn loài cá trong hồ. Cây cỏ trên bờ rất tươi tốt, trải dài một màu xanh rờn tuyệt đẹp.
Mặt trời đã bắt đầu hé rạng, chiếu xuống những tia nắng đầu tiên phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ. Chim chóc trong rừng cất lên muôn vàn tiếng hót, tạo nên một âm thanh thánh thót vui tai. Tất cả hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng lăn tăn vỗ bờ tạo thành âm điệu muôn thuở của thiên nhiên.
Ngư ông ngồi buông câu bên bờ đã từ lâu lắm. Sương đêm đã thấm ướt hai vai áo. Chiếc giỏ nhỏ bên cạnh vẫn trống không, chứng tỏ ông chưa câu được một con cá nhỏ. Tuy nhiên không vì thế mà ông buồn rầu hay chán nản. Trên khoé môi luôn nở một nụ cười mơ hồ, mắt đăm đăm nhìn mặt nước.
Đậu trên một cành cây gần đó, con chim nhỏ đứng yên nhìn ngư ông một lúc lâu. Sau cùng chim mới cất tiếng nói:
“Xin chào ngư ông, tại sao người lại bỏ phí thời gian câu cá mà lại không màng đến việc có câu được cá hay không vậy?”
Ngư ông mỉm cười rõ hơn, mắt vẫn không rời làn nước:
“Chào chú chim bé nhỏ, ta ngồi câu là để ngồi câu chứ đâu phải là để bắt cá. Mà chắc chú em cũng không hiểu những gì ta nói đâu.”
Con chim nhỏ không giận, mỉm cười chuyển sang câu hỏi khác:
“Vậy chứ người năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
Ngư ông vẫn bình thản trả lời:
“Ta ư? Sang năm là ta tròn bẩy mươi tuổi”
Giọng chú chim vẫn lảnh lót vui vẻ:
"Loài người của người chỉ sống được trong vòng một thế kỷ. Còn ta, ta không nhớ rõ đã trải qua bao nhiêu thế kỷ rồi, có lẽ phải tới trên hai mươi. Chắc người tưởng ta là một thiếu niên bé nhỏ nên mới có giọng điệu như vậy đó thôi.”
Ngư ông không lộ vẻ gì ngạc nhiên:
“Ồ! Ta cũng biết chú em không phải là một chú chim tầm thường. Những loài chim cá làm sao có thể diễn đạt tư tưởng cho con người hiểu được. Ta nghe âm thanh chú trong đầu chứ không phải là qua hai tai. Nhưng vì ta đã gọi người là chú em nên ta vẫn giữ như vậy, danh xưng không có giá trị gì."
“Người nói đúng, danh xưng không có giá trị gì cả. Nhưng cũng vì người là người đặc biệt nên mới hiểu được tiếng nói của ta. Những người trần mắt thịt khác thì dù ta có nói họ cũng không thể nghe được. Hơn hai ngàn năm trước, ta đã được ăn thuốc trường sinh của chủ ta nên ta mới sống mãi đến bây giờ đó thôi."
“Chủ của chú đã chế được thuốc trường sinh ư? Như vậy chắc ông ta còn sống chứ?”
Ồ không đâu! Ông ta đã khổ công chế thuốc nhưng chúng cũng chẳng giúp ông ta sống thêm được bao lâu. Thân xác loài người trọc khí quá nặng nề không thể trường sinh bất tử được. Nghe tới đây chắc người cũng đã đoán được chủ của ta là một đạo sĩ. Một trong những đạo sĩ tội nghiệp đã hiểu sai lời nói của thánh nhân nên cứ nghĩ là muốn đạt tới cái bất sanh bất diệt là phải giữ cho thân xác phàm tục sống mãi không già. Rốt cuộc cũng chỉ là khổ đau phiền não.
“Như vậy thì chắc chú em đã thoát được rồi chứ?”
“Người nói không đúng rồi! Ta đâu có đau khổ bao giờ đâu mà cần thoát khỏi. Ta vẫn sống như vậy từ bao nhiêu năm nay. Khi bay thì ta là gió, là mây, là bầu trời, khi đậu lại thì ta là cây, là lá cỏ, bên hồ thì ta là nước, với người thì ta là người. Nhưng thôi, đã lâu lắm ta không gặp một người nào ở đây, bây giờ người có thể cho ta biết lý do tại sao người lại tìm đến đây không?"
Ngư ông vẫn bình thản trả lời:
“Xưa kia ta là một người rất giầu sang, và ta đã lấy một người vợ cũng giầu sang không kém. Tuy nhiên cuộc sống trên nhung lụa không làm cho ta thấy hạnh phúc. Chỉ sau một thời gian ngắn, do tiêu xài quá mức, tài sản của cha ông để lại đã tan tành theo mây khói. Và khi ta trắng tay thì vợ ta cũng rũ áo bỏ đi không thương tiếc. Ta cũng không đau khổ bao nhiêu và đã bắt đầu lại từ đầu. Với một túp lều tranh ven sông, ngày ngày ta buông câu quăng lưới sống bằng nghề bắt cá. Cuộc sống như vậy ta lại thấy thoải mái hơn cuộc sống giầu sang trước kia. Rồi thì ta cũng gặp được người vợ hiền, nàng đã cho ta hai đứa con thật ngoan ngoãn dễ thương. Lúc đó ta đã nghĩ rằng cuộc đời như vậy là đã hoàn toàn hạnh phúc mà không cần mơ ước gì thêm. Nhưng cuộc đời không dễ dàng như vậy. Chỉ một thời gian sau, vợ con ta cũng lần lượt bỏ ta, lần này là do dịch bệnh. Lúc đó ta mới nhận thấy cái vô thường của cuộc đời, và sự mất mát lớn lao làm ta không thể tiếp tục sống như trước được nữa."
“Và người đã bỏ đi tu tại một ngôi chùa nào đó?”
“Đúng vậy, ta đã sống đời sống tăng lữ một thời gian vì hy vọng có thể giải thoát được khổ đau và sống thanh thản. Nhưng ta đã sai lầm, có lẽ vì không có cái may mắn gặp được minh sư. Đời sống tăng lữ mà ta trải qua cũng như một xã hội thu nhỏ, cũng kẻ tốt người xấu, cũng đầy đủ tham sân si như ngoài đời thường, chỉ khác là khéo che đậy hơn mà thôi."
“Tại sao người lại không tự mình tu tập mà lại để bị ảnh hưởng bên ngoài nặng nề như vậy?”
“Phải, ta cũng đã tìm hiểu giáo lý và cố gắng tu tập, đắm mình trong câu kinh lời kệ, tiếng mõ tiếng chuông. Nhưng những thứ đó chỉ giúp quên mình trong giây lát, rồi sau đó lại trở về với cái ta, với những khổ đau dằn vặt của cuộc sống. Cho tới lúc không thể kéo dài được nữa, ta lại bỏ chùa ra đi."
“Và người đã tìm đến nơi đây?”
“Cũng gần như vậy, trên con đường lang thang vô định, tình cờ ta gặp được một cụ già kỳ lạ. Ngài không hẳn là thầy ta nhưng đã chỉ dẫn cho ta nhiều điều và chỉ đường cho ta tới đây, nơi cánh rừng hoang vắng này để tìm sự an tĩnh. Ta đã sống tại nơi đây hơn mười năm rồi nhưng hôm nay mới gặp chú."
“Đúng rồi, ta nay đây mai đó không có chỗ ở nhất định. Có lẽ hơn mười năm rồi ta mới ghé qua đây. Ta đã biết người có khả năng tập trung tâm ý khá cao khi theo dõi tư tưởng của người. Người có thể nhận thức rõ ràng từng hơi thở, từng sự kiện, không để tạp niệm phát sinh. Tuy nhiên đó chỉ là công phu tập luyện mà thôi. Khi người ngừng tu tập thì sẽ dần dần trở lại trạng thái trước kia thôi."
Ngư ông lại mỉm cười hiền hòa:
“Đúng vậy, ta biết rất rõ là ta chưa giác ngộ, mà chưa ngộ thì không thể có giải thoát hoàn toàn. Nhưng tu tập đã gắn liền với đời sống ta nên không thể có chuyện ngừng tu tập. So với hồi mới tới đây, ta đã tiến bộ nhiều. Hiện nay gần như không còn chỗ cho buồn rầu chán nản phát sinh, ngay cả trong giấc ngủ."
“Điều này ta đã thấy rõ. Về chuyện những người giác ngộ, cách đây đã lâu lắm rồi, chắc phải nhiều thế kỷ trước ta đã có gặp. Chỉ mới nhìn thấy họ là ta đã biết ngay. Không những chỉ có mình ta biết mà tất cả các loài thú rừng cây cỏ đề nhận biết, chỉ có loài người mới không nhận thấy mà thôi. Những người đó có thể hoàn toàn tự do đi lại giữa các loài ác thú mà không có con nào dám đụng đến vạt áo họ. Còn người, may mắn là nơi đây chỉ có thú hiền nên người mới có thể sống tới ngày nay."
“Ta cũng biết như vậy. Chắc là cụ già cũng biết nên mới chỉ cho ta tới đây. Mà chú nói là đã lâu lắm rồi không gặp được một người nào giác ngộ phải không?"
“Phải, đã hàng thế kỷ nay ta không còn gặp nữa rồi. Con người ngày nay, đầu óc đầy dẫy tạp niệm, hai mắt đục ngầu, sống mà như không biết mình đang sống. Và dĩ nhiên họ không thể nghe được tiếng của ta như người đang nghe vậy."
“Như vậy chắc là chú đã giác ngộ lâu lắm rồi? Chú có thể chỉ dẫn cho ta chứ?”
“Người nói không đúng rồi! Việc giác ngộ chỉ dành cho loài người chứ không dành cho chim cá cùng muôn thú. Còn chỉ dẫn thì ta không thể, vì ta không phải là người. Ngày xưa, ngay cả hồi cực thịnh, việc chỉ dẫn đã cực kỳ khó khăn rồi. Những người thực sự giác ngộ đã nhận không biết bao nhiêu là môn đồ mà may mắn lắm cũng chỉ có được một hai đồ đệ có thể nối được gót thầy. Còn ta, ta chỉ có thể giúp người vài lời khuyên nhỏ, rồi người hãy tự bước đi trên con đường của người. Người nói là không có cái may mắn gặp được minh sư ư? Thực là sai lầm hoàn toàn. Người đang ở bên cạnh, hay nói đúng hơn là ở trong lòng một người thầy vĩ đại nhất: THIÊN NHIÊN. Hãy lắng nghe tất cả, từ tiếng nói của gió, của mây, của cây cỏ, của đất đá, của nước, của bầu trời... Nhưng để bắt đầu, ta khuyên người hãy lắng nghe tiếng nói của mặt hồ. Khi đã hiểu được mặt hồ muốn nói gì, lúc đó người sẽ hiểu được những tiếng nói khác không mấy khó khăn. Ta xin nhắc lại: Hãy lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên! Thôi bây giờ ta xin từ biệt, chúc người thành công."
Đã hơn mười năm nữa trôi qua, ngư ông đã già yếu lắm rồi. Mái tóc bạc phơ, người chỉ còn da bọc xương. Hơn mười năm ông ngồi bên hồ nước, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, nhất là tiếng nói của mặt hồ. Từ hơn một tuần nay, trời lạnh bất ngờ làm ông phải nằm liệt trong túp lều, chỉ uống nước và ăn hoa quả hạt cây cầm hơi. Ông biết là không còn sống được bao lâu nữa. Hôm nay, mặt trời đã ló rạng sau nhiều ngày u ám, đem lại cho ông chút sinh khí cuối cùng. Ông muốn đi ra khỏi túp lều để được chết bên hồ.
Đã hơn mười năm nay, tiếng nói của thiên nhiên vẫn mơ hồ khi ẩn khi hiện. Có lúc ông cảm thấy thiên nhiên không muốn nói gì cả. Có lúc ông lại thấy thiên nhiên như muốn nói lên tất cả. Thiên nhiên như đã xâm nhập dần vào cơ thể ông, và tâm ý ông cũng như mặt hồ nước, như mây bay, như gió thổi, bình yên và tĩnh lặng.
Hòa cùng làn nước, những kỷ niệm xưa lần lượt trỗi dậy. Những kỷ niệm mà ông tưởng như đã quên đi nhờ luyện tập tâm ý. Nhưng chúng vẫn còn đó mà chỉ bị đè nén xuống mà thôi. Ông thấy lại thời thơ ấu, và cuộc sống trên nhung lụa với kẻ hầu người hạ đã biến ông thành một cậu bé kiêu căng nông cạn. Khi cha mẹ qua đời ông cũng không nhỏ được một giọt nước mắt vì không cảm thấy một sự thương tiếc nào. Cha mẹ ông chỉ chìm đắm trong việc kiếm tiền và ăn chơi xa xỉ. Việc nuôi dưỡng ông hoàn toàn phó thác cho người khác. Sau đó ông cưới vợ, một người vợ cũng ăn chơi xa xỉ nhưng lại không ham kiếm tiền. Và ông cũng quay cuồng theo việc ăn chơi với đầu óc trống rỗng. Đến khi của cải không còn, bạn bè cùng kẻ hầu người hạ lần lượt ra đi. Cả người vợ cũng bỏ đi để lại ông một mình với hai bàn tay trắng. Ông cũng có đau khổ nhưng hoàn toàn không hối tiếc quãng đời vô vị. Khi trở thành một ngư phủ, đầu óc ông dần dần trầm lắng lại, biết sống với nội tâm nhiều hơn. Rồi người vợ sau, một thôn nữ dịu hiền xinh đẹp, đã tạo cho ông một gia đình hạnh phúc hoàn toàn với hai đứa con xinh xắn ngoan ngoãn. Ông đã tưởng rằng cuộc sống như vậy là không còn gì đáng mơ ước nữa. Nhưng rồi tai họa đã tới, và lần đầu tiên ông nhận biết cái tận cùng đau khổ của kẻ đã mất tất cả những gì quý giá nhất trên đời.
Những lần đầu tiên khi kỷ niệm buồn đau trổi dậy, ông cảm thấy trái tim đau nhói cùng nỗi tiếc nhớ mênh mông. Nhưng làn nước trong xanh vẫn còn đó, và kỷ niệm đến rồi đi rồi lại đến và đi theo làn nước. Để rồi với thời gian, đến một lúc nào đó ông cảm thấy thanh thản hẳn, tựa hồ làn nước mầu nhiệm đã cuốn trôi hết các phiền não của thế gian. Ông có thể nhìn lại quãng đời trước kia như không phải là của ông nữa, tựa hồ như thuộc về một kiếp nào khác. Rất nhiều khi ông lại thấy mình như một người hoàn toàn khác. Khi thì là một lãnh chúa với vô số người quỳ mọp dưới chân, khi lại là người nông dân trên cánh đồng xanh tốt, khi là một thiếu nữ xinh đẹp đang tràn đầy hạnh phúc bên người yêu, lúc lại thành bà mẹ hiền bên đàn con nhỏ. Các hình ảnh trên đều khi ẩn khi hiện trong làn nước, là ông mà cũng không phải là ông, nhưng không làm xao động gì đến ông cả. Cái bản thể của làn nước, ông đã thâm nhập được. Nhưng cái tiếng nói của mặt hồ, của thiên nhiên, ông vẫn chưa thực sự hòa nhập. Rất nhiều lần, tâm ý hầu như hòa cùng thiên nhiên, ông đã gần như nghe hiểu được tiếng thầm thì muôn thuở của tạo hóa, nhưng rồi lại trở nên xa vắng. Ông biết rất rõ là khi hiểu được, ông đã đặt một chân lên bến bờ giác ngộ. Và hôm nay nữa, ngày cuối cùng trong đời, tiếng thầm thì của thiên nhiên lại gần gũi rồi lại trở nên xa vắng.
Một giọng nói khác cất lên trong tâm ý, giọng nói quen thuộc của mười năm trước:
“Chào ngư ông, người đã đi được một đoạn đường khá dài, rất tiếc đoạn cuối người lại không vượt qua được.”
Không cần ngước mắt lên mà cũng không cần mở miệng, vì bây giờ ông không cần phải dùng lời nói nữa:
“Chào chú chim bé nhỏ. Ta chưa nghe được tiếng nói của thiên nhiên, nhưng bây giờ điều này không làm ta bận tâm nữa."
“Ta hiểu ngư ông ạ. Người đã thoát khỏi khổ đau phiền muộn, nhưng để tới đích lại là một điều khác. Ta cũng hy vọng là với một sự may mắn kỳ diệu, người có thể vượt qua. Nhưng điều kỳ diệu đã không xẩy ra. Thiên nhiên không nói bằng ngôn từ như các người. Chỉ có những người thực sự thoát khỏi những mắt xích của ngôn từ, của sự phân biệt mới thực sự hiểu thấu. Chắc người cũng đã hiểu từ bao thế kỷ nay không còn người giác ngộ nữa. Loài người càng ngày càng lún sâu vào ngôn từ phức tạp, vào đầu óc phân biệt tinh vi. Và tập nhiễm đã nặng nề đến mức không ai có thể cởi bỏ được."
“Ta cũng hiểu chú ạ. Chú có cái may mắn là không phải là người nhưng lại diễn đạt được tư tưởng loài người. Chú đã hiểu tiếng nói của thiên nhiên trước tiếng nói của loài người. Nhưng thôi, đã đến lúc ta ra đi, xin chào chú lần cuối."
Ngư ông vẫn ngồi yên không nhúc nhích, đôi mắt hé mở vẫn như nhìn làn nước. Mặt trời đã lên cao, tỏa những tia nắng ấm áp xuống cánh rừng, xuống mặt hồ lấp lánh, nhưng ngư ông không còn cảm thấy nữa.
Mặt hồ vẫn bình thản như muôn đời không thay đổi. Chú chim nhỏ cũng cất tiếng hót như muôn vàn con chim bình thường khác. Tiếng chim hót hòa cùng tiếng gió vi vu, tiếng rì rào của cánh rừng, tiếng sóng róc rách vỗ bờ. Tất cả hợp thành âm điệu kỳ diệu của thiên nhiên.