Tuesday, May 21, 2013

SỐNG ĐƠN GIẢN



Sống đơn giản là không sử dụng quá nhu cầu cho bổn phận của mình.

Người tu theo đạo Phật là đi tìm con đường giải thoát. Bởi vậy, đời sống đơn giản là một Hạnh đẹp, một Hạnh cao cả mà ai cũng tôn trọng. Đức Phật của chúng ta cũng như những vị Thánh Tăng đều là những người có cuộc sống vô cùng đơn giản.

Như vậy, theo định nghĩa, chúng ta cần tránh được sự cực đoan. Đó không phải là sự ép xác mà sống đơn giản đúng với bổn phận của mình. Trong cuộc sống, có những cái cần cho việc tu hành, chúng ta vẫn phải sử dụng. Chỉ lưu ý một điều, chúng ta không vượt khỏi nhu cầu đó để trở thành dư thừa, biến thành một đời sống xa hoa, sang trọng. Đây là chỗ rất khéo mà người tu chúng ta phải cẩn thận. Nói sống đơn giản không phải là ăn ít, mặc ít mà phải chọn mức sống sao cho vừa đủ, sao cho phù hợp với cuộc sống của mình. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn cảm nhận rằng người sống đơn giản, ít có nhu cầu, ít ham muốn là người có cái gì đó tự tại hơn, thanh thản hơn những người sử dụng quá nhiều thứ, sống có quá nhiều nhu cầu,.

Để thực hiện một đời sống đơn giản, trước hết, chúng ta phải xác định mình sống để làm gì và có nhu cầu gì trong việc tu hành.

Với chúng ta, sống là để tu. Tu là sửa, là tu dưỡng. Trước hết, chúng ta phải sửa nội tâm mình. Làm sao từ chỗ còn nhiều ý nghĩ bất thiện, chúng ta trở thành một con người thánh thiện, từ chỗ hẹp hòi ích kỷ, chúng ta trở nên vị tha hơn. Tu là tu dưỡng nội tâm. Vậy, chúng ta cần sử dụng những gì cho việc tu hành nội tâm của mình? Đã là tu trong tâm, chúng ta không đòi hỏi gì nhiều ở bên ngoài. Chỉ cần cơm vừa đủ ăn để sống, quần áo vừa đủ để mặc, chỗ ở cũng vừa đủ, không cần rộng rãi sang trọng.

Khoảng sau Đức Phật vài thế kỷ, một vị triết gia tên là Điôzen xuất hiện. Ông sống gần Hy Lạp, ở vùng Trung Đông. Đời sống của ông vô cùng đơn giản, giáo lý của ông thể hiện ở cuộc sống tự tại, giải thoát. Có thể xem ông là một vị Bồ Tát nào đó của đạo Phật đầu thai qua, vì ông có cuộc sống rất giống với đạo Phật. Thời đó, đời sống vật chất của con người còn rất đơn giản, chưa có những tiện nghi trong sinh hoạt. Ông chỉ có một mảnh áo che thân và một cái bát để uống nước. Một lần, trên đường đi, ông nhìn thấy người ta cúi xuống múc nước bằng hai tay để uống. Ông cảm thấy cái bát mình đang dùng là thừa nên quăng đi. Nghĩa là ông hạn chế nhu cầu về vật dụng đến mức tối đa. Mọi người rất nể phục ông bởi đời sống tự tại, đơn giản như vậy. Khi khuyên một vài lời về đạo lý, ông vẫn làm cho người ta được hạnh phúc, được an lạc, được lợi ích. Do đó, tiếng đồn lan ra khắp nơi.

Lúc bấy giờ, Alexandre Đại đế đem quân chinh phục khắp nơi. Ông chiếm hết vùng Trung Đông, qua Ấn Độ. Khi đánh chiếm vùng Trung Đông, xứ của Điôzen, ông nghe đồn có một triết gia nổi tiếng, bèn tìm đến. Ở đây, nhiệt độ dao động rất mạnh, có mùa trời nóng như thiêu như đốt, có mùa lại lạnh thấu xương. Lúc này, vùng Trung Đông rất lạnh. Ông kiếm một thùng gỗ, ban đêm chui vào đó đóng cửa lại, nằm ngủ, ban ngày ra ngoài sưởi nắng. Đây là phương pháp tốt nhất để giải cái lạnh thấm vào cơ thể mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Khi ông đang ngồi phơi nắng, vua Alexandre cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi tới. Từ xa, trông thấy một ông lão ngồi ung dung, tự tại, râu tóc dài xõa xuống, trên người có một tấm áo quấn quanh, đẹp rực rỡ dưới ánh mặt trời, ông bèn xuống ngựa, chầm chậm đi tới. Đằng sau ông, đoàn tùy tùng cũng làm như vậy. Đến nơi, nhà vua hỏi:

-Ngài có phải là Điôzen?”

-Phải, Ngài cần gì?- Ông từ tốn đáp.

Hai bên chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi, nhưng phong thái ung dung tự tại, bình thản của Điôzen khiến vua Alêchxăng cảm phục. Vì ông là một Đại đế, bách chiến bách thắng, nghe danh ông, ai cũng sợ hãi, chỉ có ông già lọm khọm, râu ria lồm xồm này liếc nhìn ông với ánh mắt bình thản. Ông cảm phục vô cùng. Sau vài câu ngắn ngủi, ông hỏi:

-Thưa Ngài, Ngài có cần gì không?

Hỏi như vậy vì nhà vua nghĩ rằng, mình là một ông vua bách chiến, bách thắng, uy danh khắp thiên hạ, dưới tay có không biết bao nhiêu là tài sản. Nếu ông Điôzen cần gì, Ngài sẽ tặng ngay.

Nghe hỏi như vậy, vị triết gia trả lời :

-Có, cần Ngài xích qua một chút, đừng che ánh mặt trời mà tôi đang sưởi, tôi rất cám ơn.

Thì ra, nhà vua và đoàn tùy tùng đến từ hướng đông, đứng một loạt che hết ánh nắng buổi sáng của ngài Điôzen. Nghe vậy, vua quay sang nói với đoàn tùy tùng: “Nếu ta không là Alexandre Đại đế, ta sẽ là Điôzen”.

Theo quan niệm bây giờ, triết gia là người hay lý luận, hay triết lý. Nhưng ngày xưa, khái niệm triết gia chỉ dành cho những người có đời sống tâm linh rất cao, như một chân sư bên Ấn Độ. Ông Điôzen là người như thế, là một triết gia, có đời sống đơn giản, ai ai cũng kính phục. Nhà vua đã nhìn thấy được đời sống vô cùng đơn giản, thanh thoát ung dung tự tại, toát ra một cái gì vô cùng cao cả của vị triết gia. Ông cũng ước ao, thèm khát cuộc sống ấy. Nhưng vì đã trót làm một ông vua, ở một ngôi vị quá vĩ đại, ông không nỡ từ bỏ địa vị vua chúa của mình. Nếu không có địa vị này, ông sẽ đi tìm một đời sống hết sức tự tại, hết sức giải thoát như vị triết gia kia. Rõ ràng, không phải chúng ta bênh vực, đề cao triết lý của đạo Phật mình, vì đó là câu chuyện ngoài đạo Phật.

Câu chuyện giữa một triết gia và một vị vua cho chúng ta thấy rằng, người sống được một đời sống đơn giản là người rất cao cả. Nghĩa là người đó vượt trội hơn những người thường, những người thích sống sung sướng. Sở dĩ chúng ta thích sung sướng, bởi trong thẳm sâu tâm hồn mình có một bản năng hưởng thụ, khát khao hạnh phúc.
Mưu cầu hạnh phúc là quyền tự do của con người, được tạo hóa ban cho và được luật pháp công nhận. Bởi vậy, trong thâm sâu con người ai cũng muốn sung sướng, muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng, muốn có quyền hành, muốn được mọi người khen ngợi…. Đó là điều bình thường, thậm chí đã trở thành tầm thường. Người nào vượt qua được cái bản năng hưởng thụ, không muốn sung sướng, không cần hạnh phúc cho chính mình, người đó đã vượt khỏi cái tầm thường để trở nên cao cả. Đó là người thắng được bản năng hưởng thụ tồn tại trong mỗi con người. Những người như vậy, được người đời tôn sùng là những bậc Thánh nhân, những triết gia cao siêu.

Chúng ta sống là để tu. Nếu tu nội tâm, chúng ta không cần nhiều nhu cầu, chỉ sống rất đơn giản. Tuy nhiên, ngoài tu tâm, chúng ta còn làm nhiều việc khác để tu. Chẳng hạn, tụng kinh cũng là một hình thức tu. Khi tụng kinh, chúng ta thường tụng ở chánh điện, trước bàn thờ Phật. Như vậy, chúng ta bắt đầu nảy sinh những nhu cầu: Cần có tượng Phật, có bàn thờ Phật, cần phải cất cho bàn thờ trang nghiêm…. Khi có bàn thờ Phật, chúng ta thấy rằng không thể để tượng Phật ngoài trời nên phải cất nhà để che tượng Phật, rồi xây chùa có chánh điện. Nếu tụng kinh ban đêm, chúng ta cần có ánh sáng, cần có bóng đèn. Vào mùa nắng nóng, chúng ta lại cần thêm quạt. Dần dần, thấy chánh điện không làm nền đàng hoàng, chúng ta cũng không yên tâm nên phải cố gắng lát bằng gạch bông vv…. Cứ thế, cũng cho việc tu nhưng dần dần mọi cái trở nên rắc rối.

Câu chuyện về một đạo sĩ tu hành ở Ấn Độ làm nhiều người phải suy nghĩ. Ông tu rất tốt, đời sống cũng rất đơn giản. Ông sống trong một hang động, không làm gì chỉ lo tu và đi khất thực. Từ cái hang, nơi ông ở, vào làng cũng khá xa. Mỗi lần khi đi khất thực, ông thường xin nhiều để dành trong một cái bao nấu ăn dần dần. Khoảng một tuần, mười ngày, ông trở xuống làng xin. Cuộc sống như vậy thật đơn giản. Nhưng rắc rối đã xảy ra bắt đầu từ mấy con chuột. Vì có thức ăn để dành nên lũ chuột kéo đến quấy phá. Vị Đạo sĩ cảm thấy phiền toái, ông cần một con mèo. Bởi vậy, khi vào làng khất thực, ông xin thêm con mèo về nuôi. Thức ăn chay vốn đơn giản, con mèo không chịu ăn. Vì là mèo con, ông nghĩ cần nhất là cho uống sữa. Sống xa làng bản, lấy đâu ra sữa cho mèo, ông thấy cần phải nuôi thêm một con bò. Khi có thêm bò, ông phải bớt thời gian tu để chăn bò và vắt sữa cho mèo, để mèo giữ thức ăn cho ông.

Thời gian trôi qua, bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra. Đến lúc bò bệnh, chửa đẻ…, ông phải chăm sóc, phải dắt đi ăn. Lúc này, ông không có thời gian nấu cơm. Một Phật tử có lòng cảm mộ xin đến ở công quả, nấu cơm cho Thầy. Đó cũng là nhu cầu chính đáng nên ông đồng ý. Nhưng vấn đề là cô Phật tử ở đâu, vì chỉ có một cái hang nhỏ. Thế là, ông ta phải cất một căn nhà cho đàng hoàng. Dần dần, ông có thêm vài chú tiểu lo lắng việc trong, việc ngoài. Như vậy, bắt đầu từ mấy con chuột mà sinh ra lắm chuyện phức tạp, rắc rối.

Câu chuyện có thể là không có thật. Nhưng kể như vậy là người ta muốn nói rằng, cũng là cho việc tu nhưng chúng ta sẽ cần điều này, điều nọ. Từ nhu cầu này, chúng ta sẽ kéo theo những nhu cầu khác. Vì vậy, trong quá trình tu hành, chúng ta phải cẩn thận, đừng vì những nhu cầu phục vụ cho việc tu mà chúng ta phải mất thì giờ, phải làm cho tâm khuấy động. Nói như vậy để chúng ta lưu ý. Khi phát sinh những nhu cầu, chúng ta phải cẩn thận, xem có thật sự cần hay không. Có những lúc chúng ta phải chịu đựng, kiềm chế những nhu cầu để giữ được cuộc sống đơn giản. Trong cuộc sống tu hành, nhiều khi cũng có những thiếu thốn, khó khăn nhưng khi giải quyết được khó khăn lại phát sinh bao nhiêu phiền toái khác. Nếu chịu đựng một chút rồi tất cả cũng sẽ qua, chúng ta sẽ giữ được đời sống đơn giản để tu hành. Hơn nữa, chúng ta sống đơn giản là để tiết kiệm phước. Dĩ nhiên, trong kiếp trước chúng ta cũng đã từng làm phước nên bây giờ mỗi người đều có phước để tích luỹ. Chúng ta phải tiết kiệm phước để sau này làm được nhiều việc lớn lao, có lợi cho Đạo.

Từ định nghĩa về sống đơn giản, chúng ta cần xem xét hai điều: Một là nhu cầu, hai là bổn phận của mình. Chúng ta phải biết mình đang cần những gì, xem những cái đó có quá nhu cầu, quá bổn phận của mình hay không. Nếu vừa đủ hoặc thiếu thốn một chút, chúng ta còn được gọi là sống đơn giản. Nếu vượt khỏi nhu cầu đó, chúng ta trở thành người có một đời sống phức tạp. Đây là điều chúng ta phải cẩn thận.

Một tu sĩ trong giai đoạn ẩn tu thường không có nhiều nhu cầu.
Trước kia, người tu thường đi bộ, dần dần dùng đến xe đạp, xe gắn máy. Vì khi chùa có nhiều đệ tử, công việc sẽ nhiều hơn, chúng ta không thể đi bộ hoặc đi xe đạp mãi. Khi đi giảng pháp nơi này, nơi kia, chúng ta không đủ sức khoẻ để ngồi xe gắn máy, nhất là khi phải đi hàng trăm cây số. Vì vậy, nhu cầu đi xe hơi xuất hiện. Cứ thế, hàng loạt những nhu cầu trong cuộc sống theo thời gian mà tăng lên. Xét cho cùng, đó cũng là những nhu cầu chính đáng hỗ trợ cho chúng ta trong công việc. Nhưng sự phức tạp cũng theo đó mà tăng lên. Đây là chỗ khó xử đối với người tu hành. Một mặt, chúng ta muốn giữ đời sống đơn giản đạm bạc, nhưng mặt khác, cuộc sống với những nhu cầu phức tạp vẫn lôi kéo chúng ta.

Đơn giản nhất là chuyện ăn mặc. Ngày trước, người đi tu không có nhiều quần áo như bây giờ.

Có khi do phước kéo đến, chúng ta được nhiều người biếu tặng, cúng dường. Những lúc ấy nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành người tích luỹ tài sản. Một điều khó xử là trong luật của Tỳ kheo, người thí chủ cho vật gì chúng ta phải làm đúng ý họ. Nhưng nếu giữ lại tất cả, chúng ta làm sao sử dụng hết. Bởi vậy, chúng ta nên tìm lúc thích hợp mang cho lại người khác, người thiếu thốn hơn. Thực ra, chính những lúc không có gì hết hoặc hơi thiếu thốn một chút, chúng ta dễ sống hơn. Khi phước đến, có thêm nhiều tài sản, vật dụng, chúng ta sẽ cảm thấy ray rứt, khó xử giữa đời sống đơn giản và những gì do phước đem lại.

Ngay cả nhà cửa để ở cũng vậy, chúng ta rất muốn đơn giản. Cửa có thể không sơn, để màu gỗ nguyên thuỷ, mộc mạc . Nhưng không sơn, lâu ngày sẽ hư hỏng. Giường ngủ, chúng ta cũng có thể không sơn, không đánh vẹc ni cho đơn giản, nhưng như vậy có cái gì đó giả dối. Vì chúng ta thừa biết, có thêm lớp sơn, gỗ sẽ bền hơn. Biết mà vẫn để như vậy cố làm ra vẻ sống đơn giản, chúng ta có cảm giác mình đang sống một cách giả dối. Rồi nơi ở cũng vậy, chúng ta có thể lợp cốc bằng tranh, làm bằng cây rừng cho đơn giản, mát mẻ. Nhưng tính ra lợp tranh, lợp lá lại phức tạp hơn nhiều lần lợp bằng tôn. Vì lợp tôn bền hơn, tranh lá mỗi năm lại phải thay, rất tốn công, tốn của. Bởi vậy, nhiều khi chúng ta muốn giữ cái vẻ đơn giản nhưng như thể đó là sự giả dối. Đây cũng là điều khó xử của người tu chúng ta.